Nước Pháp chấn động sau vụ khủng bố Hồi Giáo chặt đầu thầy giáo

Tin Tức

Nước Pháp chấn động sau vụ khủng bố Hồi Giáo chặt đầu thầy giáo


Cảnh sát Pháp bảo vệ khu vực gần trường trung học Bois d'Aulne, ở Conflans-Sainte-Honorine (ngoại ô Paris), Pháp, ngày 16/10/2020. REUTERS/Charles Platiau

Vụ chặt đầu một thầy giáo sử-địa tại vùng ngoại ô Paris hôm qua, 16/10/2020, đã khiến cả nước Pháp chấn động. Nạn nhân đã bị một thanh niên người Nga gốc Tchechnia hạ sát vì đã cho học sinh xem các tranh biếm họa vẽ đấng tiên tri Mohamed. Đối với tổng thống Macron, đây là một « vụ tấn công khủng bố Hồi Giáo đặc trưng ».

Vụ án mạng xảy ra vào khoảng 17 giờ gần trường trung học Bois d'Aulne tại Conflans-Sainte-Honorine ( vùng Yvelines, ngoại ô Paris ) nơi giáo viên Samuel Paty đang dạy. Cảnh sát đã được báo động vì có một kẻ khả nghi đang đi lảng vảng chung quanh trường. Khi đến nơi cảnh sát phát hiện thi thể bị chặt đầu của ông Paty, rồi tìm cách khống chế một thanh niên cầm dao đe dọa. Do hung thủ chống cự nên cảnh sát buộc phải bắn chết. Kẻ chặt đầu thầy giáo đã hô « Allah Akbar » ( Thượng đế vĩ đại ) trước khi bị bắn hạ.

Theo các kết quả điều tra đầu tiên, giáo viên sử-địa của trường vào tuần trước, khi giảng dạy về quyền tự do ngôn luận, đã cho học sinh xem các bức biếm họa vẽ đấng tiên tri Mohamed. Phải chăng hung thủ đã chặt đầu giáo viên này để trả thù ? Các nhà điều  tra đang cố làm rõ động cơ của kẻ sát nhân.
Sau vụ tấn công, Viện Công tố Quốc gia chống khủng bố đã mở ngay cuộc điều tra về tội « sát nhân có liên hệ với một tổ chức khủng bố » và « cấu kết với một tổ chức khủng bố ».

Danh tính của hung thủ đã được các nhà điều tra chính thức xác định. Theo một nguồn tin tư pháp được AFP trích dẫn, thanh niên 18 tuổi này là người Nga gốc Tchechnia, sinh ở Matxcơva, có tiền án tiền sự, nhưng chưa hề được biết là theo Hồi Giáo cực đoan. Theo hãng tin AFP, trong khuôn khổ cuộc điều tra này, đã có tổng cộng 9 người đang bị tạm giữ, trong đó bốn người thân của hung thủ và hai vợ chồng phụ huynh học sinh ở trường trung học của giáo viên bị hạ sát.

Không chỉ gây chấn động dư luận, nhất là đối với các giáo viên và phụ huynh của trường, vụ chặt đầu thầy giáo sử-địa cũng đã gây phẫn nộ toàn bộ chính giới Pháp.
Ngay khi nghe tin về vụ tấn công này, tổng thống Emmanuel Macron cùng với hai bộ trưởng Nội Vụ và Giáo Dục đã đến tận trường Bois d'Aulne. Rất xúc động, ông Macron khẳng định đây là một « vụ tấn công khủng bố Hồi Giáo đặc trưng », đồng thời kêu gọi toàn dân Pháp đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.

Tối qua, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đã bày tỏ thái độ "kinh hoàng và phẫn nộ" về vụ sát hại giáo viên ở Conflans-Sainte-Honorine.

Vụ án mạng nói trên xảy ra đúng 3 tuần sau vụ tấn công bằng dao trước trụ sở cũ của tờ Charlie Hebdo, khiến hai người bị thương nặng. Thủ phạm, một thanh niên Pakistan 25 tuổi, cho biết đã hành động như vậy để phản ứng lại việc tuần báo trào phúng này vào đầu tháng 9 đã đăng lại các bức biếm họa Mohamed, đúng vào ngày mở phiên xử về các vụ khủng bố ở Paris tháng 1/2015, giết chết gần như toàn bộ ban biên tập của tờ báo này. Sau đó, hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều thành phố của Pakistan để phản đối Charlie Hebdo và nước Pháp. Tổ chức khủng bố Al Qaida cũng đã dọa sẽ tấn công một lần nữa vào tòa soạn tuần báo trào phúng này.

Nhiều tổ chức và hiệp hội vừa kêu gọi tập hợp tại quảng trường Cộng Hòa ở Paris ngày mai vào lúc 15 giờ để tưởng niệm giáo viên Samuel Paty.
 

Chính phủ Pháp chuyển sang thế tấn công
Hồi giáo cực đoan




Đông đảo người Pháp tập trung tại quảng trường Cộng Hòa - République, Paris ngày 18/10/2020 để tưởng nhớ thầy giáo Samuel Paty, người bị khủng bố Hồi giáo sát hại dã man. REUTERS - CHARLES PLATIAU

Nước Pháp vẫn còn chưa hết choáng váng với vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu thầy giáo Samuel Paty tại tỉnh Yvelines. Sau một nước Pháp đầy xúc động với các cuộc tập hợp, tuần hành khắp cả nước tưởng nhớ thầy giáo bị khủng bố sát hại, giờ là một nước Pháp hành động, chủ động tấn công, không để thụ động trước khủng bố.

Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay đều đề cập đến một chủ đề chung là hành động của chính phủ sau vụ khủng bố man rợ mà thủ phạm đã được chỉ rõ là Hồi giáo cực đoan.
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất : « Hồi giáo cực đoan : Macron hứa « hành động cụ thể ». Tựa chính của Le Figaro : « Hồi giáo cực đoan : Chính phủ muốn đáp trả cứng rắn ». Tương tự, trang nhất Libération phủ hàng tựa lớn, nhấn mạnh : « Khủng bố : Đến lúc đáp trả ». Trong khi đó, La Croix chạy tựa : « Hồi giáo cực đoan vùng xám ».
Các báo đều dành nhiều bài viết để phản ánh quyết tâm hành động của chính phủ trước đòi hỏi của dư luận xã hội về việc Pháp cần phải có ngay những biện pháp mạnh mẽ bài trừ những phong trào Hồi giáo cực đoan. Xã luận của Le Monde mang tiêu đề « Để không còn phải chết vì dạy học ». Bài viết kêu gọi cần phải ủng hộ mạnh mẽ các nhà giáo, coi họ là những người trên tuyến đầu chống Hồi giáo cực đoan, giống như nhân viên y tế là những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Cả nước, mỗi người dân phải đoàn kết với đội ngũ giáo viên, ủng hộ họ thay vì làm họ trở nên yếu ớt, bảo vệ họ thay vì chỉ trích họ, nhằm bảo đảm ở Pháp sẽ không bao giờ có ai chết vì dạy học.

Trong khi đó, Le Figaro đặt câu hỏi : « Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Khẩu hiệu đó sắp tới sẽ ra sao nếu nước Pháp cứ cúi mình? » Để chống lại có hiệu quả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nước Pháp cần phải được vũ trang lại toàn bộ, từ trong  suy nghĩ cho đến hệ thống pháp luật, chính sách nhập cư, quyền tị nạn, quyền của trẻ vị thành niên …  và phải hành động một cách thực dụng thì nước Pháp mới có thể chiến thắng được Hồi giáo cực đoan và những kẻ cuồng tín vốn dĩ chỉ muốn nước Pháp phải câm lặng. Điều quan trọng là các nhà chính trị Pháp không chỉ hô hào bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể, không còn theo kiểu nửa vời. Từ tổng thống Emmanuel Macron cho đến bộ trưởng  Nội Vụ trong những ngày qua đã cố gắng tỏ rõ quyết tâm đưa ra những biện pháp cụ thể để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Le Figaro ghi nhận.
 
Trong khi đó, xã luận Libération viết : « Sau các cuộc tập hợp cuối tuần qua để tưởng nhớ đến thầy giáo sử - địa Samuel Paty, và trước ngày tưởng niệm toàn quốc dành cho ông ngày mai, chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm chống khủng bố Hồi giáo. Bắt giữ, trục xuất những thành phần nguy hiểm, đe dọa cấm một số tổ chức hiệp hội, Emmanuel Macron đã yêu cầu tại cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng tối Chủ Nhật là cần phải có « những hành động cụ thể ». Nhưng « sự đáp trả an ninh cần thiết chỉ có thể thực hiện với sự hỗ trợ của một thứ vũ khí khác : luật pháp,  luôn là luật pháp … Luật pháp cũng như văn hóa, giáo dục, đó là những thứ thuốc giải độc bổ trợ không thể thiếu cho kho vũ khí trấn áp ».
Còn xã luận của La Croix nhấn mạnh : Thực tế những gì đã xảy ra cho thấy  cần phải phân định rõ giữa Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan.  « Nhiệm vụ sẽ khó khăn, đòi hỏi phải rất kiên trì », La Croix kết luận.
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top