KIỀU MỸ DUYÊN, HÃY CHO NHAU TIẾNG CƯỜI

HÃY CHO NHAU TIẾNG CƯỜI

KIỀU MỸ DUYÊN



Kiều Mỹ Duyên bên trẻ em mồ côi Mexico

       Sống ở Mỹ hơn nửa đời người, ngày 30 Tết, tôi đi chùa làm phóng sự cho báo, radio và tivi. Ngày mùng 1 Tết, tôi đi xông đất cơ sở thương mại của mình và bằng hữu, và tiếp tục đi chùa. Giao thừa năm nay và mùng 1 Tết, tôi ở nhà chờ tin vui của bằng hữu.  

       Giọng nói của Sơ Immacolata Đào Thị Thu Thủy ở đầu giây:
       - Chị khỏe không?

       Tiếng nói của sơ cùng với tiếng cười giòn tan. Nghe giọng nói của sơ là biết mùa Xuân đã về. Giọng nói của sơ Đào Thủy với tiếng cười reo vui đặc biệt, hình như sơ không bao giờ biết buồn. Sơ đậu bằng Tiến sĩ giáo luật ở Roma. Trước đây, sơ là cô giáo, tôi nghĩ chắc cô giáo sơ Đào Thủy được học trò thương lắm. Tôi cũng là cô giáo của trường Văn Hóa Quân Đội Quang Trung, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Học trò của tôi năm nay đã có cháu nội, cháu ngoại. Thỉnh thoảng, học trò của tôi bồng cháu nội, cháu ngoại đến thăm. Ngày xưa, dạy học tôi nghiêm lắm, nhưng cô giáo sơ Đào Thủy cười tươi vui lắm. Ai bảo đi tu là khó, đi tu dễ lắm chứ!
       Sơ Đào Thủy rất dễ thương, sơ yêu nghề dạy học và làm từ thiện. Sơ ở trong hội Hồng Ân giúp đỡ tích cực cho người nghèo ở rừng núi Bắc Việt và cao nguyên Trung phần.  Có lần, sơ nói với tôi:
       - Chị ơi, em bị bắt nạt hoài.
      
Giọng nói của sơ lúc nào cũng reo vui. Tôi tự nhủ: "Sơ tốt nghiệp Tiến sĩ giáo luật, ai dám bắt nạt sơ chứ?" Nhưng tôi lại nhớ có lần, chị Liên của sơ nói về ông anh cả quyền huynh thế phụ. Anh của sơ đi tu từ lúc 11 tuổi, đâu có ở nhà để "bắt nạt" các cô em. Anh của sơ chịu chức linh mục, làm phó xứ, chánh xứ, được mọi người kính trọng và thương mến. Ngài hiền lành, đức độ và quảng đại, giúp đỡ mọi người khi ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Ngài có kiến thức uyên thâm nhưng rất khiêm tốn.

       Mấy hôm nay, tôi ở nhà vì thuốc chích ngừa Covid-19 hành hạ. Ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư, tôi đau, đau không thể tưởng tượng được, đau như chưa từng đau. Đầu nhức như búa bổ, cánh tay nơi chích ngừa nóng như lửa, hai bàn tay lạnh như nước đá. Khổ như chưa từng khổ, vậy mà khi nghe tiếng cười giòn tan của sơ Đào Thủy, tôi cảm tưởng như cơn đau đi mất.
       Tôi nói với sơ:
       - Hy vọng một ngày nào đó khi nghe tiếng cười của sơ là tôi chạy ra đón sơ vào, lúc đó sơ đang ở ngoài bãi đậu xe.
       Sơ ĐàoThủy tiếp tục cười, tiếng cười reo vui. Sơ lúc nào cũng cười, ở sơ chỉ có mùa Xuân không có mùa Hạ, mặc dầu mấy tháng trước sơ chăm sóc cho hai người chị của sơ bị Covid-19 và cụ cố trong nhà già. May mắn, Chúa thương, hai chị của sơ đã bình phục.


Sr. Immacolata Đào Thị Thu Thủy

       Hãy cho nhau tiếng cười reo vui, đời sống ngắn lắm, sự sống và sự chết gần nhau lắm, như sợi chỉ. Chỉ một cơn mê, chỉ một vài phút không thở, tim ngừng đập là lên đường ra đi mãi mãi, không bao giờ trở lại.
       Hãy cho nhau nụ cười cho người còn hiện hữu, đừng đợi người ra đi rồi luyến tiếc. Muốn gặp ai thì cứ gặp, đừng chần chờ, vì không biết ngày mai mình còn thức dậy? Gặp người mình muốn gặp vài ba giây cũng đủ, nghe vài tiếng nói cũng đủ. Đâu cần ngồi bên cạnh cả ngày, cả tháng, cả đời? Biết đủ là đủ.

       Trong những ngày bị thuốc chích ngừa Covid-19 hành hạ nằm một chỗ, mê mê tỉnh tỉnh, tôi có cơ hội để nghĩ rằng tình cảm giữa người và người vô cùng quan trọng. Một mai mình đi rồi không còn cơ hội để nghe tiếng cười của người khác hoặc nhìn thấy nụ cười của người mà mình quý mến. Tại sao không nói: Tôi đau quá, tôi cần nhìn nụ cười, tôi cần nghe tiếng cười, tiếng cười như một liều thuốc mầu nhiệm để chữa bệnh?

       Trong những ngày đau đớn, quằn quại vì thuốc chích ngừa, tôi nghĩ đến việc nếu mình ra đi hôm nay hoặc ngày mai, mình không muốn thấy những người thân của mình buồn, mình không muốn nghe ai khóc, mình chỉ muốn nghe tiếng cười, tiếng hát những bài tình ca thật lãng mạn để tiễn người đi, hay kể những chuyện thật vui như khúc nhạc mừng đoàn quân chiến thắng trở về, vui ơi là vui.


Tiếng cười reo vui như khúc nhạc mừng chiến thắng.

       Đời sống quá ư vất vả, ai cũng thích tiếng cười. Tiếng cười đem niềm vui và sức sống cho người xung quanh. Sống lạc quan khi có nụ cười, tiếng cười. Sự linh hoạt của đời sống là sự vui vẻ, yêu đời và lạc quan. Càng lớn tuổi, tôi càng thích tiếng cười. Tôi thích những người đem niềm tin đến cho mình, tôi cũng thích chính mình đem niềm tin đến cho người khác. Đem nỗi buồn làm phiền người khác để làm gì? Thương ai nên đem cho họ nụ cười, tiếng cười. Ngay cả người bệnh nằm trong viện dưỡng lão mà mình đem tiếng cười đến cho họ, nhìn vào mắt của bệnh nhân mình sẽ cảm thấy mắt của họ tươi hơn, khuôn mặt của họ có hồn hơn.

       Hãy cho nhau nụ cười, cho nhau tiếng cười. Nếu mình có niềm vui trong lòng thì tiếng cười sẽ reo vui hơn, giòn tan hơn. Yêu người, yêu đời qua tiếng cười. Hãy yêu thương, lòng rộng mở, tiếng cười của mình sẽ hồn nhiên hơn, giòn giã hơn. Tôi yêu tiếng cười của trẻ thơ khắp nơi, nhất là các em trong viện mồ côi. Hãy ôm chặt các em trong tay với trái tim nồng nàn, chúng ta sẽ tìm thấy tình người trong vòng tay ấm áp của mình. Hãy nắm chặt tay người già trong viện dưỡng lão, chúng ta sẽ cảm nhận được người cần người dù trong chốc lát.


Kiều Mỹ Duyên bên trẻ em mồ côi ở Việt Nam

       Có người suốt đời đi tìm nụ cười đã mất, tìm hoài, tìm mãi không được, vì người có nụ cười thân thiện, thương yêu đã không còn nữa, cho nên khi còn hiện hữu, gặp bằng hữu, chúng ta nên cười vui vẻ, tự nhiên mà cười, nếu không ngày mai không còn kịp nữa.

       Tôi được may mắn quen nhiều người có tiếng cười reo vui. Catherine bận rộn suốt ngày, làm việc không có ngày nghỉ. Vậy mà lúc nào cũng nở nụ cười trên môi và tiếng cười reo vui. Trong suốt hành trình đi làm việc xã hội ở Á Châu với hội từ thiện Young Life. Catherine lúc nào cũng cười không biết mệt. Chồng của Catherine là một trong 9 tỷ phú người Việt Nam tị nạn ở Hoa Kỳ. Chúng tôi gặp nhau ở Cambodia. Chúng tôi đến từ Hoa Kỳ, ngừng lại ở Nam Hàn, rồi đến Cambodia. Catherine cùng chồng đến từ một quốc gia khác, chúng tôi gặp nhau ở Cambodia, ở trong một khách sạn International Continental của Pháp. Khách sạn trong rừng cây, bóng tối và rừng cây thành một màu đen, ngồi ăn chỉ thấy những bóng đèn rực rỡ bên ngoài khung cửa sổ. Catherine tươi cười quan tâm đến từng người, trong đó có người đến từ Cali và các tiểu bang khác. Trong phái đoàn có 2 tỷ phú, một người Mỹ và một người Mỹ gốc Việt, còn lại là triệu phú. Có lẽ tôi là người nghèo nhất trong phái đoàn.

       Nhiều người đi làm từ thiện với các phái đoàn từ thiện quốc tế đều biết là chuyến đi rất vất vả. Chương trình sắp đặt không có một chút thì giờ nghỉ ngơi. Sáng thức dậy thật sớm, ra khỏi khách sạn khi mặt trời chưa mọc, khi trở về thì mặt trời đã đi ngủ. Buổi sáng, khuôn mặt người nào cũng tươi cười nhưng khi trở về thì tắt tiếng cười. Tiếng cười đi ngủ theo mặt trời, nhưng Catherine thì không. Catherine lúc nào cũng nói năng hồn nhiên, dù vào rừng hay lên núi.


Kiều Mỹ Duyên cùng hội từ thiện Young Life: Giáo sư Daniel Aldrich, cố vấn UCI (áo xanh da trời, đứng sau), ông bà Frank Jao, và trẻ em mồ côi ở Cambodia

       Mục đích của hội từ thiện Young Life là đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ đam mê làm việc xã hội, thay đổi xã hội bằng giáo dục. Young Life thành lập trung tâm huấn luyện giới trẻ ở Phi Luật Tân. Giáo sư Mỹ đến đây, tốn kém ít mà đào tạo được nhiều sinh viên, nhất là không mất nhân tài, vì họ học tại Á Châu và làm việc tại Á Châu, thay vì đến Mỹ, học rồi ở luôn không về nữa.

       Catherine đem nụ cười đến với những người nghèo, trẻ em mồ côi. Catherine giúp họ rất tận tình như người mẹ chăm sóc con cái của mình. Những đứa trẻ ở Miên rất thương Catherine.

       Đi làm việc xã hội phải thức dậy từ 6 giờ sáng, sau đó lên đường. Chương trình dày đặc: gặp gỡ những người nghèo, trẻ con mồ côi, tặng quà, lắng nghe những lời tâm sự của họ, bàn kế hoạch cho những năm sắp tới,... nhiều việc làm lắm. Chuyến đi nào cũng để lại cho chúng tôi bùi ngùi, xúc động.

       Catherine lúc nào trong bóp cũng đầy tiền mặt. Tiếng cười và sự ân cần, niềm nở của Catherine cùng đi theo những món quà. Buổi tối về khách sạn ăn cơm tối, Catherine vẫn cười, trong lúc mọi người với nụ cười đã tắt theo ánh sáng mặt trời. Trong phái đoàn đa số là người lớn tuổi, khó tìm thấy nụ cười hay tiếng cười. Phu quân của Catherine lúc nào cũng suy tư, ít nói và không bao giờ cười, trong khi vợ thì luôn cười. Hai thái cực khác nhau vậy mà họ sống hạnh phúc gần hết cuộc đời, lạ không?
       Đi làm xã hội với phái đoàn từ thiện Young Life, trong đó có Catherine, mọi người cười thoải mái vì có nụ cười của Catherine. Mong Catherine mãi có tiếng cười hồn nhiên đem lại sự an ủi cho những người nghèo và trẻ mồ côi.


Hoa đào khoe sắc thắm ngày Mùng 1 Tết

       Tôi có người bạn hơn nửa thập niên, cứ mỗi năm ngày mùng 1 Tết, bạn gọi chúc Tết tôi. Nghe điện thoại reo, nhìn số điện thoại, tôi biết tiếng cười sẽ đến ngay. Thật vậy, tiếng nói đi theo tiếng cười, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, chuyện đời xưa, chuyện đời nay. Câu chuyện không có chủ đề nhưng nói hoài không hết. Năm nay, mùng 1 Tết cũng vậy, tiếng cười đi trước, đã mấy chục năm rồi, lời chúc Tết của người bạn bằng tiếng cười thay lời nói, chuyện nào cũng vui, chuyện trời trăng mây nước, chuyện cây cỏ phủ một màu tuyết trắng xóa. Tôi thì kể chuyện hoa mai, hoa đào. Có nhiều khi người bạn không biết mình là ai, tôi phải nhắc nhở và phân tích cho bạn biết, bạn là ai, rất tiếc người ở bên bạn không thấy bạn, không định được giá trị của bạn. Bạn đến với tôi, bao giờ cũng vậy, tôi nhắc lại những người bạn cũ, những người bạn đã ra đi không bao giờ quay trở lại với những nét độc đáo của họ.

       Ở trên đời này, xung quanh ta đông người lắm, nhưng tìm được một người hiểu mình được bao nhiêu? Một người biết lắng nghe người khác nói chuyện với trái tim của mình không phải dễ tìm. Bạn tôi vui lắm nhưng tôi biết bạn tôi cô đơn, nhưng không phải vì cô đơn mà mùng 1 Tết gọi thăm tôi với tiếng cười và kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe. Tôi cũng rất thích thú nghe chuyện tuyệt vời ở miền Đông với tiếng cười ấm áp, tiếng cười hồn nhiên của người bạn hơn nửa thế kỷ đó.
       Đã mấy chục năm rồi, bạn thường gọi thăm tôi vào buổi sáng mùng 1 Tết thật sớm, nhưng năm nay bạn gọi vào buổi chiều. Cũng may, lúc đó tôi đang ở nhà, đang nhìn ra khung cửa: cỏ xanh, trái tắc nặng trĩu trên cành, màu vàng rực rỡ, hoa đào vẫn rung rinh trong gió. Tôi yêu cành mai, cành đào sau vườn nhà tôi, và những trái bưởi treo lủng lẳng trên cành cây xanh. Tiếng cười của người bạn vẫn vang vang trong gió. Tôi thích nghe tiếng cười của bạn nên im lặng và mắt thì nhìn ra vườn. Một ngôi vườn nhỏ, nếu so với mảnh vườn của ba mẹ tôi ở Việt Nam thì vườn nhà tôi ở đây nhỏ lắm, nhỏ lắm. Hình như những trái cây vàng rực rỡ trên cành cất tiếng cười. Những con chim nhỏ hót líu lo nhảy nhót từ cành cây này sang cành cây khác đón chào mùa Xuân. Xuân của đất trời và Xuân trong lòng người.

       Những trái cây rực rỡ trên cành đong đưa theo gió, mùi hoa bưởi thơm ngát thoang thoảng trong vườn. Tôi định hái trái cây để tặng cho vị lãnh đạo tinh thần, nhưng vị lãnh đạo tinh thần nào giỏi, đạo đức thì không thiếu một thứ gì, không cần một thứ gì, vì hàng ngàn tín đồ của họ đem đến, đâu cần đến trái cây vườn nhà tôi?

       Tiếng cười của bạn tôi vẫn reo vang. Năm nào, bạn tôi cũng gọi cho tôi với tiếng cười lạc quan pha chút nghịch ngợm của trẻ thơ vào ngày đầu năm.
       Tiếng cười vui vẻ không thay thế được cơm gạo, nhưng tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, của người già vẫn là nhu cầu cần thiết của người nghe, của bằng hữu. Bạn tôi không gọi tôi thường xuyên nhưng mùng 1 Tết năm nào cũng gọi. Trước khi đi xa gọi, trở về gọi, có chuyện vui đều gọi tôi. Bạn tôi rất hồn nhiên, chỉ kể chuyện vui, không bao giờ kể chuyện buồn.

       Mỗi lần nói chuyện với tôi, bạn tôi thường nhắc đến những người con gái điên. Những người con gái này có học, con nhà giàu, viết văn, làm thơ, ca hát và sáng tác nhạc rất hay. Tôi cười vì những người con gái này là bạn của tôi đang ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Họ vẫn tiếp tục cầm bút và vẫn viết, viết rất hay. Có lẽ nhờ có máu điên mà viết hay chăng? Tình yêu chân thật làm cho các bạn tôi điên. Tôi cũng mong những người bạn văn nghệ của tôi mãi mãi điên, để không ham danh, ham lợi. Mãi mãi là người điên để tôi được thưởng thức những sáng tác tuyệt vời của các bạn.Vì yêu mà điên thì cứ mãi là người điên thì tốt hơn.
       Mãi đến bây giờ, tôi mới nhận ra một điều quan trọng là chúng ta rất cần nụ cười, cần tiếng cười trong đời sống hàng ngày: tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, nụ cười héo hon của người già gần đất xa trời, giọng cười giòn tan của bạn bè, thân hữu,... Đúng là một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ?


Kiều Mỹ Duyên bên trẻ em mồ côi ở Cambodia

       Hạnh phúc thay cho những ai có tiếng cười giòn tan thường đến với mình trong 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tiếng cười hồn nhiên pha lẫn chút nghịch ngợm của trẻ thơ làm cho người nghe lạc quan, yêu người, yêu đời mà sống, vượt qua những nỗi khó khăn ở hiện tại.
       Xin cảm ơn những nụ cười, những tiếng cười mà tôi đã được gặp, được nghe trong đời sống hàng ngày, nhất là vào mùa Xuân.

Orange County, 15/02/2021
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top