PHỎNG VẤN GIÁM MỤC PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP

Kiều Mỹ Duyên & Lm Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn

PHỎNG VẤN

GIÁM MỤC PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP

Về Lũ Lụt Miền Trung, Thiên Tai Cộng Với Nhân Tai Gây Đau Khổ Và Thiệt Hại Rất Lớn Cho Dân, Về Vấn Đề Formosa, Về Việc In Lại Tự Điển Tabert…


Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn, giám đốc đài truyền hình VBS, giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, và Kiều Mỹ Duyên (hình từ trái sang)

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
 Truyền hình VBS rất hân hạnh được đón tiếp Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngài đã dành một ít thời giờ lên đài của chúng tôi để chia sẻ tâm tư cũng như một số chương trình bác ái mà ngài đang thực hiện.
Về tiểu sử của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, tôi thấy ngài rất mực thông minh và dấn thân mục vụ. Tuy nhiên vì thời giờ có hạn, nên tôi nói tóm qua về tiểu sử của ngài như sau: Đức Cha Nguyễn Thái Hợp sinh ngày 2 tháng 2 năm 1945, năm 19 tuổi ngài vào dòng Đa Minh và được thụ phong linh mục tháng 8 năm 1972 và sau đó ngài đi du học và đậu Tiến Sĩ triết học năm 1978 và Tiến Sĩ thần học luân lý năm 1994. Tháng 5 năm 2010 ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Vinh, cùng năm đó ngài được bổ nhiệm là Chủ Tịch ủy ban Công Lý Hòa Bình trực thuộc hội đồng giám mục Việt Nam. Cuối năm 2018, ngài được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh.
Hiện nay ở tuổi 77 ngài đã về hưu, tuy nhiên đối với ngài về hưu có nghĩa là trở thành hươu chạy băng rừng vượt núi để phục vụ tha nhân.
Giờ đây, con xin kính mời Đức Cha có mấy lời với khán thính giả của hệ thống truyền hình VBS và sau đó thì chị Kiều Mỹ Duyên sẽ có một số câu hỏi gửi tới Đức Cha.
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Chân thành cảm ơn cha giám đốc đài VBS, cho đến hôm nay tôi mới văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Hôm nay do duyên kỳ ngộ, tôi được đến đây để đàm đạo với cha giám đốc và tất cả quý vị khán thính giả và hy vọng nhờ đài thì tiếng nói của tôi được vang khắp hoàn cầu.
Xin chân thành cảm ơn và cũng rất mong được chia sẻ đôi điều với chị Kiều Mỹ Duyên cũng như với cha giám đốc, và qua hệ thống của đài, chúng tôi cũng ước mong rằng những nhu cầu và nguyện vọng của chúng tôi cũng được loan đi đến nhiều phương trời. Xin chân thành cảm ơn.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Bây giờ, chị Kiều Mỹ Duyên có một số câu hỏi muốn gửi đến Đức Cha, để nhờ ngài trả lời những câu hỏi của chị.
Kiều Mỹ Duyên:
Cám ơn cha giám đốc của đài VBS. Kính thưa Đức Cha, cách đây mấy năm, con có phỏng vấn Đức Cha cũng do đài truyền hình của VBS phỏng vấn trực tiếp từ Hoa Kỳ về Việt Nam, Đức Cha có cho biết Đức Cha đang lo cứu lụt, đang ngồi trên chiếc thuyền mỏng manh và mặc áo phao, rủi mà chiếc thuyền đó lật xuống thì người mà mặc áo phao nổi lên, không bị chết đuối. Đức Cha nói Đức Cha đã làm được một công trình rồi, còn 4 công trình nữa cho người lũ lụt, cứu họ khỏi cảnh tan nhà nát cửa.
Bây giờ, thưa Đức Cha còn 4 công trình nữa thì bao lâu mới thực hiện xong và nếu muốn thực hiện được 4 công trình này, Đức Cha cần bao nhiêu tiền để đồng bào hải ngoại, là những người rất mong Đức Cha đến, và tấm lòng của đồng bào rất là hỷ xả, quan tâm đến các nạn nhân lũ lụt và công việc của Đức Cha đang làm sẽ nhiệt tình hỗ trợ.


Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm giáo xứ Trung Quán, Quảng Bình (10/10/2022)


Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm từng nhà và tặng quà, động viên người dân bị lũ lụt.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Cảm ơn chị, qua câu hỏi nó để chúng tôi có cơ duyên, có dịp để trình bày nguyện vọng. Trước hết là cảm ơn tấm lòng của rất nhiều quý khán thính giả đã giúp đỡ và cũng cảm ơn quý vị khán thính giả đã tin tưởng nếu chúng tôi để vừa qua chúng tôi có thể là một số chuyện cho những nạn nhân lũ lụt.
Trước đây, chúng tôi đã cộng tác qua nhiều vấn đề xây nhà vượt lũ rồi di dời. Bởi vì quê của chúng tôi như mọi người nói:
Quê tôi gạt sỏi tìm cơm,
Hết mưa, thôi lũ, lại cơn bão gần.

 Cứ tính ra khoảng hai ba năm lại có một lần lũ lụt. Những trận lũ lụt trước đã giải quyết xong còn trận lũ lụt sau cùng này, chúng tôi dự định làm 5 cái nhà vượt lũ. Nhà vượt lũ đó vừa là một ngôi nhà nguyện, vừa là chỗ để dạy học, vừa là chỗ sinh hoạt cộng đồng, và khi lũ đến thì trở thành trung tâm vượt lũ. Chính vì vậy, ngôi nhà trên tầng cao nhất có đường để cho xe gắn máy đi lên, và cũng có chỗ để cho thuyền cập bến. Trong lần lũ lụt sau cùng này, chúng tôi dự định làm 5 ngôi nhà, một ngôi sắp khánh thành, còn ba ngôi nhà khác thì còn dang dở, có lẽ là ít lâu nữa có thể khánh thành khi có thêm ngân khoản, riêng một ngôi nhà thì chưa có thể khởi động vì vấn đề giấy tờ rất là rắc rối, không biết bao giờ mới có thể khởi động được.


Nhà vượt lũ.

Chi phí chúng tôi làm tương đối rẻ hơn nơi khác vì nhân công là do dân, mình chỉ tốn tiền để mua vật liệu, tất cả các chi phí về nhân công lại ít, chúng tôi hy vọng rằng cũng không biết bao nhiêu nhưng mà là tôi nghĩ rằng khoảng độ từ $60,000 đến $65,000 nữa thì có thể xong được những cái còn lại, vì nhiều khi gỗ là dân họ cũng đóng góp, vì phần đó là nhà của dân.

Kiều Mỹ Duyên:
Kính thưa Đức Cha, Đức Cha nói là còn cần khoảng $65,000. Kính thưa quý khán thính giả của đài VBS, với $65,000 ở Việt Nam khó nhưng mà với quý khán thính giả của đài VBS, đó là việc nhỏ, việc nhỏ thôi, Kiều Mỹ Duyên có lòng tin.
Quý vị có thể gọi vào đài, sau chương trình này hoặc là bây giờ có chuyên viên của đài đang nghe điện thoại. Quý vị nào muốn đóng góp, không phải đóng góp một lần $65,000 đâu, mỗi người $500, $300 hay vài chục thì trong chừng mấy giờ đồng hồ sau sẽ được $65,000, con có niềm tin như vậy.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Như chị nói, số tiền $65,000 là nhỏ, nhưng đối với người dân của chúng tôi, nhất là những nơi nghèo thì $65,000 rất là lớn. Họ rất cảm ơn khi nhận được sự  hỗ trợ đó, rồi chính họ sẽ bỏ thêm và nhất là bỏ công của họ.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Xin Đức Cha lặp lại câu ca dao nói về miền Trung vất vả như thế nào?
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Miền Trung của chúng tôi rất vất vả như người ta thường nói là vùng đất chó ăn đá, gà ăn muối. Có câu ca dao:
Quê tôi gạt sỏi tìm cơm.
Hết mưa, thôi lũ, lại cơn bão gần.
 
Năm nay, không những thiên tai mà còn bị nhân tai. Nhân tai đó gây khốn khổ, vì những đập nước làm không đúng quy cách, đáng lẽ ra những đập thủy điện phải là những đập lớn, vừa tích nước khi mùa hè đến và tích nước khi lũ đến, thế mà họ không làm đúng quy cách thành ra rất nhiều đập nước lại xả lũ khi mưa đến lớn nhất. Nhân tai cộng với thiên tai, thánh nhân trở tay không kịp.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Thưa Đức Cha, những đập nước như vậy là do chính phủ xây cất hay là các hãng tư nhân họ nhận ký thầu xây cất, thưa Đức Cha?

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Đa số cũng do tư nhân họ thầu và họ xây. Họ xây không đúng quy cách và họ làm kiểu như mình ăn liền. Chính vì vậy gây ra khốn khổ. Đáng lẽ ra họ phải biết là mưa sắp đến, lụt sắp đến rồi, họ phải xả nước đi, để rồi khi mưa đến, lũ đến, thì có chỗ để tích nước. Đáng lẽ ra cái đập nước đó phải làm rất là lớn, để vừa tích nước cho mùa hè, và vừa tích nước lũ, giảm khối lượng của nước đến, nhưng mà làm không đúng quy cách. Thành ra thiên tai cộng với nhân tai gây ra khổ đau và thiệt hại rất lớn.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Thưa quý khán thính giả, thưa quý ông bà chị em, khi nãy Đức Cha đã trình bày để xây 5 cái nhà vượt lũ còn thiếu $65,000. Nếu trung bình xây mỗi nhà như vậy thì chi phí bao nhiêu, thưa Đức Cha?

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Năm căn nhà đó không giống nhau. Có cái lớn, có cái bé.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Vậy là còn thiếu $65,000 nữa thôi, thưa quý ông bà chị em. Ở Việt Nam $65,000 đó là rất lớn, nhưng mà đối với chúng ta bên Mỹ này, nhờ Chúa thương, chúng ta sống ở một đất nước hết sức sung mãn, thì $65,000 chúng tôi không nghĩ là lớn lắm, bởi vì chúng ta thấy một căn nhà trung bình ở vùng này, Orange County, hiện tại bây giờ là $800,000 đến $900,000, anh chị em chúng ta thấy số tiền $65,000 thì không có gì là khó khăn, nếu anh em chúng ta thật sự muốn giúp ngài, để giúp đỡ cho những anh em ruột thịt của chúng ta tại quê nhà có nơi để cư trú, có nơi để sinh hoạt.

Chúng tôi và một số người đã cố gắng hy sinh, hỗ trợ cho quý anh chị em của chúng ta Việt Nam. Hôm nay, chị Kiều Mỹ Duyên tình nguyện đóng góp cho Đức Cha một số tiền, còn riêng với tôi đại diện cho trung tâm Our Lady Of Peace, kính tặng Đức Cha $3,000. Nếu quý ông bà chị em nào có lòng thương Đức Cha thì xin gọi vào trong đài bây giờ để có thể cho chúng tôi biết số tiền mà quý vị muốn quảng đại giúp đỡ cho Đức Cha, để có dịp ngài đưa về phục vụ cho đồng bào thì xin gọi vào các số điện thoại mà chúng ta thấy trên màn hình.

Hai là nếu quý vị hôm nay chưa sẵn sàng thì xin quý ông bà, anh chị em có thể viết check và gửi tiền mặt gửi đến địa chỉ là 9938 Bolsa Avenue, Suite 206, Westminster, California 92683.
Nếu quý vị muốn gửi bằng thẻ tín dụng, hãy gọi vào 714-617-4133 hay 714-843-1888.
Nếu quý vị muốn dâng cúng bằng tiền mặt, xin gọi những số điện thoại đó, và cho biết gửi bao nhiêu, chúng tôi sẽ ứng trước để gửi Đức Cha. Còn nếu không thì khi nào quý vị có thời gian thì hãy đến Đài truyền hình VBS để dâng cúng và chúng tôi sẽ chuyển về cho Đức Cha sau này.
Kiều Mỹ Duyên:
Thưa quý khán thính giả của đài VBS, còn 40 phút nữa, nếu quý vị gần Little Sài Gòn, quý vị có thể đến đài ngay từ bây giờ. Sau chương trình này, Đức Cha sẽ tiếp xúc với quý vị, và quý vị muốn tặng cho người lũ lụt chứ không phải tặng cho Đức Cha đâu. Mỗi lần là ai có gửi tặng cho Đức Cha, chúng tôi kêu quý vị cảm ơn Đức Cha, vì nhờ có Đức Cha, ngài biết làm việc, chứ bây giờ chúng ta đâu có đâu có cơ hội đi về Việt Nam, rất là khó khăn.
Mời quý đồng hương gọi vô đài hoặc là đến đài ngay từ bây giờ, sau 6 giờ thì quý vị sẽ được gặp Đức Cha có mặt ở đài. Sau chương trình này, Đức Cha sẽ đón tiếp quý vị. Tôi tin số tiền $65,000 là số tiền nhỏ thôi, xin quý đồng hương giúp đỡ Đức Cha. Mỗi người góp $300, $500 trong vòng 1 giờ đồng hồ quý vị có thể giúp hơn số tiền này, phải không, kính thưa cha giám đốc?

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Đúng rồi, nếu quý vị có lòng.

Kiều Mỹ Duyên:
Kính thưa Đức Cha, về vấn đề Formosa, đồng bào mình ở khắp nơi trên thế giới đều rất quan tâm, và họ cũng ngưỡng mộ Đức Cha, đã can đảm, hào hùng bênh vực những người nghèo và những người bị bất công. Thưa Đức Cha, Đức Cha vận động bao nhiêu năm nay, bây giờ chương trình giúp cho nạn nhân của Formosa đến đâu rồi, thưa Đức Cha?

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Cám ơn chị đã nhắc lại một câu chuyện dài, và cũng là mối bận tâm của chúng tôi kể từ năm 2016 đến nay. Trong năm 2016, chúng tôi cùng với một số anh em đã đi từ Na Uy, đến Đan Mạch, Đức và sau đó Bỉ, để gặp của một số văn phòng đại diện cộng đồng Âu Châu để trình bày về thực trạng vụ án Formosa. Đó không phải là một thảm trạng chỉ xảy ra ở vùng Hà Tĩnh và rồi Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Nghệ An, tới 5 tỉnh.


Hiện tượng cá chết trên bãi biển của 5 tỉnh miền Trung, đó là một thảm trạng.

Hiện tượng cá chết trên bãi biển của 5 tỉnh miền Trung đó là một thảm trạng, chúng ta không biết bao giờ mới có thể trở lại, và cũng rất buồn là vì Liên Hiệp Quốc cũng như một số nước muốn gửi chuyên viên đến để có thể dùng những khoa học kỹ thuật để làm sạch lại môi trường biển nhưng không được chấp thuận. Trước mắt, rất nhiều đồng bào rơi vào cảnh là nạn nhân của thảm trạng đó. Đối với ngư dân, biển là nguồn sống của họ, cha ông họ bao nhiêu đời vẫn sống ở biển, từ biển họ tìm được lương thực để nuôi sống, từ biển họ tìm được tiền để xây nhà để cho con ăn học, từ biển họ tìm được những nhu cầu của cuộc sống.


Đối với ngư dân, biển là nguồn sống của họ, từ biển họ tìm được lương thực để nuôi sống gia đình.

 Câu chuyện Formosa không phải câu chuyện của những nạn nhân trực tiếp ở đấy, mà là câu chuyện ảnh hưởng môi trường sau này. Chúng tôi muốn làm sao để trả lại môi trường biển, trả lại những bãi biển đẹp, phong cảnh đẹp lại cho quê hương đất nước. Chúng tôi cũng ước mong rằng giới trẻ lớn lên trong vùng đó và sau này cũng được hưởng một môi trường thiên nhiên như ông bà tổ tiên. Trách nhiệm của thế hệ chúng ta, thế hệ đang sống và là nạn nhân thì làm sao tranh đấu để làm sạch môi trường biển, để rồi chúng ta trả lại cho con cháu của chúng ta môi trường mà ông bà tổ tiên chúng ta đã để lại cho chúng ta. Chính vì vậy chúng tôi theo dõi và cố gắng giải quyết chương trình đó từ năm 2016 cho đến hôm nay.
Cảm ơn trong những năm sau cùng này, chúng tôi có một số thông tin, có một số ánh sáng, trước đây các nạn nhân đã nộp đơn ở Kỳ Anh, thuộc tỉnh Hà Tĩnh nơi mà xảy ra đi thảm họa đó và đơn của họ không được thụ lĩnh, không được chấp nhận và không những không được chấp nhận mà một số thành phần đã trở thành nạn nhân bị bắt bị tù rồi một số con cái buộc phải bỏ nước ra đi. Nhưng rồi trong thời gian sau cùng này, chúng tôi phải nộp đơn ở Đài Loan, và lúc đầu thì tòa sơ thẩm Đài Loan không thụ lý, vì viện cớ rằng là họ không có khả năng để giải quyết xử lý những vụ kiện ở bên ngoài Đài Loan.


Công ty thép Formosa, Hà Tĩnh

Chúng tôi khiếu kiện lên Tòa Thượng Thẩm và lúc đầu Tòa Thượng Thẩm cũng lấy lý do là luật pháp Đài Loan chưa cho phép xử kiện những vụ án bên ngoài Đài Loan, và cũng rất may sau đó chính bà tổng thống Thái Anh Văn, bà ấy đã chỉ thị cho tối cao Pháp Viện phải cập nhật qua những hệ thống luật lệ mới nhất trên thế giới, tức là những hệ thống luật lệ ở Âu Châu và Mỹ Châu để xử lý những vụ án của người Đài Loan ở bên ngoài Đài Loan nữa. Chính vì vậy sau cùng, Tòa Thượng Thẩm đã thụ lý vụ án đó.
Nhưng rồi đoạn trường còn rất nhiêu khê, bởi vì công ty Formosa là một công ty lớn ở Đài Loan và ngay cả nhà nước cũng có cổ phần trong công ty đó. Thành thử ra công ty đó có những tổ hợp luật sư được công ty đó sử dụng, họ dùng trăm mưu ngàn kế đòi hỏi làm cho vụ án đó trở thành rất là nhiêu khê và khó khăn. Chẳng hạn họ đòi hỏi trước hết là công ty ở đất nước họ không thể xử lý, thì bà Thái Anh Văn đã giải quyết được chuyện đó. Sau đó, họ đòi hỏi là những nạn nhân phải đưa hồ sơ khiếu kiện lên tòa đại sứ của Đài Loan ở Hà Nội để xin công chứng và việc đó gây rất nhiều khó khăn, rất nhiều nguy hiểm.
Thành thử ra rất nhiều tổ chức nhân quyền, tổ chức chống lại công ty Formosa trên thế giới đã phản đối và cuối cùng tôi, nhân danh là người đại diện, cũng phản đối chuyện này. Cuối cùng, chúng tôi, bản thân tôi cũng nói nếu mà tòa nhất quyết cần chứng nhận như vậy, cho phép tôi cầm tất cả hồ sơ đó ra tòa đại sứ của Đài Loan ở Hà Nội để xin công chứng. Và biết rằng xin công chứng như vậy, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn là có thể bị tù, có thể bị gây trở ngại, và ngay cả bản thân tôi nếu tôi làm như vậy rất có thể cũng có nhiều nguy hiểm, nhưng mà vì là đại diện cho nạn nhân, vì quyền lợi các nạn nhân tôi sẵn sàng, năm nay tôi đã 77 tuổi, cuối cùng tòa im lặng, chưa nói gì về chuyện đó, không nhấn mạnh chuyện đó. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới tòa sẽ xét xử lại cái chuyện đó, sẽ trả lời.
Hy vọng rằng nhờ sự cầu nguyện, nhà sự can thiệp của các tổ hợp luật sư ở Hoa Kỳ, Canada cũng như ở Đài Loan thì hy vọng rằng tòa sẽ đứng về phía công lý. Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Đài Loan với sự lãnh đạo của bà tổng thống Thái Anh Văn, một người đã có một chính sách kinh tế hướng Nam, tạo điều kiện để có thể Đài Loan cộng tác với các nước Đông Nam Á, rồi cũng tạo điều kiện để chứng tỏ Đài Loan là một nước đang muốn trở thành một nước dân chủ kiểu mẫu cho Đông Nam Á và cho cả Châu Á thì sẽ có những hướng dẫn đặc biệt hơn.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Chúng con xin hết lòng cám ơn Đức Cha đã cho chúng con thấu hiểu lịch sử của câu chuyện về Formosa. Kính thưa quý ông bà chị em, chúng ta thấy là ở đâu cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, có những anh hùng dám hy sinh danh vọng, tiếng tăm, nhiều khi cả chính mạng sống của mình, đứng ra để bảo vệ, để phục vụ cho tất cả những anh em khác, và Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đây cũng là một trong những người đó.
Xin quý vị nhớ là khi câu chuyện này xảy ra thì ngài đang là giám mục của giáo phận Vinh. Ngài là người khởi xướng chương trình yêu cầu làm sáng tỏ thảm trạng Formosa, đó là thảm trạng của môi trường. Chính vì vậy mà ngài gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Cách đây vài ba năm, chúng ta nghe thấy tình trạng rất là xáo trộn cả trong nước lẫn ngoại quốc như vậy về vấn đề của Formosa và ngài là người đã đứng ra lãnh đạo.
Chúng ta thán phục ngài và chúng ta cũng cầu nguyện cho ngài để trên những đoạn đường cuối cùng, ngài sẽ may mắn giải quyết được, để giúp cho anh em của chúng ta, con cháu của chúng ta, tất cả đồng bào Việt Nam của chúng ta, nhất là miền Trung đói khổ. Xin quý ông bà, anh chị em cố gắng hy sinh một chút để chúng ta giúp đỡ cho ngài. Trong phương diện mục vụ của ngài, ngài sống cho con chiên, sống cho đồng đạo và nếu chết thì ngài cũng sẽ chết cho Chúa, chết cho con chiên, cho đồng đạo.
Kính thưa quý vị, chúng ta cầu nguyện cho ngài luôn luôn có sức khỏe và chúng ta giúp đỡ ngài trong những phương tiện nào chúng ta có thể được, để giúp ngài tiếp tục con đường phục vụ cho Chúa và cho anh em đồng loại chúng ta.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Quý vị biết là không ai muốn đáo tụng đình, không ai muốn ra tòa. Theo truyền thống của chúng ta, theo cái tâm của người Á Đông, không ai muốn phải ra tòa, nhưng mà trong điều kiện cụ thể cuối cùng của chúng tôi thì phải ra tòa để tranh đấu cho quyền lợi của người dân và đồng thời cũng là tranh đấu cho môi trường sinh thái. Chính vì vậy mỗi lần ra tòa luôn luôn là phải tốn kém thì chúng tôi cũng mong rằng có lẽ đây hy vọng là lần cuối cùng phải ra tòa và mong rằng tối cao pháp viện, cũng như Tòa Thượng Thẩm họ sẽ là cho vụ xét xử này là vụ xét xử cuối cùng, nhưng mà rồi cũng không biết được vì công ty Formosa ở Đài Loan là một công ty lớn có nhiều mưu mẹo, có nhiều mánh lới, thì không biết rằng phải tiếp tục con đường khiếu kiện đến bao nhiêu? Như vậy, chúng tôi cũng cần đến sự trợ giúp để có thể trang trải chi phí.

Cũng rất may, chúng tôi có 5 tổ hợp luật sư, 2 tổ hợp ở Hoa Kỳ, một ở Canada và hai ở Đài Loan. Tổ hợp luật sư Hoa Kỳ hay Canada, có những luật sư họ không có lấy đồng nào trong vụ án này, chỉ có thể phải trang trải tiền vé máy bay và chi phí khách sạn khi phải đến đó. Nhưng có những người họ cũng yêu cầu mình phải trang trải chi phí cả và nhất là tổ hợp luật sư ở Đài Loan, họ yêu cầu phải trang trải chi phí, cũng may là chi phí ở Đài Loan thấp hơn ở Hoa Kỳ và Canada.

Chính vì vậy, luôn luôn mỗi lần ra tòa thì yếu tố tiền bạc cũng là yếu tố mà chúng tôi lo lắng, rất mong rằng quý vị hỗ trợ. Chị Triều Giang ở Texas là người phụ trách vấn đề này, và qua đài truyền hình VBS, quý vị có thể gửi đến ban tổ chức đó, chứ không gửi cho tôi.

Kiều Mỹ Duyên:
Kính thưa quý khán thính giả, mình ăn rồi cũng hết thôi, mình giúp người thì của còn, người sẽ vượt qua những khó khăn. Chúng tôi cũng là sinh viên luật Sài Gòn trước năm 1975, chúng tôi biết thuê luật sư giỏi thì phải trả chi phí rất đắc, mà Đức Cha được may mắn là có hai công ty luật ở Hoa Kỳ và Canada không lấy tiền (chỉ 1 số lấy tiền), nhưng thưa quý bà con, đường càng dài càng phải mất tiền nhiều.
Xin quý bà con có thể gọi vào đài giúp cho Đức Cha, của ít lòng nhiều. Một đứa bé nhỏ xíu có thể móc ống heo ra giúp được. Mong quý đồng hương giúp đỡ Đức Cha. Đức Cha mỗi lần qua đây rất là khó khăn. Nếu quý vị muốn gặp Đức Cha, sau 6 giờ chiều, mời quý vị đến đài VBS, quý vị sẽ thấy là Đức Cha hết lòng hết dạ giúp đỡ những người nghèo ở Việt Nam.
Linh mục Nguyễn Ngọc Chuẩn, giám đốc của đài VBS rất trăn trở, rất quan tâm đến Việt Nam. Chúng tôi được biết đài VBS có nhiều quý khán thính giả không phân biệt tôn giáo khi nghe những khổ ải của đồng bào, cũng giúp đỡ. Mong quý đồng hương hãy gọi vào đài đóng góp.
Đức Cha sẽ có chương trình đến San Jose và chúng tôi cũng biết là đồng bào ở San Jose đang đợi Đức Cha ở đó. Triều Giang, là một người rất dễ thương, ngày xưa là thư ký của báo Sóng Thần của chị Trùng Dương, ở Austin nhưng mà đến Houston để tổ chức, anh chị em văn nghệ sĩ, nhóm luật sư, đồng bào, đồng hương không phân biệt tôn giáo cũng đang đợi Đức Cha ở Houston.
Thưa quý đồng thương, cha giám đốc VBS rất quan tâm đến các việc làm xã hội, văn hoá, Formosa, phải vậy không, thưa cha?

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Thưa quý khán thính giả, như Đức Cha đã có dịp trình bày với quý vị về vấn đề của Formosa, quý vị bây giờ hiểu rõ rằng ngài là người đứng đầu của chương trình tranh đấu với công ty Formosa, và ngài là người đã khởi xướng. Tôi thiết nghĩ nếu không có ngài thì tất cả cuộc đời của anh em của chúng ta tại Việt Nam phải âm thầm chịu khổ vậy thôi, không có dám đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính Đức Cha đã can đảm làm như vậy. Chúng tôi không muốn đề cập đến vấn đề chính trị, nhưng mà chúng tôi biết cuộc sống của ngài đã chứng tỏ cái điều là vì những sự can đảm đứng lên hy sinh, đứng ra để tranh đấu cho anh em của chúng ta như vậy, nên chính cuộc đời của ngài đã bị sóng gió, đã gặp những khó khăn biết bao nhiêu lần.
Bây giờ ngài đang quyết tâm đưa vụ án của Formosa đến giai đoạn kết thúc, chúng tôi xin quý ông bà anh chị em cố gắng hy sinh giúp cho ngài, bởi vì ngài là một giám mục, nhưng là giám mục của dòng Đa Minh, nên cả cuộc đời ngài sống một cuộc sống khó nghèo, tiền bạc ngài không có, cho nên xin quý ông bà, anh chị em giúp đỡ ngài, để ngài dùng số tiền đó làm phí tổn cho vấn đề luật pháp và phí tổn cho vấn đề ra tòa. Hy vọng là nếu mà cuối cùng công lý được giải bày, và thắng được vụ kiện đó, thì không những tốt cho chúng ta mà còn tốt cho cho con cháu của của chúng ta mai này ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.

Kiều Mỹ Duyên:
Thưa Đức Cha, 500 triệu mà công ty Formosa đền cho dân, Đức Cha là người hiểu nhiều vì Đức Cha ở vùng đó, người dân nhận được bao nhiêu tiền, thưa Đức Cha?

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Cái đó cũng khó mà biết được! Chỉ biết là những vụ kiện ở ngoại quốc thì chính tòa án sẽ chỉ định hộ này được bao nhiêu tiền, hộ kia được bao nhiêu tiền. Trong các hồ sơ của chúng tôi cũng vậy, mỗi hội thiệt hại bao nhiêu thì chính tòa án họ sẽ xử, họ cho hộ này 100%, khi đơn khiếu kiện phải là 80%. Trong khi đó thì số tiền Formosa đền cho Việt Nam 500 triệu, không chỉ định là đền cho bao nhiêu hộ, và mỗi hộ được bao nhiêu, mà gửi đến các cơ quan chính quyền, rồi trên tỉnh gửi xuống huyện, huyện gửi xuống xã, xã gửi xuống thôn (rơi rớt dọc đường!).

Có những hộ họ nói đáng lẽ họ phải được nhiều hơn, có những hộ không phải là nạn nhân mà cũng được? Thành thử ra đó là câu chuyện dài, có những người đáng lẽ được thì lại không được, hay được rất ít, có những người là con cái của "ai" đó, không phải là nạn nhân mà vẫn được, thì cái chuyện đó tôi nghe nói nhiều và rất đau lòng, nhưng tôi cũng không điều tra.

Kiều Mỹ Duyên:
Thưa Đức Cha, sau khi Đức Cha hưu trí rồi, Đức Cha làm việc nhiều hơn hay ít hơn và có gặp trở ngại gì trong cuộc sống hàng ngày của Đức Cha không?

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Với tôi bây giờ về làm người dân thì cũng như những người dân khác, ngoài vấn đề tiếp tục làm công tác xã hội là tiếp tục vụ án Formosa, rồi tiếp tục những ngôi nhà vượt lũ đã làm mà chưa xong, bây giờ tôi dấn thân vào lãnh vực văn hoá, tức là chúng tôi đang làm để in lại cuốn từ điển của Taberd, một cuốn từ điển phát hành năm 1838, và có lẽ là cuốn từ điển mẫu mực của các từ điển, chưa có từ điển nào sau này làm được như từ điển của Taberd.


Từ điển của Taberd

Trong từ điển của Taberd, có phần dẫn nhập bằng tiếng La Tinh khoảng 40 trang, sau đó thì có chữ Hán, chữ Việt và chữ La Tinh. Chúng tôi đang xuất bản lại, không phải xuất bản lại y nguyên, mà là có phê bình, có hiệu đính, đó là quá trình khó khăn và phải sử dụng hiện thời là cái bản ảnh, nhưng mà bây giờ phải biến thành cái bản word, để rồi mình có thêm thắt, mình có thể phê bình chữ này chữ kia đúng không, hay là sát nghĩa chưa? Công trình đó rất khó, nếu mà biến một cái bản ảnh thành cái bản word tiếng Anh thì rất nhiều nhưng mà tiếng Tàu và đôi khi lại chữ Việt, rồi có lúc là chữ Nôm. Thành thử ra, chúng tôi cũng đang có một nhóm chuyên về chữ Hán, nhóm chuyên về chữ Nôm, một nhóm chuyên về chữ La Tinh để dịch ra, và có một số  chuyên viên công nghệ thông tin phải dùng những chương tình để làm sao mà chuyển bản tiếng Hán từ bản ảnh ra bản word, thông chuẩn của họ đòi hỏi kiến thức cao.

 Nếu bản tiếng Anh ra bản tiếng Anh thì rất là dễ. Chúng tôi sử dụng những chương trình của Mỹ và các nước khác nữa để có thể giúp làm và phải dò từng chữ. Công trình này biên soạn rất lâu, và công trình đó sẽ là công trình văn hóa để lại sau này, để nói rằng các thừa sai đừng nghĩ các thừa sai làm từ điển là muốn cộng tác với đế quốc để rồi làm những người Việt quên tiếng nguồn gốc của mình, quên chữ Hán rồi quên chữ Nôm, và rồi chữ quốc ngữ để rồi dễ đồng hóa với Pháp thì không đúng. Tất cả các thừa sai họ làm trong từ điển của họ có tiếng Hán, tiếng Nôm và tiếng Việt. Họ làm là làm cho các linh mục của họ, cho những thừa sai của họ để biết tiếng địa phương, để đem tin mừng đến cho người địa phương và rồi sau đó chính tiền nhân của mình thấy cái đó là lợi, là hay thì mới dùng cái nó như là tiếng quốc ngữ của mình. Nhiệm vụ của các thừa sai không phải là đến làm từ điển cho Việt Nam mà là đến để loan báo Tin Mừng. Để loan báo Tin Mừng thì phải hiểu văn hóa, hiểu ngôn ngữ, hiểu tâm tình của người bản xứ.
Chính vì vậy, những vị như là Vigor De Behan hay là Alexander Ross và nhất là Taberd muốn làm công trình văn hóa đó cho những thừa sai đến sau, mà cái chuyện đó không phải họ làm ở Việt Nam, ở bên Tàu, từ điển đầu tiên cũng là Tàu larousse. Bên Hàn Quốc cũng vậy, Tàu- Hàn, rồi Tàu- Hàn larousse. Đừng nghĩ rằng họ làm công trình cho thực dân Pháp, không có từ điển nào bằng tiếng Pháp cả.

Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn:
Chúng con xin hết lòng cám ơn Đức Cha dành thì giờ đến để nói chuyện tâm tình với các khán thính giả của hệ thống truyền hình VBS. Những câu chuyện của Đức Cha rất hữu dụng cho chúng con, chẳng hạn như vấn đề làm từ điển. Chúng con nghe thấy rất nhiều người họ không biết và chỉ trích đó là công cụ của các linh mục thừa sai đến để giúp Đế Quốc vào xâm chiếm Việt Nam. Họ không biết sự hy sinh vất vả và sự cố gắng của các thừa sai để giúp dân Việt Nam.
Chúng con xin đại diện cho hệ thống truyền hình VBS cám ơn Đức Cha đã dành chút thời giờ đến thăm chúng con và hy vọng một ngày nào đó chúng con lại được hân hạnh đón tiếp Đức Cha một lần nữa.

Thưa quý ông bà, anh chị em, trong 40 phút đồng hồ qua, ba tiêu đề chính mà Đức Cha đã trình bày, thứ nhất đó là ngài đang tiếp tục xây dựng 5 ngôi nhà chống lũ để giúp cho người dân bị lũ lụt, thứ hai đó là ngày đang đã tiếp tục theo đuổi vụ kiện Formosa cho đến ngày kết thúc và vấn đề thứ ba đó là ngài đang là đứng đầu nhóm chuyên viên để dịch lại từ điển Taberd, để nói lên rằng các vị thừa sai Công giáo đến Việt Nam không phải là để tạo cơ hội cho Đế Quốc vào Việt Nam, để xâm chiếm Việt Nam, mà họ là những người đã hy sinh cuộc đời để đưa nền văn hóa cho dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi kêu gọi quý vị hãy tiếp tục giúp đỡ ngài, nhất là về phương diện tài chánh, tất cả 3 chương trình đó đều cần đến tài chánh hết cả. Chúng tôi xin quý vị vui lòng giúp đỡ ngài bao nhiêu có thể, và quý vị có thể giúp đỡ ngài ngay bây giờ bằng cách gọi vào để ủng hộ bằng tiền mặt hay bằng thẻ, hay quý vị muốn gửi check thì xin gửi về Our Lady Of Peace tại 9938 Bolsa Avenue, # 206, Westminster, CA 92683.
Xin cám ơn chị Kiều Mỹ Duyên đã cố gắng để giúp Đức Cha đến đây, có dịp để chúng tôi được nghe ngài trình bày những điều quan trọng. Xin Đức Cha có vài lời đối với tất cả đồng bào đang theo dõi chương trình này.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
Chân thành cảm ơn cha giám đốc đã dành cho một thời lượng của chương trình và bản thân hành giả này không nghĩ đến. Hy vọng rằng hữu duyên năng tương ngộ, cảm ơn tất cả quý vị khán thính giả đã nghe những tâm sự của chúng tôi. Đó cũng là nhu cầu, ước mong có dịp sẽ trình bày, và cũng ước mong nhờ sự hỗ trợ của quý vị khán thính giả, những chương trình mà bao nhiêu người đang mong đợi, nhất là vụ kiện Formosa, nhỏ hơn là những ngôi nhà vượt lũ được hoàn thành, và sau cùng là chương trình văn hóa để lại cho thế hệ mai sau cũng được hoàn thành. Cũng rất mong sẽ có cơ duyên đàm đạo với cha giám đốc và chị Kiều Mỹ Duyên trong tương lai.
Xin chân thành cảm ơn.
Orange County, 25/4/2022
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top