Nguyễn Vạn An, Khi EINSTEIN Nói Chuyện

Khi EINSTEIN Nói Chuyện

Nguyễn Vạn An




Các bạn chắc đã đọc rất nhiều lời khuyên của các vĩ nhân, có thể thấy chán. Nhưng tôi vẫn muốn viết về một người, là ông Einstein. Vì ông Einstein là một trường hợp đặc biệt.
Khi Einstein viết về những thuyết tương đối của ông, thì thật rất ít người hiểu. Tôi không dám bàn về các chủ đề đó. Einstein viết nhiều về tín ngưỡng và về đạo Phật. Câu sau này của ông rất nổi tiếng :
“Nếu có một đạo giáo nào có thể thích hợp với những đòi hỏi của khoa học hiện đại thì đó là Phật Giáo”. 
Bởi vì đạo Phật bao trùm cả vũ trụ, coi con người, tất cả sinh vật, và trời đất, là một, không tôn thờ một Thượng Đế, và khi tìm hiểu về tâm linh, nguồn gốc của khổ đau và cách sống trong đời này, đạo Phật cũng theo những phương pháp thực nghiệm như những phương pháp thực nghiệm của khoa học. Đức Thế Tôn nhiều lần nhắc nhở các Phật tử là đừng răm rắp nghe những lời Người đã nói chỉ vì lòng tôn trọng đối với Người, mà phải suy nghĩ thực nghiệm những lời đó vào bản thân thời đại và hoàn cảnh quanh mình. Luôn luôn đặt câu hỏi về những khám phá của người đi trước, để tìm tòi và học hỏi khám phá những điều mới, thích hợp hơn với những khả năng quan sát hiện đại, đó chính là phương pháp căn bản của khảo cứu khoa học.

Hai chữ “đặc biệt” tôi nói ở trên, là khi Einstein viết về đời thường, thì lời ông lại hết sức giản dị, và những điều ông nhắn nhủ rất thực tế. Ai cũng hiểu và cũng có thể áp dụng những lời ông nói trong hoàn cảnh của mình. Đôi khi mình có cảm tưởng đã một phần nào làm theo như ông khuyên. Lúc đó thấy rất phấn khởi thích thú.

Bây giờ tôi xin nhắc vài câu ông nói :

1. Einstein : “Tôi chẳng có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ là một đứa tò mò và đam mê”.

Ông viết thế là vì khiêm tốn đó thôi. Mình đâu dám nói về tài năng với ông, phải không bạn. Nhưng bạn có cho mình là một người tò mò và đam mê không ?

Khi mình có chánh niệm về một vấn đề hay một sự vật gì, thì thể nào cũng muốn hiểu biết thêm. Nếu là một vấn đề quan trọng thì “hiểu biết thêm” có thể viết là “khảo sát thêm". Nếu là chuyện hay sự vật nhỏ thì “muốn hiểu biết thêm" nên viết khiêm tốn là “tò mò”.

Tò mò là một đức tính mình nên khuyến khích và bồi bổ. Có khi chỉ tò mò về chuyện tưởng là nhỏ mà đi đến những khám phá lớn.

Nói về tò mò thì tôi phải kể về hai đứa con. Khi còn nhỏ, cái gì chúng cũng hỏi. Vợ chồng tôi có một nguyên tắc, là khi chúng hỏi cái gì thì dù bận đến đâu cũng phải ngưng việc để trả lời cho chúng. Vấn đề là nhiều chuyện chúng tôi không biết rõ. Vừa trả lời xong đã thấy ngay mình nói như thế thì các con không thể hiểu được. Và chúng tôi đã mất nhiều thì giờ tìm tòi thêm. Nhờ con cái mà học được nhiều thứ, và phải học cho thấu đáo, vì khi cắt nghĩa điều gì mà người khác không hiểu thì lý do là vì chính mình chưa hiểu rõ, chứ không phải vì người khác tối dạ. Khi các con khôn lớn ra khỏi gia đình thì tính tò mò đã để lại cho bố mẹ. Giữ mãi được cả đời cái tính tò mò của các con hồi chúng còn nhỏ là điều rất quý đó các bạn !

Về chuyện đam mê thì tới nửa đời người tôi vẫn cho đam mê là tính trời cho. Ai đi làm mà đam mê công việc mình thì quả là hạnh phúc. Nhưng ít người được như vậy. Riêng phần tôi, học hành có chăm chỉ, đi làm có tranh thủ. Nhưng phải nói đó là vì tham vọng, muốn lên chức, muốn thêm thu nhập. Tôi sẽ viết thêm dưới đây về điều này.

2. Einstein : “Tôi thành công không phải vì tôi thông minh. Mà là vì tôi không nản lòng trong công việc.”

Ông Einstein quá khiêm tốn. Chắc chắn ông đã ngày đêm làm việc. Thời buổi này, phải kiên trì trong công việc làm ăn là chuyện dĩ nhiên. Không kiên trì là bị sa thải. Còn về những chuyện khác, không phải vì miếng cơm, thì mình có kiên nhẫn không ?

Khi công việc kiếm ăn ổn định, ngoài việc đi làm, tôi học thêm cái này cái kia. Học vẽ, sơn dầu, làm tượng, học viết văn, và khám phá ra là… mình cũng có nhiều tài mọn.

Đọc ông Einstein, mỗi khi tôi có linh tính là điều gì có thể thích, tôi rất kiên trì. Quả là khi kiên trì thì thế nào cũng có ít nhiều kết quả. Có điều là khi nào thành công dễ dàng tôi chẳng học được gì mấy. Khi nào phải trầy da sứt vẩy mới thành đạt thì tôi lại học hỏi được nhiều. Tôi đã chứng nghiệm thành công và say mê sẽ đến khi mình biết kiên nhẫn trong những bước đầu ! Khám phá ra điều đó thì đã quá nửa đời người rồi!

3. Einstein : “Khả năng tưởng tượng quan trọng hơn là nhiều hiểu biết”.

Điều này rất sâu xa. Hồi bé các thầy cứ bắt học đủ thứ và học thuộc lòng như con vẹt. Bây giờ mới thấy là khả năng phát minh không bắt buộc phải biết nhiều hiểu rộng. Mình phải“học cách học”, chứ không cần thuộc lòng càng nhiều thứ càng tốt. Thời đại mới có ông Google, hỏi gì cũng cho cả triệu tài liệu để đọc, thành ra vấn đề là phải biết cách chọn tài liệu để đọc, không cần giữ đủ thứ trong đầu nữa !

Khả năng tưởng tượng là chuyện khác. Vì tưởng tượng đi đến phát minh. Thời buổi này rất khó biết những tưởng tượng của mình là mới hay có người đã nghĩ đến rồi. Dù sao điều quan trọng là cái óc tưởng tượng và phát minh của mình. Một người bạn tôi khi viết xong luận án mới đọc được một bài khảo cứu trong đó một người khác vừa tìm ra kết quả của anh, trong một phạm vi rộng hơn. Không thể trách ông thầy hướng dẫn luận án bạn tôi được, vì ông thầy, tuy rất uyên bác, cũng không ngờ có người vừa thành công về chủ đề này rồi. Hội đồng giáo sư, sau khi bàn bạc, đã đồng ý cho bạn tôi trình luận án. Lý do là anh đã có óc phát minh, óc phát minh là điểm chính của nhà khảo cứu. Chuyện đến với anh là một trường hợp rất hãn hữu. Sau này anh đã viết cả trăm bài khảo cứu khác.

Tất cả các nghệ sỹ thành công đều có tưởng tượng và phát minh ! Bạn có đồng ý không ?

4. Einstein : “Học phải hành. Lý thuyết không đủ”.

Cái này thì phải áp dụng trong đời cũng như trong đạo. Kinh nghiệm riêng cho thấy cái gì tôi chưa thực tập thì tôi chưa hiểu. Chuyện công việc thì dĩ nhiên rồi. Nhưng chuyện nhỏ trong đời cũng vậy. Viết bài tập tành mãi rồi sau đọc lại cũng thấy có tiến chút xíu. Bạn thích ăn mà chỉ đọc sách về nấu nướng thì không đủ. Làm bếp một chút thì khi ăn một món ngon sẽ thấy thú vị hơn nhiều. Vẽ một chút thì khi xem tranh thấy thích thú hơn. Mê hoa mà chỉ đọc sách hay ra vườn ngắm thì mau chán. Bà xã tôi có khi đứng cả giờ ngắm một bông hồng trên ban công mà tôi không thấy gì quyến rũ cho lắm. Khi tôi giúp bà vào việc mua đất trồng cây thì mới hiểu : cây hồng đó bà đã chăm chút từ hồi nó còn bé, và bông hoa này bà đã đặc biết cưng nó từ hồi nó mới nở ra.

Khi muốn ngồi thiền cho tới định tôi đọc rất nhiều bài và sách. Lúc đầu hành rất khó khăn. Sau nhiều cố gắng mới tìm ra thủ thuật thở bằng bụng, và thản nhiên từ từ giảm từng bước một những cảm nhận với các giao động bên ngoài và bên trong. Bây giờ nhờ các thủ thuật đó tôi có thể ngồi yên ả trong nửa giờ bốn mươi lăm phút, và khi xả thiền ôn lại thấy quả là trong thời gian ngồi thiền đầu óc mình không suy nghĩ gì cả. Sau đó tôi trở lại đọc sách thì hiểu về ý nghĩa và hiệu quả của ngồi thiền một cách sâu sa hơn. Tôi nói cách ngồi của mình cho một người bạn để anh thử tập. Rồi hỏi kết quả ra sao, thì anh bạn nói không hoàn toàn đồng ý với phương pháp của tôi nhưng anh tìm ra cách khác, rất hợp với anh và rất thành công. Anh đang tham khảo thêm. Thật là tuyệt !

5. Einstein : “Mỗi ngày nên có một cái gì mới. Đừng sống hôm nay như ngày hôm qua”.

Khi các con còn trẻ, trong bữa tối gia đình tôi đặt lệ phải kể cái gì mình làm hôm nay coi là mới mẻ không giống hôm qua. Ai cũng thi đua rất vui. Với bọn trẻ thì rất dễ vì ngày nào chúng cũng có bài học mới. Người lớn thì nhiều khi phải suy nghĩ mới tìm ra điều đáng nói, có khi còn gượng gạo ! Tôi nhớ một cuốn phim có kể chuyện một người mẹ gặp tai nạn có nguy cơ bị mất trí. Các con phải thay nhau vào nói chuyện dài dài với bà để giữ cho bà tỉnh táo không bị u mê. Tụi trẻ nói : “dễ lắm chỉ cần kể với mẹ hôm qua con làm cái này cái kia là thiếu gì chuyện !”. Đến lượt người con dâu. Người này nói với bà một chút rồi ngồi yên... Rồi bật lên khóc nức khóc nở. Bởi vì bấy giờ người con dâu mới nhận ra rằng, ngày này qua ngày kia, mình chỉ có ngần ấy việc, cứ làm đi làm lại, kể ra chỉ trong năm phút là hết không còn gì mà nói nữa.

Các bạn nên cẩn thận, nếu hôm nay mà chỉ làm như hôm qua thì hôm nay bạn đã sống một ngày thừa!

Lời nào của ông Einstein cũng là một bài học vậy.
--
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top