Thế giới tiếp tục lên án Trung cộng về đại dịch Coronavirus

Tin Tức

Thế giới tiếp tục lên án Trung cộng
về đại dịch Coronavirus

Washington nghi ngờ đại dịch xuất phát
từ phòng thí nghiệm Vũ Hán



Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/04/2020. AFP - MANDEL NGAN

Các nước Tây phương nghi ngờ Trung Cộng che giấu nhiều sự thật về đại dịch Covid-19. Hoa Kỳ dường như không loại trừ khả năng siêu vi corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Anh, Pháp đòi Bắc Kinh phải làm sáng tỏ một số vấn đề.


Hoa Kỳ mở điều tra tìm hiểu nguồn cội siêu vi corona, virus đã giết chết 140 ngàn người trên thế giới tính đến ngày 16/04/2020. Trả lời đài FoxNews tối thứ Năm, ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết đang điều tra sâu rộng, không loại trừ một giả thuyết nào về việc siêu vi lây lan khắp địa cầu và gây ra thảm họa khủng khiếp như vậy.

Một ngày trước, nhật báo Washington Post khẳng định là đại sứ Mỹ tại Trung Cộng, cách nay hai năm, sau khi thăm một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã báo động bộ Ngoại Giao về tình trạng thiếu an toàn của viện nghiên cứu này. Theo tin riêng của FoxNew, siêu vi corona gây đại dịch lần này có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải nhân tạo. Thứ hai là siêu vi lọt ra bên ngoài từ viện nghiên cứu thiếu an toàn này là do sơ suất của con người chứ không phải do cố tình. Ngoại trưởng Mỹ không phủ nhận hai tin này.

Cùng thời điểm, từ Luân Đôn, thủ tướng Anh Boris Johnson, đang trong giai đoạn hồi sức, cáo buộc Bắc Kinh che giấu sự thật : Trung Cộng sẽ phải trả lời "một số câu hỏi hóc búa" về sự xuất phát của siêu vi và lý do vì sao virus corona không bị ngăn chặn sớm.

Theo AFP, Paris dường như đồng tình với quan điểm của Washington và Luân Đôn. Trong một bài phỏng vấn dài trên nhật báo kinh tế Anh Financial Times cũng vào ngày hôm thứ Năm 16/04, tổng thống Pháp cho rằng có nhiều "mảng tối" trong cách Trung Cộng đối phó với dịch, "có nhiều chuyện xảy ra mà chúng ta không biết". Kêu gọi công luận đừng "ngây thơ" tin vào thông tin tuyên truyền về hiệu năng chống dịch của chế độ độc tài, tổng thống Emmanuel Macron giải thích là "trong chế độ dân chủ với các quyền tự do thông tin và ngôn luận, việc quản lý khủng hoảng diễn ra trong minh bạch và có tranh luận".

Trước những lời công kích của Tây phương, Bắc Kinh kêu gọi quốc tế "đoàn kết" chống dịch. Tối hôm qua, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Cộng,  tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích những lời cáo buộc Trung Cộng là "thiếu xây dựng".

 

Cựu bộ trưởng tư pháp Canada: 
ĐCSTQ không thể tiếp tục thoát tội lần này!


Cựu bộ trưởng tư pháp Canada, ông Irwin Cotler 

Thế giới phải buộc các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ) chịu trách nhiệm về việc che đậy thông tin về dịch Covid-19, cựu bộ trưởng tư pháp Canada kiêm chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg, ông Irwin Cotler tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với The Jerusalem Post hôm thứ Ba (14/4).
Ông Cotler đã lên tiếng chỉ trích “thứ văn hóa tội phạm, tham nhũng nhưng luôn thoát tội bấy lâu nay của ĐCSTQ”.
The Jerusalem Post bình luận: “Khả năng thoát tội trường kỳ, cộng với việc thế giới không làm gì mấy để đối phó với một loạt các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ – từ việc trở thành chính quyền bỏ tù các nhà báo mạnh tay nhất thế giới, đến việc giam giữ người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, cho đến việc đàn áp người biểu tình Hồng Kông, bên cạnh nhiều việc khác – đã trải thảm đỏ cho những hành vi khiến đại dịch toàn cầu này trở nên tồi tệ hơn so với khi Trung Cộng là một xã hội cởi mở”. 
Tờ báo này trích dẫn phát biểu của ông Cotler: “Những gì chúng ta thấy [ở ĐCSTQ] chính là một thứ văn hóa tội phạm và tham nhũng, họ phải chịu trách nhiệm cho việc lây lan của đại dịch Covid-19 bởi các hành vi đàn áp của họ như kiềm tỏa thông tin; bịt miệng và thậm chí bỏ tù các bác sĩ và nhà bất đồng chính kiến; bên cạnh đó là một chiến dịch phát tán thông tin sai lệch toàn cầu.”
“Hành vi của ĐCSTQ gây nguy hiểm cho cả công dân Trung Cộng và cộng đồng quốc tế.”
Ông Irwin Cotler, cựu bộ trưởng tư pháp Canada kiêm chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg.
“Đây là khoảnh khắc Chernobyl của Trung Cộng. Đây là vết thương do tự họ gây ra”.
Ông Cotler cho biết tờ Báo chí Tự do Hồng Kông (Hong Kong Free Press) đã đăng tải một bức thư ngỏ có chữ ký của ông và hơn một trăm nhân vật nổi tiếng khác, các nhà phân tích chính sách và các học giả Trung Cộng – những người bày tỏ sự ủng hộ dành cho “những người anh hùng thực sự, những người dám đánh đổi mạng sống vì một Trung Cộng tự do và cởi mở”.
Vị luật sư nổi tiếng nhấn mạnh sự khác biệt giữa người dân Trung Cộng vô tội đáng thương và chính quyền ĐCSTQ độc tài tàn bạo.

Ông Irwin Cotler năm 2017 
Ông Cotler đã từng có một khoảng thời gian dài tư vấn pháp lý cho các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến, bao gồm hai người refusenik [1] là Natan Sharansky và Yuli Edelstein, cũng như cựu tổng thống Nelson Mandela ở Nam Phi.
Ông Colter từng đại diện cho nhiều người bị đàn áp ở Trung Cộng trong 20 năm qua, trong đó có một đồng nghiệp cũ của ông tại Đại học McGill, Giáo sư Trương Côn Lôn (Zhang Kunlun). Giáo sư Trương là một người Canada gốc Hoa, và là một học viên Pháp Luân Công, môn khí công tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn được yêu chuộng ở Canada và nhiều nước, nhưng bị đàn áp ở Trung Cộng từ năm 1999 đến nay. Trong một lần đến thăm Trung Cộng, Giáo sư Trương đã bị bắt giữ, tra tấn và chỉ được thả ra một năm sau đó.
“Nó cho thấy sự tàn khốc của chính quyền này”, ông Cot Cotler nói. 
Ông Cotler tỏ ra lạc quan rằng lần này cộng đồng quốc tế sẽ có hành động đối với ĐCSTQ, vì dịch virus Vũ Hán đã gây ra hậu quả tàn khốc trên toàn thế giới.
“Tôi nghĩ dịch bệnh lần này sẽ trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng quốc tế, rằng giới lãnh đạo Trung Cộng không thể được phép tự tung tự tác nữa”, ông nói. “Chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ, càng không thể nuông chiều nền văn hóa tội phạm và tham nhũng này. Phải chấm dứt để cho họ thoát tội. Phải đưa kẻ vi phạm nhân quyền ra trước công lý”.
Chú thích của người dịch: 
[1] Refusenik (Tiếng Nga: отказник, otkaznik, gốc từ chữ “отказ”, otkaz “refusal” nghĩa là “từ chối”) là một thuật ngữ không chính thức để chỉ các cá nhân, điển hình nhưng không chỉ riêng là người Xô Viết Do Thái, họ là những người bị từ chối, không được cho phép di cư ra nước ngoài bởi chính quyền Liên Bang Xô Viết và một số nước Đông Âu trước đây. Thuật ngữ refusenik bắt nguồn từ từ “refusal” (“từ chối”) sau này được lưu truyền để chỉ tất cả những người di cư khỏi các chính quyền Xô Viết. Theo thời gian, từ “refusenik” đi vào từ điển tiếng Anh, được dùng để chỉ bất cứ người nào có hành động biểu tình phản đối hay kháng nghị. (Theo Đọt Chuối Non).
Tham khảo The Jerusalem Post
Quý Khải dịch & biên tập

 

Ngoại giao Trung Cộng ngạo mạn vì những tham vọng quá cỡ của Tập Cận Bình



Tập Cận Bình tăng cường kiểm duyệt thông tin về dịch virus corona tại Trung Cộng. Ảnh chụp ngày 05/02/2020. REUTERS


(RFI) Xưa kia nổi tiếng là khiêm tốn và nhã nhặn, các nhà ngoại giao Trung Cộng nay bỗng trở nên hung hăng và đôi khi thô lỗ. Vì sao ngành ngoại giao Trung Cộng lại có những thay đổi đột ngột như thế? Le Figaro đặt câu hỏi: Phải chăng thái độ ngạo mạn đó của nền ngoại giao Trung Cộng phản ảnh rõ những tham vọng quá cỡ của ông Tập Cận Bình?

Pháp triệu mời đại sứ Trung Cộng ở Paris để bày tỏ bất bình về những phát biểu gây tranh cãi. Washington, Luân Đôn rồi đến Paris lần lượt lên tiếng nghi ngờ và đòi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh virus corona. Ấn Độ đòi Trung Cộng bồi thường hàng ngàn tỷ đô la. Bắc Kinh bị tố cáo che giấu thông tin và thao túng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO khiến dịch bệnh lan rộng và thế giới không kịp phản ứng gây thiệt hại to lớn về nhân mạng và kinh tế ...

Trung Cộng bị chỉ trích dồn dập từ tứ phía. Chuyện gì đã xảy ra? Bà Marie Holzman, nhà nghiên cứu về Trung Cộng cho rằng tất cả những sự việc này cho thấy rõ có một sự thay đổi cứng rắn, thô bạo trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng, đặc biệt có liên quan đến đường lối chính sách do Tập Cận Bình đề ra.

Nhà Trung Cộng học nhắc lại, về mặt nguyên tắc, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì phải biết cách nói chuyện với mọi người, luôn cởi mở, ưu tiên đối thoại, thảo luận và nếu có thể thì giải quyết các xung đột. Những đức tính này của một nhà ngoại giao đã được những bậc cha ông của chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng một cách khôn khéo.

Thế nên, thế giới mới biết đến một Chu Ân Lai, cố thủ tướng và cũng là ngoại trưởng thời Mao Trạch Đông, người đã kiến tạo nền ngoại giao “bóng bàn” cho phép Hoa Kỳ và Trung Cộng nối lại bang giao ngay giữa lòng chiến tranh lạnh. Hay Đặng Tiểu Bình, người đưa đất nước đi lên nhưng tránh mọi sự ngạo mạn. Những chính khách uyên thâm này hiểu rằng vị thế và sự rộng lớn của đất nước, thế mạnh mà Trung Cộng có thể tác động trên quy mô toàn cầu có nguy cơ gây lo ngại cho những người cùng thời, gần hay xa.

Chỉ có điều những lời khuyên dạy này của các bậc tiền bối đã bị ông Tập Cận Bình nhanh chóng bỏ rơi. Khá kín tiếng khi mới lên cầm quyền, lãnh đạo Trung Cộng hiện nay đã nhanh chóng để rớt mặt nạ và tỏ rõ tham vọng toàn cầu mà dự án Con Đường Tơ Lụa Mới là một ví dụ điển hình.

Hơn thế nữa, Bắc Kinh không cần che giấu hình ảnh về cách thức chiếm đoạt nguồn tài nguyên thiên theo kiểu thực dân mới. Những nỗ lực “quyền lực mềm” của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào để thế giới chấp nhận văn hóa, điện ảnh, thư pháp (nghệ thuật viết chữ), khí công và nhiều giá trị văn hóa khác của Trung Cộng cũng bị bỏ rơi.

Giờ đây, thay cho những lời nói khiêm tốn và nhã nhặn cần phải có, các nhà ngoại giao Trung Cộng trở nên hung hăng và không ngần ngại có những lời chỉ trích dối trá ngay khi được chính phủ bật đèn xanh. Nội dung, giọng điệu, thời điểm, tất cả đều được chỉ đạo từ xa, từ thượng tầng lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình là người chủ trì.

Thói ngạo mạn này của ngành ngoại giao Trung Cộng cũng có nguồn gốc từ thái độ hai mặt của ông Tập Cận Bình: Lời lẽ hòa dịu khi công du nước ngoài, nhưng khi ở trong nước thì lại cứng rắn và dữ dội không giới hạn.

Chỉ có điều, ngòi lửa đã được châm khắp nơi và giờ đây ngành ngoại giao Trung Cộng phải ra sức dập tắt, không chỉ ở Paris và một số nước phương Tây, mà cả ở những nước châu Phi đối tác quan trọng!


 

Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top