Paris và Covid-19: Người Dân Muốn Rời Thủ Đô, Ngành sản xuất rượu vang giảm mạnh

Tin Tức

Paris và Covid-19: Ngột ngạt vì phong tỏa,
Người Dân Muốn Rời Thủ Đô



Arc de Triomphe, Khải hoàn môn, Paris, Pháp, vắng khách du lịch thời Covid-19. Ảnh minh họa. REUTERS - CHARLES PLATIAU

(RFI) Gần 3 tháng phong tỏa quanh quẩn trong bốn bức tường căn hộ ở Paris khiến nhiều người dân thủ đô thay đổi sở thích : về nông thôn sinh sống, với không gian thoáng đãng hơn, diện tích lớn hơn. Nếu như chỉ có khoảng 38% người dân muốn rời Paris trước đợt phong tỏa, bắt đầu từ ngày 17/03/2020, thì gần ba tháng sau, tỉ lệ này đã tăng thành 54%.

Theo kết quả thăm dò của trang Paris, je te quitte, khoảng 22% người dân vùng Ile-de-France (nơi có thủ đô Paris) đã kịp di chuyển đến nhà nghỉ của họ ở nông thông hoặc thực hiện giãn cách xã hội ở nhà người thân, bạn bè ở tỉnh ; 78% ở lại. Trong số ở lại này, 69% cách ly tại nhà là những căn hộ, thường không có không gian bên ngoài. Khoảng 81% trong số người ở lại tiếp tục làm việc từ xa, khiến không gian sinh hoạt vốn đã hạn hẹp, giờ phải tạo thêm góc làm việc, thậm chí là góc học tập trực tuyến tại nhà con cái.

Khoảng 39% người dân Paris thấy rằng giai đoạn phong tỏa là « thời gian dài, mệt mỏi và áp lực ». Nhiều người mơ đến một ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ xinh và 59% trong số được hỏi sẵn sàng rời khỏi Paris ngay khi có thể.
 

Những người nóng lòng rời Paris là ai ?

Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử, bà Kelly Simon, đồng sáng lập trang Paris, je te quitte, chuyên tư vấn về chuyển đến tỉnh khác sinh sống, giải thích :
« Rất nhiều người sống ở vùng Ile-de-France không phải là người gốc ở đó. Họ đến Paris để học tập hoặc tìm công việc đầu tiên. Nhưng rồi họ nhanh chóng cảm nhận được những bó buộc đời sống hàng ngày ở thủ đô, như nhịp sống hối hả tầu điện/công việc/ngủ (métro/boulot/dodo), giá thuê nhà thì cao và không thể có chỗ ở rộng rãi, thiếu không gian xanh và thiên nhiên, rồi thêm mất thời gian đi lại, ô nhiễm không khí…
Chúng tôi nhận thấy tốc độ truy cập vào trang web của chúng tôi đã tăng lên nhiều từ khi hết phong tỏa (thêm 50-60%). Điều này cho thấy người dân Ile-de-France quan tâm đến chủ đề này. Nghiên cứu của chúng tôi về ảnh hưởng của đợt phong tỏa vừa qua cũng cho thấy biện pháp đó đã có thúc đẩy những kế hoạch rời Paris và vùng phụ cận, vì chúng tôi nhận thấy có đến 42% người dân Ile-de-France muốn chuyển nhà ngay khi có thể. Đối với 56%, đợt phong tỏa là thời gian suy ngẫm giúp đẩy nhanh hơn dự định rời khỏi Paris ; 64% thì cho biết không sợ rời Paris sau đợt phong tỏa ».

Paris ngày càng vắng dân ?

Có thể nhận thấy xu hướng rời khỏi Paris bắt đầu rõ nét từ năm 2011. Khoảng 60.000 người đã chia tay thủ đô từ năm 2014, theo số liệu của trang France Info (18/06/2020). Giá mua và thuê nhà cao, sinh hoạt đắt đỏ, sống gấp, ô nhiễm... là những lý do khiến người Paris muốn chuyển về tỉnh hoặc những thành phố nhỏ hơn.

Vậy đâu là những thành phố lý tưởng mà người dân Paris và vùng Ile-de-France tìm kiếm ? Tháng 11/2018, trang Paris, je te quitte đã nghiên cứu kỹ 31 thành phố, theo 7 tiêu chí : mức sống (Pau, Reims, Le Mans, Grenoble...), khí hậu (Aix-en-Provence, Marseille, Nice, Montpellier, Avignon), vị trí địa lý (Cean, Lille, Rouen), môi trường (Poitiers, Pau, Limoges, Dijon...), văn hóa và giải trí (Lyon, Marseille, Toulouse, Montpellier, Strasbourg), an ninh (Annecy, Rennes, Le Mans, Limoges, Besançon) và việc làm (Lyon, Bordeaux, Nice, Nantes, Toulouse). Nếu xét về việc làm và hoạt động văn hóa giải trí, các thành phố lớn vẫn được chú ý. Còn những thành phố có kích cỡ trung bình thì hấp dẫn nhờ chất lượng cuộc sống.

Dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch chuyển nhà của nhiều gia đình vùng Paris Ile-de-France. Miền nam ngập nắng với tiếng ve râm ran mùa hè và biển xanh, như tại Aix hay Marseille, là một trong những địa điểm được ưu tiên lựa chọn. David Credoz, giám đốc một văn phòng bất động sản tại Bouc-Bel-Air, nhận xét, trên trang web của đài France Bleu là tiến độ của rất nhiều dự án được đẩy nhanh từ khi dỡ phỏng tỏa ; 2/3 khách hàng của văn phòng «không phải là người trong vùng và đến 80% trong số họ là người đến từ Paris hoặc vùng phụ cận ». Một số người khác không chuyển hẳn đến tận miền nam, mà quan tâm đến các thành phố nhỏ cách Paris chừng 100 km.

Từng là biện pháp được cho là không tưởng, vậy mà người dân Pháp đã phải trải qua hai tháng phong tỏa và biết đâu biện pháp này bị áp dụng trở lại khi dịch tái bùng phát, dù không hoàn toàn như hồi tháng 03-04/2020. Rời Paris để có nhà rộng hơn, thay đổi cuộc sống là một cách để thích ứng với tình trạng «bình thường mới ». Bà Kelly Simon giải thích :
« Người dân Paris muốn rời khỏi thủ đô để có được chất lượng sống tốt hơn. Dù sao đó là trường hợp của 89% người truy cập trang web tham khảo Paris, je te quitte cho tất cả những người có ý định chuyển khỏi vùng Ile-de-France. Trong quá trình tìm kiếm chất lượng sống tốt hơn, người ta thường thấy : mong muốn có cuộc sống ít căng thẳng hơn, cân bằng giữa công việc và đời tư và không gian sống tốt hơn cho con cái.
Nghiên cứu của chúng tôi về tác động của đợt phong tỏa vừa qua đến các kế hoạch rời Paris cho thấy 59% người được hỏi muốn được gần gũi với thiên nhiên hơn và 57% muốn có cuộc sống đơn giản hơn, có giá trị và ý nghĩa hơn. Mong muốn có được nơi ở rộng rãi hơn và rẻ hơn cũng là động lực trong kế hoạch chuyển khỏi Paris ».

Làm việc từ xa : Điều kiện thuận lợi để rời Paris

Hai tháng phong tỏa là trải nghiệm sống chưa từng có, cũng khiến nhiều người suy nghĩ về cách sống. Biện pháp phong tỏa cũng làm thay đổi cách làm việc tại Pháp. Khoảng 40% nhân viên trong lĩnh vực tư đã làm việc từ xa trong giai đoạn phong tỏa, một kỷ lục so với tỉ lệ 7% trước phong tỏa, theo trang BFM TV (12/05/2020). 73% người làm việc tại nhà muốn được tiếp tục biện pháp này trong thời hậu phong tỏa.

Có thể làm việc từ xa, không bị bắt buộc có mặt tại công sở, là một yếu tố khuyến khích người dân Paris chuyển đến tỉnh hoặc thành phố khác. Tuy nhiên, có rất nhiều người sẵn sàng đổi công việc để đến sống ở một nơi khác thoải mái hơn, theo nhận định của bà Kelly Simon :
« Những người muốn rời Paris có hoàn cảnh rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đa số là những cặp vợ chồng có một hoặc nhiều con nhỏ hoặc là những người muốn lập gia đình. Con đầu lòng thường là lý do thôi thúc họ rời Paris. Nhưng cũng có rất nhiều người muốn rời Paris một mình. Phần lớn trong số họ là đi tìm việc ở vùng khác, nhưng gần một nửa thì có lẽ sẵn sàng đổi nghề để thực hiện kế hoạch riêng.


Công việc vẫn là yếu tố đầu tiên thôi thúc họ dịch chuyển và cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay khiến vấn đề này bị tạm ngừng. Tiếp theo, khả năng làm việc từ xa, được phát triển mạnh trong thời gian phong tỏa, cũng là một yếu tố thúc đẩy và giúp việc chuyển nhà sang khu vực khác trở nên linh hoạt hơn. Nếu có thể làm việc nơi mà họ mong muốn, mà không bị ràng buộc về mặt địa lý, thì dĩ nhiên, người dân Ile-de-France có thể thực hiện kế hoạch của họ ».

Paris, nơi im lặng là một điều xa xỉ, ngột ngạt trong những ga điện ngầm hôi bẩn với dòng người hối hả, Paris đắt đỏ, ồn ào, Paris của những người du lịch, nhiều người Paris có cảm giác không có chỗ trong chính thành phố của họ. Phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22 m2 và chỉ có 24% có đủ khả năng mua căn hộ 36 m2 với giá trung bình 10.000 euro/m2. Thế nhưng, với số tiền đó, họ hoàn toàn có thể yên tâm mua được một ngôi nhà có mảnh vườn xinh ở một nơi khác.
 
Covid-19 : Xuất khẩu rượu vang Pháp giảm 18%


Ảnh chụp tại một nhà hàng ở Paris, Pháp, với tờ giấy ghi hàng chữ: " Do khủng hoảng y tế, khách không được uống tại quầy. Cám ơn quý khách thông cảm". Paris, 06/10/2020. AFP - THOMAS COEX

(RFI) Ngay sau khi nước Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi cuối tháng 05/2020, giới chuyên ngành đã từng dự báo 2020 sẽ là năm thất thu nặng nề đối với ngành sản xuất rượu vang. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, mức xuất khẩu rượu vang Pháp đã giảm đến 18% trong 8 tháng đầu năm, tức là cao hơn 5% so với dự kiến ban đầu.
 
Theo số liệu thống kê chính thức của tổ chức FranceAgriMer, cơ quan quốc gia liên ngành nông phẩm và hải sản, ngành xuất khẩu rượu vang Pháp đã giảm gần một phần năm từ tháng Giêng cho đến tháng 08/2020. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ rượu vang trên thị trường nội địa cũng sút giảm luôn theo. Tình trạng này không phải là do một nguyên nhân duy nhất, mà do nhiều yếu tố gộp lại. 
Dịch Covid-19 trong nhiều tháng liền đã buộc nhiều quán ăn, nhà hàng phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa lại được ban hành trong giai đoạn Mỹ áp thuế cao hơn đối với sản phẩm nhập khẩu từ Pháp (kể cả sâm banh và rượu vang). Ngoài ra, tình hình bất ổn do vấn đề Brexit vẫn chưa được giải quyết dứt điểm cũng đã ảnh hưởng gián tiếp đến các công ty Pháp chuyên xuất khẩu rượu vang.  

Doanh thu Champagne bị giảm mạnh 

Theo cơ quan liên ngành FranceAgriMer, mức sụt giảm đáng kể nhất liên quan đến các loại champagne và rượu vang trắng sủi bọt. Hai ngành này đã mất đến 28% doanh thu trong giai đoạn 8 tháng đầu năm 2020, so với cùng thời kỳ năm ngoái. Rượu sâm banh của Pháp  (champagne) cũng bị thiệt hại, ở một mức nhẹ hơn, khoảng 20%. Dưới tên gọi chung là ‘‘crémant’’ (còn được gọi nôm na là vin pétillant hay là vin mousseux) tức là các loại rượu vang trắng có sủi bọt ngoài champagne, thật ra ngành này bao gồm khá nhiều vùng miền khác nhau. Đứng đầu là vùng Alsace, sau đó đến các vùng Bourgogne, Loire, Limoux, Die, Jura hoặc là Savoie …
Ngay cả thực khách Pháp chưa chắc gì đã phân biệt được hết những nét tinh tế của các loại rượu vang sủi bọt của từng vùng miền như vouvray, saumur, clairette, blanquette, montlouis, mà về chất lượng ngon hơn hẳn loại cava hiệu freixenet của Tây Ban Nha hay là prosecco của Ý. Dù muốn hay không, hình ảnh của rượu champagne nói riêng hay các loại rượu trắng có sủi bọt nói chung đều được gắn liền với các dịp liên hoan, lễ hội. Mùa dịch Covid-19 chẳng có gì đáng để ăn mừng, người tiêu dùng cũng tự hạn chế các buổi gặp gỡ vui chơi, trà dư tửu hậu. Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm khi mà các lại rượu dành cho các dịp liên hoan bị ‘‘mất khách’’.

Lượng tiêu thụ nội địa cũng bị giảm 

Cũng theo cơ quan FranceAgriMer, đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoàng tài chính năm 2008-2009, thị trường xuất khẩu rượu vang bị sụt giảm đáng kể. Mức giảm sút cũng rất rõ nét trên thị trường rượu vang (rượu đỏ hay rượu hồng rosé). Một cách cụ thể,  doanh thu xuất khẩu của ngành này đã giảm đến 13% và có thể còn tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, do số liệu thống kê cho tháng 9 vẫn chưa được công bố. 
Tình trạng sút giảm này cũng diễn ra trong một bối cảnh không mấy thuận lợi. Mùa trồng nho năm nay cũng không được xem là mùa bội thu. Sau mùa thu hoạch vừa qua, sản lượng chung cũng giảm xuống 10% (bao gồm tất cả các loại rượu vang), như thể giới chuyên ngành sản xuất đang chuẩn bị tinh thần để đối phó với những khó khăn sắp tới, chẳng thà thu hoạch ít, còn hơn là bội thu mà lại không bán được.
Đối với ngành rượu vang Pháp, trước mắt có rất nhiều khó khăn đang chờ đón họ. Lệnh giới nghiêm không những ở Pháp, mà còn được ban hành tại nhiều nước châu Âu láng giềng như Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, đã khiến cho nhiều hàng quán buộc phải đóng cửa sớm hơn. Tại Bỉ hay Ailen, các tụ điểm văn hóa cũng như các quán ăn, nhà hàng là những ‘‘nạn nhân’’ đầu tiên, khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng trở lại hầu hạn chế đà lây lan của dịch Covid-19. 
Trong bối cảnh đó, ngành ẩm thực nói chung, ngành rượu vang nói riêng đều bị tác động mạnh mẻ. Trên các ứng dụng tiêu dùng, thực khách đặt món ăn giao tận nhà, chứ ít có ai lại đi ‘‘gọi rượu’’ như trong những lúc đi ăn ở nhà hàng. Lệnh giới nghiêm hay các biện pháp phong tỏa làm giảm ngay mức tiêu thụ, do ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen của thực khách.

Khi thói quen tiêu dùng bị xáo trộn

Một khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có hiệu lực trở lại, thì rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong lãnh vực phục vụ, như quán bar, nhà hàng, khách sạn, hộp đêm, hay giải trí, như nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu biểu diễn không có cách nào khác là đành phải chấp nhận thất thu. Mọi cuộc thăm dò đều cho thấy là suất chiếu phim trong tuần quan trọng nhất vẫn là suất 8 giờ tối, và các nhà hàng Pháp thường phục vụ thực khách theo hai suất : 7 giờ và 9 giờ tối. Dù có tính cách nào đi chăng nữa, thì hai ngành này sẽ vẫn bị mất khách.  
Một cách tương tự, cho dù ngành sản xuất rượu vang có đi tìm các biện pháp hỗ trợ, thì giới chuyên ngành cũng chỉ có thể hạn chế thất thu, dựa vào các thanh khoản dự trữ để chịu đựng chờ thời, mong sớm trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy quỹ đoàn kết của Châu Âu cũng như của Pháp đã thi hành một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ khẩn cấp các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, thế nhưng nguồn hỗ trợ ở mức 80 triệu euro thật sự chẳng có ý nghĩa gì so với toàn ngành rượu vang, với doanh thu xuất khẩu lên tới gần 14 tỷ euro trong năm 2019.
Sự kiện ngành rượu vang bị mất doanh thu xuất khẩu, đồng thời mức tiêu thụ nội địa cũng sút giảm (từ 8% đến 10% trong khối 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu), giải thích phần nào vì sao nhiều hội chợ rượu vang đang được kéo dài hơn dự kiến tại Pháp. Một số cửa hàng như Lavinia, Nicolas, Cave Legrand hay là La Maison des Millésimes nhân dịp này cũng bán rượu vang hay sâm banh thượng hạng (trong đó có các hiệu sâm banh như Henriot hay Heidesick với giá rẻ hơn một phần tư) là cơ hội để cho người tiêu dùng ở Pháp mua ngay từ bây giờ, để dành cho mùa Noël năm nay hoặc là để cất giữ cho tới mùa lễ cuối năm 2021.
 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top