Virus corona có thể làm trật bánh giấc mộng Trung Hoa của ông Tập

Tin Tức

Charlie Campbell



Mất 8 giờ để một bác sĩ tới thăm khám cho mẹ của Wu Chen sau khi bà đã đến bệnh viện. Tám ngày sau, bà qua đời. Vị bác sĩ “chắc chắn 99%” bà đã mắc phải căn bệnh viêm phổi bí ẩn đang càn quét thành phố miền trung Vũ Hán (Trung Quốc), Wu nói, nhưng bác sĩ đã không có bộ dụng cụ thử nghiệm để xác nhận điều đó.

Và mặc cho người phụ nữ 64 tuổi sốt và mức oxy thấp mức nguy hiểm, không có giường bệnh nào cho bà. Wu đã cố gắng tới hai bệnh viện nữa trong tuần tiếp theo, nhưng tất cả đều tràn ngập. Đến ngày 25/1 mẹ của cô ngã sụp trên sàn gạch của phòng cấp cứu, thở hắt ra, lịm dần và rơi vào tình trạng không còn nhận biết.
“Chúng tôi không muốn thấy mẹ chết trên sàn, vì vậy chúng tôi đưa mẹ về nhà”, Wu, 30 tuổi, cho biết. “Bà ấy qua đời ngày hôm sau”.
Vì không muốn bị ngồi tù vì “bất đồng quan điểm”, nên Wu đã đề nghị tờ TIME nhắc đến cô bằng một cái tên hóa danh phần nào cho thấy mức độ cái chết virus ảnh hưởng tới chính quyền Trung Quốc ra sao. 
Virus corona mới đe dọa hơn 24.000 người nhiễm bệnh kể từ ngày 4/2 và cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Virus cũng làm lu mờ dự án trẻ hóa quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như sự ngờ vực trong dân chúng về việc chính phủ cam kết giữ an toàn cho người dân. 
Kể từ khi Trung Quốc chậm trễ thừa nhận mức độ nghiêm trọng của dịch, mọi cơ quan của nhà nước Trung Quốc đã lao đầu thực thi một cách ly chưa từng có đối với 50 triệu dân trên 15 thành phố. Chính phủ đã ném 1 tỷ nhân dân tệ (142 triệu đô la) ngân quỹ chiến tranh để chống lại sự bùng phát dịch trong đó có hoạt động xây dựng điên cuồng tạo ra một bệnh viện 1.000 giường chỉ trong 10 ngày. 

Bác sĩ Lý Văn Lượng là người đầu tiên nghi ngờ về chủng virus mới và đã chết vì chính loại virus này (ảnh chụp màn hình SCMP/ YouTube).

Minh bạch là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Nhưng ở Trung Quốc, các bác sĩ báo cáo thực tế về dịch bệnh đã bị bắt vì “lan truyền tin đồn thất thiệt”. Các quan chức bị bắt gặp “bỏ túi” vật tư vốn dành cho nhân viên y tế tuyến đầu. 
Dịch virus là phép thử lớn cho chế độ Trung Quốc
Vào mùa thu năm 2017, ông Tập đã lên bục tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh tuyên bố phiên bản độc đảng của Trung Quốc là một lựa chọn cho “các quốc gia muốn tăng tốc phát triển trong khi vẫn bảo toàn độc lập của họ”.
Kể từ bài phát biểu đó, sự ngạo mạn của chính quyền Trung Quốc đã gia tăng. Nhưng cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay có nguy cơ rung lắc bộ máy độc đoán của chính quyền Trung Quốc.
Dịch virus corona đang lây nhiễm khoảng 2.000 người mỗi ngày tại Trung Quốc và đã lan sang ít nhất 25 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu”. Và nỗi lo sợ về sức khỏe này hiện chưa chấm dứt.
Tập Cận Bình được đánh bóng bằng sự sùng bái cá nhân, đã tích lũy quyền lực nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông. Ông ta đã tận dụng ảnh hưởng mũi nhọn kinh tế của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh tham vọng trong và ngoài nước nhưng cũng chật vật không giống vị lãnh đạo nào trước đó.
“Kể từ khi Tập lên nắm quyền, vấn đề nối tiếp vấn đề rình rập ông ta mà dường như ông ta không thể quản lý hiệu quả”, Jude Blanchette một nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết.
Những sự cố đó bao gồm tình trạng bất ổn ở đặc khu bán tự trị Hồng Kông, một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và bây giờ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra.
Trong nhiều thập niên, tuyên truyền về quy tắc độc đảng của Trung Quốc là đặc tính vượt trội của hệ thống chính trị nước này khi đối mặt với cả khủng hoảng ngắn hạn và cả thách thức dài hạn. Nó được dựng lên như hàng ngàn dặm đường sắt cao tốc kéo theo hàng triệu người thoát đói nghèo.
Vào năm 2022, McKinsey dự đoán, 550 triệu dân Trung Quốc sẽ có thể tự gọi mình là tầng lớp trung lưu – gấp khoảng 1,5 lần dân số Hoa Kỳ hiện tại. Tuy nhiên, câu chuyện đó đã bị giảm giá trị dưới thời Tập. Hiện virus corona có nguy cơ làm suy yếu nhiệm vụ của Tập Cận Bình đưa Trung Quốc đến mục tiêu trong kỷ nguyên kế tiếp.
Năm 2019, Trung Quốc vượt qua Nga với tư cách là nhà nước cộng sản lâu đời nhất. Chính quyền Trung Quốc phân chia quyền lực đáng kể cho các địa khu và thành phố. Các ông chủ đảng địa phương được khuyến khích đưa ra các quyết định táo bạo để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, như thiết lập các cơ sở sản xuất được bao cấp. 
Kết quả là Trung Quốc bùng nổ, nhưng thành một mạng lưới trung tâm quyền lực và các lãnh địa nhỏ, nơi các ông chủ địa phương tranh giành ảnh hưởng và nhung nhúc tham nhũng.
Ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, quy phục nạn tham nhũng vốn đã đặt ra một mối đe dọa hiện hữu cho đảng. Đối với ông, chỉ có một sự phục hưng về ý thức hệ cùng với một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng mới có thể cứu Trung Quốc khỏi vết xe đổ của Liên Xô.
Giấc mộng Trung Hoa
Từ một công chức, ông Tập đã leo lên nấc thang sự nghiệp với tư cách là một quan chức cấp tỉnh, cuối cùng nổi lên như một ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Việc ông không có nền tảng quyền lực khiến những vị lão thành trong đảng tin rằng ông dễ uốn nắn và kiểm soát.
Còn các nhà lãnh đạo toàn cầu hy vọng ông ta có thể thúc đẩy cải cách kinh tế và cải cách xã hội vốn được chờ đợi từ lâu.
Họ đã sai. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã công bố “Giấc mộng Trung Hoa” của ông về một quốc gia trẻ hóa, sau đó nói về việc đưa Trung Quốc trở lại “trung tâm sân khấu của thế giới”.
Khác xa với việc thực hiện các cải cách thị trường theo kiểu phương Tây, ông Tập cố thủ với chính sách nhà nước kiểm soát nền kinh tế mặc cho sự quan liêu, những công chức quỵ lụy với những kẻ vâng lời. 
Ngày nay sự cuồng tín vào đảng đã thấm vào toàn xã hội Trung Quốc. Người đứng đầu Cục điện ảnh Quốc gia Trung Quốc nhận được lệnh: các bộ phim “phải có một điểm mấu chốt về ý thức hệ và không có thách thức đối với hệ thống chính trị”. Các nhà báo Trung Quốc được chỉ thị phải kế thừa các “giá trị Marxist”. Các nghệ sĩ chỉ có thể sản xuất các tác phẩm “phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội”. Thậm chí có một mẩu quảng cáo yêu cầu người hiến tặng tinh trùng ở độ tuổi 20 đến 45 cần phải có “những phẩm chất tư tưởng tuyệt vời” người này phải “yêu tổ quốc” và “trung thành” với các “nhiệm vụ” của đảng.
Mao có “Mao chủ tịch ngữ lục” (Little Red Book), nhưng Tập có hẳn một “ứng dụng” (app) cá nhân phân phát cho 90 triệu thành viên ĐCSTQ, với một thư mục các bài phát biểu và các vấn đáp về cuộc sống và tư tưởng chính trị của ông ta.
Nhiệm vụ của Tập là nung luyện một bản sắc Trung Quốc độc nhất để khôi phục dân tộc đa số là người Hán tới thời hoàng kim, trên cơ sở trung thành với đảng của ông ta. “Tập Cận Bình về cơ bản là một người theo chủ nghĩa Chauvinism Đại Hán với “nhiệm vụ lịch sử” làm người Hán Trung Hoa vĩ đại trở lại”, Giáo sư Steve Tsang, giám đốc viện SOAS China tại Đại học London, nói.
Và ông ta sẵn sàng đi rất xa để đạt điều đó. Tại tỉnh Tân Cương khó bảo của Trung Quốc, một chiến dịch cưỡng chế thực tập có hệ thống đã biến khu vực này có thành một vùng đất bụi bặm với các trại mà theo Liên Hợp Quốc thì ở đây giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.
Những gì bắt đầu như một chiến dịch để chống Hồi giáo cực đoan trong khu vực đã biến thành một dự án lớn về giáo dục tư tưởng. Trên các tuyến đường nơi các đoàn lữ hành Con đường Tơ lụa từng đi, một bộ máy giám sát tinh vi bao phủ dân cư rộng lớn trong một nhà tù được khoanh vùng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), mọi hành động được theo dõi, ghi lại và đánh giá bằng thuật toán. 
Nurlan Kokeubai, 56 tuổi, không biết mình phạm tội gì. Nhưng kể từ tháng 8/2017 đến tháng 4/2018, ông bị giam trong một trại cải tạo gần thành phố Ili (Tân Cương). Trong 4 giờ mỗi sáng, Kokeubai nói, ông cùng các bạn tù buộc phải xem các video Tập say sưa chúc tụng với các vị quyền cao chức trọng cùng những cuộc giám sát tập trận quân sự.
Họ cũng được lệnh phải học thuộc các tư tưởng chính trị mang tên ông ta và các tài liệu từ Hội nghị ĐCSTQ lần 19, khi ông ta xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch để cho phép bản thân cầm quyền suốt đời.
Những người chống cự đã bị đánh bằng gậy hoặc cột vào ghế kim loại để thẩm vấn. “Họ đã kiểm tra kiến thức hoặc lòng trung thành của chúng tôi, Kokeubai trao đổi với tờ TIME ở Almaty, Kazakhstan, nơi mà anh ta đã chạy trốn. “Họ đang nhồi sọ chúng tôi bằng những tuyên truyền”.
Sự thịnh nộ của người dân
Đối mặt một dịch bệnh đòi hỏi nhiều hơn chỉ là một khả năng tung ra một bệnh viện mới trong vài ngày, cần có lòng tin. Và ngay từ đầu, phản ứng công khai của Trung Quốc đối với virus đã đặt ra nhiều câu hỏi. Thậm chí cả các tổ chức đa quốc gia như WHO cũng dường như có vấn đề khi dịch virus corona trở nên tồi tệ hơn. WHO đã không thể ra quyết định về mức độ nghiêm trọng của dịch virus corona sau cuộc họp đầu tiên của họ vào ngày 21/1, rõ ràng là vì ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Đáng chú ý, mặc dù WHO khẳng định việc cấm đi đến Trung Quốc là không cần thiết, nhưng cả chục quốc gia đã đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm Mỹ, Úc và Triều Tiên.
Nếu bạn tin rằng số lượng chính thức của Trung Quốc có tỷ lệ tử vong chỉ 2% – gần giống như cúm thông thường và khác xa so với 50% của dịch Ebola và 10% của dịch SARS. Tại sao sau đó, Trung Quốc đặt toàn bộ các thành phố trong tình trạng phong tỏa, cách ly hàng chục triệu người và huy động cả quân đội?
Nhược điểm của hệ thống kiểm soát từ trên xuống dưới là không ai hành động cho đến khi nhận được lệnh từ cấp cao nhất, và sau đó cấp dưới hành động vội vã để làm hài lòng lãnh đạo. Điều này thể hiện rõ ở Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh và các phản ứng chần chừ từ che đậy cho đến việc phản ứng thái quá sau khi ông Tập chỉ thị giải quyết khủng hoảng. 
Giờ đây, trên khắp Trung Quốc, đã hình thành nỗi sợ hãi trộn lẫn thịnh nộ. Tại tỉnh Hồ Bắc, người Vũ Hán bị tẩy chay. Nhưng ở các tỉnh khác, mọi người từ bất cứ nơi nào ở Hồ Bắc đều bị xa lánh. Ngay cả ở Bắc Kinh, những người bảo vệ tòa nhà chung cư kiểm tra thẻ căn cước của tất cả những người đi vào và cấm những người thuê nhà từ Hồ Bắc. Có video cho thấy cư dân Hồ Bắc xô xát với các nhân viên trạm xăng vì đã từ chối bán hàng cho họ. Đôi khi các cuộc ẩu đả nổ ra khi một cư dân Hồ Bắc cố vượt khỏi một sự ngăn chặn nào đó.
“Đừng đổ lỗi cho chúng tôi là thô lỗ nếu anh đến từ Vũ Hán và anh không tự cách ly bản thân”, một người đã viết lời đăng tải trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc”. “Anh nên bắn họ bởi họ đang giết chết chúng ta”, một người khác viết.
Sự hồi sinh về ý thức hệ đằng sau “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập có thể đã khiến hệ thống chính trị trở lên độc đoán hơn nhưng cũng dễ mắc sai lầm. Dưới thời Mao, các quan chức địa phương cũng ngần ngại hành động cho đến khi họ có những tín hiệu rõ ràng từ cấp trên. Thay vì đánh giá các vấn đề thông qua lăng kính quản trị thuần túy, bộ máy quan liêu của Trung Quốc buộc phải cân bằng cả những mối quan tâm về chính trị và kỹ trị. 
Những thông tin liên quan đến việc virus có trở thành đại dịch hay không, số người bị lây nhiễm và bị cướp đi sinh mạng hiện vẫn đang bị che giấu. Nhưng cuộc khủng hoảng chứng minh rằng việc tập trung quyền lực dưới thời ông Tập đã khiến Trung Quốc trở nên dễ vỡ. Vấn đề là liệu nó sẽ chịu đựng được bao lâu trước khi hoàn toàn rạn nứt.
Mẹ của Wu đã được hỏa táng vào buổi tối bà qua đời. Một chiếc xe container đã tới vào lúc 9 giờ tối và đóng gói thi thể của bà cùng với vô số người khác. Thay vì virus corona, giấy chứng tử của bà được viết là do virus gây viêm phổi.
Wu đã ký một giấy phép chấp nhận cho hỏa táng thi thể của mẹ cô, nhưng được thông báo rằng cô chỉ được nhận tro của bà khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

(Bài viết của Charlie Campbell đăng trên TIME ngày 6/2, do Triệu Hằng dịch và biên tập. Nguồn ảnh chính: TRT World).

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top