Tài Liêu Biên Khảo, Phạm Văn Tuấn

Tin Tức

• Tài Liêu Biên Kho, Phm Văn Tun

 

Lịch Sử Nước ÚC  



Thời Kỳ Khám Phá Châu Úc Của Người Hòa Lan.
Thổ dân Úc có tổ tiên là những người từ các đảo Nam Dương di chuyển qua, có lẽ 50 ngàn năm về trước. Các bộ lạc thổ dân này thờ thần linh gồm cả các người đã chết vì họ tin rằng các thần linh đó che chở cho bộ lạc tránh khỏi các thiên tai và nhờ đó, các bộ lạc có được thực phẩm và nước uống. Các bộ lạc thổ dân có loại du mục, có loại định cư, tùy thuộc vào loại thực phẩm kiếm được với đàn ông là thợ săn, thợ làm đồ dùng còn đàn bà trông coi con và nấu ăn. Họ cũng biết đánh cá, làm nhà lá, thuần hóa một giống chó gọi là "dingo", săn bắt các loài kangaroo. Họ cũng biết trao đổi hàng hóa, ca hát và nhẩy múa song trình độ văn hóa của thổ dân Úc rất thấp kém so với các dân tộc thuộc các châu khác.


Khi người da trắng bắt đầu định cư tại Vịnh Sydney vào khoảng hơn 200 năm về trước, có vào khoảng 300,000 thổ dân Úc với 250 thứ tiếng nói khác nhau và riêng tại đảo Tasmania cũng đã có 8 thổ ngữ. Các thổ dân Úc không biết tổ chức một hệ thống chính trị, họ lại sống quá thưa thớt khiến cho các người da trắng lúc đầu đã coi miền đất Úc là "terra nullius" tức là "miền đất không người".

Các người nhìn thấy châu Úc đầu tiên có lẽ là người Trung Hoa. Vào thế kỷ 13 và 14, các thuyền bè của người Trung Hoa đã tới được quần đảo Nam Dương và đi tới miền đông châu Phi. Cũng vào thế kỷ 13, người Ả Rập đã tới Nam Dương, bành trướng đạo Hồi tới tận đảo New Guinea cho tới khi bị người Hòa Lan chặn lại. Các người Ả Rập cũng đã tới các bờ biển của miền bắc châu Úc và các thủy thủ người Burgis của miền Makassar cũng thường tới miền đó, đánh bắt các hải sản và bán cho người Trung Hoa.

Tới năm 1516, các thủy thủ người Bồ Đào Nha thường xuyên lui tới các hòn đảo Molucca và Timor và từ căn cứ Ambon, họ đã biết rõ miền đông của lục địa châu Úc song vì nơi miền đất này không có vàng bạc và hương liệu, nên người Bồ đã dấu đi các tin tức về phần đất châu Úc mà lúc đó người Tây Ban Nha chưa được biết tới.

Năm 1606, Pedro Fernandez de Quiros đã ra khơi từ hải cảng Callao ở Peru, hướng về phía tây và đã tới hòn đảo Espiritu Santo trong quần đảo Vanuatu và gọi nơi này là "Australia del Espiritu Santo"với ý nghĩa là miền đất của Thánh Thiên Thần (Holy Spirit) và của Vua Philip III nước Áo (Austria). Quiros đã trở về Nam Mỹ và chết trước khi thực sự tìm ra châu Úc. Vị phó tướng của Quiros tên là Luis Vaez de Torres vào năm 1607 đã tiếp tục đi về phía các đảo Molucca nhưng thay vì đi phía bắc, lại dùng con đường phía nam cho nên đã trở thành nhà hàng hải người Âu đầu tiên đi qua eo biển giữa đảo New Guinea và châu Úc và nơi này được gọi tên là Eo Biển Torres.

Vào thời kỳ đó, các thủy thủ Hòa Lan cũng đi tìm vàng bạc và hương liệu. Người Hòa Lan đã thiết lập được căn cứ tại Bantam, thuộc đảo Java nên vào năm 1606, William Janszoon đã khởi hành từ Bantam, tới được miền đất phía tây của bán đảo Cape York. Janszoon là người châu Âu đã thực sự đặt chân lên đất Úc nhưng vì không tìm thấy vàng bạc, chỉ thấy nơi đây là một vùng hoang dã và sau khi đụng trận với các thổ dân còn man rợ và chịu tổn hại, Janszonn đã trở về Batavia.

Năm 1642, một con tầu thuộc Công Ty Đông Ấn Hòa Lan đã đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), hướng về phía đông tới phần đất mà ngày nay là thành phố Perth rồi rẽ trái lên mạn bắc. Dirk Hartog, người Hòa Lan, đã dặt chân lên hòn đảo mang tên ông bên ngoài Vịnh Cá Mập (Shark Bay).

Miền đất của châu Úc vào đầu thế kỷ 17 vẫn còn là một bí ẩn đối với người Hòa Lan. Họ gọi nơi này là Xứ Hòa Lan Mới (New Holland) hay Miền Đất Phía Nam Rộng Lớn (the Great South Land) và vào năm 1642, Công Ty Đông Ấn Hòa Lan đã cử Abel Tasman ra đi từ đảo Java, vòng quanh lục địa châu Úc theo ngược chiều kim đồng hồ. Tasman đã khám phá thấy hòn đảo Tasmania mà thời đó ông ta gọi là "Miền đất Van Diemen" (Van Diemen's Land), đặt theo tên gọi của vị toàn quyền của ông, rồi ông cũng tìm ra Biển Tasman, các bờ biển phía tây của đảo New Zealand và quần đảo Fiji. Đây là một khám phá hàng hải lớn thứ hai, chỉ sau cuộc thám hiểm của Magellan. Các hải hành của Tasman đã không mang lại lợi lộc cho Công Ty Đông Ấn Hòa Lan nên Tasman lại được cử đi thám hiểm lần thứ hai vào năm 1644 nhưng kết quả vẫn không hấp dẫn.



Thời Kỳ Tìm Hiểu Đất Úc Của Người Anh.
Tem của Ecuador với hình của William Dampier
Người Anh vào cuối thế kỷ 17 cũng tìm các con đường thương mại để tới vùng Thái Bình Dương. Việc thám hiểm được giao cho William Dampier, một tướng cướp biển và ông này đã nghĩ tới xứ Hòa Lan Mới. Trong các năm từ 1688 tới 1698, Dampier đã thăm dò vùng bờ biển phía tây, đã tới Vịnh Cá Mập, đã ghi lại về thổ dân Úc như sau: "họ không có nhà, họ nằm ngoài trời không che phủ, màn trời chiếu đất…" và coi loại người này là thứ dân tộc khốn cùng nhất trên trái đất.

Lục địa Úc buồn tẻ đã không được người châu Âu chú ý trong nhiều thập niên cho tới năm 1768, Bộ Hải Quân Anh phái Thuyền Trưởng James Cook dẫn đầu một đoàn thám hiểm khoa học đi tới đảo Tahiti để quan sát cách di chuyển của hành tinh Venus khi qua Mặt Trời đồng thời đi khám phá các miền đất mới thuộc phía nam bán cầu. Con tầu Endeavour đã ra đi với một nhà thiên văn học, một nhóm 94 khoa học gia và họa sĩ, đứng đầu bởi Joseph Banks, một nhà thực vật nổi danh, phụ tá là nhà sinh vật Daniel Carl Solander. Lúc đó James Cook 41 tuổi, người cao lớn, đẹp trai, là Đại Tá Hải Quân Hoàng Gia. Ông là một người can đảm và kiêu hãnh, đã chấp nhận ra đi thám hiểm vì nhiệm vụ, vì sự ưu việt cá nhân và không phải vì lý do tìm kiếm vàng bạc hay truyền giáo.



https://1.bp.blogspot.com/-fBthJirZqS4/XmWc_3bjkuI/AAAAAAAA-wY/cO_NzZtijiYIga_nyELpHtuptz5zlOIXwCLcBGAsYHQ/s640/James-Cook.jpg


James Cook là con của một nông dân lao động miền Yorkshire, năm 18 tuổi đã học nghề thợ mỏ than tại miền Biển Bắc (North Sea). Năm 1755, Cook đầu đơn vào Hải Quân Anh và đã tỏ ra là một nhà hàng hải có tài, đặc biệt là khi phục vụ trong cuộc chiến tranh 7 năm với người Pháp tại dòng sông St. Lawrence thuộc tỉnh Quebec, Canada. James Cook là một người trung thành với Hoàng Gia Anh, một người công bằng đối với các thủy thủ dưới quyền. Trên con tầu của ông, mỗi người đều được chia khẩu phần tươi mới một cách công bằng, giống như khẩu phần của chính ông và ông đã không bao giờ chấp nhận cho một nhà truyền giáo nào đi theo tầu.

Sau khi nhận nhiệm vụ tại đảo Tahiti, Thuyền Trưởng Cook dương buồm về phía tây nam, tới New Zealand và khảo sát 2 hòn đảo này trong 6 tháng. Rồi thay vì trở về nước Anh, ông lại đi xa hơn về phía tây và vào ngày 28-4-1770, con tầu Endeavour bỏ neo tại Vịnh Thực Vật (Botany Bay) trong một tuần lễ. Hai nhà sinh vật học Banks và Solander đã tìm thấy nơi đây rất nhiều mẫu cây, chim và thú vật và cũng vì thế mà vịnh này được đặt tên như vậy. Sau đó Thuyền Trưởng Cook đi về phía bắc, đã nhìn thấy và đặt tên cho hải cảng Port Jackson mà về sau, trở nên hải cảng Sydney. Ngày 22-8-1770, con tầu Endeavour tới mỏm Cape York và Thuyền Trưởng Cook đã tuyên bố tất cả miền bờ biển phía đông lãnh thổ Úc thuộc quyền của Vua George III nước Anh và đặt tên là "New South Wales".

Khi trở về London năm 1771, Thuyền Trưởng Cook đã báo cáo với Bộ Hải Quân Anh về miền bờ biển phía đông của Xứ Hòa Lan Mới, là nước Úc ngày nay. James Cook lại được cử đi khảo sát vùng Thái Bình Dương từ năm 1772 tới năm 1775. Ông đã lợi dụng gió mùa để qua lại thám hiểm vùng biển này rồi vào năm 1779, đã khám phá thấy quần đảo Hawaii và ông bị thổ dân Polynesians trên đảo đó giết chết vào năm 1779.

Thuyền Trưởng James Cook được coi là nhà hàng hải lớn lao bậc nhất trong Lịch Sử. Các báo cáo về những chuyến hải hành của ông được viết ra với lời văn rất hấp dẫn, ngay cả đối với thời nay.




Thời Kỳ Định Cư Phạm Nhân Tại Úc.
Năm 1775, các thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ nổi dậy chống lại sự áp chế của chính quyền Anh rồi tới năm sau, 1776, ông George Washington công bố nền Độc Lập của xứ Bắc Mỹ. Nước Anh từ nay mất đi một miền đất để gửi qua đó các kẻ phạm pháp. Theo đề nghị của Sir Joseph Banks, nước Anh nên dùng Vịnh Thực Vật (Botany Bay) của xứ Hòa Lan Mới làm nơi lưu đầy các kẻ chịu án biệt xứ. Vì thế vào năm 1786, Lord Sydney công bố quyết định của Vua nước Anh về việc thiết lập một khu "đảo ngục tù" tại châu Úc.

 
Vào tháng 1 năm 1787, 11 con tầu nhỏ tạo thành "hạm đội thứ nhất" dưới quyền điều khiển của thuyền trưởng Arthur Phillip, người sau này trở thành Toàn Quyền, đã rời hải cảng Portsmouth để đi tới Vịnh Thực Vật. Sau 8 tháng hải hành, đoàn tầu tới vịnh đó nhưng thuyền trưởng Phillip vì không vừa ý về nơi đổ bộ nên đã phái một con thuyền đi thám hiểm không xa về phía bắc và thủy thủ đã báo cáo rằng tại Port Jackson có một vịnh nhỏ tốt hạng nhất trên thế giới mà sau này được gọi tên là Vịnh Sydney. Hơn một ngàn người đã lên bờ tại đây vào ngày 26-1-1788, gồm 750 phạm nhân nam nữ, 400 binh lính và thủy thủ cùng với gia súc gồm cả gà, heo, cừu, dê… và đồ tiếp tế dùng trong 2 năm. Các phạm nhân đều là những kẻ giết người, đĩ điếm, trộm cướp… bị kết án từ 7 năm lao động tới chung thân khổ sai. Họ bị gửi tới phần đất Úc này với rất ít hy vọng hồi hương.

Trong 30 tháng cô đơn, các di dân mới này đã cam chịu sự đói khổ vì nơi giam cầm thiên nhiên, vì sự hành hạ của quân sĩ coi tù. Rồi thuyền trưởng Phillip đã ra lệnh lập nên thị trấn Sydney, theo tên của Tử Tước Sydney là Bộ Trưởng Nội Vụ (Home Department) và cũng là người quản trị các vấn đề thuộc địa. Lúc đầu các người định cư đã tìm cách trồng trọt song họ đã phải chịu đựng sự thiếu thốn thực phẩm trong 16 năm.

Hạm đội thứ hai từ nước Anh tới đất Úc vào năm 1790 với 222 phạm nhân già nua và bệnh hoạn, với một số đồ tiếp tế và năm sau, tới hạm đội thứ ba khiến cho dân số định cư lên tới khoảng 4,000 người. Các thu hoạch bắt đầu có kết quả khiến cho xứ New South Wales bớt lệ thuộc vào nước Anh nhưng cuộc sống tại phần đất Úc này vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn, đại đa số dân chúng còn chịu cảnh án tù mặc dù đã có một số tù nhân được ân xá và bắt đầu kiếm sống trong hoàn cảnh tự do.

Toàn Quyền Phillip lúc bấy giờ thấy rằng muốn phát triển xứ Úc này, không thể trông cậy vào các phạm nhân là những người đang phải làm đường lộ và xây dựng nhà cửa. Vì thế các sĩ quan, quân sĩ và các người được trả tự do được cấp phát đất đai để canh tác. Nhưng với quyền lực, tiền bạc trong tay, đất đai có sẵn và lao động rẻ, các sĩ quan người Anh thuộc đoàn quân New South Wales đã khai thác, bóc lột các người dân thấp hèn để kiếm lợi. Miền thuộc địa Úc này trở nên một vùng địa ngục, say sưa nghiện ngập rượu "rum" của xứ Bengal, và đoàn quân New South Wales đã độc quyền khai thác nhập cảng thứ rượu "rum" này khiến cho họ bị gọi mỉa mai là "đoàn quân rượu rum" (the Rum Corps). Các sĩ quan của đoàn quân này đã kiêu căng, nổi loạn chống lại 3 vị toàn quyền, kể cả Toàn Quyền William Bligh đã bị sĩ quan nổi loạn John Macarthur tống giam.

Sự lộng hành và phản loạn của các sĩ quan người Anh đã khiến cho chính phủ Anh phải phái đi Úc Trung Tá Lachlan Macquarie cùng với trung đoàn của ông để dẹp loạn rượu rum và bắt về Anh quốc đoàn quân New South Wales. Toàn Quyền Macquarie sau khi đã ổn định được tình hình an ninh, liền bắt đầu các cải cách xã hội (1810-1821). Ông cho rằng các phạm nhân sau khi đã thi hành đầy đủ thời gian thụ án, cần phải được phóng thích để trở nên các công dân có quyền làm các công việc hợp pháp. Ông cũng đặt ra một loại tiền tệ địa phương vào năm 1813, rồi thiết lập ngân hàng vào năm 1817. Ông Macquarie cũng khuyến khích người dân vượt qua Rặng Núi Xanh (the Blue Mountains) từ năm 1813 và khởi công 265 dự án xây dựng trong 11 năm với kiến trúc sư là Francis Greenway, một kẻ mạo hóa (forger) bị lưu đầy tại Úc và đã được phóng thích.

Việc chuyên chở các phạm nhân từ nước Anh tới đất Úc còn được tiếp tục cho tới năm 1868 với 168,000 tội phạm trong đó chỉ có 25,000 người là nữ, nên đã gây ra một thứ xã hội biên giới (frontier society) trong vài thập niên.




Thời Kỳ Thám Hiểm Lãnh Thổ.
Việc bành trướng và khai thác tại lục địa châu Úc có các đặc tính khác với cách định cư của người châu Âu tại Bắc Mỹ. Việc bành trướng thuộc địa Úc có 3 lý do: thứ nhất là tìm các nơi mới để giam cầm các tội phạm, thứ hai là giành các vùng đất thuộc địa mới trước khi bị các nước khác chiếm cứ và tìm vàng là lý do thứ ba.

Tại lục địa rộng gần 7,700,000 cây số vuông này, với sa mạc nóng cháy, các bụi cây rậm rạp bát ngát, tất cả là cảnh hoang vu, con người không dễ gì khai thác được đất trồng nên các khám phá đầu tiên đều bằng đường biển. Vào năm 1800, tại lục địa Úc chỉ có 2 nơi định cư là Vịnh nhỏ Sydney và đảo Norfolk trong khi nhiều người còn nghi ngờ rằng ở phần giữa lục địa có một vùng biển lớn.

Trong các năm từ 1797 tới 1798, nhà hàng hải người Anh tên là George Bass đã khảo sát từng vùng bờ biển phía nam của Sydney tới địa điểm Melbourne ngày nay, rồi tới năm 1798, Bass cùng với Matthew Flinders đi vòng quanh đảo Tasmania và nhà hàng hải Flinders tiếp tục tìm hiểu các miền bờ biển phía nam của lục địa châu Úc từ năm 1801 tới 1803 trong khi đó, các tầu của Pháp do Baudin tới Úc năm 1802 và Dumont D'Urville năm 1826 cũng đã làm cho các chính quyền thuộc địa Anh tại miền Đông Úc và đảo Tasmania phải lo ngại.

Vào năm 1803 đợt định cư đầu tiên tại Hobart trên đảo Tasmania được bắt đầu, cho đến các năm của thập niên 1820, thị xã Hobart đã có tầm quan trọng cạnh tranh với Sydney.

Trên lục địa, các nhà thám hiểm đường bộ đã vượt qua được Rặng Núi Phân Chia (the Great Dividing Range) vào năm 1813 để đi tìm các miền đất mới và quặng mỏ. Họ tin rằng các dòng sông chảy về hướng tây của miền New South Wales sẽ đổ vào một biển trong đất liền. Vào năm 1830, Charles Sturt và đoàn thám hiểm của ông đã đi theo giòng sông Murrumbidgee, tới sông Lachlan và sông Murray, và cuối cùng tới được Hồ Alexandrina, gần bờ biển của tiểu bang Nam Úc (South Australia). Đoạn đường thám hiểm đầy gian khổ, dài hơn 1,000 cây số của Sturt được coi là một trong các hành trình anh hùng nhất của xứ Úc.

Lúc đầu Vịnh Port Phillip được coi là địa điểm định cư thứ hai nhưng thị xã Hobart trên đảo Tasmania đã hấp dẫn hơn. Tới năm 1835, các người định cư tại Tasmania lại chọn lựa một nơi phát triển mới, đó là địa điểm Melbourne. Thị trấn Perth được định cư vào năm 1829 nhưng nhịp độ phát triển rất chậm. Các tội phạm cũng được gửi tới vùng đất Brisbane cho tới năm 1839, vùng thuộc địa giam cầm các phạm nhân được bãi bỏ và các người định cư tự do mới tới nơi này lập nghiệp. Thị trấn Adelaide được thiết lập vào năm 1837 và từ nơi này, Edward Eyre đã ra đi vào năm 1840 để thám hiểm miền Trung của lục địa Úc nhưng khi tới Núi Tuyệt Vọng (Mt. Hopeless), ông ta đã bỏ cuộc và đi theo dọc bờ biển, tới thị trấn Albany của miền bờ biển phía tây, hoàn tất cuộc hành trình 2,000 cây số trong 4 tháng rưỡi.

Năm 1842, một người Phổ do trốn lính nên đã lên bờ tại Sydney. Tên ông ta là Ludwig Leichhardt. Leichhardt không có các đặc tính của một nhà thám hiểm, chẳng hạn tài bắn súng và tài nhận định phương hướng nhưng ông ta đã có một ý chí muốn đi mạo hiểm. Năm 1844, Leichhardt đã kiếm được đủ số người bảo trợ một chuyến thám hiểm dài 4,800 cây số từ Brisbane tới Port Essington mà bây giờ được gọi là Darwin. Với 10 bạn đồng hành và các thổ dân dẫn đường, Leichhardt đã gặp vô vàn gian khổ trên hành trình. Bị lạc mất thực phẩm, 3 người bạn bị thổ dân Úc đâm chết và sau 14 tháng, Leichhardt đã tới được Port Essington rồi trở về bằng đường biển tới Sydney, tại nơi đây ông ta và các người "trở về từ cõi chết" được coi là các bậc anh hùng và chính phủ Phổ cũng ân xá cho Leichhardt về tội đào ngũ.

Vào tháng 4 năm 1848, Ludwig Leichhardt lại ra đi thám hiểm băng qua lục địa, lần này từ phần phía nam của tiểu bang Queensland đi về hướng tây tới Ấn Độ Dương. Đoàn thám hiểm 7 người và 77 thú vật đã bị mất tích và người ta không thể tìm ra dấu tích của họ. Có người cho rằng họ đã bị thổ dân Úc đâm chết tại miền tây tiểu bang Queensland.

Tại bán đảo Cape York ở phía bắc vào năm 1818, Edmund Kennedy và đoàn thám hiểm cũng ra đi từ Vịnh Rockingham ở phía nam của thành phố Cairns để tìm hiểu phần đất bên trong của bán đảo. Địa thế hiểm trở, các khó khăn về tiếp liệu, sự thù nghịch của thổ dân địa phương... đã làm chết 9 trong số 13 người và chính nhà thám hiểm Kennedy cũng bị đâm chết bởi thổ dân Úc khi chỉ còn cách Cape York 30 cây số và người hầu gốc thổ dân tên là Jacky Jacky cũng bị đâm, nhưng cố gắng vượt thoát và là người duy nhất tới được con tầu tiếp tế.

Việc thám hiểm băng qua lục địa Úc từ nam lên bắc còn được Robert O' Hara Burke và W. J. Wills đảm nhận. Họ ra đi vào tháng 8-1860 với một toán nhân viên cùng đoàn lạc đà nhập cảng từ Afghanistan để dùng cho cuộc hành trình. Nhưng Burke là người vội vã, thiếu kinh nghiệm lại quá tự tin. Khi tới Innamincka gần Cooper's Creek, Burke đã cùng Wills, Grey và King không chờ tiếp tế, tiến lên phía bắc, băng qua miền đất nóng cháy tới 60 độ C (140 độ F). Họ đã tới Vịnh Carpentaria vào tháng 2 năm 1861 rồi quay ngay trở về con đường cũ. Gray đã bị chết dọc đường rồi do từ chối sự giúp đỡ của thổ dân Úc, cả hai nhà thám hiểm Burke và Wills đều bị chết trên sa mạc Stony và chỉ còn King là người sống sót, trở về để kể lại câu chuyện mạo hiểm.

Một cuộc thám hiểm khác từ phía nam lên mạn bắc do phần thưởng trị giá 2,000 bảng Anh, do John Stuart thực hiện từ thành phố Adelaide vào năm 1860, và Stuart đã tới được trung tâm của lục địa châu Úc rồi phải trở lại. Vào lần ra đi thứ hai, Stuart tới gần được phần đất phía bắc nhưng cũng gặp thất bại. Cuối cùng vào năm 1862, John Stuart đã tới bờ biển bắc Úc, gần thành phố Darwin. Về sau đường dây điện tín băng qua lục địa cũng như xa lộ Stuart ngày nay đã theo gần đúng con đường thám hiểm của Stuart.



Thời Kỳ Tìm Vàng Và Phát Triển.
Việc chuyên chở các tội phạm từ nước Anh sang xứ Úc đã giảm dần từ năm 1840 tới năm 1868. Vào năm 1860, lục địa châu Úc đã chia ra thành 5 thuộc địa rõ rệt, mỗi nơi đều cạnh tranh nhau trung thành với mẫu quốc là nước Anh. Trong mọi thuộc địa, các sĩ quan giàu có và các người định cư tự do theo vết chân của các nhà thám hiểm, khám phá các vùng đất mới, cắm dùi, giành giật nhau các khu vực khai thác có khi rộng tới 20,000 mẫu đất. Đã có các căng thẳng xã hội, các tranh chấp giữa những kẻ chiếm đất và các chủ trại nhỏ mới, giữa giới nông thôn và giới trung lưu thành thị, giữa các người sinh trưởng tại Úc và các người mới nhập cư. Sự xung đột còn xẩy ra giữa những người da trắng và các người da màu, và các thổ dân Úc bị săn đuổi, bị giết hại như các con thú trong rừng, đặc biệt tàn ác là trên đảo Tasmania. Lục địa Úc với lối sống sơ khai đó đang chờ đợi một sự sôi nổi, một cách thức dậy, đó là công cuộc đổ xô đi tìm vàng.

Vào khoảng đầu thập niên 1840, mục sư W. B. Clark đã tìm thấy vàng trong đất Úc nhưng tin tức về khám phá đó đã bị Toàn Quyền Sir George Gipps dẹp đi và bảo "ông Clark ơi, bỏ qua chuyện đó đi nếu không muốn bị cắt cổ." Tới năm 1851, một người đào vàng từ California trở về tên là Edward Hargraves đã thấy các đặc tính địa chất của vùng New South Wales giống như của miền California. Bị chế riễu về ý định đào vàng tại thành phố Sydney nên một hôm, Hargraves đi tới một phụ lưu của giòng sông Macquarie gần Bathurst, cách Sydney 170 cây số về phía tây. Hargraves đã đào một giỏ đất, rửa nước và đưa các mẩu vàng đã tìm thấy cho người bạn đa nghi.

Tin tìm thấy vàng được công bố vào ngày 15 tháng 5 năm 1851, đã gây chấn động trong các xứ thuộc địa Úc. Các người đào vàng đổ xô về Bathurst làm ảnh hưởng nặng nề tới dân số và kinh tế của vùng Victoria, vì vậy một số chủ nhân tại Melbourne đã treo giải thưởng 200 bảng Anh cho ai tìm ra vàng gần khu vực của họ. Vào tháng 7 năm đó, đã có người giật giải rồi tới gần cuối năm 1851, mọi người dồn về các mỏ vàng trong vùng Victoria tại Ballarat, Bendigo và Castlemaine. Hai thành phố Melbourne và Geelong hầu như vắng hẳn bóng đàn ông, nhiều cửa hàng thiếu người đứng bán trong khi giá tiền của các đồ dùng như cuốc, xẻng, chăn, mền và bánh mì tăng lên gấp 2, gấp 3. Tại các cánh đồng mỏ vàng, từng nhóm từ 4 tới 6 người vừa đào bới, vừa rửa và đãi nước… họ làm việc từ sáng sớm tới tối mịt, quanh đó là các túp lều, các đống đá cặn, các cửa hàng dựng nên tạm bợ.


 
Gia đình của người tìm vàng
Trong số những người đào vàng có người không đào được nhiều, song lại có người đào được khối vàng lớn tên là "Welcome Stranger" nặng trên 78 kilô ! Khi trở về thành phố, các người đào vàng thường tiêu xài trên 100 bảng Anh một ngày, ăn uống phè phỡn trong các quán rượu và có khi châm thuốc hút bằng tờ giấy bạc 5 bảng Anh. Người ta còn kể lại rằng trong rạp hát tại Melbourne thời đó, diễn viên phải ra cúi chào nhiều lần để lãnh các trận mưa mẩu vàng ném tới.

Việc đổ xô đi tìm vàng đã kéo dài trong 2 thập niên và chỉ giảm bớt vào cuối thế kỷ. Đợt tìm vàng cuối cùng là tại Kalgoordie-Coolgardie vào các năm 1892-93 tại tiểu bang Tây Úc. Cơn sốt vàng không chỉ ảnh hưởng tới các nhân công tại Sydney, các thủy thủ tại Melbourne mà còn tới các sắc dân châu Âu. Từng đoàn người gốc Anh, Ái Nhĩ Lan, Ý… của châu Âu cũng như châu Mỹ đã tìm cách sang Úc và mỗi tuần lễ tại hải cảng Melbourne có tới 1,800 người ham đào vàng lên bờ.

Vào năm 1852, xứ Úc có 95,000 người mới tới, đổ vào 2 vùng là Victoria và New South Wales. Tới năm 1860, lục địa Úc đã có hơn 1 triệu dân với tỉ lệ gia tăng 600,000 người trong một thập niên. Sự gia tăng dân số cũng làm phát triển các hoạt động kinh tế khác và các cải tổ xã hội.

Việc tìm thấy vàng của tư nhân đã khiến cho chính quyền địa phương nghĩ ra cách đánh thuế vào những người đi đào vàng: họ phải mua một giấy phép 30 bảng Anh (shillings) một tháng, dù cho có đào được gì hay không. Các cảnh sát hạch hỏi giấy tờ đã gây ra nhiều cảnh thù oán. Vào tháng 8-1854, một thợ đào vàng bị cảnh sát đá chết rồi mặc dù những hành động tàn nhẫn, nhân viên công lực đó được tha bổng. Sự bất công này đã gây uất hận cho 5,000 thợ đào vàng. Họ đã tụ họp phản đối, đòi hỏi quyền công dân và đòi hủy bỏ lệ phí khai thác, và vào ngày 29-11 năm đó, họ đã lập nên Hội Đoàn Cải Cách Ballarat (the Ballarat Reform League) và đốt các giấy phép. Toàn Quyền tiểu bang Victoria là Sir Charles Hotham đã phái cảnh sát và quân đội tới dẹp bạo động. 500 người đào vàng đã lập chiến lũy Eureka và thề chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi và tự do của họ.

Vào sáng ngày 3-12-1854, lực lượng 300 kỵ binh, bộ binh, cảnh sát đã tấn công vào chiến lũy của thợ đào vàng. Kết quả là đã có 6 binh sĩ và 24 thợ đào vàng bị chết. Lãnh tụ cuộc nổi dậy là Peter Lalor trốn thoát nhưng 13 người thợ đã bị truy tố về tội phản loạn. Sau đó, các bản án truy tố và lệ phí đào vàng đã được bãi bỏ. Kết thúc của cuộc tranh chấp kể trên là một thảm kịch và về sau, lá cờ và biểu hiệu của chiến lũy Eureka vẫn còn nhắc nhở các ý tưởng nổi dậy chống lại chế độ thuộc địa và chính quyền tư sản.

Một tệ trạng xã hội khác của các xứ thuộc địa Úc là nạn cướp bóc tại các con đường vắng vẻ, thường bởi các phạm nhân vượt ngục. Trong thập niên 1790, những kẻ cướp đường đó có nguồn gốc Ái Nhĩ Lan, hay là con cháu của những kẻ lãnh các bản án chính trị và bị lưu đầy tại Úc, họ là kẻ nổi loạn chống lại các người Anh, các chủ đất và chính quyền theo đạo Tin Lành. Tới thập niên 1820, nạn cướp đường trở nên thịnh hành với các tên cướp lừng danh như Yankee Jack Ellis, Black Ceasar, Captain Thunderbolt, Captain Moonlight, Mad Dan Morgan, Gentleman Mat Cash…



 
 Ned Kelly
(một ngày trước khi bị bị treo cổ)
Các kẻ cướp thường núp sau các tảng đá, các gốc cây lớn rồi nhẩy ra chặn cướp các xe chở vàng hay các kẻ lữ hành cô đơn. Tại vùng New South Wales vào thập niên 1860, có các tên cướp khét tiếng như Bell Hall, Frank Gardiner và John Gilbert. Vào cuối thập niên 1870, kẻ sống ngoài vòng pháp luật nổi tiếng nhất tên là Ned Kelly, thường ăn cướp trong tiểu bang Victoria. Giới quý tộc và tư sản coi Ned là một tên khát máu trong khi giai cấp công nhân lại coi hắn là một thứ anh hùng, một loại Robin Hood mới. Ned Kelly và đồng bọn thường chặn cướp các toa xe chở vàng, cắt đường dây điện tín và cướp bóc các ngân hàng thành phố. Ned Kelly bị bắt và bị treo cổ vào ngày 11-11-1880 sau một phiên xử tại Melbourne.

Câu chuyện về các người đào vàng, về các hành động đôi khi anh hùng của những kẻ cướp thời đó đã là đề tài cho các bài thơ, các bài hát dân gian và các câu chuyện ngắn, dài của loại văn chương bình dân cũng như văn chương bác học.

Vào giữa thế kỷ 19, đa số các thợ đào vàng có nguồn gốc Anh nhưng trong số đó, người Trung Hoa cũng không phải là ít. Trong 5 năm kể từ 1854 đã có tới 40,000 người Trung Hoa đổ về các cánh đồng đào vàng trong tiểu bang Victoria. Người Trung Hoa thường rất chăm chỉ nhưng các may mắn và thành công của họ, sự phí phạn nước dùng trong việc rửa và lọc vàng đã làm cho những người dân gốc khác phải ghen ghét. Năm 1887, việc di cư của người châu Á bắt đầu bị chặn bớt cho tới năm 1901, nước Úc bắt đầu "chính sách châu Úc của người da trắng" (the White Australia Policy) áp dụng cho toàn thể Liên Bang. Đạo luật di dân (the Immigration Act) cho phép xử dụng một cuộc trắc nghiệm viết chính tả một trong các ngôn ngữ của châu Âu đối với di dân không phải là gốc châu Âu, và dĩ nhiên là ngôn ngữ được chọn sẽ làm cho người mới đến bị rớt thanh lọc. Như vậy chính sách kể trên đã ngăn cản các người châu Á và các người thuộc các hải đảo Thái Bình Dương nhập cư vào nước Úc. Sự kỳ thị sắc tộc này còn được áp dụng cho đến năm 1966 mới chấm dứt.



Nước Úc Sang Thế Kỷ 20.
Lord Hopetoun
Trong thập niên 1890, các thuộc địa Úc hô hào nên thành lập một liên bang để làm thăng tiến nền kinh tế chung, để bảo vệ các công nhân khỏi sự cạnh tranh của lực lượng lao động ngoại quốc. Tháng 9 năm 1900, Nữ Hoàng Victoria của nước Anh tuyên bố trịnh trọng rằng vào ngày 01 tháng 01 năm 1901, không những thế kỷ mới bắt đầu mà còn có một quốc gia mới. Rồi vào ngày Tết đầu năm dương lịch 1901, tại Công Viên Centennial ở Sydney đã cử hành lễ khánh thành "Liên Bang Thịnh Vượng Chung Úc" (the Federal Commonwealth of Australia) do vị Toàn Quyền đầu tiên là Lord Hopetoun.

Hiến Pháp của nước Úc mới đã thành hình với Nữ Hoàng Anh là thủ lãnh của quốc gia, giữ mọi quyền lực về ngoại giao cũng như bổ nhiệm Toàn Quyền và Quốc Hội Anh có quyền bác bỏ các đạo luật đã được thông qua bởi Liên Bang Úc và các chống án sẽ do Cơ Mật Viện (the Privy Council) ở London dàn xếp. Thời bấy giờ, ít có người Úc phản đối các liên hệ với mẫu quốc Anh trong khi các quyền lợi đế quốc của nước Anh vẫn được duy trì và điều cần nhất là sự ủng hộ về quân sự của các xứ thuộc địa cho mẫu quốc.

Về đối nội, tất cả thuộc địa cùng quyết định rằng một địa phương nào đó không thể lấn át các địa phương khác cho nên Hiến Pháp đã chấp nhận các quyền lực chính thức thuộc về Xứ Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) còn các tiểu bang lãnh các quyền lợi còn lại. Mỗi tiểu bang đều có quyền đại diện bằng nhau tại Thượng Viện mà không kể tới dân số. Cũng vì thế mà ngày nay đảo Tasmania chỉ có nửa triệu dân nhưng cũng có số thượng nghị sĩ tại Thượng Viện bằng với số của tiểu bang New South Wales với dân số 6 triệu người. Ngoài ra, Thượng Viện còn có quyền bác bỏ các đạo luật đã thông qua bởi Hạ Viện và điều này còn ảnh hưởng chính trị cho đến ngày nay.


 
Edmund Barton
Thủ Tướng đầu tiên của nước Úc là ông Edmund Barton, một thành viên của đảng Cấp Tiến Bảo Vệ (the Liberal Protectionist Party). Các đảng khác trong Quốc Hội là đảng Lao Động (the Labor Party) và đảng Bảo Thủ Tự Do Mậu Dịch (the Conservative Free Traders). Cả 3 đảng này có cùng số đại diện cho tới năm 1910, đảng Lao Động mới đạt được đa số tuyệt đối tại Hạ Viện. Các đảng phái của nước Úc vào thời đó có tính cách bảo vệ (protectionist) như tại tiểu bang Victoria, mậu dịch tự do như tại tiểu bang New South Wales, ngoài ra còn có các phong trào lao động. Tuy khác nhau về một số đường lối, các đảng phái này lại có cùng quan điểm rằng nước Úc phải được dành cho người da trắng, theo kiểu mẫu của châu Âu, theo dân chủ cấp tiến (liberal democracy) và người công dân được bảo vệ do thuế vụ (trade tariff) và chế độ an sinh xã hội (social welfare legislation). Các công dân da trắng người Úc nhờ vậy đã được che chở về công việc làm và các điều kiện giúp đỡ, khiến cho phong trào lao động đã trở nên có thế lực.

Nước Úc đã thành hình nên cần tới một thủ đô. Cả hai thành phố Melbourne và Sydney đều muốn thủ đô của Liên Bang đặt trong địa phận của mình. Sau một thời gian dài tranh luận, kể cả dèm pha, Lãnh Địa Thủ Đô Úc ACT (Australian Capital Territory) được thiết lập giữa 2 thành phố, 320 cây số cách Sydney về phía tây nam và trên cao nguyên Monaro rất đẹp. Có người đã đề nghị đặt tên thủ đô Úc là Shakespeare nhưng một số khác lại chống đối tính cách văn hóa quá trí thức. Cuối cùng vào năm 1913, danh từ thổ dân Úc "Canberra" được chọn lựa.

Khi nước Anh tuyên chiến với nước Đức vào ngày 4-8-1914, nước Úc là một thành viên của Đế Quốc Anh nên tự động tham gia vào chiến tranh. Hai đảng Lao Động và Cấp tiến đều sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi bổ túc binh lính cho mẫu quốc và 20,000 lính tình nguyện Úc đã được triệu tập và gửi qua Ai Cập. Thời bấy giờ ông Winston Churchill là Bộ Trưởng Hải Quân đang trù liệu một kế hoạch để làm giảm nhẹ áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ vào quân đội Nga, vì vậy các binh lính Úc, Tân Tây Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ và Gurkha được lệnh đánh từ biển vào, mở một tuyến thông từ Dardanelle tới Constantinople. Trong khi đó Mustapha Kemal và tướng người Đức Lima von Sanders được báo trước về những ý định của quân đội Anh, nên đã cho quân sĩ đào hào, hướng hỏa lực về phía bờ biển trống trải. Ngày 25-4-1915 tới ngày 20-12 năm đó, các lực lượng Anh, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ… đã bị tàn sát tại các mỏm đá và bãi biển Anzac, mũi Hellas, Lone Pine và Vịnh Suvla. Riêng tại Anzac đã có 8,587 binh sĩ tử trận. Hàng năm người dân Úc vẫn tưởng nhớ mặt trận Anzac vào ngày 25 tháng 4, ngày đổ bộ thất bại lên bán đảo Gallipoli.

Sau đó, việc thi hành quân dịch trong chiến tranh đã là một vấn đề tranh luận trong Quốc Hội Úc, rồi trong cuộc trưng cầu dân ý, quân dịch bắt buộc đã bị bác bỏ bằng một tỉ số phiếu rất sát.

Trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng Kinh Tế, nước Úc bị ảnh hưởng nặng nề. Vào năm 1931, khoảng 1/3 lực lượng lao động bị thất nghiệp và cảnh nghèo khó lan tràn, hàng ngàn người đổ về vùng quê kiếm sống. Tới năm 1932, nền Kinh Tế Úc bắt đầu phục hồi nhờ giá len gia tăng và nhờ ngành chế tạo sống lại.

Vào các năm trước Thế Chiến II bùng nổ, nước Úc rất lo ngại trước Quân Phiệt Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản oanh tạc Trân Châu Cảng, nền an ninh quốc gia của Úc bị đe dọa rõ rệt. Nước Úc trở thành quốc gia da trắng duy nhất tại châu Á và bị cô lập. Sau đó, khi Singapore thất thủ vào ngày 15-2-1942, trong số 130,000 tù binh bị quân đội Nhật bắt, đã có 15,000 người Úc. Tới lúc này, người Úc mới nhận thấy rằng mẫu quốc Anh ở quá xa, lại bị bao vây, không thể giúp đỡ gì cho nước Úc đang bị quân đội Nhật sắp xâm lăng. Nước Úc vì thế phải hướng về Hoa Kỳ.

Ngày 19-2-1942, phi cơ Nhật Bản oanh tạc thành phố Darwin rồi tới thành phố Broome vào ngày 3-3. Port Moresby của Papua New Guinea cũng bị dội bom. Quân đội Nhật đang tiến về phía nam trong khi đó nước Anh vẫn kêu gọi gửi thêm quân Úc sang chiến đấu cho mẫu quốc. Tới lúc này Thủ Tướng Úc là ông John Curtis phải từ chối. Quân đội Úc còn đang cần thiết để ngăn cản Quân Đội Nhật Bản tiến về Port Moresby. Cuối cùng chính Quân Đội Mỹ đã bảo vệ nước Úc khỏi sự xâm lăng của Nhật Bản trong trận đánh tại Quần Đảo San Hô (the Coral Sea).

Quân đội Úc đã đóng góp đáng kể trong Thế Chiến II. Lữ đoàn thứ 25 của Úc đã chặn đánh thành công trên Đường Mòn Kokoda tại đảo New Guinea. Sư đoàn 9 của Úc đã giúp công vào việc loại ra khỏi vòng chiến Đội Quân Bắc Phi của Đức và Ý trong trận đánh El Alamein. Nước Úc cũng chịu tổn thất cao, với 10,000 người chết tại châu Âu, hơn 17,000 binh sĩ tử trận tại vùng Thái Bình Dương. Riêng số tù binh bị Nhật Bản bắt giữ, hơn 8,000 người đã bị thiệt mạng vì thiếu thốn, bệnh tật.

Kết quả của tổn thất sau Thế chiến II đã khiến cho nước Úc phải xét lại chính sách di dân. Việc gia tăng dân số tại Úc được coi như cần thiết để làm vững mạnh nền kinh tế và bảo vệ lãnh thổ. Khẩu hiệu của nước Úc thời bấy giờ là "Di trú hay suy tàn" (Populate or Perish). Vì thế từ năm 1947 tới năm 1968, đã có hơn 800,000 dân châu Âu không phải gốc Anh được phép di cư tới Úc. Họ đã đóng góp không chỉ vào nền kinh tế mà còn về Văn Hóa, mở rộng tầm nhìn của đa số người dân. Đồng thời nước Úc cũng sát gần lại với Hoa Kỳ. Nước Úc đã tham chiến với Hoa Kỳ trong trận chiến tranh Triều Tiên, tham gia vào Hiệp Ước Anzus, Seato, chương trình Colombo…

Khi chiến tranh Việt Nam xẩy ra, nước Úc cũng gửi quân tham chiến với Hoa Kỳ và 40 phần trăm binh sĩ phục vụ tại Việt Nam là lính quân dịch. Năm 1972, Đảng Lao Động Úc lên nắm quyền lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Chính phủ của Thủ Tướng Whitlam đã rút quân đội Úc khỏi Việt Nam, công nhận Trung Cộng và bắt đầu xây dựng hệ thống trợ cấp xã hội.

Sau khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ, nước Úc đã nhận vô một số lớn người tị nạn Việt Nam và châu Âu trong 2 thập niên. Tuy nhiên, quốc gia này chưa coi mình là một nước của châu Á và chưa khai thác tiềm năng kinh tế của Vùng Châu Á - Thái Bình Dương cho đến khi có sự bùng nổ kinh tế tại các nước Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông.


 
 

Ngày nay nước Úc đang phải đối đầu với các nạn lạm phát, thất nghiệp cao, sự thiếu mềm dẻo của các khu vực kỹ nghệ và sự gia nhập vào nền kỹ thuật Điện Toán mới.

Hai thế kỷ về trước, lãnh thổ Úc là "hòn đảo ngục tù" của đế quốc Anh nhưng ngày nay, đây là miền đất có nền văn hóa đa dạng của các sắc dân Anh, Ý, Liban, Nam Tư, Chile, Triều Tiên, Việt Nam…

Thế Vận Hội Olympics (the Olympic Games) đã được tổ chức vào năm 2,000 tại Sydney. Nước Úc đang đóng một vai trò quan trọng trong Vùng Thái Bình Dương nhờ dân số ít và tài nguyên phong phú chưa khai thác. Nước Úc đang thay đổi để thích nghi với các thách đố mới của Thế Kỷ 21.



Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia. Org., Britannica Encyclopedia,

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top