Chuyện Lạ Bốn Phương: 6 cách chôn cất có thể thực hiện trong tương lai/Van Lý Truong thanh thứ hai/ Nhà riêng đắt nhất thế giới cao 27 tầng

 

Chuyện Lạ Bốn Phương

6 cách chôn cất có thể thực hiện trong tương lai

Rải tro cốt lên khí quyển, biến tro cốt thành kim cương, hóa thân trong hình hài san hô... là những cách yên nghỉ vĩnh hằng của con người. 
Theo Futurism, ngày nay khi mai táng một người chết thường có 2 hình thức chính. Thứ nhất là đặt trong quan tài, chôn vùi vào lòng đất và đợi cơ thể phân hủy cho đến khi chỉ còn lại xương hóa thạch. Hai là hỏa táng và chôn cất tro cốt vào lòng đất hoặc rải ngoài sông hay biển.
Trong tương lai, cách mà chúng ta yên nghỉ có thể sẽ rất khác. Điểm chung của những cách chôn cất này là vẫn đảm bảo tính nhân văn, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Rải tro cốt lên khí quyển
Hỏa táng rồi đem tro cốt gửi vào khí quyển đang trở thành một xu hướng ngày càng thịnh hành ở Mỹ. Công ty Mesoloft cung cấp dịch vụ rải tro cốt vào không gian bằng khí cầu ở độ cao hơn 24.000 mét (80.000 ft) là một trong nhiều doanh nghiệp đang cố gắng thuyết phục con người làm điều này. 
Ông Alex Clements, giám đốc điều hành của Melosoft cho rằng: "Tôi nghĩ mọi người đã quá mệt mỏi khi cứ bị đưa vào một chiếc hộp gỗ rồi chôn xuống lòng đất".
Trong nghi thức này, tro cốt người chết sẽ được khí cầu đưa lên độ cao hơn 24 km. Có thể trong tương lai, các công ty sẽ cung cấp dịch vụ sẽ đưa tới độ cao hơn 100 km và vượt ra ngoài không gian vũ trụ.  Khi đó, một robot sẽ mở cửa khoang chứa và rải tro cốt vào không gian. Quá trình được quay phim lại cho gia đình và bạn bè người quá cố xem trực tiếp dưới mặt đất.
Tro cốt người chết sau khi hỏa táng sẽ được khí cầu rải trên bầu khí quyển. Ảnh: TD
Để nấm phân hủy cơ thể
Sau khi chết, người quá cố sẽ được mặc một bộ đồ có tên Infinity Burial chứa các bào tử nấm để đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể.
Khi được chôn vào đất, nấm bắt đầu phát triển từ cơ thể người quá cố. Chúng tiêu hóa dần từ tóc, da, móng tay và những phần của cơ thể khó phân hủy nhất. Đồng thời trung hòa các chất gây ô nhiễm tích tụ trong suốt cuộc đời như thuốc trừ sâu, kim loại nặng, chất bảo quản...
Ý tưởng này được đưa ra bởi ông Jae Rhim Lee, giám đốc điều hành của dịch vụ mai táng Ceoio. Ông muốn thay thế cho các hình thức an táng truyền thống ở phương Tây, được cho là kém thân thiện với môi trường. Infinity Burial đang là lựa chọn của nhiều người thể hiện trách nhiệm với môi trường của họ, ngay khi đã qua đời.
Dennis White là người đàn ông đầu tiên đăng ký thử nghiệm bộ đồ nấm. Ảnh: FR
Bỏ tro cốt cùng tượng Phật
Ở Nhật Bản, dịch vụ tang lễ rất tốn kém. Một nghĩa trang tương lai được gọi là Ruriden tại đền Phật giáo Koukokuji ở Tokyo cung cấp hình thức mai táng có giá cả phải chăng hơn. Đó là một tủ khóa chứa tro cốt hỏa táng đặt sau một bức tượng Phật nhỏ.
Hiện tại, bên trong Ruriden đã có hơn 2.000 bức tượng. Người nhà có thể lưu trữ thông tin về người quá cố bằng hệ thống thẻ từ thông minh. Mỗi khi người quá cố được thăm viếng, bức tượng phía trước tủ khóa nơi họ an nghỉ sẽ sáng lên.
Người dân Nhật Bản phải chi hàng chục nghìn USD cho hình thức chôn cất truyền thống. Với hình thức này, họ sẽ chi 6.600 USD (tương đương hơn 150 triệu đồng) cho một tủ khóa đơn, cùng với phí bảo trì hàng năm 80 USD.
Tro cốt người quá cố được đặt sau tượng Phật và sẽ sáng lên khi có người nhà đến viếng thăm. Ảnh: FR
Biến tro cốt của bạn thành kim cương
LifeGem, cơ sở sản xuất kim cương công nghiệp ở Mỹ cho biết quá trình này bao gồm việc nung nóng carbon từ tro cốt lên đến một nhiệt độ cực cao. Tiếp đó, đặt nó vào một máy ép kim cương chuyên dụng. Sau khi cắt và đánh bóng, người thân có thể khắc lên viên kim cương những dòng kỷ niệm bằng laser.
Yên nghỉ dưới đáy biển trong hình hài san hô
Công ty cung cấp dịch vụ an táng dưới lòng đại dương Eternal Reefs sẽ biến tro cốt của người quá cố thành hình hài san hô và cho phép các sinh vật biển bám vào sinh sống. Họ làm điều này bằng cách trộn tro cốt với một loại bê tông đặc biệt rồi tạo hình nó thành san hô. 
Chôn cất trên một hòn đảo nổi
Floating Eternity là một nghĩa trang nổi ở Hong Kong có thể di chuyển trên biển được thiết kế để tiết kiệm đất và nới rộng không gian sống ở những thành phố chật chội. Nghĩa trang nổi này được thiết kế để chứa tro của khoảng 370.000 người.

Em bé bò ra đường cái
khiến sở cảnh sát Mỹ phải vào cuộc

Sự việc xảy ra lúc 6 giờ tối, hôm thứ 7 tuần trước, tại New Jersey, Mỹ.
Theo Washington Post, tối hôm đó, khi đang lái xe đến nơi làm việc, anh Cory Cannon, 43 tuổi thấy một đứa trẻ đang bò qua đường ở Lakewood, New Jersey. Hướng đi của đứa trẻ vuông góc với các làn xe chạy. Tốc độ giới hạn trên đường này là 64km/h. Ban đầu Cannon nghĩ đó là một chiếc túi hoặc một món đồ chơi. Đến gần hơn, anh nhận ra "món đồ chơi" thực ra là một đứa trẻ nhỏ xíu.
Cannon nhanh chóng đưa em bé ra khỏi lòng đường. Một người dân gần đó đã giúp anh đưa bé về với gia đình cũng ở ngay gần đó.
Cậu bé tự trốn ra khỏi nhà và bò trên đường. Ảnh: Cory Cannon.
Sau khi nhận được thông báo về đứa trẻ đang bò trên đường, Sở cảnh sát Lakewood đã cử nhân viên đến khu vực này. Trong một tuyên bố với tờ The Washington Post hôm 27/9, cảnh sát trưởng Lakewood cho biết: "Có thể cửa ra vào đã bị một anh chị lớn tuổi trong nhà mở ra mà quên không đóng lại. Gia đình không hề biết rằng bé đã bò đi cho đến khi người hàng xóm đến trao trả lại." Cảnh sát không tiết lộ danh tính cha mẹ của em bé. 
Sau khi câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội của tờ báo địa phương Asbury Park Press, nhiều người cho rằng cha mẹ đứa trẻ vô trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có người kể rằng, mình đã từng trải qua tình huống như cậu bé khi còn là một đứa trẻ đang tập đi. “Tôi cũng từng bò ra ngoài như thế, dù mẹ của tôi rất tuyệt vời và chu đáo".
Mục bình luận của tờ Star-Ledger có bài: "Tại sao chúng ta không nên trách móc cha mẹ của đứa trẻ Lakewood bò trên đường”. Star-Ledger lý giải: "Điều này xảy ra vì đó là một đứa trẻ. Không ai, tuyệt đối không có ai, có thể theo dõi một đứa trẻ mỗi phút".

Quả mít có múi nặng hơn 2 lạng

Hơn một năm thử ghép mít Thái và mít địa phương, ông Sơn (Bến Tre) đã tạo giống mít mới, quả nặng 20-40 kg, múi rất to.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có niềm đam mê nhân giống các loại cây ăn trái, nhất là mít. Ông từng thử ghép thành công nhiều loại giống mới, cho năng suất cao, như: nhãn, sầu riêng, ổi, xoài...
Hơn 6 năm trước, nghe nhiều người nói, giống mít địa phương chỉ ăn luôn khi chín, chứ dùng để sấy khô thì không hiệu quả kinh tế, vì quá ngọt, múi lại mỏng, sấy dễ nát. Vậy là ông quyết định đi tìm câu trả lời.
Hiện trong vườn ông Sơn có hơn 200 cây mít nghệ Thanh Sơn đang cho trái. Ảnh: NVCC
Một lần đi du lịch tại Thái Lan, thấy có giống mít ở đây cho trái to, cơm dày, nhưng màu không đẹp, ông xin hạt về ươm cây rồi đem ghép với giống mít nghệ địa phương, với hi vọng sẽ tạo thành giống mới là: mít nghệ Thanh Sơn.
Sau hơn một năm chờ đợi, kết quả như ý muốn. Cây mít đầu tiên cho chỉ 5 quả, nhưng trái nào cũng to, trọng lượng từ 20 đến 40 kg. Điều đặc biệt, múi đều, nặng hơn 200 gram, màu vàng đẹp, cơm dày và không quá ngọt.
Mỗi múi mít nặng 2 lạng trở lên. Ảnh: NVCC
"Tôi rất vui, mang đi biếu bạn bè ăn thử, ai cũng khen", ông Sơn nói. Ông quyết định nhân giống lên hơn 200 cây. Hơn hai năm nay các cây đã cho trái đều. Tuy nhiên, hiện cây còn nhỏ nên ông chưa ép cây ra trái. Cây cũng không phải chăm sóc nhiều và chỉ khoảng hơn một năm là cho quả. 
Từng được thưởng thức giống mít mới của ông Sơn, ông Nguyễn Minh Châu nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết giống mít nghệ Thanh Sơn cho múi to, thịt dày, màu vàng nghệ, độ ngọt không cao nên rất phù hợp làm mít sấy. 
Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết, ông Sơn là người có nhiều ý tưởng mới với các loại cây trồng và là hộ gia đình có kinh tế phát triển tại địa phương. 

Nhà riêng đắt nhất thế giới cao 27 tầng
và chỉ có 5 người ở

Đó là nơi sinh sống của gia đình tỷ phú Mukesh Ambani, gồm vợ chồng ông và ba đứa con ở Ấn Độ.
 Tòa nhà cần tới 600 người phục vụ. Ảnh: Moment RM.
Tọa lạc trên mảnh đất 37.000m2 phía nam thành phố Mumbai (trước đây có tên là Bombay), nơi sinh sống của gia đình tỷ phú Mukesh Ambani cao 27 tầng, tương đương 173m.
Tại tòa nhà này có 3 bãi đáp trực thăng, một rạp chiếu phim, nhiều bể bơi, một phòng khiêu vũ với 80% trần nhà được lắp đèn chùm, và một khu vườn 4 tầng. Hầm để xe tại tòa nhà chứa được 168 chiếc xe hơi siêu sang. 
Như ông Thomas Johnson, giám đốc Marketing của công ty Kiến trúc Hirsch Bedner Associates nói với Forbes năm 2010, giá trị của tòa nhà ước tính gần 2 tỷ đôla Mỹ (46 nghìn tỷ đồng). Đây được coi là nhà riêng đắt giá nhất và lớn nhất trên thế giới. Tòa nhà hoàn thành từ năm 2010, nhưng vài năm sau, gia chủ mới dọn về ở. Thời gian đầu, người ta còn gọi đây là căn nhà hoang giá trị nhất thế giới.
Chủ nhà phải thuê tới 600 nhân viên để đảm bảo nó hoạt động ổn định. Mỗi tháng, tòa nhà mất 100.000 bảng Anh (khoảng 2,8 tỉ đồng) tiền điện. 
Gia chủ đặt tên cho tòa nhà là Antilia, theo tên một hòn đảo thần thoại. 
Vợ chồng tỷ phú. Ảnh: whatsthehype.in.
Mukesh Ambani là chủ tịch công ty dầu mỏ và khí đốt Reliance Industries - một trong những công ty giá trị nhất ở Ấn Độ, do cha ông sáng lập. Năm 2017, tỷ phú 61 tuổi này được Forbes đánh giá là người đàn ông giàu có nhất Ấn Độ với tổng tài sản 45 tỷ USD.

'Vạn Lý Trường Thành' thứ hai ít người biết ở Trung Hoa

Dù không nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, Tường thành Nam Kinh lại là bức tường bảo vệ nội đô dài nhất thế giới.
Là nơi thu hút đông đảo khách du lịch, Vạn lý Trường Thành đã trở thành một biểu tượng kiến trúc tự hào của Trung Hoa. Tuy nhiên, đây không phải là bức trường thành duy nhất của nước này, theo BBC.
Ở thành phố Nam Kinh, tây bắc Thượng Hải, có một “Vạn Lý Trường Thành” khác tọa lạc bên bờ sông Dương Tử. Chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Trung Hoa, công trình này là bức tường thành quây tròn dài nhất thế giới.
Tường thành Nam Kinh ngày nay. Ảnh: Pinterest.

Tường thành Nam Kinh được xây dựng trong khoảng năm 1366 tới 1386 nhằm bảo vệ cố đô của triều nhà Minh. Khoảng 200.000 công nhân xây dựng thành trì này trong 21 năm và vận chuyển gần 7 triệu mét khối đất. 
Chu Nguyên Chương, Hoàng đế đầu tiên của triều Minh, đã ban lệnh cho dân khắp năm tỉnh lân cận phải sản xuất gạch xây thành, mỗi viên nặng khoảng 2,7 kg, theo China Travel Guide
Đặc biệt, mỗi viên gạch đều ghi lại các thông tin như nơi chế tác, viên quan chịu trách nhiệm, hay người thợ làm ra chúng. Nhờ đó, hơn 300 triệu viên gạch đắp Tường thành Nam Kinh trở thành bộ tài liệu lịch sử về xây dựng lớn nhất thế giới. Chúng gắn kết bằng một hỗn hợp đông đặc gồm vôi, nước gạo và dầu tùng. Chiều cao bức tường đạt từ 14 đến 20 mét, rộng 14 mét. Trên đỉnh có 13.616 lỗ châu mai để phòng thủ.
Bức tường thành quây tròn dài nhất thế giới này bao bọc một vùng rộng hơn 5.400 hecta nội đô Nam Kinh. Bức tường ban đầu dài gần 35 km; ngày nay còn sót lại gần 21 km.

Trang Travel Guide China chỉ ra Tường thành Nam Kinh được xây dựng theo phong cách truyền thống kết hợp khung cảnh non nước tự nhiên của thành phố. Bức tường thành cổ vẫn đứng vững là minh chứng cho trình độ quy hoạch đỉnh cao của người Trung Quốc xưa, cũng như phản ánh sự phồn hoa của các kinh đô cổ.
Ngày nay, du khách tới Nam Kinh có thể tham quan bức tường thành cổ tại 6 phần mở cửa cho công chúng: 6 km từ Trung Hoa Môn tới An Môn, 2 km từ cổng Zhong Shan tới đường Đông Guanghua, 6 km từ Đông Thuỷ Quan đến Tây Thuỷ Quan, 1 km từ núi Qing Ling đến Vườn Quốc phòng, 4 km từ cổng Ding Huai đến núi Sư Tử, và 2 km từ đường Zhong Fu đến cổng Zhong Fang.
Trung Hoa Môn là cổng phía nam, nằm ở phía bắc sông Tần Hoài với dấu tích còn lại của ba cung điện lớn liền kề. Khu vực phía đông của bức tường bao quanh Đông Thuỷ Quan đã được phát triển thành một công viên lớn.
Đông Thuỷ Quan ngày nay. Ảnh: Nanjing Travel.

Vũ Môn là trạm cuối trên đường đi dành riêng cho hoàng đế Minh triều, dẫn vào cung ở phía bắc Đông Thuỷ Quan. Ngày nay, một không gian xanh được mở ra trên nền cung điện cổ, với một cổng chào, hào nước, tàn tích của đàn tế trời, và một bức tường đá với tranh điêu khắc của các loài sinh vật huyền thoại từ đời Minh. Công viên giờ đây tràn đầy sức sống với những môn sinh Thái Cực Quyền tập luyện mỗi ngày.
Tiếp tục đi ngược chiều kim đồng hồ dọc theo lối đi trên tường thành, cổng Taicheng mang đến một tầm nhìn bao la về một phía hồ Huyền Vũ ở trung tâm thành phố, phía bên kia là một ngôi đền cổ xưa đứng kế tòa tháp chọc trời Zifeng. 
Tại điểm cực bắc của tường thành là cửa ngõ được hoàn thiện nhất, An Môn. Nằm ngay phía bắc của hồ Huyền Vũ, pháo đài này là một khu vực quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự tò mò của công chúng trong hơn bảy thập kỷ qua. Đây cũng là cánh cổng duy nhất có tháp canh.

 
 
 
Nam Kinh huyền bí. Video: Andy To.
Trường Đặng
Theo Tổ chức Di sản Thế giới UNESCO, thành phố Nam Kinh mang trong mình bốn đặc điểm nổi bật nhất ít ai ngờ. Nó là thành phố có quy mô lớn nhất và được sử dụng lâu nhất; có quy hoạch hoàn hảo nhất; có di tích gạch lớn nhất; và nổi bật vẫn là nơi có bức tường thành bảo vệ nội đô duy nhất vẫn còn đứng vững cho tới ngày hôm nay.
Những điểm tham quan của thành phố: Công viên Ngọ Triều Môn, Tường thành Nam, Minh Hiếu Lăng - nơi yên nghỉ của Chu Nguyên Chương, Lăng Tôn Trung Sơn, Vườn Chiêm Viên, Bảo tàng Nam Kinh...



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top