Nhiều  trường Công Giáo Mỹ sẽ không mở cửa lại

Tin Tức

Tin buồn cho đất nước Hoa Kỳ trong mùa đại dịch

Nhiều  trường Công Giáo Mỹ sẽ không mở cửa lại
 
http://www.vietcatholic.net/pics/IndtitudeNDBaltimore%2020200612.jpg


















Theo tin AP, ngày 11 tháng 6 năm 2020, các trường Công Giáo ở Hoa Kỳ sau mùa đại dịch coronavirus sẽ phải đóng cửa vì bối cảnh kinh tế khó khăn.

“Bức tranh bây giờ không thể là một bức tranh đẹp, ” Sơ Dale McDonald, giám đốc Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia Hoa Kỳ cho biết trong vài tuần qua đã có khoảng 100 trường Công Giáo tuyên bố rằng họ sẽ không mở cửa trở lại vào mùa thu này. Sơ McDonald còn lo ngại số đó có thể tăng gấp đôi vào những tháng tới.

Hầu hết các trường hợp đóng cửa là ở cấp tiểu học, nhưng trong danh sách cũng có một số trường trung học nổi tiếng, và là những ‘ngôi trường cũ’ cuả nhiều môn sinh nổi tiếng.

Tin về Institute of Notre Dame, một trường nữ trung học ở Baltimore thành lập năm 1847, sẽ đóng cửa vào ngày 30 tháng 6, làm cho một cựu môn sinh đang làm Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cảm thấy chới với sững sờ. Một trường nữ khác, Trường Immaculate Conception Cathedral School ở Memphis, Tennessee, cũng sẽ đóng cửa sau 98 năm; Đó là nơi mà bà Priscilla Beaulieu ra trường trong lúc đang hẹn hò với người chồng sắp cưới Elvis Presley.

Bị đóng cửa ở New Jersey là trường trung học St. Joseph ở Hammont, đã giành được hơn 20 giải vô địch bóng đá ở tiểu bang và trường trung học Cristo Rey ở Newark, nổi danh vì những giúp đỡ cho các học sinh cuả các gia đình có thu nhập thấp vào đại học. Được thành lập vào năm 2007, Cristo Rey cho biết mọi sinh viên tốt nghiệp trong 10 năm vừa qua đều được chấp nhận vào đại học hết.

Hiệp hội giáo dục Công Giáo cho biết việc đóng cửa năm nay sẽ giảm số lượng trường K-12 Công Giáo ở Hoa Kỳ xuống còn khoảng 6.000, so với hơn 11.000 vào năm 1970. Tổng số ghi danh đã giảm mạnh từ hơn 5 triệu trong thập niên 1960 xuống còn khoảng 1, 7 triệu.

Bà Mary Pat Donoghue, giám đốc điều hành văn phòng Giáo dục Công Giáo của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết việc các trường Công Giáo đóng cửa sẽ là một mất mát to lớn của nước Mỹ.

Bà nói rằng tác động là đặc biệt nghiêm trọng ở các khu trung tâm thành phố có thu nhập thấp, đa số là cộng đồng những người Da Đen và Mễ sinh sống. “Không có trường công lập nào đã làm tốt hơn ở các khu vực đó so với các trường Công Giáo.
Sự suy giảm học sinh là vì những thay đổi về nhân khẩu, khó khăn của phụ huynh liên quan đến học phí và sự cạnh tranh từ các trường công lập và tư thục khác.

Yếu tố liên quan đến đại dịch chỉ là làm nặng thêm các khó khăn sẵn có.

Bà Donoghue cho biết gần đây nhiều gia đình đã mất việc làm và cảm thấy họ không có thể trả học phí trung bình gần 5.000 đô la cho cấp tiểu học và hơn 11.000 đô la cho cấp trung học. Trong khi đó, các giáo xứ điều hành trường học cũng bị thất thu sau khi các nhà thờ bị tạm đóng cửa.

Còn một yếu tố khác: Mùa xuân là mùa gây quỹ cuả trường, và nhiều sự kiện đã phải hủy bỏ vì đại dịch.

Sơ McDonald, giám đốc Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia, cho biết sự không chắc chắn cũng là một vấn đề lớn. Các quan chức nhà trường không chắc chắn về những yêu cầu xa cách xã hội và hoàn cảnh tài chính mà họ sẽ phải đối mặt vào mùa Thu, trong khi phụ huynh thì không biết liệu trường của con cái họ có còn hoạt động hay không.

Ban giám đốc nhà trường không biết những gì họ sẽ làm. Cha mẹ không muốn cam kết với những gì mà họ không biết. Đó là một mớ hỗn độn lớn.

Một số thông báo đóng cửa gần đây đã châm ngòi cho các chiến dịch cộng đồng nhằm cố gắng cứu vãn các trường học.

Tại Hammont, sau khi giáo phận ra lệnh cho giáo xứ Saint Joseph và trường tiểu học của giáo xứ đóng cửa, vì số lượng giáo dân và học sinh suy giảm, thì một liên minh gồm các cựu sinh viên và giáo dân vội can thiệp vào.

Họ đề nghị mua trường tiểu học và sân thể thao của trường trung học và sẽ điều hành là một trường tư thục độc lập. Nhưng bị từ chối.

Tại Baltimore, thông báo ngày 5 tháng 5 về việc đóng cửa Institute of Notre Dame đã là một việc bất ngờ, làm cho nhiều học sinh, phụ huynh và cựu sinh viên giận giữ, và buộc 161 học sinh phải vội vã đi tìm một trường học khác.

Tự đặt tên là ‘Saving IND, ’ một nhóm cựu sinh viên đã nhận được hàng trăm chữ ký trong một bản kiến nghị trực tuyến để cố giữ cho trường được mở cửa. Nhưng các quan chức của trường đã không khuyến khích chiến dịch này, nói rằng kế hoạch đóng cửa là chung cuộc vì việc ghi danh đã giảm và còn cần nhiều triệu đô la để sửa chữa và chi phí.

Theo lịch sử chính thức của trường, thì đây là nơi trú ẩn cho những người Da Đen trốn thoát chế độ nô lệ dọc theo con đường gọi là Underground Railroad trong thời Nội chiến (đường bí mật để đưa người Nô Lệ trốn khỏi các tiểu bang miền Nam, ) và nó đã là một cơ sở y tế trong đại dịch cúm (Spanish Flu) năm 1918.

“Các thầy cô không chỉ dạy chúng tôi những gì chúng tôi cần học, mà còn dạy chúng tôi về những giá trị, ” bà Pelosi, có mẹ cũng học tại trường, nói trong một cuộc phỏng vấn với C-SPAN sau khi tin đóng cửa được công bố. “Được ăn sô cô la nóng sau các thánh lễ, là một điều tôi vẫn còn nhớ với một niềm vui lớn.”

Một tổn thất khác là trường trung học Công Giáo Quigley, phục vụ vùng ngoại ô thành phố Pittsburgh thuộc quận Beaver kể từ lúc mới mở cửa với số học sinh là 440 (năm 1967.) Trường nổi bật với bảy giải thưởng toàn quốc về môn hùng biện trong các cuộc thi thử nghiệm hằng năm.

Nhưng giáo phận Pittsburgh đã dự kiến chỉ có 93 học sinh cho năm học tiếp theo, có nghĩa là đến lúc phải đóng cửa vĩnh viễn.

Trên trang web của trường Quigley, các thành viên được yêu cầu chia sẻ những kỷ niệm trước khi Quigley mờ dần vào chốn hoàng hôn.

Hơn 80 cựu sinh viên và phụ huynh đã trả lời, ghi lại những chiến thắng thể thao và những giáo viên yêu thích. Một cựu sinh viên kể về việc lén uống bia đầu tiên của mình ở bãi đậu xe.

Cố vấn của Quigley, Sơ Bridget Reilly, và phụ tá của sơ, bà Marge Berckmiller, sẽ có mặt tại văn phòng trong tuần này để gửi bảng điểm của học sinh đến các trường trung học khác mà họ hy vọng sẽ được nhận học vào mùa thu.

Những người có liên hệ với Quigley từ 35 năm qua đã không thể che giấu nỗi buồn.

Bà Berckmiller nói rằng sẽ có một khoảng trống không thể lấp đầy được trong trái tim của chúng tôi, bà đã gặp chồng mình khi cả hai cùng học ở Quigley.

Sơ Reilly nhớ lại buổi họp cuối cùng qua video trực tuyến Zoom với các viên chức cuả nhà trường để quyết định đóng cửa.

“Khi chúng tôi tắt video, ” Sơ nói.”Tôi đã may mắn tắt kịp thời trước khi phải khóc rống lên.”


 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top