Cúm hay cảm?

BS Nguyễn thị Nhuận 
image.png

 

Mọi người thường hay dùng hie chữ cảm cúm đi chung với nhau dù thực ra đây là hai bệnh riêng biệt và gây ra bởi những con siêu vi trùng khác hẳn nhau. Đó là vì một số những triệu chứng của bệnh cúm (flu) cũng giống như triệu chứng bệnh cảm (cold), chỉ có điều là chúng nặng hơn mà thôi. Ngoài ra, cũng có những triệu chứng khác hẳn nhau.
Năm nay, với dịch cúm đang lan tràn và nặng hơn bao giờ hết, chúng ta cần phân biệt giữa cúm và cảm. Không nên tự cho là mình đang bị cảm và thờ ơ không đi khám bệnh hay chữa trị. Nếu bị cúm, chúng ta nên gặp bác sĩ ngay và lấy toa mua thuốc trị cúm trong vòng 48 tiếng sau khi bắt đầu có triệu chứng.
 
1. Bạn sẽ bị cảm nếu ra đường khi tóc còn ướt vào mùa đông? - Sai
 
Từ lâu, người Việt cũng như người Mỹ đều tin rằng ra đường khi trời lạnh mà không giữ đủ ấm hoặc khi tóc còn ướt thì sẽ bị cảm hay cúm. Một vài thử nghiệm đã cho thấy điều này không đúng. Tóc ướt hay khô, lạnh hay ấm, bạn đều có thể bị cảm hay cúm nếu không may bạn nhiễm phải con siêu vi cảm hay cúm. Vào mùa đông, trời lạnh, người ta dễ bị cảm cúm hơn là vì vào mùa này, những con siêu vi này trở nên hoạt động mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, mùa cúm ở Hoa Kỳ thường bắt đầu vào cuối mùa thu qua mùa đông tức từ tháng 11 và kéo dài đến hết tháng 3. Vào mùa đông, người ta có khuynh hướng ở trong nhà nhiều hơn, có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người khác và vì thế dễ bị lây bệnh hơn. Thường người ta dễ bị lây bệnh do bắt tay người vừa mới ho và che miệng khiến siêu vi dính trên tay, hoặc chạm tay mình vào điện thoại và nắm cửa là những nơi dễ dính siêu vi của người bệnh, sau đó, đưa tay lên mũi, mắt và đem siêu vi vào người. Do đó, rửa tay thường xuyên là một phương pháp hữu hiệu nhất để tránh bị lây bệnh cảm cúm.
 
2. Khi con bạn bị cúm hay cảm, bạn nên cho cháu uống thuốc aspirin hay Tylenol vì đó là thuốc cảm? - Sai
 
Mặc dầu thuốc Aspirin hay Tylenol thường được người Việt gọi là thuốc cảm, không phải lúc nào ta cũng nên dùng các thuốc này. Nếu con em bạn bị sổ mũi, ho mà không sốt, bạn không cần phải cho uống Aspirin hay Tylenol mà chỉ cần cho uống thuốc ho hay nghẹt mũi, chẩy mũi. Khi cháu bị sốt hay đau nhức, bạn nên cho uống Tylenol. Đừng bao giờ cho trẻ em uống thuốc aspirin vì thuốc này đã cho thấy là có liên hệ đến chứng bệnh Reyesyndrome là một bệnh rất nặng, ảnh hưởng đến óc và gan bệnh nhân.
 
3. Bạn thình lình bị bệnh. Cả người bạn nhức mỏi. Bạn bị sốt, ho khan và thấy rất mệt. Vậy bạn đã bị. . . . ? - Bị cúm
image.png
 
Triệu chứng bệnh cảm và bệnh cúm có nhiều trùng hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân cúm thường cảm thấy mệt và đau nhức hơn nhiều. Những triệu chứng của bệnh cúm gồm có: Sốt, rùng mình, ớn lạnh và ra mồ hôi, ho khan, nhức đầu, nhức mỏi khắp người rất nhiều, mệt và cảm thấy yếu ớt, không muốn ăn.Một số bệnh nhân cúm có thể có những triệu chứng như chảy mũi, hắt xì và đau cổ giống như bệnh cảm. Tuy nhiên nếu họ sốt cao hơn 101 độ thì có nhiều phần là họ bị cúm hơn là cảm. Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm, tức từ khi nhiễm siêu vi tới khi phát bệnh, là từ 1 tới 4 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân thường thình lình có triệu chứng bệnh. Bệnh nhân sẽ hết bệnh, thấy dễ chịu hơn trong vòng từ 1 tới 2 tuần. Nếu không, thường là họ đã bị thêm những biến chứng khác như sưng phổi hay nhiễm thêm 1 con vi trùng khác.
 
4. Bao lâu bạn mới cần chích ngừa cúm một lần? - Mỗi năm một lần
 
Muốn khỏi bị cúm, ta cần chính ngừa mỗi năm một lần. Đó là vì siêu vi cúm có khả năng biến đổi và mỗi năm là một dạng siêu vi khác gây ra cúm. Thuốc chích ngừa năm trước thường không hiệu nghiệm cho năm nay. Nhà chế tạo thuốc ngừa ước tính là con siêu vi nào sẽ gây ra bệnh cúm trong năm và chế thuốc theo đó. Thời gian tốt nhất để chích ngừa cúm là vào mùa thu, trước khi mùa cúm bắt đầu. Tuy nhiên, nếu bạn lỡ “trễ tàu”, cần chích khi mùa cúm đã bắt đầu, bạn cũng cứ nên chích vì không nhiều thì ít, bạn cũng có một số kháng thể để bảo vệ khỏi bệnh cúm.
 
5. Thuốc trụ sinh chữa bệnh cảm hay cúm hiệu nghiệm nhất? - Sai
image.png
 
Thuốc trụ sinh chỉ giết được vi trùng (bacteria) mà không thể giết siêu vi (virus) tức nguyên nhân gây ra cảm cúm. Do đó, nếu bạn bị cảm hay cúm, thuốc trụ sinh sẽ không giúp được nhiều, trừ khi bạn đã bị nhiễm thêm vi trùng như sưng phổi, sưng tai chẳng hạn. Hiện nay đã có rất nhiều vi trùng chống lại nhiều thứ thuốc trụ sinh nhờ khả năng biến hóa của chúng. Do đó nhiều thuốc trụ sinh không còn hiệu nghiệm nữa. Nếu cứ tiếp tục dùng trụ sinh không cần thiết, càng ngày sẽ có nhiều thuốc trụ sinh bị mất hiệu quả và người ta phải đi tìm những loại thuốc mới tốn kém nhiều hơn và có các tác dụng phụ nặng hơn. Chỉ mới có một vài thuốc chống lại siêu vi dùng để chữa bệnh cúm được lưu hành nhưng phải dùng rất sớm, ngay khi mới có triệu chứng đầu tiên. Do đó, phương pháp tránh bệnh tốt nhất vẫn là chích ngừa.
 
6. Bạn bị buồn nôn, ói mửa và đi tiêu chảy. Như vậy, chắc chắn là bạn đã bị cảm hay cúm? - Cả hai đều không đúng
 
Ói mửa không phải là triệu chứng chính của bệnh cúm hay cảm, tuy trẻ em có thể ói chút ít khi chúng bị cảm cúm. Những triệu chứng tả trong câu hỏi này là triệu chứng của bệnh “cúm bao tử”. Đây là một bệnh của đường bao tử và ruột trong khi siêu vi cảm hay cúm tấn công đường hô hấp.
 
7. Mới đầu bạn chỉ bị ngứa cổ. Sau đó, bạn bị hắt xì liên tục, chẩy nước mũi và đau cổ họng. Như vậy bạn đã bị. . . ? - Bệnh cảm
Bệnh cảm có triệu chứng nhẹ hơn bệnh cúm. Bệnh nhân thường cũng bị bệnh từ từ, không bất thình lình, và cũng không bị sốt cao. Bệnh nhân cũng ít bị mệt và đau nhức như bệnh cúm. Những triệu chứng của bệnh cảm gồm có: Chảy mũi, cổ hơi rát hoặc đau, nghẹt mũi, hắt xì, ho, sốt nhẹ, dưới 102 độ, hơi mệt, không ngửi hay nếm được bằng bình thường.
 
8. Bạn sẽ bị một cơn cúm nhẹ sau khi bạn chích ngừa cúm. - Sai
Thuốc ngừa cúm không chứa siêu vi cúm còn sống, do đó, không thể gây bệnh cúm cho bạn được. Thuốc ngừa cúm chế tạo từ những siêu vi đã chết. Người chích ngừa có thể bị phản ứng phụ nhẹ như sưng và đau chỗ chích. Hiếm hơn nữa, họ có thể bị sốt, đau nhức bắp thịt hay cảm thấy bịnh. Những triệu chứng này sẽ không kéo dài lâu. Nên nhớ: dù đã chích ngừa cúm, bạn vẫn có thể bị bệnh nhưng nếu có, bạn cũng chỉ bị nhẹ hơn là nếu bạn không chích.
 
BS Nguyễn thị Nhuận
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top