Số người nhiễm Coronavirus tại Hoa Kỳ trong ngày / Tình thế bế tắc của người Việt bị kẹt ở Hoa Kỳ trong mùa dịch

Tin Tức

Tình thế bế tắc của người Việt ‘kẹt’ ở Mỹ giữa mùa dịch COVID
hơn 10.000 người chờ được hồi hương


Phi hành đoàn của Vietnam Airlines tới San Francisco để đưa công dân Việt Nam về nước trong chuyến bay thứ 3 hồi người người Việt từ Mỹ. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)

Nhiều người Việt qua Mỹ giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện đang lâm vào thế bế tắc vì muốn về cũng không được mà ở cũng không xong, theo tìm hiểu của VOA.
Họ chủ yếu là những người sang Mỹ theo diện du học, du lịch, công tác, thăm thân nhân và bị ‘mắc kẹt’ khi đại dịch xảy ra, với những giới hạn về các chuyến bay qua lại giữa hai nước trong khi nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt, còn thị thực thì đã hoặc sắp hết hạn.
Tới nay, chính quyền Việt Nam đã tổ chức được bốn chuyến bay để đưa công dân bị kẹt ở Mỹ hồi hương. Chuyến mới nhất vừa đưa 346 người từ thủ đô Washington D.C. về, truyền thông trong nước loan tin hôm 10/7. Hiện còn hơn 10.000 người Việt đã đăng ký về nước vẫn đang chờ tới lượt, báo nhà nước dẫn lời đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết.
 

Tại sao không về?

Trương Giang Châu, một du học sinh hiện đang học thạc sỹ ngành Ngôn ngữ học và làm trợ giảng tại Đại học Hawaii ở Honolulu theo học bổng của trường, là một trong số đó.
Chị cho biết từ sau kỳ nghỉ xuân, Đại học Hawaii đã thông báo đóng cửa, ký túc xá gửi thông báo liên tục thúc giục du học sinh về nước. Lúc đó vẫn còn các chuyến bay thương mại nối liền hai nước, chị đã nghĩ đến chuyện về nhà.
“Y tế Mỹ rất đắt, bọn em thì ở tập thể trong khu ký túc xá nên nguy cơ lây bệnh rất cao trong khi bạn bè xung quanh đều tìm mọi cách để về,” chị Châu kể.

Tuy nhiên, thời điểm đó chị Châu đang trong giai đoạn hoàn tất luận án trong học kỳ cuối và chuẩn bị tốt nghiệp.
“Về nhà thì sẽ bị lệch giờ, mọi chuyện hẳn sẽ thay đổi rất nhiều. Chưa kể trong thời gian về nước sẽ phải bị cách ly 14 ngày, đến lúc về nhà sẽ tiếp tục cách ly ở nhà thêm 14 ngày nữa thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và việc học của em,” chị cho biết.

Theo giải thích của du học sinh này, vì không an tâm về việc ở khu cách ly ở Việt Nam có internet đủ mạnh và không gian có đủ yên tĩnh để cho chị dạy sinh viên trực tuyến hay không, nên chị quyết định ở lại Mỹ cho xong chương trình dạy và học.

Chị vẫn được lưu lại ký túc xá cho tới nay nhờ sự can thiệp của các giáo sư trong trường. Chương trình học của chị đến tháng 8 mới hết. Ngoài ra, chị cũng đã nộp hồ sơ xin OPT, tức chương trình thực tập không bắt buộc. Trong khi chờ kết quả OPT thì chị vẫn có thể ở lại Mỹ hợp pháp.

Không còn đường về’
Hiện giờ, khi đã nộp luận án tốt nghiệp và kết thúc việc học, chị muốn về Việt Nam thì mọi ngả đường đều đã bị chặn.
“Đến cuối tháng 5 tất cả những cách có thể về được nhà thì không còn cách nào để về nữa rồi. Ngay cả chuyến bay thương mại cũng không có,” chị nói.
Theo chị, do đang ở ngoài đảo giữa Thái Bình Dương nên đường về của chị khó khăn hơn rất nhiều vì trước hết phải bay vào đất liền của Mỹ rồi từ đó mới tìm chuyến bay về nước.
“Trong đất liền còn có chuyến bay quốc tế, còn ở đảo từ ngay khi chính quyền phong tỏa đã giới hạn rất nhiều chuyến bay ngay cả với đất liền của Mỹ,” chị nói.

“Nếu vào được đất liền ở Los Angeles hay San Francisco mà những chuyến bay quốc tế từ đó không thể đi nữa thì em cũng không biết làm thế nào, không biết đi đâu mà ở nữa.”
Ngoài ra, ký túc xá chỗ chị tá túc hiện chỉ cho ra chứ không cho vào. Nếu chuyến bay bị hủy, về lại ký túc xá cũng không được thì coi như bơ vơ không còn chỗ ở, chị cho biết.
“Khi mà xung quanh bạn bè tìm mọi cách để đi về rồi và chỉ sau một ngày mọi thứ đều thay đổi thì tâm trạng em rất là hoang mang,” chị giãi bày.
Chị Châu nói chị thấy trên diễn đàn của du học sinh, mọi người ‘chia sẻ rất nhiều’ đường dẫn đăng ký về trên chuyến bay ‘giải cứu’ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
“Em có đăng ký tên em nhưng cho đến sau này mọi người nói với em rằng vé về rất đắt, đến 2.000-3.000 đô la một vé. Bản thân em không đủ khả năng tài chính để xoay sở mua được một chỗ để về,” chị nói và cho biết chị đăng ký từ tháng 4 nhưng đến giờ vẫn chưa thấy kết quả.
Bên cạnh đó, chị còn tham khảo những cách mà mọi người kháo nhau, chẳng hạn mua vé về một nước châu Á khác, từ đó bay về một nước đông nam Á như Thái Lan hay Campuchia rồi từ đó tìm đường về Việt Nam bằng đường bộ.

“Dĩ nhiên qua nhiều chuyến bay thì nguy cơ mắc bệnh trên đường đi quá lớn nên em không dám liều đi bằng con đường đó,” chị Châu nói thêm.
Theo lời du học sinh này, những bạn bè của chị đã về được Việt Nam đều là ‘về từ sớm khi còn chuyến bay thương mại ngay sau khi trường thông báo đóng cửa’ chứ ‘chưa ai về được bằng chuyến bay giải cứu cả’.
 

‘Không hối hận’

Tuy nhiên, chị Châu nói chị ‘không hối hận’ với quyết định của mình.
“Nhờ vào quyết định ở lại mà em hoàn thành việc học và kết quả luận án rất tốt. Nếu em mà về thì kết quả không được như vậy,” chị giải thích. “Nếu em về nước không còn có thể dạy được nữa thì em sẽ mất học bổng trong khi em học đã gần xong rồi.”
Hiện giờ, chị vẫn còn được ở ký túc xá và vẫn được trường chu cấp chi tiêu hàng tháng cho đến hết mùa hè. Nhưng sau thời gian đó thì chị phải dọn ra và không còn sinh hoạt phí hàng tháng nữa.
Trong khi chờ đợi con đường về nước, chị Châu nói, chị tính đến ở nhờ một người đồng hương vốn đã đồng ý cưu mang chị. Ngoài ra, chị cũng còn tiền tiết kiệm đủ để chi dụng trong vòng vài ba tháng.
Tuy nhiên, chị hy vọng sẽ kiếm được cơ hội thực tập để ở lại Mỹ hợp pháp dù ‘tình hình tuyển dụng ở Mỹ rất khó khăn khi nhiều người bị mất việc’, chị nói.
“Em đang đứng ở ngã ba đường mà không thể quyết định được vì tất cả đều ngoài tầm kiểm soát của mình,” chị Châu nói.

‘Không đủ điều kiện về’

Cũng từ Honolulu, bà Mai Thị Hòa cho VOA biết bà sang Mỹ từ tháng 11 năm ngoái để thăm con gái và chăm cháu ngoại và bị kẹt từ đó tới nay. Con bà đã tìm hiểu đủ mọi cách nhưng không có cách nào khả dĩ để bà về nước vào lúc này, bà nói.
Theo bà giải thích thì do bà dưới 60 tuổi, hiện đang sống với con gái nên không khó khăn về chỗ ăn ở và điều kiện kinh tế, nên không đủ điều kiện để được về theo chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
“Nếu Việt Nam cho về thì tôi cũng muốn về chứ, vì đi cũng đã lâu rồi trong khi ở nhà cũng đang có công việc đợi mình,” bà Hòa, người từng qua thăm con gái được ba lần, cho biết.
Bà nói nếu về Việt Nam mà phải chịu cách ly vào lúc này thì ‘bà cũng chịu’. Ở lại Mỹ lúc này, điều làm bà lo sợ nhất là ‘nếu chẳng may đau ốm mà không có bảo hiểm thì tiền hàng ngàn trở lên thôi’.
Theo lời bà, visa của bà, vốn đã hết hạn, đã được gia hạn thêm cho đến giữa tháng 8 năm nay.
Trong thời gian ở Mỹ, do dịch bệnh nên bà cũng chỉ quanh quẩn ở nhà với con cháu chứ ‘không đi chơi đâu được hết’. “Mấy bữa nay giãn cách ly họ mới mở các khu vui chơi, các bãi biển thì mới đi loanh quanh trong đảo thôi,” bà nói.
“Tôi đang sốt ruột vì đến ngày 15/8 mà không về được thì cũng kẹt vì lúc đó hết hạn visa mà không biết làm sao,” bà phân trần.
“Khi mình làm hồ sơ xin visa mình đã cam kết với họ mình sẽ về đúng hạn,” bà giải thích và nói rằng bà ‘yên tâm với tình hình dịch bệnh ở Hawaii do họ cách ly nghiêm ngặt nên số ca nhiễm cũng ít’.
 
346 người Việt ‘kẹt’ ở Mỹ về nước
Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc trao đổi với các sinh viên Việt Nam trước khi rời Mỹ về nước. Photo TTXVN.

Hôm 10/7, truyền thông trong nước Việt Nam loan báo Việt Nam đưa thêm 346 người Việt Nam từ thủ đô Washington của Mỹ về nước trong hai ngày 8 và 9 tháng 7. Trong khi đó, vẫn còn hơn 10.000 ngàn người Việt ở Mỹ đăng ký được hồi hương song hiện phải chờ đợi giữa lúc chưa có đường bay thương mại nào được thiết lập.
Phía Chính phủ Việt Nam cho biết hành khách trên chuyến bay này đến từ nhiều bang ở Hoa Kỳ, trong đó có cả trẻ em, sinh viên đã hoàn thành khoá học nhưng gặp khó khăn về nơi ở, không thể gia hạn thị thực, một số doanh nhân, trí thức gặp khó khăn về nơi ở, tài chính.
“Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định”, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Đây là chuyến bay thứ tư đưa người Việt ở Mỹ “về nước tránh dịch”, báo VNExpress loan báo. Ba chuyến trước được tổ chức vào tháng 5 và đầu tháng 6, mỗi chuyến chở hơn 340 người.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho biết nhiều người Việt đang “mắc kẹt” tại Mỹ muốn đăng ký về nước trên chuyến bay “giải cứu” do chính phủ Việt Nam tổ chức, nhưng chưa mua được vé do số lượng quá hạn chế.

Một người đàn ông Việt Nam đang sang thăm con gái du học tại Des Moines, Iowa, cho VOA biết ông đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, DC và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco ròng rã từ hai tháng qua để đăng ký chuyến bay nhưng bất thành. “Bên sứ quán bảo kiên nhẫn chờ vì có hơn chục ngàn người đang đăng ký nguyện vọng về nước”, người đàn ông không nêu tên, nói với VOA.

Người đàn ông này cho biết vì có nhu cầu về nước càng sớm càng tốt nên ông sẵn sàng trả hơn 2.000 đôla cho một vé một chiều về nước, đắt hơn 3 lần so với bình thường, mà vẫn chưa mua được.

Giữa lúc cộng đồng du học sinh người Việt tại Mỹ lo lắng trước thông tin sinh viên quốc tế có thể bị trục xuất khỏi Mỹ nếu trường họ theo học dạy trực tuyến 100% vào kỳ học mùa thu tới, thì việc thực hiện các chuyến bay hồi hương của Việt Nam lại càng cấp thiết hơn.

Hôm 10/7, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc nói trên đài truyền quốc gia VTV rằng các sinh viên “hãy bình tĩnh” và cho biết đã kêu gọi các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền lợi cho các sinh viên Việt Nam.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết con số người Việt đăng ký nguyện vọng về nước đã hơn 10.000.
Ông Ngọc nói:
“Ở đây do có tình hình dịch bệnh, và sau đó có tình trạng bất ổn do bạo động phân biệt chủng tộc, và số sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu về nước. Con số đăng ký hiện nay đã lên đến trên 10 nghìn người.”

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết rằng nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam tại Mỹ về nước, trong thời gian tháng 7 và tháng 8 sẽ có thêm khoảng 3 chuyến bay nữa.

Thêm 280 công dân Việt Nam hồi hương từ Châu Âu

280 công dân Việt Nam bị kẹt tại 11 nước Châu Âu hồi hương trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines đáp xuống phi trường Đà Nẵng hôm 22/7/2020. VnExpress Screenshot

Một chuyến bay đặc biệt đã đưa về nước 280 công dân Việt Nam bị kẹt lại tại 11 nước Châu Âu do hạn chế đi lại vì dịch corona, đã đáp xuống phi trường Đà Nẵng sáng ngày thứ Tư 22/7/2020, theo VnExpress.

Chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, chở hành khách người Việt bị kẹt lại tại các nước Áo, Bỉ, Bulgari, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Roumania và Slovakia, các quốc gia nơi dịch corona hoành hành và do đó bị hạn chế đi lại.
Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước châu Âu đã phối hợp với Vietnam Airlines và các cơ quan nước sở tại, để dàn xếp chuyến bay đặc biệt này.

Báo chí Việt Nam cho biết hành khách trên chuyến bay bao gồm học sinh, sinh viên đã hoàn thành khóa học, gặp khó khăn về chỗ ở, trẻ em, người già, du khách thăm thân nhân, người lao động đã hết thị thực và hợp đồng lao động bị kẹt tại nhiều nước Châu Âu vì đại dịch.
Tất cả các hành khách đều phải xét nghiệm y tế trước khi lên máy bay, họ phải đeo khẩu trang và mặc độ bảo hộ theo đúng quy định. Theo thủ tục thường lệ, họ bị cách ly và lấy mẫu xét nghiệm một khi về tới Việt Nam.

VnExpress dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, cho biết là tính từ ngày 10/4, đã có hơn 13.000 người Việt được đưa về nước trên 55 chuyến bay đặc biệt.

Ông Đinh Việt Thăng, Cục trưởng Cục Hàng không Dân sự Việt Nam cho biết thêm 50 chuyến bay nữa sẽ đưa 13.000 công dân Việt Nam về nước trước cuối tháng tới.
Châu Âu đã trở thành một điểm nóng dịch Covid-19 với hơn 2,7 triệu ca lây nhiễm được xác định, và hơn 199.000 ca tử vong.




 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top