Việt Nam: Bia ế, quán vắng, tai nạn vì “xỉn” giảm sau nghị định 100/2019

Tin Tức

image.png
Quán bia Hà Nội vắng khách vì nghị định 100/2019. Nhac NGUYEN / AFP
Thu Hằng
Gần một tháng kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của chính phủ Việt Nam có hiệu lực, số vụ tai nạn và số người chết hoặc bị thương vì tai nạn do uống rượu bia đã giảm rõ rệt, từ 30-50%. Đặc biệt trong những ngày cuối năm và đầu Năm Canh Tý, số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm hẳn so với trước đây.


Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 30/12/2019, thay thế Nghị định 46/2016, và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.

Ví dụ, Nghị định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng đối với người điểu khiển có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Nghị định trước đây quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ cũng bị phạt, từ 400 đến 600 nghìn đồng.

Kể từ khi thủ tướng ký đến lúc nghị định số 100/2019 có hiệu lực, chỉ có hai ngày, thay vì sau 45 ngày như những nghị định khác. Thời hạn ngắn này, được bà Hoàng Hồng Hạnh, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế-Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giải thích với báo Tuổi Trẻ là “do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình tai nạn giao thông nên chính phủ đã có những cuộc họp chỉ đạo, cho phép xây dựng dự thảo theo trình tự rút gọn”.

Thông qua Nghị định mới, “nếu lực lượng chức năng xử phạt nghiêm khắc vi phạm sẽ có tình răn đe cao, khiến người khác không vi phạm và có sự điều chỉnh”, theo phát biểu của ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Theo AFP, tính đến ngày 22/01/2020, các vụ tai nạn chết người đã giảm khoảng 13% so với hai tuần trước đó.

Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, hơn 30% số tai nạn giao thông ở Việt Nam là do uống quá nhiều rượu. Năm 2016, có 79.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng rượu bia. Bà Lê Thị Thu, giám đốc điều hành Tổ chức HeatlthBridge/Canada, trụ sở tại Hà Nội, cho biết hơn 80% số người uống rượu bia tại Việt Nam là đàn ông. Việc lạm dụng bia rượu dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình hoặc bất ổn xã hội. Tác hại của việc lạm dụng rượu bia tương đương 1,3 đến 3,3% GDP.

“100%” - “Dô” và “văn hóa” nhậu

Đa số người dân bất ngờ vì nghị định được áp dụng quá sớm, thiếu thời gian thích nghi vì uống cốc bia sau giờ làm trước khi về nhà, hoặc tụ tập nhậu vào cuối tuần trở thành thú vui của đông đảo người dân Việt, đặc biệt là ở giới trẻ thích giao lưu và nhờ đời sống được nâng cao. Rất nhiều ý kiến cho rằng người Việt nhậu quá dễ dãi : Mọi cuộc vui đều phải có bia rượu, “rửa” hay “khao” một món đồ mới, tăng lương, thăng chức… bất kỳ một sự kiện nào cũng là cái cớ để nhậu. Một số ý kiến khác thì cho rằng người Việt nhậu nhiều vì thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng.

Việt Nam nằm trong số 10 nước tiêu thụ nhiều rượu nhất châu Á, theo công ty cổ phần chứng khoán SSI. Người Việt tiêu thụ khoảng 8,3 lít rượu/mỗi đầu người, trong khi mức trung bình là 6,4 lít/đầu người, theo số liệu năm 2016 của Tổ Chức Ý Tế Thế Giới.

Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á với mức tiêu thụ trung bình hàng năm tính theo đầu người là hơn 42 lít mỗi năm. Trong vài năm gần đây, lượng tiêu thụ bia tăng đều trên 10%. Tuy nhiên, năm 2020, do Nghị định mới, nên khối lượng tiêu thụ bia được dự tính là 4,2 tỷ lít, thấp hơn mức 4,6 tỷ lít năm 2019. Theo báo cáo của Euromonitor International, trong giai đoạn 2004-2018, người trẻ và tầng lớp trung lưu là nguyên nhân chính dẫn đến lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng 284%.

Những ngày trước Tết thường là dịp để các quán nhậu hốt bạc vì đó là thời điểm tinh thần xả hơi, đi chơi, "tổng kết" nhiều hơn là làm việc. Thế nhưng, từ khi có nghị định 100/2019, các quán nhậu, bia hơi vắng hẳn khách, lượng bia bán ra giảm đến 25%. Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ một cửa hàng bia hơi ở trung tâm Hà Nội, tỏ ra lo lắng khi trả lời AFP vì sợ không đủ khả năng trả lương tháng Giêng cho nhân viên vì quán mất đến “80% khách” và “nếu tình hình còn tiếp tục, chắc chúng tôi chỉ cầm cự được một đến hai tháng”.

Để các “thượng đế” trở lại, nhiều nhà hàng, quán bar, bia hơi liên tục nghĩ ra những biện pháp có một không hai : giữ xe máy, ô tô miễn phí qua đêm cho khách hàng uống bia/rượu, tặng tiền để khách đi taxi hoặc Uber và Grab, điều nhân viên chở khách về nhà…

Tuy nhiên, mức phạt nặng đã thể hiện rõ tính chất răn đe, các quán nhậu giờ đây đìu hiu, còn doanh thu ngành bia Việt Nam giảm đáng kể từ khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, theo Bloomberg.

Ngành bia méo mặt

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết các công ty thành viên đã lên tiếng lo ngại về tình trạng doanh số bia sụt giảm dù “chưa có thống kê chính xác… nhưng chắc chắn đã giảm rất nhiều”, theo phát biểu của ông Lương Xuân Dũng với Bloomberg.

Trước dịp Tết nguyên đán, các công ty kinh doanh rượu bia đồng loạt giảm giá sản phẩm để kích cầu. Tuy nhiên, chính phủ cũng ban hành những quy định mới, chặt chẽ hơn, về quảng cáo, theo đó quảng cáo đối với rượu phải kèm theo những cảnh báo về vệ sinh và cấm quảng cáo rượu trên đài phát thanh và truyền hình từ 18 giờ đến 21 giờ, cũng như trước và sau các chương trình dành cho thiếu nhi...

Nghị định của chính phủ Việt Nam phạt nặng người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã tác động đến giá cổ phiếu của Heineken, theo Financial Times (21/01) vì Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của Heineken. Việt Nam chiếm khoảng 5% khối lượng bán của tập đoàn Heineken và khoảng 12% lợi nhuận trước lãi và thuế. Theo ông Trevor Stirling, nhà phân tích đồ uống tại Bernstein Research, khoảng 41% doanh thu tại châu Á-Thái Bình Dương của Heineken đến từ Việt Nam, “tương đương với khoảng 1,2 tỉ euro doanh thu hàng năm”.

Heineken hoạt động ở Việt Nam từ năm 1991 và hiện là một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất tại đây. Chi nhánh Heineken Việt Nam có 6 nhà máy sản xuất và 9 cơ sở bán hàng trên khắp đất nước cho hai mác Heineken và Tiger. Thế nhưng, thị trường bia Việt Nam có thể giảm 5% doanh số bán bia trong suốt năm 2020 mà Heineken cũng như các đối thủ cạnh tranh khác phải chịu.

Reginald Watson, nhà phân tích tiêu thụ cơ bản của ngân hàng ING, nhận định : “Nếu Nghị định của chính phủ chỉ là đợt phòng ngừa tai nạn giao thông dịp Tết, sau đó mọi hoạt động có thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu không phải như vậy, thì phải nói lời tạm biệt với một phần đáng kể của tăng trưởng trong năm 2020”.

(Tổng hợp từ AFP, Financial Times, Bloomberg, Tuổi trẻ, Báo Giao Thông)
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top