Nguyên Vũ: “Nghĩa địa của các đế chế” và tương lai của mối quan hệ Taliban - Trung Cộng
“Nghĩa địa của các đế chế”
và tương lai của mối quan hệ Taliban - Trung Cộng
Nguyên Vũ
Afghanistan - "nghĩa địa của các đế chế" từ thời cổ đại cho tới ngày nay.
Trung Cộng đã quan hệ với Taliban từ lâu, đã thò bàn tay nhám nhúa vào Afghanistan từ lâu chứ không phải đợi đến khi Mỹ có quyết định chính thức rút khỏi đây vào cuối tháng 4/2021.
Afghanistan - khi cơn ác mộng mang tên Taliban quay trở lại
Đâu là nơi nóng nhất thế giới lúc này?
Không phải là thung lũng Chết ở California.
Cũng không phải là sa mạc Lut của Iran, nơi nhiệt độ có thể lên đến 80,8 độ C.
Không, chúng ta không đề cập đến thời tiết, mà là bầu không khí nhân tạo nóng hừng hực.
Nóng nhất lúc này, chính là một nơi mà gần như cả thế giới đang nín thở theo dõi, nơi mà:
Những sân bay đông nghịt người la thét hỗn loạn, cố gắng giành nhau một chỗ trên chiếc máy bay chật ních đang chuyển bánh;
Những dòng dân tị nạn lũ lượt chạy về thủ đô Kabul như có ma đuổi;
Những chiếc trực thăng đang ầm ầm cất cánh từ nóc đại sứ quán Mỹ
Những toán phiến quân đắc thắng, súng vác vai, đi lại vung vẩy trên đường;
Họ tràn cả vào dinh Tổng thống và chễm chệ ngồi trên những chiếc ghế bành sang trọng.
Sau những cuộc bắt bớ chém giết đẫm máu dọc đường hành quân
Cảnh người dân Afghanistan chen lấn lên máy bay tại Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 16/8. ..
Đó chính là Afghanistan, thất thủ trong tay phiến quân Taliban, sau khi nước Mỹ quyết định triệt thoái quân đội trú đóng tại nước này, chậm nhất đến 31/8/2021.
Chuyện gì đang xảy ra và vì đâu mà nên nỗi? Chúng ta trước hết hãy lần lại đầu dây mối dợ từ trong lịch sử, địa dư của vùng đất này.
Vài nét về phong thổ, địa dư
Afghanistan là một quốc gia Trung Nam Á, có địa hình chính là đồi núi và sa mạc, đông giáp Pakistan, tây giáp Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, và Tajikistan ở phía bắc, và Trung Cộng ở phía đông bắc. Thủ đô nước này là Kabul, dân số toàn quốc hiện gần 40 triệu người.
Afghanistan có tên gọi theo âm Hán Việt là A Phú Hãn, còn xét về cái tên Afghanistan thì “stan” có nghĩa là vùng đất, Afghanistan là “Vùng đất của người Afghan”. Afghan là cái tên mà người Pashtuns, sắc tộc chiếm ưu thế ở đây tự gọi mình, có lẽ từ thời kỳ Hồi Giáo chiếm thượng phong ở vùng này vào khoảng thế kỷ thứ 7 sau công nguyên.
Là quốc gia lục địa, Afghanistan là nơi thiên nhiên có những nét đối chọi nhau, nơi thì mùa đông lạnh khắc nghiệt, nơi thì mùa hè nắng chang chang. Nơi này nhiều nước nhưng lại khô hạn, bởi nước trong sông lớn, hồ chứa, tuyết trên núi… lại chảy vào các quốc gia láng giềng. Đã thế còn nhiều động đất.
Cảnh quan Afghanistan
Lợi thế của Afghanistan không nằm ở thiên nhiên trên mặt đất, mà là dưới lòng đất. Theo ước tính của Cục khảo sát Địa chất Hoa Kỳ năm 2007, trữ lượng khoáng sản đa chủng loại dưới lòng đất của Afghanistan trị giá khoảng 1000 tỷ Mỹ kim.
Nhưng lợi thế chính của Afghanistan phải là “địa điểm, địa điểm và địa điểm”… giống như một khẩu hiệu marketing quen thuộc ngày nay. Nằm trên giao lộ Đông - Tây và tuyến đường đi Nam Á, Afghanistan là nơi buộc phải đi qua nếu từ Trung Hoa muốn đi sang Ấn Độ, Ba Tư, hay tiến xa hơn sang các nước phương Tây. Con đường tơ lụa, chính là từ vùng Tây Vực hay Tân Cương của Trung Cộng ngày nay đi qua vùng đất này.
Tuy vậy, như một lý “tương sinh tương khắc” của minh triết phương Đông, lợi thế lại cũng chính là bất lợi, toát lên từ một hỗn danh không biết xuất hiện khi nào của Afghanistan: “Nghĩa địa của các đế chế”.
‘Nghĩa địa của các đế chế’
Có câu: “nhân sao vật vậy”, dường như thiên nhiên khắc nghiệt thì con người cũng khó mà dịu dàng, cộng thêm sự va chạm liên tục với ngoại nhân trên tuyến đường giao thông nhộn nhịp này, khiến hình thành cho con người nơi đây một cá tính khác biệt: tính bất trị.
Lịch sử đã chứng kiến vô số các cuộc xung đột của người địa phương với ngoại nhân và với nhau. Ngay từ thế kỷ thứ 6 TCN, Cyrus Đại Đế, nhà chinh phục lừng danh thế giới người Ba Tư (Iran ngày nay) đã rất vất vả mới chinh phục được vương quốc Bactria thuộc miền Bắc Afghanistan ngày nay. Cyrus viết đại ý rằng: “đây là miền đất lạ lùng, dân vùng này có tính phản phúc sớm đầu tối đánh rất khó trị” (*). Do đó, dù nhập Bactria vào lãnh thổ đế quốc Ba Tư, nhưng ngài không cắt quan cai trị, mà để cho các bộ lạc tự trị và triều cống.
Hai thế kỷ sau, Alexander Đại Đế người Macedonia cũng chỉ kiểm soát được vùng đất này trong một thời gian ngắn ngủi. Và sau đó, liên tục, các đế chế đến rồi đi, các dân tộc qua lại và xáo trộn, các tôn giáo từ Bái Hỏa giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo đã từng huy hoàng rồi lụi tàn. Cuối cùng, Hồi giáo chiếm ưu thế, cùng với dân Pashtuns và các lãnh chúa chia nhau cát cứ... đó là lúc xảy ra “Cuộc chiến Anh - Afghanistan lần thứ nhất” vào năm 1838.
Đế chế Anh thua cuộc
Đối đầu với một dân tộc hung hãn, khó có thể tin cậy và đã quen với một lịch sử liên miên chém giết, người Anh cũng sa lầy và bất lực. Sau “Cuộc chiến Anh - Afghanistan lần thứ ba” với vua Amanullah Khan của vương triều Barakzai năm 1919, nước Anh đành phải từ bỏ tham vọng làm chủ vùng đất này. Và như vậy, vương triều Barakzai bắt đầu từ đầu thế kỷ 19 đã tiếp tục cai trị Afghanistan. Nhưng ngay cả sau khi chiến thắng người Anh, họ luôn luôn bị thách thức bởi những bộ tộc bản địa. Cho đến năm 1973 thì ông vua cuối cùng của vương triều Barakzai bị lật đổ bởi một người tên Daoud Khan, người trở thành Tổng thống đầu tiên của nước này. Thế là chấm dứt nền quân chủ, Afghanistan theo Cộng hòa.
Lực lượng Anh và đồng minh tại Kandahar sau Trận chiến Kandahar năm 1880, trong Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ hai.
Đế chế Liên Xô sa lầy
Tổng thống Daoud Khan tiếp tục bị lật đổ sau một cuộc đảo chính đẫm máu năm 1978 bởi một đảng phái cộng sản - đảng PDPA. Thế là Afghanistan từ Cộng hòa chuyển sang Cộng sản. Đảng PDDA này cải cách xã hội, phân phối lại đất đai, đàn áp đẫm máu người bất đồng chính kiến và lại làm cho không khí đất nước sôi sục, rối loạn với các phe phái. Càng rối loạn hơn khi có sự tham gia gián tiếp của ngoại quốc: láng giềng Pakistan và đặc biệt là Liên Xô và Mỹ. Liên Xô đã điều quân vào chiếm đóng và dẫn đến “Cuộc chiến Liên Xô - Afghanistan” từ tháng 12/1979 cho đến 1989. Nhưng Liên Xô buộc phải rút quân sau hơn 9 năm hao người tốn của cả đôi bên, riêng Afghanistan có thể chết đến từ 562,000 đến 2 triệu người. Sau đó là cuộc nội chiến dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản PDDA năm 1992.
Taliban nổi lên tranh đoạt
Đất nước hỗn loạn, vô chính phủ, các phe phái đánh giết nhau và chỉ có nhân dân là khốn khổ nhất. Đến tháng 9/1994, Taliban nổi lên như một lực lượng dân quân theo đạo Hồi, được đào tạo tại các trường học Hồi Giáo (madrassa) tại Pakistan. Taliban thắng thế, thành lập tiểu vương quốc Hồi Giáo cực đoan vào năm 1996 mà chỉ được 3 quốc gia công nhận, trong đó có Pakistan.
Theo quân chủ không được, cộng hòa không xong, cộng sản cũng cuốn gói, giờ là chế độ khủng bố Hồi Giáo. Chế độ này cực kỳ hà khắc, tàn bạo với dân chúng. Cuộc nội chiến giữa Taliban và Liên minh phương Bắc càng khiến đất nước điêu linh. Và rắc rối chưa hết, vì như người xưa vẫn nói: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Taliban chứa chấp khủng bố Al Qaeda.
Đến lượt nước Mỹ sa lầy
Ngày 11/9/2001, cả nước Mỹ chấn động vì một loạt các cuộc tấn công khủng bố diễn ra đồng thời ở New York, Washington và Virginia. Thủ phạm được xác định là tổ chức khủng bố Hồi Giáo Al Qaeda. Vậy nên chính quyền Hoa Kỳ của tổng thống George W. Bush quyết định tiêu diệt tổ chức này. Vì Taliban chứa chấp và dung túng Al Qaeda trên lãnh thổ của mình, Hoa Kỳ xác định phải lật đổ chính quyền Taliban trước. Có ngờ đâu quyết định ấy khiến Hoa Kỳ sa lầy thê thảm, cái giá phải trả là 20 năm công lao hãn mã thành công cốc, 2261 tỷ Mỹ kim đi tong và không ít xương máu của người Mỹ đã đổ xuống đất này. Vì người Mỹ muốn thử nghiệm một mô hình khác cho Afghanistan: mô hình dân chủ.
Với sức mạnh áp đảo về quân sự, Hoa Kỳ nhanh chóng lật đổ chính quyền Taliban, trong khi Al Qaeda đã nhanh chân trốn sang Pakistan - đồng minh của Hoa Kỳ. Thế là thay vì đánh nhanh diệt gọn Al Qaeda và rút về, thì Mỹ chuyển đổi mục tiêu, đó là ở lại giúp Afghanistan xây dựng nền dân chủ, từ con số 0.
Không biết chính quyền Tổng thống Bush con lúc đó nghĩ gì và tại sao có một quyết định đầy phiêu lưu như vậy. Dường như quyết định chóng vánh này đã không xét đến những khía cạnh cực kỳ quan trọng: văn hóa, lịch sử và địa dư.
Trong mấy nghìn năm lịch sử, đất Afghanistan này chưa bao giờ xuất hiện bất cứ một khái niệm gì như “dân chủ”, nhân dân chưa từng được biết đến chế độ dân chủ, càng không có quá trình tập dượt và trưởng thành, muốn xây dựng nền dân chủ ở đây thật là “thiên nan vạn nan”.
Trong khi lịch sử lại cho thấy người Afghanistan rất khó có thể tin cậy được. Có lẽ nào người Mỹ đã quên trang sử của từ 2600 năm trước đây, khi Cyrus Đại Đế đã nhận xét đại ý rằng: “dân vùng này có tính phản phúc sớm đầu tối đánh rất khó trị”.
Chẳng nói đâu xa, chính thủ lĩnh Al Qaeda là Osama Bin Laden từng là người do Hoa Kỳ đào tạo để chống Liên Xô, sau quay ngoắt trở thành kẻ thù số 1 của Hoa Kỳ.
Và chính quyền Afghanistan thân Mỹ vì sao có quân số và trang bị vượt trội Taliban lại dễ dàng buông súng đầu hàng, trong khi Tổng thống Ashraf Ghani của họ được cho là nhanh chóng tẩu thoát với những xe chở đầy tiền mặt?
Chưa hết, còn một đồng minh Pakistan thân cận của Hoa Kỳ, vì sao dung dưỡng Taliban, rồi lại chứa chấp Al Qaeda?
Vậy đấy. Bài học xương máu của Cyrus Đại Đế và các đế chế trong lịch sử đã bị hậu thế quên phắt.
Yếu tố địa dư khiến cho vấn đề càng phức tạp thêm. Các quốc gia láng giềng của Afghanistan luôn đặt lợi ích riêng lên cao nhất khiến cho chính sách của họ thay đổi luôn xoành xoạch, trong đó có cả thái độ với Hoa Kỳ và Afghanistan, mà Pakistan là một ví dụ điển hình, dù họ là đồng minh với Hoa Kỳ.
Đó là chưa kể yếu tố tôn giáo và sắc tộc; những va chạm không đếm xuể giữa các quốc gia này trong lịch sử; những xung đột triền miên giữa các bộ tộc, các lãnh chúa cát cứ ở Afghanistan... khiến cho vấn đề càng thêm rối tinh rối mù.
Đã thế rồi, Mỹ còn đi lan man. Năm 2003, vì thông tin tình báo sai lạc, Hoa Kỳ chuyển trọng tâm tình báo và an ninh sang chiến trường mới là Iraq để đối phó với chính quyền Saddam Hussein mà Hoa Kỳ cho rằng có vũ khí giết người hàng loạt, thực tế không phải. Thế là Taliban lại hồi sức, còn người Mỹ thì ngày càng thêm mòn mỏi.
“Đêm dài lắm mộng”, lẽ ra đánh nhanh rút gọn, Mỹ đã lún ngày càng sâu vào Afghanistan và cuối cùng rút ra trong ê chề như chúng ta đã chứng kiến.
Thế mà vẫn có một đế chế mới nổi chỉ chờ Mỹ đi khỏi để thế chân trong “nghĩa địa” này.
Đến lượt “Đế chế đỏ” Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa nhảy vào “nghĩa địa”
Thực ra, Trung Cộng đã có mặt ở Afghanistan vào thời gian Mỹ “giữ nhà” cho nước này, với danh nghĩa làm ăn kinh tế, nhưng tranh thủ móc nối với các phe phái ở Afghanistan, trong đó có Taliban.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vision Times, Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả tư pháp nổi tiếng sống ở Úc và là Tổng biên tập của tờ Fire Of Liberty, đã tiết lộ độc quyền một số thông tin nội bộ do những người có lương tâm trong chính quyền ĐCSTQ cung cấp. Theo đó, Trung Cộng đã quan hệ với Taliban từ lâu, đã thò bàn tay nhám nhúa vào Afghanistan từ lâu chứ không phải đợi đến khi Mỹ có quyết định chính thức rút khỏi đây vào cuối tháng 4/2021.
Mối quan hệ Trung Cộng - Taliban đã có từ lâu, trước khi diễn ra cuộc gặp chính thức này
Trung Cộng đã xây dựng căn cứ để huấn luyện du kích khủng bố ở Hành lang Hà Tây (còn gọi là Hành lang Cam Túc) cho các nước Trung Đông, gồm cả Taliban. Trại này do các quan chức “chống khủng bố” của Bộ Công an Trung Cộng phụ trách.
Chi phí đào tạo mỗi du kích quân này chừng 10 nghìn Mỹ kim, nhưng sẽ làm Mỹ tổn thất gấp bội, từ đó mà tiêu hao sức mạnh của Mỹ, khiến Mỹ không rảnh tay để đối phó với Trung Cộng ở những vấn đề khác.
Thậm chí, dù ngoài miệng Trung Cộng luôn hô hào chống khủng bố, nhưng chính nước này cũng từng cung cấp chỗ trú chân và nơi chữa bệnh cho Osama Bin Laden, cũng theo thông tin của ông Viên Hồng Băng.
Vậy Trung Cộng nhắm đến điều gì khi ra mặt hợp tác và ủng hộ Taliban giành được chính quyền?
Thứ nhất, là tái khởi động dự án “Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Cộng” thuộc sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” hay “Một vành đai, một con đường”. Trung Cộng cần mượn đường qua Afghanistan để tới bờ biển của Pakistan, điều không thể thực hiện được khi Mỹ và chính quyền Afghanistan thân Mỹ còn ở đó.
Thứ hai, là dùng Taliban - tổ chức khủng bố hung dữ nhất, để trị “khủng bố” Duy Ngô Nhĩ - theo cách gọi của ĐCSTQ. Taliban sẽ giao nộp người Duy Ngô Nhĩ lẩn trốn ở đây cho Trung Cộng.
Thứ ba, là nhắm đến những mỏ khoáng sản khổng lồ trị giá 1000 tỷ Mỹ kim của Afghanistan.
Thứ tư, là Trung Cộng và Taliban “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, sẽ cùng nhau tung hứng để đổi đen thay trắng, tẩy rửa cho tiếng tăm đã quá xấu xa của mình trên trường quốc tế.
Và cuối cùng, có thể là nhắm đến Mỹ.
Trung Cộng muốn thế chân Hoa Kỳ để bành trướng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á. Chưa hết, Trung Cộng hỗ trợ Taliban, khiến Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh và mất uy tín - một màn diễn khiến quốc gia nào cũng phải đánh giá lại về độ tin cậy trong mối quan hệ với Mỹ. Dường như Trung Cộng đang thực hiện chiến thuật “ném đá dò đường” để “nắn gân” Mỹ và các đồng minh. Và sau Afghanistan sẽ là vùng lãnh thổ, lãnh hải nào? Biển Đông? Biển Hoa Đông? Hay Đài Loan?
Nhưng Trung Cộng đừng quên những bài học lịch sử nơi “nghĩa địa các đế chế” này, liệu Trung Cộng có trở thành nạn nhân tiếp theo hay không? Nhất là mối quan hệ giữa hai kẻ tàn bạo tráo trở có thể nào có hậu? Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi vì hình như màn diễn chính vẫn còn chưa bắt đầu.
Nguyên Vũ
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404