• Lẩm Cẩm Sự Đời, Đoàn Công Tử: Chán Cơm chỉ còn Cháo…

Diễn Đàn

• Lẩm Cẩm Sự Đời, Đoàn Công Tử

Chuyện ngoài quán cà phê


Chán Cơm chỉ còn Cháo…

Gần cuối bài 3 có nói đến chuyện “Chán cơm thèm phở” của mấy anh còn phong độ chứ các bạn già của Hai Can khi chán cơm chỉ còn ăn cháo.

Cháo mà không có... cháo là:

* " Anh có cơm thì tui có cháo ", câu hay dùng trong các cuộc làm ăn chạy mánh. Anh kiếm triệu đồng thì tui kiếm trăm ngàn, đại ý như vậy. Còn khi nói" Anh có cơm tui có cháo bào ngư" là anh kiếm triệu đồng tui kiếm 5 triệu. Mấy anh tham quan  đều rành các câu này.

* "Kiếm chút cháo" là kiếm ăn nho nhỏ hay có lúc to mà nói xạo là nhỏ. Còn dùng trong việc tán tỉnh nguời đẹp, kiếm chút cháo còn có nghĩa tìm cách sơ múi chút chút, cũng có khi lớn chuyện mà giả bộ, món này các ông lớn rất giỏi và mấy anh dê xồm cũng rành.


* " Chỉ có nuớc húp cháo" tức là:  Không còn lợi lộc gì, khi nói đến chuyện làm ăn,  trâu chậm uống nuớc đục. Còn trong Bệnh viện là coi chừng bệnh quá nặng rồi, như anh Duơng văn Minh ngày 30/4.

* " Ăn cháo đá bát  ( hay đái bát):  Chỉ loại vô ơn, bạc nghĩa..., mấy bà già nuôi giấu tụi nó, sau này hay chửi tụi nó như vậy.

Tuy nhiên có những loại cháo không nên ăn :

 * " Húp cháo rùa ",  Rùa mà bỏ vô nồi nấu cháo thì nó ỉa ra nồi cháo, có chịu húp không ? Ý nói là lãnh cái búa tài xồi, ăn cái bã mía. Cái này là mấy anh VN húp rất hay.


* " Ăn cháo Lú" , Diêm vương hay đãi nguời mới xuống định cư xứ Hiệp Chủng Quốc Âm Phủ bằng món này để hồn ma không còn nhớ gì hồi còn tại thế. Ăn cháo Lú cũng đuợc dùng để mắng nhiếc mấy anh chơi dại lấy tiếng ngu, hay mấy anh đầu óc u tối không khôn lên nổi. Mấy anh làm gì cũng hư bột hư đường.

Nhưng cũng lưu ý những loại cháo nên ăn:

* Buổi sáng : Cháo trắng, cháo đậu, ăn với hột vịt muối, hột vịt bắc thảo, cá kho mặn, củ cải muối...

* Buổi chiều : Cháo lòng, Cháo vịt, cháo gà, cháo cá, cháo thập cẩm, cháo huyết


* Buổi tối: Cháo phone, ôm điện thoại nói chuyện như muốn nấu cháo cái phone luôn. Có món cháo ông La thoại Tân nói là mấy tiệm bán cháo lòng hay bỏ dấu lộn bị đọc trại ra cháo "lông" ăn vô ho dữ lắm.

* Ăn cháo xin đừng dê chị bán cháo vì nồi cháo còn quá nhiều cháo, nhưng ngồi chờ hết cháo tính dụ khị chị bán cháo, thì chồng chị bán cháo hăm he:  " Bộ muốn rụng không còn cái răng ăn ...cháo ? ".

Hồi xưa hay ra tiệm phở Tuờng Nguyên vừa ăn phở vừa chơi với Ninh, bản thực đơn có món Cháo Heo 5$,  món Cháo Bò 6$. Thuờng thì món "Cháo Heo" không dành cho nguời mà dành cho heo, gồm thức ăn dư hầm bà lằng, chua lè. Ngó qua ngó lại không thấy bác chủ tiệm, không thấy chị Thoa, không thấy Ninh bèn sửa chữ H của chữ Cháo Heo thanh chữ M với dấu huyền, thành Cháo Mèo,  thấy còn có lý hơn, còn dễ ăn hơn là cháo heo, cho cải tạo cũng không thèm ăn chớ ở đó mà bán...

* Cơm khô cơm thảo, cơm nhão như cháo là cơm hà tiện. Ông ăn mày hay xin " Ông bà cô bác có lòng thuơng xin cho chén cháo qua ngày...". Đừng ngu dại vội chạy vô nhà nấu cháo hay lấy cháo thừa cho ổng, ông không thích đâu, cháo trong truờng hợp này là... cash, là tiền mặt, tiền giấy, tiền cắc cũng tạm được.

* " Đuợc sống bên em, ăn cháo anh cũng vui ", nói  xạo đó, nói "cháo" là ý nói cơm gà cá gỏi, vi cá tôm hùm đó. Khi em đã không còn đẹp nữa, em sẽ thấy cái bát bị đá dù vẫn còn cháo bào ngư trong đó.

* " Em yên tâm, già như anh chỉ còn có nuớc húp cháo, về VN còn làm ăn đuợc gì mà em lo bỏ condoms vô va li dằn mặt anh, giống như móc họng anh vậy...".  Gặp vua xạo rồi đó, chỉ còn húp  "cháu" và ăn tuơi nuốt sống "cháu" thôi, hơi đâu mà tin thằng cha nội chỉ ăn cháo vịt, nó chỉ ăn Cháu gà móng đỏ U25.
Còn thứ cháo nào khác, xin các anh chị bổ sung.

Chúc ăn cháo vui cuối tuần...
Sep 12/2015

 
Cơm và Cháo

Có ông bạn hỏi chọc Đoàn công tử là cảm giác khi ăn phở vì chán cơm ra sao ? Ông này biết Đoàn gia vốn đàng hoàng nên hỏi phá chơi như hỏi Thầy Chùa muợn luợc. Thấy mình hiền mấy ảnh ăn hiếp, gán ép chuyện trời thần. Thiện tai, thiện tai. Đừng dại mà khai !

Bữa nào vì lý do nào đó không ăn cơm thấy như thiếu thiếu cái gì, chân hơi run, mặt mày dáo dác, thèm cơm như vậy mà đòi ăn phở cái nổi gì. Không phải ai cũng khoái ăn phở như mấy anh !

Cơm là gạo nấu, cháo là gạo luộc. Cơm thứ thiệt gồm có : cơm trắng ăn với thức ăn,  cơm gạo lứt ăn với muối mè, cơm gạo đỏ ăn với cá kho, mắm nêm, cơm tấm bì suờn, chả, hột gà, phá lấu khìa, lạp xuởng. Cơm nếp nguời ta gọi là xôi. Cơm có nhiều kiểu nấu, nấu trên lò kiểu cũ, lò củi, lò than, lò dầu, lò ga, rơm rạ, bây giờ nấu nồi cơm điện, nhưng cơm ngon nhất nấu bằng nồi đất như cơm niêu. Còn màn phụ diễn đập niêu ngoài quán là thỏa mãn tính xấu loài nguời, “ăn cơm đập nồi, ăn cháo đá bát”, đã nói ở bài truớc.

Cơm nó quan trọng trong  đời sống chúng ta quá. Nhưng cũng có những thứ cơm không nhất thiết từ gạo mà cũng gọi là cơm vì nó gần gủi chúng ta, ai cũng biết. Nghe Đoàn gia nói lại cho vui và cuời chơi :

-Cơm mà không là cơm mà là lễ nghĩa: kiểu " Mời anh chị sẵn bữa dùng cơm ạ".  Đừng tưởng bở ngồi xuống là mất phép lịch sự đó nhen, trai thì mất vợ, gái thì mất chồng, sồn sồn thì mất sui gia, cấp duới thì hết lên lon, cấp trên thì muốn đá... đít.

-"Ngon cơm" : là nói anh này chị nọ đẹp, dáng tuớng xem hấp dẫn quá. " Em này còn ngon cơm", "chị này dày cơm quá...".

-"Kiếm cơm":  không phải xách cái nồi chạy lòng vòng tìm cơm mà là đi làm kiếm tiền rồi ăn cơm ăn phở gì đó sẽ tính sau.

-"Cái cần câu cơm": là đồ nghề, là chuyên môn, là nghề hay nguời giúp mình làm ra tiền, kiếm lợi, như ca sĩ đối với sô diễn, như vũ nữ đối với vũ truờng.

 -"Đồ báo cơm":  là nguời chỉ ăn hại, mấy anh này hay bị vợ đá ra khỏi nhà. Có thể nói "không nên cơm cháo gì " cũng trong ý này.

- "Đập bể nồi cơm": là hành động phá hại việc làm ăn, của mình thì thây kệ mình, của nguời khác thì bị đòn, bị thưa ra tòa. Bầu sô hay than khi ca sĩ bên VN qua, hay bị cộng đồng biểu tình...

- "Ăn cơm nhà vác ngà voi": mấy anh bỏ công sức làm việc thiện nguyện, chuyện cộng đồng, có lắm khi tốt có khi là chuyện ruồi bu cu ngựa.

 - "Phuờng giá áo túi cơm":  mấy cha nội làm cái  quái gì cũng có hậu ý tìm danh lợi dù nhỏ nhặt. Hay marketing và PR để thu lợi, có lúc rất kín đáo có khi lộ liễu.

- "Ăn cơm tui hại tôi":  làm việc vô tình hại chủ mình, đá banh vào gôn nhà, đái vô chân mình.

- Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản: Mấy ông chống Cộng hay xài câu này để mạt sát lẫn nhau, ý nói hưởng bổng lộc ông Thiệu làm việc có lợi cho ông Hồ. Thiệt ra đuơng sự cũng phải đi làm thí mẹ mà sống chứ Quốc gia hay Cộng sản có cho ăn free, có cơm sẵn cho mà ăn à ?

 - Cơm no bò cuỡi:  nguời có số nhờ phụ nữ nuôi sống và phục vụ ái ân, kiểu như Lao Ái đời nhà Tần và nhiều anh trai nhảy đời Đổi mới..

 - "Ăn cơm chúa múa tối ngày" : nói tới chuyện làm việc chí cốt đáng đồng luơng và rất ngu trung dù có khi chủ đã sai trật tanh bành.

- "Cơm ta ta ăn": muốn hiểu là có tinh thần tự lập cũng đuợc, mà hiểu ích kỷ, chỉ biết mình mình, cũng được, không có tinh thần quốc tế vô sản, tuơng trợ đồng minh. Rất khó chơi !

- "Cơm hàng cháo chợ vợ lang thang" : hoàn cảnh thuờng trực hay tạm thời của những anh độc thân vui tánh có khi xấu tánh nên bị cu ky một mình. Cũng để nói tới những anh phải xa nhà, không vợ con bên cạnh để săn sóc, mấy anh hay đi VN một mình chẳng hạn, như anh Minh, anh Khoa.

- "Chán phở ( hay phở chán) quay về, chắc gì còn cơm": là câu  dằn mặt mấy anh không nên nết, không biết liệu cơm gắp mắm, cơm mà không biết quý, cứ đòi ăn phở Bắc Hà lội. Nên nhớ cơm mình phở nguời,  phở mình cơm nguời. Khi về lại mái nhà xưa, tìm cơm khét đáy nồi cũng không có và cả cơm thiu cũng không còn...


Sep 14/2015
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top