Pháp : Khu chợ Tàu quận 13 Paris vắng khách, dân châu Á bị kỳ thị

Tin Tức

image.png
Paris 13è RFI /Vietnam
Thùy Dương
Theo lệ thường, vào dịp Tết nguyên đán, quận 13, Paris, nơi tập trung nhiều người châu Á sinh sống, nhất là người Trung Quốc, nhộn nhịp không khí lễ Tết, đông vui, tấp nập. Thế nhưng, từ một vài ngày nay, sau Tết nguyên đán, trùng với thời gian dịch bệnh viêm phổi cấp tính do virus corona bùng phát mạnh, khu vực quanh chợ Tàu, quận 13, Paris có vẻ vắng khách, yên ắng hơn.


Liệu có phải nỗi sợ virus mang tên Corona mà mắt thường không nhìn thấy được đã lấn át nhu cầu mua sắm và thưởng thức hàng quán ở khu chợ Tàu ? Phóng sự của RFI Tiếng Việt tại khu chợ Tầu, quận 13, Paris.

Quận 13 là khu vực có nhiều siêu thị như Tang Frères, Paris Store, mà người Việt Nam hay gọi chung chung là chợ Tàu, nhiều cửa hàng cửa hiệu và nhà hàng châu Á, khách khứa nhộn nhịp, không chỉ khách người châu Á mà còn có rất đông khách Pháp.

Nhưng đến ngày 30/01/2020, nước Pháp ghi nhận có 5 ca nhiễm virus corona. Sau khi chính quyền thông báo có ba ca nhiễm virus vào ngày 24/01, trong đó có hai ca tại thủ đô Paris và một ca tại thành phố Bordeaux, hoạt động lễ hội, các cuộc diễu hành mừng Tết Nguyên Đán tại Paris hôm 26/01 tại quảng trường Cộng Hòa đã bị hủy. Bộ trưởng Y Tế Pháp, Agnès Buzin, giải thích quyết định hủy các hoạt động lễ hội này không phải là một biện pháp liên quan tới vấn đề vệ sinh y tế.

Còn đô trưởng Paris Anne Hidalgo, phát biểu trên đài Europe 1 ngày Chủ Nhật 26/01, thông báo quyết định trên được đưa ra do các hội đoàn người Hoa cũng “không còn lòng dạ nào để vui chơi” : « Chính cộng đồng người Hoa ở Paris đã muốn hủy cuộc diễu hành dự kiến diễn ra vào chiều hôm nay (26/01) tại quảng trường Cộng Hòa (…) Không nên lùi bước trước nỗi lo sợ, nhưng đồng thời cũng phải hết sức chú ý, cảnh giác và tôn trọng quyết định của các hội đoàn Hoa kiều tại Paris ».

Virus corona có lây nhiễm qua hàng hóa, thực phẩm không ?

Chiều ngày 29/01, dù không khí ở khu phố này trầm hơn so với trước đây, nhưng vẫn có khách đến mua sắm thực phẩm trong chợ Tàu, không chỉ khách châu Á mà cả khách Tây. Bà Carlos Maria, một người phụ nữ cao tuổi, đi xe bus đến chợ Tang Frères để mua thực phẩm châu Á. Trả lời RFI Tiếng Việt, bà chia sẻ là vẫn đến khu chợ này mua sắm như bình thường, đối với bà dù đã có vài người bị lây nhiễm, nhưng nguy cơ nhiễm virus corona tại Pháp không quá cao, dịch bệnh không quá nguy hiểm :

« Không, tôi không lo lắng chút nào cả. Chị thấy đấy, trước đây có dịch hạch còn khủng khiếp hơn rất nhiều, còn hiện giờ thì đâu đến nỗi như vậy, người ta vẫn chưa biết nguồn gốc căn bệnh từ đâu, nhưng không sao, chúng tôi không sợ. Chị thấy đấy, tôi đang ở đây (khu phố Tàu). Tôi sẽ đi mua thực phẩm Trung Quốc. Tôi không lo chút nào, tôi không sợ. Tôi vẫn thường đến đây. Trong các nhà hàng vẫn có khách. Trong trung tâm thương mại (Olympiade), có nhiều nhà hàng, không vắng vẻ đâu. Tôi sẽ mua gạo, nước chấm, gừng … »

Từ vài ngày nay, có nhiều người lo ngại tự hỏi mua sắm hàng hóa, thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc liệu có nguy cơ nhiễm virus corona không ? Nhiều chuyên gia cho biết không thể khẳng định 100%, nhưng nguy cơ lây nhiễm khi dùng hàng Trung Quốc, kể cả đồ ăn thức uống nhập từ Hoa lục, là rất thấp, bởi virus chỉ tồn tại trong không khí trong một vài ngày, thậm chí chỉ một vài giờ. Trong khi đó, việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Pháp thường bằng tàu biển, thời gian vận chuyển và lưu giữ trong kho bãi trước khi các sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường phải mất đến vài tháng, còn hàng vận chuyển bằng máy bay thì nhiệt độ trong khoang hàng cũng như độ ẩm đều rất thấp, khiến virus không thể tồn tại được lâu để truyền bệnh cho người. Có lẽ chính vì thế, nhiều người cảm thấy không lo sợ khi đi chợ Tàu mua thực phẩm nhập từ Hoa lục.

Dễ lây cúm thông thường hơn là nhiễm virus corona ?

Trở lại quận 13 Paris, khi trò chuyện với rất nhiều người tại chỗ, cả người châu Á và người Pháp đến chợ Tàu mua sắm, cũng như nhiều nhân viên bán hàng của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm châu Á đều nói là không hẳn sự vắng vẻ này là do nỗi sợ virus corona. Đây cũng là ý kiến của chị Kim Loan, chủ tiệm kim hoàn Kim Loan tại trung tâm thương mại Olympiade :

«Kim Loan xin chào quý thính giả của đài RFI Việt ngữ. Trả lời câu hỏi của Thùy Dương, mình thấy sau Tết khách hàng có vắng đi chút đỉnh, tại vì trước Tết tất cả mọi người đã sắm sửa đầy đủ, theo mình thì không phải là do bệnh corona. Cái bệnh này xảy ra vào đúng thời điểm người ta đã mua sắm hết rồi, thành ra người ta không có nhu cầu để mà sắm nữa. Thế nên, theo mình nghĩ không phải do dịch bệnh đâu. Mình thấy mọi người vẫn ăn uống bình thường, nhà hàng vẫn có khách bình thường, mọi người vẫn mua sắm vô tư, ăn uống bình thường. Mình không có nghe ai nói về dịch bệnh hết.

Mình không thấy có nhiều người đeo khẩu trang. Một ngày, nhìn ra ngoài, mình thấy 1-2 người đeo khẩu trang thôi. Cũng khó nói, khi họ đeo khẩu trang mình không thấy mặt họ, nhưng nhìn vóc dáng mình thấy có vẻ như người Á châu mình.

Bản thân mình thì mình không đeo khẩu trang, tại vì theo thông tin của nhà nước bên đây (Pháp), người ta đã xác định rõ ràng là dịch bệnh mặc dầu dễ lây nhiễm, nhưng cũng không quá dễ như mình nghĩ, thành ra mình cứ ra đường thoải mái thôi. Mình vẫn đi siêu thị mua sắm, ăn uống bình thường, không đeo khẩu trang gì hết ».


Đúng là trong vòng vài tiếng đồng hồ tại khu phố Tàu, chúng tôi quan sát chỉ thấy lác đác vài người đeo khẩu trang. Một trong số ít ỏi những người như vậy là một phụ nữ trẻ người Hoa. Trả lời phỏng vấn của RFI sau khi đã mua sắm rất nhiều thực phẩm trong chợ Tàu Tang Frères, chị cho biết : « Tất nhiên là tôi sợ chứ, vì thế mà tôi đeo khẩu trang. Tôi muốn tự bảo vệ mình khỏi virus. Tôi thích thực phẩm ở đây (chợ Tàu Tang Frères). Mua thực phẩm ở đây không nguy hiểm như tiếp xúc với người bệnh ».

Còn chị Sophie, người Pháp gốc Hoa, nhân viên cửa hàng dược phẩm Olympiade, khẳng định những khách đến hỏi mua khẩu trang chủ yếu là người châu Á, và nhiều khi họ mua khẩu trang không phải để đeo phòng virus mà là để gửi về cho gia đình, người thân ở châu Á, nơi dịch bệnh đang hoành hành. Chị Sophie nghĩ rằng nhiễm virus corona có lẽ còn khó hơn là mắc các bệnh cảm cúm thông thường :

« Có vắng khách hơn một chút, nhưng giờ đang là Tết nguyên đán, về cơ bản thì có ít khách đến hiệu thuốc hơn. Nhưng hôm nay thì cũng đã có nhiều người hơn hôm qua một chút. Chúng tôi cũng không biết việc vắng khách liệu có liên quan gì đến virus corona hay không, hay là do đang là những ngày Tết. Đúng là có vắng khách hơn, nhưng cũng là do thời tiết, vì trời có mưa. Có nhiều người hỏi mua khẩu trang, nhất là người châu Á. Có một số người mua cho chính họ để dùng tại đây (Pháp), nhưng nhiều người mua để gửi về cho gia đình ở châu Á. Chúng tôi không sợ, vì hiện giờ thì mọi người dễ mắc cúm thông thường hơn là nhiễm virus corona. Vì thế, vào thời điểm này ở Paris chẳng có lý do gì phải sợ virus corona ».

Làn sóng kỳ thị người châu Á vì virus corona

Quả thực, tại Pháp, trong khi mới chỉ có 5 người nhiễm virus corona tính đến ngày 30/01, dịch cúm thông thường đã khiến 22 người thiệt mạng. Dù vậy, hiện có rất nhiều người châu Á đang chịu sự kỳ thị sắc tộc tại Pháp vì virus corona.

Hôm Chủ Nhật, tờ báo Courrier Picard đã gây giận dữ khi chơi chữ, đăng tựa trang nhất « Virus corona Trung Quốc - Hiểm họa bất ngờ màu vàng » và bài xã luận mang tựa đề « Một đại dịch vàng mới ? ». Ông Stéphane Nivet, tổng giám đốc Liên minh quốc tế chống kỳ thị sắc tộc và bài Do Thái (Licra) giận dữ nói với tuần báo L’Express, ngày 28/01 : « Quý vị hãy thử hình dung xem, nếu virus đến từ châu Phi, sẽ không có tờ báo nào dám giật tít « Mối đe dọa bất ngờ màu đen » (…) Việc một ban biên tập cho xuất bản một trang nhất như vậy mà không cảm thấy có gì không ổn chứng tỏ đây là một vấn đề ». Sau đó, báo Courrier Picard đã phải đăng lời xin lỗi vì đã có thái độ kỳ thị nhắm vào người châu Á.

Mạng xã hội là một nơi chứng kiến tại Pháp người châu Á đang bị hắt hủi thế nào vì virus corona. Trên Twitter, một phụ nữ trẻ viết : « Cứ mỗi khi nhìn thấy một người Hoa ở Paris là tôi chuyển sang đi ở phía vỉa hè bên kia đường … tôi chạy, tôi rảo bước nhanh hơn, tôi quá sợ ».

Một số người châu Á, nhất là người Trung Quốc, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì sợ phải nghe những lời thù hằn, chế giễu, sợ bị quy là thủ phạm mang virus corona vào nước Pháp, một số khác trên mạng xã hội than thở về những điều họ phải chịu đựng. Nhiều cư dân mạng châu Á tại Pháp đã tạo ra một hastag mới # Tôi không phải là một con virus và nhấn mạnh : "Không phải người châu Á nào ho cũng đều mang virus corona », « Xúc phạm một người châu Á vì virus cũng giống như chửi rửa một người theo đạo Hồi về những vụ tấn công khủng bố ».

Đài France Bleu ngày 30/01 cho biết là tại nhiều nhà hàng, khách sạn, một số khách hàng còn từ chối để người châu Á phục vụ. Có những nhân viên thu ngân ở siêu thị bật khóc vì bị khách sỉ nhục : « Các người hãy trở về quê nhà đi và hãy giữ lấy căn bệnh của các người ». Ngược lại, có những khách người châu Á bị các cửa hàng từ chối bán hàng. Tại nhiều trường học, trong giờ ra chơi, trẻ em châu Á bị bạn bè chế giễu, réo gọi bằng cái tên « Corona ». Không chỉ có người Trung Quốc, mà người châu Á nói chung đều bị kỳ thị và gắn với virus conona, chẳng hạn : « Người Trung Quốc, Việt Nam, và các nước khác cũng như nhau cả thôi, các người đều mang virus corona ». Có nhiều người Pháp gốc Á sinh ra và lớn lên tại Pháp cũng bị kỳ thị vì virus corona.

Tại Pháp, thái độ kỳ thị sắc tộc nhắm vào người châu Á vẫn có từ trước, nhưng dường như dịch bệnh viêm phổi cấp do virus conora gây ra, đang làm bùng lên làn sóng kỳ thị mới nhắm vào không chỉ người Trung Quốc, mà cả người châu Á nói chung.
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top