COVID-19 : QUYÊN GÓP TỪ THIỆN TRÊN MẠNG CÓ ĐÁNG TIN CẬY ?

Diễn Đàn

Covid-19 : Quyên góp từ thiện
trên mạng có đáng tin cậy ?


Nhân viên y tế trong phòng hồi sức bệnh viện Pháp-Anh ở Levallois-Perret, ngoại ô Paris, ngày 15/04/2020. REUTERS - BENOIT TESSIER

Virus corona đã tạo ra sự đoàn kết với những người ở tuyến đầu chống dịch ở Pháp cũng như trên toàn thế giới. Để bày tỏ tinh thần tương thân tương ái, nhiều đợt quyên tiền đã được tổ chức trên mạng. Thế nhưng, liệu số tiền quyên góp có đến tận tay người có nhu cầu. Nói cách khác, các quỹ ‘‘từ thiện trực tuyến’’ có thật sự đáng tin cậy ?
Trong những tuần lễ vừa qua, hàng chục ngàn thông điệp đã được tung lên mạng internet, chủ yếu để kêu gọi mọi người Pháp đóng góp, trước hết là để hỗ trợ toàn bộ nhân viên ngành y tế, và bên cạnh đó, còn có chuyện quyên góp để giúp đỡ giới cao niên, các gia đình nghèo đông con hay người lao động bị mất việc do có quy chế độc lập hoặc không có hợp đồng dài hạn.
Tuy nhiên, một số người cũng tìm cách lợi dụng tình đoàn kết này để lập ra những trang web quyên góp cho lợi ích cá nhân. Trường hợp này đã từng xẩy ra vào thời có đợt quyên tiền sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris tháng 04/2019. Điều đó đã khiến cho bộ Tư Pháp và Nội Vụ Pháp phải đăng thông cáo chính thức trên mạng xã hội, kêu gọi người dân kiểm chứng nguồn tin cũng như danh tính của cá nhân hay tổ chức đề xuất quyên góp, mỗi lần họ quyết định tặng tiền cho các quỹ từ thiện, dù chỉ là vài euro thông qua tin nhắn SMS.
Tổng cục DGCCRF chuyên kiểm soát cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận cho biết người dân có thể báo cáo về các hành vi lừa đảo trên trang web chính thức ‘‘Signal Conso’’, còn các trang cá nhân kêu gọi quyên góp khi được thực hiện ở mức nhỏ rất khó kiểm soát. Trên thực tế, các hộ gia đình có tâm lý mỗi nhà góp một ít, cho nên cũng hiếm khi nào họ kiểm tra xem số tiền quyên góp chung có thực sự được trao tận tay cho người có nhu cầu hay không.
Còn theo cơ quan cảnh sát Pharos, chuyên phòng chống các hành vi phạm pháp trên mạng, các kẻ lừa đảo chuyên nghiệp thường có những thủ đoạn tinh vi hơn, chẳng hạn như lập trang web hay gửi email giả mạo với logo y hệt như các mạng chính thức của các đoàn thể hay hiệp hội từ thiện. Một trong những cách kiểm chứng chắc chắn nhất là gọi điện thoại đến trụ sở của các đoàn thể (Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Bệnh viện công Paris, Secours Populaire ….) để hỏi thêm thông tin về đợt vận động quyên góp cũng như tài khoản chính thức dành cho việc quyên tiền.
Theo mạng Leetchi của Pháp, tương tự như GoFundMe của Hoa Kỳ, vào giữa tháng 04/2020 đã có hơn 10.000 quỹ cá nhân quyên góp chống dịch Covid-19, tức là đã tăng gấp đôi so với cách đây một tháng (4.300 quỹ quyên tiền). Tính tổng cộng, số tiền quyên góp lên đến gần 6 triệu euro, và điều đó khiến cho ban quản lý mạng Leetchi càng phải đề phòng, cảnh giác để tránh mang tiếng xấu. Theo cô Alix Poulet, giám đốc công ty Leetchi, bình thường mạng này được dùng với mục đích gia đình hay cá nhân, các lời kêu gọi thường được dành cho việc quyên tiền cho đám cưới hỏi, sinh nhật, tiệc thân hữu, mua quà cho gia đình hay bạn bè. Trong những trường hợp này, ban quản lý ít điều tra về mục đích xác thực của người đứng ra quyên góp.
Ngược lại, trong trường hợp quỹ quyên góp được lập ra, kêu gọi sự hào phóng cững như lòng hảo tâm của người Pháp, tặng tiền để làm việc từ thiện, thì lúc ấy ban quản lý mạng Leetchi yêu cầu cá nhân hay tổ chức đứng ra quyên góp phải chứng minh danh tính cũng như xác nhận tài khoản và hóa đơn trước khi mạng này giải ngân và chuyển tiền quyên góp đến tận tay người nhận.
Cô Alix Poulet nhắc lại một trường hợp cụ thể, một cá nhân đã mở quỹ trên mạng Leetchi để quyên góp, hầu giúp đỡ các nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện ở Marseille. Số tiền quyên góp lên đến hàng ngàn euro. Tuy nhiên, đến khi được hỏi, cá nhân này đã không cung cấp được các thông tin cần phải kiểm chứng (danh tính có thể được chứng minh với thẻ căn cước và số tiền được chuyển thẳng tới tài khoản của bệnh viện chứ không qua trung gian của một tài khoản cá nhân). Do bị nghi ngờ là giả mạo, quỹ quyên góp đã bị mạng Leetchi đóng lại, tài khoản cũng bị xóa và số tiền quyên góp được hoàn trả lại cho tất cả những người đã từng tham gia.
Về phần công ty Le Pot Solidaire, mạng quyên góp này khác với mạng Leetchi, ngay từ đầu giới hạn các dự án hay đề xuất quyên góp cá nhân, và chủ yếu tập trung vào các đoàn thể và hiệp hội có uy tín, có kinh nghiệm lâu năm trong việc quyên tiền làm việc từ thiện. Cùng với công ty HelloAsso, mạng  Le Pot Solidaire đã lập ra trang chính thức mang tên là  ‘‘Don-Coronavirus’’ tập hợp 350 hiệp hội khác nhau nhưng có cùng một mục đích là hạn chế đà lây lan của virus corona và giúp đỡ những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Kết quả là mạng này đã quyên góp được 2 triệu euro chỉ trong 5 ngày đầu tiên hoạt động. Việc tạo giới hạn ngay từ ban đầu các đề xuất cá nhân có thể gây thất vọng nơi một số người thật sự có tấm lòng, nhưng đồng thời cũng hạn chế bớt các trường hợp lạm dụng. Thực tế từng cho thấy vào thời có lời kêu gọi lòng hảo tâm thì thường xẩy ra những hành vi lừa đảo, gian lận.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top