• Lê Hữu: GIẤY VỆ SINH LÊN NGÔI  

• Lê Hữu

GIẤY VỆ SINH LÊN NGÔI    



Giấy vệ sinh lên ngôi, đấy không phải chuyện đùa mà là chuyện “người thật, việc thật” trong mùa đại dịch coronavirus này.

“Ngày thần tiên em bước lên ngôi” (1) 

Câu chuyện thế này, tháng trước, Haidee Janetzki, một phụ nữ 33 tuổi ở thành phố Toowomba tiểu bang Queensland bên Úc, đặt mua trên mạng 48 cuộn giấy vệ sinh gửi về địa chỉ nhà cô, nhưng không hiểu lơ đãng thế nào mà cô lại gõ lên bàn phím là 48… thùng giấy vệ sinh. Kết quả là ít ngày sau hai chiếc xe truck lớn chở hàng đậu trước nhà, lần lượt dỡ hàng đổ xuống nhiều thùng lớn chứa toàn giấy vệ sinh. Sau phút choáng váng, hiểu ra rằng lỗi sơ ý của mình đã khiến “sai một ly đi một dặm”, cô và ông chồng cười sặc sụa. Haidee đã phải trả số tiền lên đến AU$3,264 (trên US$2,100) cho 48 thùng giấy vệ sinh ấy. Mỗi thùng có 48 cuộn, 48 thùng là 2304 cuộn, nếu dùng nhanh lắm, cứ hai ngày thay một cuộn thì cũng phài mất đến 12 năm mới sử dụng hết. 

Hai vợ chồng sau đó nhận ra rằng, trong lúc giấy vệ sinh là mặt hàng khan hiếm và đang được săn lùng ráo riết tại nhiều cửa hàng thì hai người lại sở hữu một khối tài sản khổng lồ gồm nhiều thùng giấy vệ sinh chất cao như núi. Lấy làm tự hào về điều này, ông chồng bèn thiết kế cho Haidee một bệ cao, vây bọc xung quanh bởi nhiều thùng giấy vệ sinh. Cô ngồi trên chiếc “ngai vàng” chót vót, đầu đội vương miện, tay cầm quyền trượng, tất cả đều được trang trí hoặc làm từ nhiều cuộn giấy vệ sinh.

Video clip này được truyền đi rộng rãi và Haidee nhanh chóng đạt danh hiệu “Toilet Paper Queen” trong ngày 5 tháng Ba, “ngày thần tiên em bước lên ngôi” và cũng là ngày đổi đời của những cuộn giấy vệ sinh.

Sau đó hai vợ chồng đã làm nghĩa cử từ thiện là nhượng lại các thùng giấy vệ sinh ấy cho những ai thực sự có nhu cầu với giá đúng với giá mua vào, một nghĩa cử rất đáng hoan nghênh trong lúc biết bao người tìm đỏ mắt không ra một cuộn giấy vệ sinh.

Thế nhưng không phải ai cũng được may mắn như hai vợ chồng này, tình trạng khan hiếm trầm trọng giấy vệ sinh đã khiến xảy ra lắm chuyện thú vị và cũng lắm chuyện kinh hoàng trên đất nước họ.

Chẳng hạn, NT News, một tờ báo khá phổ biến đã nảy ra sáng kiến tuyệt hảo vừa để khuyến mại vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết của độc giả, bằng cách tăng thêm số trang gồm 8 trang giấy trắng chen vào giữa tờ báo để độc giả có thể giật ra dùng làm giấy vệ sinh khi cần đến. 

Hoặc, nhà hàng The Cambridge Bar and Grill tại Minnesota cũng mở ra chương trình khuyến mại hấp dẫn khác. Theo đó, mỗi hóa đơn đặt hàng trị giá trên AU$25 sẽ được nhà hàng tặng không món quà đặc biệt là một cuộn giấy vệ sinh. 

Hoặc, theo tin ABC News, cảnh sát tiểu bang New South Wales đã bắt giữ và truy tố hai phụ nữ ấu đả dữ dội để tranh giành mua giấy vệ sinh trong một siêu thị ở Sydney bên cạnh một xe đẩy hàng chất đầy giấy vệ sinh. Cũng tại Sydney, trong một vụ tranh giành giấy vệ sinh khác ở siêu thị Woolworths tại Westfield Parramatta, một khách hàng đã rút dao rượt đuổi một khách hàng khác chạy có cờ khiến cả siêu thị hoảng loạn cho đến khi sáu viên cảnh sát được điều tới mới giải quyết êm được. 

Những vụ đấu đá, giành giật giấy vệ sinh này xét ra cũng chẳng thấm tháp gì so với những vụ cướp bóc quy mô hơn ở Hồng Kông.

Theo BBC News, ngày 17/2 một tài xế xe tải đã bị một nhóm ba người đàn ông bịt mặt cầm dao khống chế ở bên ngoài siêu thị Wellcome tại quận Mong Kok, cướp đi 600 cuộn giấy vệ sinh trị giá HK$1,640 (US$211).

Tại Nhật, một đất nước vẫn được cả thế giới thán phục và xem là tấm gương sáng về sức mạnh tinh thần, lòng tự trọng, tính kỷ luật, đoàn kết và bình tĩnh cao độ của người dân trước mọi thảm họa như động đất, sóng thần… nay cũng chao đảo vì trận đại dịch coronavirus. Bệnh trộm cắp tưởng như chỉ có ở những nước nào khác chứ chẳng bao giờ xảy ra ở Nhật thì nay lại thấy xuất hiện khi cả nước lên cơn sốt vì nạn khan hiếm giấy vệ sinh.

Trong lúc giá cả mặt hàng này tăng vọt, các siêu thị ở Saitama Shinjuku và nhiều cửa hàng lớn đều cháy hàng, không ít người đã tìm cách đánh cắp món hàng hiếm hoi này. Các nhà hàng, nhà vệ sinh công cộng ở khu vực Nakano, Tokyo liên tục bị mất trộm giấy vệ sinh và đã phải dùng đến dây xích để khóa chặt những cuộn giấy này, đồng thời treo bảng thông báo yêu cầu khách hàng không được lấy giấy vệ sinh mang đi. Thông báo cũng nói sẽ đóng cửa các nhà vệ sinh nếu tệ nạn này không chấm dứt; hơn thế nữa, sẽ gọi cảnh sát đến bắt giữ những kẻ trộm cắp bị bắt quả tang. 

“Vì sao lại phải dùng đến khóa xe đạp để khóa một cuộn giấy vệ sinh chỉ với giá không tới 100 yên, trong lúc xe đạp lắm khi không cần phải khóa? Thật đáng hổ thẹn. Khách nước ngoài sẽ nghĩ sao về đất nước chúng ta khi họ đến tham dự Olympic Tokyo vào tháng 7 này?” Những dòng này đọc thấy trên mạng xã hội Nhật Bản.



Không ít gia đình phải khóa kỹ nơi trữ giấy vệ sinh, hoặc cẩn thận hơn, trang bị camera giám sát để theo dõi và phát hiện kịp thời kẻ trộm đến viếng những thùng giấy vệ sinh.

Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh xảy ra ở hầu hết các nước đang phải đương đầu với dịch bệnh Covid-19. Giấy vệ sinh có thể mang đến những may mắn hay rủi ro, những phúc hay họa. Người ta có thể liều mạng, có thể mất mạng như chơi vì một cuốn giấy vệ sinh. 

Mới đây, sở cảnh sát Newport tại tiểu bang Oregon ra thông báo trên Facebook kêu gọi cư dân vui lòng đừng gọi đến số 911 để kêu cứu vì hết giấy vệ sinh. “Đấy không phải là trường hợp khẩn cấp,” thông báo nói, “chúng tôi không thể mang giấy vệ sinh đến nhà quý vị được.” 

Đấy là chuyện thật, còn đây là chuyện đùa: Trong một tranh hí họa, một tên cướp bịt mặt bất ngờ đột nhập vào ngôi nhà, chĩa súng vào chủ nhà, quát lớn: 

“Muốn sống hay muốn chết? Có bao nhiêu cuộn giấy vệ sinh mang hết ra đây!”

“Tôi chỉ còn hơn nửa cuộn ở trong nhà vệ sinh,” chủ nhà run rẩy. “Xin cứ lấy và xin tha mạng.”

Những câu chuyện ly kỳ xung quanh cuộn giấy vệ sinh không sao kể hết được.

Giấy vệ sinh và “hiệu ứng bầy đàn”

“Dịch corona không phải là dịch tả.” Tôi đọc được câu ấy trong email một người bạn. 

“Đây là câu hay nhất trong mùa dịch này,” tôi nói với người bạn. 

Người khác có thể bình chọn những câu nào khác hay ho hơn nhưng với tôi thì câu ấy vẫn là hay nhất. Lý do là, cả tháng nay tôi vẫn băn khoăn “Vì sao trong số những món hàng người ta đổ xô nhau tận vơ tận vét tại các cửa hàng lớn nhỏ lại có cái món giấy vệ sinh?” Cứ nhìn vào những xe đẩy hàng trong các siêu thị là thấy rõ, luôn luôn là giấy vệ sinh, trên hết là giấy vệ sinh. Tôi đã hỏi không ít người nhưng chưa nhận được câu trả lời nào thỏa đáng, rõ ràng, hoặc nhận được những câu trả lời không giống nhau, gồm cả những lời giải thích khá bất ngờ, như giấy vệ sinh có thể được dùng làm khẩu trang (xếp vài lớp có chiều dài bằng bàn tay, xỏ vào hai đầu hai cọng giây thun) khi không còn tìm mua được khẩu trang. Đơn giản vậy sao? Tôi vẫn bán tín bán nghi, không rõ thực hư thế nào.

Dịch corona không phải là dịch tả, và nếu một trong những triệu chứng hay biến chứng của dịch bệnh này có là tiêu chảy đi nữa thì cũng chỉ nhẹ thôi. Tôi tin là nhiều người cũng biết rõ vậy, thế thì đâu có cần phải ráo riết tìm mua và dự trữ cho thật nhiều giấy vệ sinh. Tôi vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời trong lúc vẫn tin rằng những cuộn giấy vệ sinh ấy hẳn được dùng cho chuyện gì khác cấp thiết hơn là chuyện... vệ sinh, vì xưa nay chưa hề nghe nói có ai chết vì thiếu giấy vệ sinh cả (bản thân tôi từng nhiều năm liền không đụng đến giấy vệ sinh mà vẫn sống nhăn). 

Tháng trước, tôi tìm đến siêu thị Costco vào đầu giờ buổi sáng, tưởng không nhiều khách mua sắm nhưng đông thì vẫn cứ đông. Một ông khách từ bên trong hiên ngang bước ra, trông rất “hồ hởi phấn khởi” với chiếc xe đẩy hàng chất đầy những bịch giấy vệ sinh cao nghệu đến che chắn cả tầm nhìn, khiến những xe đang chạy tìm parking lot phải ngừng lại để cho tảng giấy vệ sinh ấy lừ đừ đi qua. 

Bên trong, các quầy kệ khăn giấy, giấy vệ sinh đã vơi cạn nhiều. Một anh chàng nghĩa hiệp đóng vai người hùng mạo hiểm leo lên quầy kệ trên cao để dỡ hàng và thả xuống những bịch giấy vệ sinh lớn cho các cô gái đứng chờ bên dưới. Một khách hàng lớn tuổi đứng nhìn những quầy hàng trống trơn bằng đôi mắt thất vọng, và những khách hàng khác vội vàng chạy đến vì sợ chậm chân thì “còn gì đâu nữa mà khóc với cười”.(2)

Trong lúc đứng xếp hàng chờ đợi nơi quầy tính tiền, tôi hỏi một cô đứng cạnh chiếc xe đẩy chất hai bịch giấy vệ sinh, “Vì sao mọi người mua giấy vệ sinh nhiều quá vậy?” thì được cô trả lời “Em cũng không biết, thấy mọi người mua nhiều thì em cũng mua thôi.” 

Ra là vậy. “Giấy vệ sinh” nay trở thành tên gọi thân quen trên cửa miệng nhiều người. Bạn bè gặp nhau, hàng xóm hỏi nhau ân cần, “Đã mua giấy vệ sinh chưa?” nghe cứ như 1à “Ăn sáng chưa?”, “Uống café chưa?”…

Vì sao lại giấy vệ sinh? Vì sao và vì sao?... Không có câu trả lời nào. Thật là khó hiểu, thật bí ẩn. Không cách chi giải mã được.

Liệu đây có phải là đòn phép hay trò đùa dai của kẻ nào đó giấu mặt nhằm tạo những rối mù và hoảng loạn?

Liệu giấy vệ sinh có là vũ khí sắc bén để chống lại con virus, hay có là “khắc tinh” của con virus? Có thể lắm, biết đâu chừng, vì đối thủ của loài virus là sự sạch sẽ. 

Liệu có phải Đấng Quyền Năng, qua những cuộn giấy vệ sinh ấy, đã gửi đi thông điệp là lời cảnh báo đến nhân loại, “Hãy dọn mình sạch sẽ, hãy ăn ở sạch sẽ, từ thân xác đến tâm hồn, mới mong thoát khỏi hiểm họa của dịch bệnh”? 



Liệu có phải trong trận chiến một mất một còn với con virus lợi hại này người nào sở hữu được càng nhiều giấy vệ sinh thì người đó càng nhiều khả năng cầm cự và sống sót? Nếu không giành được phần thắng thì ít ra cũng phòng thủ được mình trước cuộc tổng công kích của loài virus vô hình. 

Giả thiết này không phải là không có cơ sở. Tấm ảnh bên dưới giải thích được phần nào vì sao người ta lại cần nhiều cuộn giấy vệ sinh đến như vậy. Những vị này quấn chặt giấy vệ sinh kín mít từ đầu đến chân, chỉ chừa hai con mắt trang bị kính bảo hộ, tưởng không một con virus nào có thể xâm nhập nổi. Lối bó chặt thân mình bằng giấy vệ sinh này trông hình thù con người giống như những xác ướp Ai Cập trong những phim mummy, ở trong tư thế sẵn sàng tác chiến, nếu không dọa được con virus thì cũng là chiến thuật phòng thủ tối ưu.

Nếu những giả thiết, những lối suy diễn ấy đều không thuyết phục thì cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh toàn cầu này chỉ có thể giải thích như là một hội chứng gọi là “hiệu ứng bầy đàn”. Tâm lý bầy đàn là những phản ứng và hành vi luôn làm rập khuôn giống nhau, do phản ứng sợ hãitạo áp lực lên tâm lý cá nhân khiến phải hành động theo mọi người để tránh cảm giác “bị loại ra khỏi nhóm” hoặc “bị bỏ lại phía sau”. Đám đông càng nhiều người thì càng dễ gây ảnh hưởng. Khi mà ta không biết rõ chuyện gì đang diễn ra thì tốt hơn hết là hãy làm theo những gì mọi người đang làm. 

Trong lúc mọi người đều ráo riết, ùn ùn đổ xô nhau đi tìm mua giấy vệ sinh thì tôi không thể nào đứng yên một chỗ được, nếu không muốn… không giống ai và bị bỏ lại sau lưng.

Trong lúc ông hàng xóm tha hết thùng này đến thùng khác giấy vệ sinh về chất đầy trong garage thì tôi không có lý do gì chỉ khoanh tay đứng nhìn mà không nhanh chân chạy đi mua trước khi hết hàng. 

Không rõ sự lây nhiễm của coronavirus lên tới mức độ nào chứ lây nhiễm của “trận giặc tin đồn” thì quả thực đáng sợ.

Bên cạnh cơn khủng hoảng trong mùa đại dịch này vẫn có những câu chuyện xung quanh cuộn giấy vệ sinh làm cho đầu óc được thư giãn, bớt nặng nề, thậm chí làm đẹp thêm cho cuộc sống.

Trong lúc nhiều người dân Anh lo lắng đổ xô đi mua giấy vệ sinh, ông chủ khu vui chơi giải trí Chapmans Funland ở thị trấn Bridlington, East Yorkshire đã nảy ra ý tưởng thay thế các con thú nhồi bông bằng những cuộn giấy vệ sinh trong những máy gắp đồ chơi để làm phần thưởng cho những ai may mắn thắng cuộc chơi trong vòng 30 phút. Ông tâm sự, trông thấy cảnh nhiều người hối hả chạy đi mua giấy vệ sinh có một vẻ gì hài hước nên ông nghĩ ra cách ấy để những ai tìm đến khu vui chơi này có thể tìm lại được nụ cười sau những lo âu, mệt nhọc và căng thẳng.
Hơn thế nữa, lại còn có những câu chuyện tình lãng mạn đến từ những cuộn giấy vệ sinh.
Chuyện tình nở trên những cuộn giấy tròn ấy được chia sẻ rộng rãi trên Twitter. Cô gái trẻ người Nhật có nickname @shihon029 đến siêu thị để tìm mua giấy vệ sinh trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Sau khi trả tiền, cô bắt gặp một anh chàng lộ vẻ thất vọng khi không mua được cuộn giấy vệ sinh nào. Cô đến bên chàng trai ngỏ ý sẵn sàng chia bớt cho anh ta hai cuộn giấy vì cô sống một mình và không cần nhiều giấy vệ sinh lắm. 

“Nếu anh cần thêm nữa thì cứ cho tôi biết nhé,” cô gái nói, giọng ân cần. 

Chàng trai khá bất ngờ và cảm động trước sự tử tế của cô gái. 

“Tôi cũng đang sống một mình nên không cần nhiều đâu,” chàng trai ngượng ngùng. “Thế này là đủ lắm rồi.” 

“Có chắc là hai cuộn ấy đủ dùng cho anh?” cô gái hỏi, và cả hai cùng bật cười. 

Sau tiếng cười ấy là trao đổi số điện thoại, là kết bạn và hẹn hò.

Hai cuộn giấy vệ sinh đã mang đôi trai gái “sống một mình” lại gần với nhau. Chắc chắn là cô gái sẽ còn chia sẻ với chàng trai nhiều thứ khác nữa chứ không phải chỉ hai cuộn giấy vệ sinh ấy thôi. Nhiều bạn trẻ đã chúc phúc cho đôi bạn và nói rằng họ đang chuẩn bị rất nhiều giấy vệ sinh để làm quà cưới cho đôi tân hôn.

Ôi giấy vệ sinh, nói hoài vẫn không hết chuyện.

Không có giấy vệ sinh thì cũng đâu có chết ai, thế nhưng cũng cảm thấy thiêu thiếu cái gì. Thử tưởng tượng ngày nào đó không tìm thấy ở trong nhà cuộn giấy vệ sinh nào thì kể cũng buồn và cái “đệ tứ khoái” kia cũng bớt phần nào hứng thú. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở vào thời đại hoàng kim của những cuộn giấy vệ sinh, là thời đại những cuộn giấy tròn này lên điểm vùn vụt và được săn đón tận tình. Nói cách khác, giấy vệ sinh đã thực sự lên ngôi. 

Lê Hữu

(1) “Tình khúc thứ nhất”, Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn

(2) “Nghìn trùng xa cách”, Phạm Duy
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top