Hoàng Ngọc Nguyên, MÙA HÈ ĐỎ LỬA MÃI TRONG TÂM TRÍ

MÙA HÈ ĐỎ LỬA MÃI TRONG TÂM TRÍ

Hoàng Ngọc Nguyên




Những mũi tấn công của địch trong MHĐL: Đông Hà,
Cổ Thành Quảng Trị, cố đô Huế, Dak To, Kontum,
Hoài An (Quảng Ngãi) An Lộc, Tây Ninh, Rạch Giá...

Đây là chuyện lẽ ra phải đợi đến sang năm mới nói, vì 2020 sẽ kỷ niệm 50 năm, hay một nửa thế kỷ, của Mùa Hè Đỏ Lửa. Đó là một năm vĩ đại đối với chúng ta, và chúng ta phải tưởng niệm với lý do rất đơn giản: đó là một trang sử chói sáng mà chúng ta cần biết, cần nhớ để có một niềm tin cần thiết về lý lịch của mình cũng như tương lai của dân tộc Việt Nam! Tuy nhiên, ở Little Saigon, “thủ đô của người tỵ nạn”, người ta từ mấy tháng qua đã tưng bừng xôn xao về chuyện xây dựng tượng đài kỷ niệm “Chiến thắng Quảng Trị”, và tuy đã có lễ đặt viên đá ngày 6-6, người ta vẫn còn tranh cãi nên làm tượng đài hay không. Và cuối cùng Hội đồng thành phố ở đây trong phiên họp ngày 25-6 quyết định đình hoãn vô hạn định cho đến khi biết được ý kiến của người dân, mặc dù ý kiến này đã rõ như ban ngày!

Cái trục trặc kỳ quái này phải chăng là vì “dục tốc bất đạt” (haste makes waste)? Phải chăng người ta vì lý do riêng tư nào đó đã quá vội vàng cho nên vấp phải đá, quàng phải dây, cho nên đã hành động vừa không đúng lúc (sớm) vửa không đúng mức (thiếu). Mặt khác, hành động chính trị cần có sự đồng thuận trong cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một đất nước xem trọng ý thức dân chủ, ý dân là ý trời, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa hai chữ “đồng thuận”. Đồng thuận chính trị có nghĩa là cùng nhn thức về sự chung màu cờ, cùng lý lịch, nhân dạng. Những cái “chung” và “cùng” này phải khiến chúng ta “đồng sàng”, và dù cho có “dị mộng” vẫn sẵn sàng để qua một bên những “lợi ích chính trị” cá nhân. Nhưng nếu ai cũng hiểu thế hay sẵn sàng chấp nhận một cách cư xử như thế thì đã không có chuyện chính trị ở đây, theo nghĩa xấu nhất, bẩn thỉu nhất của nó mà ta càng ngày càng thấm khi nhìn lại cuộc bạo loạn ngày 6-2 năm nay ở Quốc Hội Mỹ tai Washington, D.C. Xấu khi những phần tử chính trị côn đồ tràn vào tòa nhà này nhằm dùng bạo lực uy hiếp những nhà dân cử với mục đích xóa bỏ kết quả bầu cử; bẩn thỉu khi những người Cộng Hòa, một phần cua nền tảng chính trị Mỹ vẫn làm như chuyện này không đáng gì để nói!

     Cộng đồng người Việt chúng ta ở Little Saigon đương nhiên càng ngày càng phức tạp. Thực ra, có lẽ nơi nào cũng thế - chẳng riêng gì Saigon Nhỏ. Nhiều thế hệ và nhiều nguồn gốc. Chẳng phải ai cũng có thể nói tôi hay gia đình tôi hay cha mẹ, ông bà là người tỵ nạn. Có thể càng ngày người ta càng quên lịch sử. Càng ít có ý thức về chính trị theo nghĩa đánh giá một chế độ qua sự phát triển của dân chủ qua cơ chế chính quyền và sự tham gia của người dân vào việc nước. Đó là cuộc khủng hoảng chúng ta đang chứng kiến ở nước Mỹ, bởi vì tính đa chủng đa văn hóa của nước này đang khiến cho người dân càng lạc lỏng về chính trị và lịch sử của nước Mỹ. Nhưng từ chuyện của người chúng ta chớ quên chuyện của mình. Nói chung, không kể đến sự khác biệt thế hệ, nguồn gốc, lý lịch, chúng ta kém hiểu biết lịch sử và chính trị ở mức đáng ngại, và cách hiểu biết không giống nhau càng thêm đáng ngại.

     Làm một tượng đài tưởng niệm chiến thắng tái chiếm Cổ Thành ở Quảng Trị vào tháng sáu năm 1972 bởi thế có một ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt, đặc biệt đối với “quê hương của người tỵ nạn”. Nói tóm gọn, mục đích của tượng đài chính là làm cho người Việt tha hương, mất nước cùng  nhìn về một hướng do đó có thể gần nhau hơn. Mục đích cũng là làm cho mỗi chúng ta xác nhận được lý lịch của mình, hiểu được lý lịch đó và không quên lý lịch đó. Mục đích cũng là làm cho chúng ta nhận rõ hơn bản chất của chế độ cộng sản Hà Nội hiện nay. Nó thoái hóa và lạc hậu không chỉ vì cho đến nay vẫn còn ngụy tín mang nhãn cộng sản vào người, mà còn thối nát, bẩn thỉu ở tính đảng phiệt, nhũng lạm, bè phái,  địa phương và thẳng tay đàn áp những ước nguyện dân chủ trong dân chúng. Khi nhìn mục đích của việc xây dựng tượng đài trong nhãn quan đó, chúng ta dễ thấy sự thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình vận động sự ủng hộ và đồng càm của người dân trong việc xây dựng tượng đài này.

Càng ngày càng ít người Việt tha hương hiện nay hiểu rõ được diễn tiến của cuộc chiến kéo dài 15 năm (1960-75) mà cuốí cùng là biến cố Saigon sụp đổ ngày 30-4-1975. Và có lẽ cũng chẳng mấy ai nhớ được câu chuyện gần 50 năm trước, Mùa Hè Đỏ Lửa, khi Cộng quân mà tràn vào Miền Nam quyết tâm lập thành tích xâm lăng bằng mọi giá - tức bất kể bao nhiêu mạng người phải hy sinh - để chiếm một vài nơi trọng yếu trong lãnh địa của Miền Nam nhằm gia tăng áp lực, khả năng mặc cả trong cuộc thưong lượng, mua bán hòa bình với Mỹ tại Paris.

Nhiều người trong chúng ta có thể nhớ đến năm 1971 trước đó hơn năm 1972. Người ta nhớ năm 1971 vì có chiến dịch Hạ Lào mà quân đội chúng ta sa vào bẩy của địch khiến quân ta phải tháo chạy có khi không kịp. Năm 1971 còn có cuộc bầu cử độc diễn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mà cả “Big Minh” và Phó Tồng thống Nguyễn Cao Kỳ cùng lực lượng đối lập - từ các nhà dân cử đến môn phái Ấn Quang - bó tay không làm gì được, là vì Thiệu được Nixon dung túng.

     Chiến dịch Hạ Lào  nhằm tiếp tục kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon - tức quân Mỹ triệt thoái - và cùng trong mục đích của cuộc tấn công vượt biên giới Campuchia trong năm 1970 nhằm vào hang ồ của lãnh đạo Việt Cộng nằm trên lãnh thổ của nước láng giềng này nhờ sự bao che của Sihanouk. Nói ngay tình, không bao che, Nam Vang cũng không làm gì được. Tuy nhiên, trong chiến dịch Hạ Lào, địch đã biết trước mưu định này của đối phương, qua sự chuyển động lộ liễu của quân Mỹ tại vùng biên giới Việt-Lào ở cả hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Chiến dịch bắt đầu tháng hai, đến đầu tháng ba ông Thiệu đã thấy nguy cho nên có quyết định triệt thoái khá vội vã (tương tự như câu chuyện rút khỏi Ban Mê Thuột tháng ba năm 1975, dẫn đến chuyện mất nước sau đó), cho nên địch thừa cơ tập trung tấn công vào quân Miền Nam.

     Năm 1971 cũng là năm có cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai của nền Đệ nhị Cộng hòa (lần thứ nhất năm 1967). Nhưng Thiệu tái tranh cử lại bỏ rơi phó tổng thống của mình Nguyễn Cao Kỳ (Thiệu Kỳ đã không nhìn mặt nhau từ mấy năm trước đó!) mà chọn Trần Văn Hương đứng phó. Để chắc ăn, Thiệu làm khó dể đủ điều cho Dưong Văn Minh và Kỳ. Hai ông này đồng tình rút lui để tạo áp lực (với Thiệu và đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker), nhưng Thiệu nói không sao, cứ xem bầu cử như là trưng cầu dân ý để xem người dân có tín nhiệm ông ta hay không. Đương nhiên, kết quả đã được thấy trước!

     Chúng ta bước vào năm 1972 với nhiều nỗi xao xuyến.

Về chính trị, năm 1971 đã cho thấy “hàng ngũ” quốc gia phân hóa và thù nghịch nhiều hơn là gần gũi. Người ta không nói chuyện phải làm sao thắng được quân thù để gìn giữ nền độc lập quốc gia và ngăn chận hiểm họa cộng sản. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không cho thấy thiện chí “hòa hợp hòa giải” với phía đối lập vì đã xây dựng được lực lượng “gia nô” tại Quốc Hội. Phía đối lập thì, nói như lời của một lãnh tụ của họ là luật sư Trần Văn Tuyên (sau này chết trong trại “cải tạo” ngoài bắc), chỉ lo làm đối lập, ý muốn phá thì nhiều, xây dựng thì không có! Một số nhà sư còn tham sân si mạn hơn người đời, mải mê quyền lực, quên cả đất nước đang bị chiến tranh vùi dập, quên cả hàng triệu tín đồ trên cả nước đang khổ sở, điêu đứng...

Kể từ Tết Mậu Thân năm 1968, cứ mỗi khi năm hết tết đến, người dân lại lo sợ tái diễn tấn tuồng “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của Việt Cộng. Trong ba năm 1969-1971, Mỹ đã rút gần 400.000 quân cùng giảm mạnh hoạt động “lùng và diệt” địch (search and destroy) mà Tướng Creighton Abrams chủ trương. Cuối năm 1971, Mỹ chỉ còn 156.000 quân ở Miền Nam. Và Mỹ đã nói rõ nhiệm vụ của số quân còn lại ở Miền Nam: phòng thủ, không “chiến đấu” (no combat duty). Cho nên Việt Cộng càng có lý do tạo áp lực quân sự lên Miền Nam. Đầu tháng giêng năm 1972, người dân Quảng Trị bắt đầu lũ lượt chạy vô Huế vì sợ Việt Cộng sẽ mở chiến dịch mới. Saigon phải đưa bớt 20.000 người vào Suối Nghệ, cách Saigon khoảng 70 cây số, tạm trú.

Tuy nhiên, “thời sự” nhất vẫn là tiết lộ của Nixon vào ngày 25-1: cố vấn an ninh quốc gia của ông ta Henry Kissinger đã mật đàm với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy của Hà Nội từ tháng tám năm 1969, tính cho đến lúc đó là 12 lần; mới đây nhất ngày 11-10-1971, Mỹ đưa ra đề nghị mới gồm tám điểm, theo đó, Mỹ và Bắc Việt sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Miền Nam, Lào và Campuchia trong vòng sáu tháng, và Thiệu sẽ từ chức một tháng trước khi có bầu cử tổng thống mới tại Miền Nam mà Mặt trận có thể tham gia. Hà Nội phản đối vì dĩ nhiên không chịu rút quân và đòi Mỹ tức thời cắt đứt mọi viên trợ và tháo gỡ hết tất cả các căn cứ quân sự tại Miền Nam. Hà Nội trước đó cũng đột nhiên cắt đứt mọi mật đàm vời Washington.

Phản ứng của Việt Cộng là bác bỏ tám điểm của Nixon và lên án chuyện Nixon tiết lộ về chuyện mật đàm. Ông Thiệu thì “dễ tính” hơn, đồng tình với giải pháp Nixon, sẵn sàng “hy sinh” vì không có chọn lựa: Nixon đã từng chấp nhận chuyện ông độc diễn năm trước đó!

Sở dĩ Nixon tiết lộ chuyện mật đàm là để nói cho dân Mỹ hiểu rõ “thiện chí” giải quyết chiến tranh của ông, phù hợp với lời hứa khi ra tranh cử năm 1968. Năm 1972 là năm ông tái tranh cử, và dĩ nhiên “Tricky Dick” sẵn sàng làm tất cả mọi “tricks” để tái đắc cử. Trong năm 1972 đó, ông đã có kế hoạch đi Bắc Kinh gặp Mao (tháng hai), đi Mạc Tư Khoa gặp Leonid Brezhnev (tháng sáu) để làm lịch sử. Trong thời Chiến tranh lạnh, ông là tổng thống Mỹ đầu tiên đi đến tận “hang cọp” để nói chuyện với lãnh tụ Trung Cộng và Liên Xô. Ý đồ của ông là tìm thỏa hiệp với những lãnh đạo Cộng sản Quốc tế để xây dựng một trật tự thế giới mới. Đầu não của Nixon chính là Kissinger. Bởi vậy mà trong nhiệm kỳ sau của Nixon, Kissinger được kiêm nhiệm bộ trưởng ngoại giao (thay William P. Roger) có nghĩa là nắm toàn bộ bộ máy đối ngoại của Hoa Kỳ.  Kissinger vẫn chủ trương “chính trị thực dụng” (realpolitik), Cộng sản Quốc tế và Thế giới Tự do khong đụng đến nhau, Mỹ không ôm tiền đồn nữa, Cộng Sản cũng từ bỏ giấc mộng thu gom Đông Nam Á... Kissinger muốn Mỹ tập trung nhiều hơn vào Trung Đông để yểm trợ Do Thái... Và dù sao cuộc chiến tranh Việt Nam đã quá dài. Người dân Mỹ rất dễ mỏi mệt, rất nhiều người nói như ông tổng thống trốn quân dịch: “I was never a fan of that war”, “Việt Nam xa xôi quá, chẳng dính líu gì đến Mỹ cả”. Nam Việt Nam đã hoàn thành  nhiệm vụ lịch sử là một tiền đồn bảo vệ Đông Nam Á cho đến lúc đó... Và Mỹ đã khéo léo tránh đụng chạm trực tiếp với Liên Xô và Trung Cộng trong suốt bao nhiêu năm. Nhưng trong trật tự quốc tế mới, điều này không cần nữa!

Cộng sản Hà Nội hiểu rất rõ điều dó: nay là thời điểm hòa đàm, cũng là thời điểm tạo thế mạnh để giành được một thỏa thuận ưu thế. Hà Nội biết rất rõ Nixon cần có trước bầu cử đầu tháng 11 năm 1972 một thỏa thuận về ngưng bắn, trả tù binh và một giải pháp “peace in paper” để có thể “pullout with honor”. Cho nên Hà Nội phải đẩy mạnh chuyện giành dân lấn đất trước khi đạt được thỏa thuận, cùng đưa ra những điều kiện làm khó tối đa cho Nixon. Bởi thế mà từ cuối tháng ba, Hà Nội cho mở chiến dịch tổng tấn công nhằm vào nhiều địa điểm trọng yếu của chính quyền Saigon, từ vĩ tuyến 17 và vùng 1 đến vùng 4, khác với tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 mở ra trên tất cả các địa phương Miền Nam với ảo tưởng người dân sẽ vùng dậy cướp chính quyền! Theo “The Vietnam War, an Almanac” mà chủ biên là sử gia John Bowman, Hà Nội cho mở chiến dịch tổng tan cong này, mà ngưòi dân Miền Nam chúng ta gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Hà Nội nhằm vào những mục đích như sau: (i) Tạo ấn tượng với thế gìới cộng sản cùng người dân Miền Bắc về quyết tâm chiến thắng của Hà Nội; (ii) Khai thác phong trào phản chiến ở Mỹ và làm giảm đi khả năng tái đắc cử của Nixon; (iii) Chứng minh rằng chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon đã thất bại; (iv) Tạo suy yếu cho quân lực Miền Nam và gây bất ổn cho chế độ của ông Thiệu; (v) Giành thêm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước khi có ngưng bắn; (vi) Thúc đẩy thương thảo trong thế mạnh của Cộng sản Bắc Việt.

 Người dân Saigon cũng đủ bén nhậy để cảm nhận tình hình ngày càng ngột ngạt từ  chính trị đến kinh tế đến quân sự. Gìới chính trị ở Saigon và ngay cả người dân không mấy ai  không nhìn thấy những đe dọa nguy hiểm trong trò chơi của Nixon/Kissinger. Ông ta đã nói chuyện riêng với kẻ thù mà không bàn bạc gì cả với đồng minh, cho nên người dân Việt phải tự hỏi tuy không dám trả lời: Liệu Mỹ có bán đứng Miền Nam hay chăng? Ai cũng biết Mỹ đã rút gần hết quân, giao chiến trường toàn bộ cho quân Miền Nam và quân Mỹ còn lại chỉ làm nhiệm vụ “phòng thủ diện địa”. Viện trợ kinh tế của Mỹ cũng giảm mạnh, vì thế kinh tế Miền Nam ngày càng thêm khó khăn, phải bước vào thời “kinh tế mùa thu” (Vũ Quốc Thúc) và chính sách “kiệm ước” (Phạm Kim Ngọc). Tuy nhiên, ám ảnh trong đầu người Saigon hơn cả chính là hàng loạt tấn công của địch vào các trọng điểm quân sự và dân cư đang làm cho người dân ở nhiều nơi phải chạy loạn và lính của Miền Nam ra sức chống trả, từ vùng 1 giới tuyến và duyên hải miền trung, vùng 2 cao nguyên, vùng 3 của Saigon và vùng 4 đồng bằng sông Cửu Long.

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Người Mỹ gọi là Tổng Công kích Mùa Phục Sinh (Easter Offensive), trong khi Hà Nội gọi là Chiến dịch Xuân-Hè, đã kéo dài từ ngày 30-3 cho đến 20-10 - gần bảy tháng. Lực lượng của địch hầu như toàn phần là từ miền bắc bởi vì “Mặt trận Giải phóng” sau vụ Mậu Thân đã trở nên hữu danh vô thực, bị lực lượng Miền Bắc nướng sạch trong những năm đó. Hà Nội đã gom hết thanh niên trai tráng đến cả 15 sư đoàn và 26 trung đoàn cho chiền dịch xuân-hè đầy tham vọng này (tổng cộng có đến 250.000 quân). Trong kế hoạch của Hà Nợi, chiến dịch năm 1972 nhằm tấn công quyết liệt để chiếm cứ cho được một số trọng điểm bằng mọi giá, nhưng cũng mở một số mặt trận du kích ở các địa phương để cầm chân quân Saigon, như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Long Thành...  Những trọng điểm này là Quảng Trị, Kontum, Bình Định, và An Lộc (Bình Long). Quảng Trị là giới tuyến phía bắc, Kontum là giới tuyến giữa Miền Nam và Lào, Bình Định là trọng điểm chiến lược vùng biển, và An Lộc là con đường về Saigon từ biên giới Campuchia.
Với lực lượng hùng hậu trọng pháo (hỏa tiễn và đại bác) cùng thiết giáp hiện đại do Liên Xô viện trợ, Hà Nội đã áp đảo ngay từ đầu chiến dịch tiền pháo hậu xung, mở màn từ ngày 30-3. Quân Saigon bị đánh bật phải tháo chạy nơi nơi, và hàng trăm ngàn thường dân vô tội phải bỏ nhà bỏ cửa chạy loạn. Đó là tấn thảm kịch lớn nhất cho người dân - trầm trọng hơn cả Tết Mậu Thân. Hầu như trong 1-2 tháng khởi đầu, địch đã chiếm đóng hay áp đảo nơi nơi. Đáng ghi nhớ là ngày 8-4, Bắc Việt tấn công vào An Lộc và bắt đầu bao vây 8.000 quân Saigon đang tử thủ bên trong; ngày 3-5, địch chiếm được Tân Cảnh và Dak-To cao nguyên trung phần, và từ đó tiến vào Kontum; ngày 3-5, Cổ Thành Quảng Trị bị chiếm sau khi quân Miền Nam phải rút lui...

Sự tồn tại của Miền Nam vào lúc đó cực kỳ nguy ngập, đúng là “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế nhưng Miền Nam đã trỗi dậy. Những nơi bị mất, quân lực VNCH đã bằng mọi giá tìm cách chiếm lại. Nhưng nơi đã cố thủ, quân Saigon đã sống chết giữ cho bằng được. Và đương nhiên, chẳng thể không nhấn mạnh vai trò  yểm trợ hiệu quả của lực lượng oanh tạc của B-52 để đối lại với lực lượng trọng pháo và thiết giáp của địch quân. Địch hầu như đã chiếm được Kontum nhưng rồi cũng phải rút lui vào khoảng tháng bảy. Địch đã kiểm soát được Bình Định và Quảng Ngãi nhưng rồi cũng tháo chạy vì quân Saigon phối hợp cùng quân Nam Hàn đồng minh đã tiêu diệt hầu như hoàn toàn lính Miền Bắc mắc kẹt ở nhựng nơi này. Đến cuối tháng bảy, lực lượng Saigon đã hoàn thành chuyện giải cứu cho An Lộc, một chiến tích cho lực lượng tử thủ, đứng đấu là hai tướng Trần Văn Nhựt, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ. Cam go nhất là mặt trận Cổ Thành, khi Bắc Việt quyết sống chết đưa vào hàng chục ngàn lính tử thủ vì không được phép rút lui. Nhưng đến ngày 15-9, quân Saigon đã tiến vào được Cổ Thành hoang tàn, thu dọn không kịp xác chết của địch ngỗn ngang khắp nơi.

Theo những con số do chính Hà Nội đưa ra, số lính Miền Bắc chết trong cả năm 1972 lên đến 100.000, cùng với 250 xe thiết giáp bị phá hủy... Phía VNCH, số lính chết cũng đến gần 40.000, bị thương cũng cả 30.000. Thường dân bị chết tổng cộng 25.000, nhưng tổng số chạy loạn lên đến cả triệu người,  trong đó 600.000 phải chen chúc ở các trại tỵ nạn... Thêm một lần nữa, Cộng Sản Miền Bắc cho thấy dã tâm phi nhân khi khai thác sinh mạng của người lính hai miền và sự bình an của người dân cho tham vọng chính trị của họ. Họ có thể huênh hoang đã chiến thắng khi chiếm cứ được một số đất đai rãi rác trong rừng núi không có người dân. Miền Nam tuy thế cuối cùng đã có niềm tự hào đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ được đất nước vào một thời điểm cực kỳ thử thách “Việt Nam hóa” của cuộc chiến tranh này.

Có một số bài học từ Mùa hè Đỏ Lửa mà tiếc thay lãnh đạo và giới chính trị ở Saigon đã không “ngộ” được, như sự quan trọng của không lực để chống lại sức tấn công tràn ngập của địch bằng pháo và biển người. Như quyết tâm không để mất đất, mất dân... Phải tử thủ như An Lọc, phải tái chiếm như Cổ Thành, và phải bảo vệ người dân triệt thoái có trật tự.

Mùa Hè Đỏ Lửa phải luôn luôn nằm trong ký ức của chúng ta, trong con tim của người Việt chúng ta. Nó nằm trong con tim vì chúng ta nhớ đến hàng triệu người đống baoà chạy loạn, han2g trăm ngán binh sĩ không ngại đổ máu, và một đất nước của chúng ta cố đấu tranh cho sự sống còn trước một kẻ thù vô đạo. MHĐL cũng nằm trong đầu óc chúng ta vì giúp chúng ta nhìn lại một thời để hiểu lịch sử và chính trị của đất nước. Nó xứng đáng là một tượng đài để nhắc nhở những thế hệ không thể quên được lịch sử như một phần văn hóa cua mình... Một tượng đài Mùa Hè Đỏ Lửa chắc chắn sẽ được nhắc nhở đến nhiều hơn một tượng đài Cổ Thành Quảng Trị.

Chúng ta nhìn lại năm 1972 để tự hào, và nhìn lại năm 1975 để hối tiếc...
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top