Paris thời bệnh dịch Virus COVID-19: Bệnh viện công Paris “gồng mình” nhưng không sẵn sàng để chống dịch

Tin Tức

Paris thời bệnh dịch Virus COVID-19:

Bệnh viện công Paris “gồng mình” nhưng không sẵn sàng để chống dịch


Cổng bệnh viện Pitie-Salpetriere, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 26/02/2020 REUTERS/Charles Platiau

(Minh Anh- RFI) Dịch virus corona chủng mới (Covid-19) tràn vào nước Pháp đúng vào lúc hệ thống bệnh viện công gặp khủng hoảng. Một số khoa điều trị hay bộ phận y tế như Tổng đài cấp cứu 15 hay khoa nhiễm lúc bình thường cũng đã bị quá tải. Liệu các bệnh viện Pháp đã sẵn sàng để chống chọi với dịch bệnh hay chưa?

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh xảy ra trong bối cảnh đặc biệt đối với các bệnh viện công. Báo Le Monde nhắc lại các cuộc biểu tình rầm rộ, các cuộc đình công của y bác sĩ phản đối phản đối tình trạng thiếu giường bệnh và thiếu nhân sự hay phương tiện để chăm sóc bệnh nhân, mà đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng xã hội là cách nay vài tuần, hàng trăm bác sĩ trưởng nhóm cấp cứu đã từ nhiệm chức vụ quản lý hành chính. Theo họ, hệ thống y tế của Pháp bị suy yếu là hệ quả của nhiều năm tiết kiệm ngân sách phi lý và không phù hợp.

Khủng hoảng xã hội, nguồn lực y tế thiếu thốn

Ông Christophe Prudhomme, bác sĩ cấp cứu, phát ngôn viên hội bác sĩ cấp cứu Pháp (AMUF) trên đài truyền hình quốc tế France 24 đưa ra bảng tổng quan như sau:

« Với số bệnh viện được chỉ định thêm, đương nhiên chúng ta có thêm giường bệnh. Nhưng cũng cần hiểu là hiện nay hệ thống bệnh viện đang trong trạng thái ‘‘căng như dây đàn’’, nghĩa là các nguồn phương tiện không còn khả năng mở rộng thêm được nữa. Nên biết rằng ở đây, tại Paris, một trong những khu đô thị đông dân nhất thế giới có hệ thống hỗ trợ công, 450 giường bệnh đã bị dẹp bỏ bởi vì chúng ta không thể nào tuyển thêm được y tá. Đó là thực trạng hiện nay. Chúng tôi chỉ vừa đủ để đối phó. Khả năng của bệnh viện để ứng phó với một cuộc khủng hoảng hiện có giờ cộng thêm một cuộc khủng hoảng nữa đã chạm ngưỡng.

Vào mỗi một mùa dịch cúm, mỗi một đợt nắng nóng gay gắt, hệ thống bệnh viện đã bị quá tải. Giờ thì chúng ta đang trong một tình thế mà ở đó cần phải huy động thêm mọi nguồn lực để mở thêm giường bệnh, và điều này sẽ làm tổn hại cho các hoạt động còn lại của bệnh viện. Đây mới chính là một vấn đề. »


Một bầu không khí lo lắng đang đè nặng lên giới y khoa tại Pháp. Một cuộc "khủng hoảng kép" đang thách thức chính quyền Pháp. Theo phóng sự của tờ Le Monde, tại Paris, hai bệnh viện Bichat và Salpêtrière, được chỉ định để tiếp các bệnh nhân nhiễm virus corona, lúc bình thường đã bị quá tải và phải cầu cứu đến các đồng nghiệp tại bệnh viện Saint-Louis (Paris). « Nay giữa cơn dịch bệnh, chúng tôi sẽ phải làm sao để đối phó khi mà sẽ có nhiều người hơn nhập viện trong tình trạng thiếu người triền miên? », ông Mathieu Lafaurie, bác sĩ khoa nhiễm bệnh viện Saint-Louis tự hỏi.

Trước nguy cơ rất nhiều bệnh nhân được chuyển tới hệ thống bệnh viên công, giới y tế Pháp tạm gác sang một bên những bất đồng, tranh cãi với chính phủ, tập trung cho cuộc chiến chống dịch như mở thêm giường bệnh, kêu gọi sự hợp tác của một số bệnh viện tư nhân nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm và chẩn đoán bệnh và giảm bớt áp lực cho hệ thống cấp cứu bệnh viện chuyên ngành.


Nguy cơ nhân viên y tế nhiễm bệnh

Tuy nhiên, điều làm cho giới y tế lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ các nhân viên y tế bị lây nhiễm virus corona. Nỗi lo này dấy lên vào lúc hơn 200 điều dưỡng viên tại bệnh viện ở Creil bị đặt cách ly sau cái chết của một bệnh nhân 60 tuổi và một thường dân 55 tuổi làm việc cho căn cứ không quân của Creil phải đưa vào phòng hồi sức. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm virus corona ? Bác sĩ Nguyễn Minh Thu, khoa nhi bệnh viện Bichat, giải thích:

« Hệ thống y tế ở Pháp bình thường đã bị thiếu nhân lực, đây cũng chính là những vấn đề gây ra các cuộc đình công của các nhân viên y tế do thiếu người, phương tiện không đủ để phục vụ bệnh nhân. Vấn đề đặt ra là bình thường đã thiếu người làm, chẳng hạn như bệnh viện Tenon hiện tại có ba nhân viên y tế đã bị nhiễm virus corona sau khi tiếp xúc với người bệnh. Hệ lụy là ba nhân viên đó phải được cách ly để chữa trị và 56 nhân viên khác phải nghỉ cách ly ở nhà, và khoa cấp cứu ở bệnh viện này gần như hoạt động rất khó khăn do không đủ người.

Thế nên, khi nhân viên y tế bị nhiễm sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của bệnh viện. Một vài cơ sở buộc phải hoãn mổ chương trình do các nhân viên, bác sĩ gây mê đi nghỉ ở vùng dịch về là bị cách ly trong vòng 14 ngày. Do vậy, các trường hợp mổ chương trình đều bị đình lại. »


Để tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh, thủ tướng Pháp thông báo huy động 108 bệnh viện trên toàn quốc để tiếp nhận các bệnh nhân, bổ sung thêm vào kho dự trữ quốc gia 200 triệu chiếc khẩu trang, sản xuất thêm nhiều dụng cụ xét nghiệm nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm và phát hiện virus corona.

Về phía bộ Y Tế Pháp, cơ quan này áp đặt một số quy định để phòng ngừa cho các nhân viên y tế, theo như ghi nhận của bác sĩ Minh Thu :

« Bắt đầu kể từ tuần này, tất cả các nhân viên y tế ở mọi khoa, phòng đều phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân. Cách đây 10 ngày chỉ có những nhân viên nào làm việc ở khoa cấp cứu, khoa nhiễm hay những khoa có nguy cơ lây nhiễm nhiều thì mới đeo khẩu trang. Bây giờ thì tất cả các nhân viên ở mọi nơi đều phải đeo khẩu trang và các dung dịch rửa tay cũng được để khắp nơi trong các khoa phòng. »

Vậy các nhân viên y tế có được cung cấp các bộ quần áo bảo hộ kín người như tại Trung Quốc hay không ?

« Khi những người nào có tiếp xúc với những ca nghi nhiễm thì họ được huấn luyện các mặc đồ, đeo khẩu trang, đội mũ, những bộ đồ đặc biệt. Trong trường hợp không có tiếp xúc với bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ thì chỉ cần đeo khẩu trang không cần phải có những trang phục đặc biệt. »

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng, tình trạng thiếu hụt nhân sự và nhằm bảo vệ sức khỏe cho các nhân viên y tế, trong lúc chính phủ Pháp nâng mức báo động dịch bệnh lên mức 2 trên cấp độ 3, cơ quan quản lý các bệnh viện công AP-HP thông báo thay đổi cách thức chống dịch, không có ý định cho nhập viện có hệ thống những bệnh nhân nhiễm virus corona.

Theo AP-HP, chỉ có những người nào bị nhiễm nặng và những người bệnh yếu ớt thì mới được nhập viện. Trước đây, mỗi bệnh nhân khi bị phát hiện dương tính với virus corona ngay lập tức được đưa vào bệnh viện để theo dõi và điều trị.

Tuy nhiên, giải pháp này được áp dụng ngay tức thì kể từ thứ Hai 02/03/2020, nhưng không có hiệu lực cho toàn quốc mà chỉ giành cho tại Paris, do các vùng tại Pháp không có kiểu nhiễm virus corona

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top