NHÃN DỊ ỨNG: Ghi thì cứ ghi,  vi phạm thì cứ vi phạm

Tin Tức

NHÃN DỊ ỨNG:
Ghi thì cứ ghi,  vi phạm thì cứ vi phạm

Vũ Thế Thành

Luật Ghi nhãn Dị ứng áp dụng đã hơn 10 năm, nhưng hầu như ngày nào ở Mỹ cũng có lệnh thu hồi (recall) vài sản phẩm.




Ghi nhãn dị ứng, vi phạm là chuyện thường ngày ở Mỹ
Ghi nhãn thực phẩm thì  không nhà sản xuất nào dám  “giỡn mặt” với FDA của Mỹ, nhưng FDA yêu cầu phải ghi nhãn chất gây dị ứng một cách dễ hiểu, để người tiêu dùng không thể nhầm lẫn. Dễ hiểu với người tiêu dùng, nhưng không dễ hiểu với nhà sản xuất, thành thử Luật Ghi nhãn Dị ứng áp dụng đã hơn 10 năm, nhưng hầu như ngày nào ở Mỹ cũng có lệnh thu hồi (recall) vài sản phẩm.


Chất gây dị ứng không phải là chất độc

Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm là do hệ miễn nhiễm của cơ thể không ưa một loại protein nào đó có trong thực phẩm, rồi tạo ra kháng thể chống lại protein đấy.

Kháng thể này, hễ gặp loại protein không ưa đó, là kích thích cơ thể tạo ra histamine cùng vài chất khác, gây ra viêm và những triệu chứng khó chịu khác nữa.

Gọi là “đánh bừa” vì protein gây dị ứng chẳng có tội tình gì cả. Không gây độc hại cho cơ thể, nhưng hệ miễn nhiễm của người nào đó không ưa, thì đánh bừa vậy thôi.

Như vậy, thực phẩm nào có protein đều có thể gây dị ứng. Mà thực phẩm nào chẳng có protein. Trong trứng sữa, thịt cá, đậu nành, đậu phộng, bột mì… đều mang nguy cơ gây dị ứng. Còn vì sao người này dị ứng với trứng hay sữa, mà người khác lại không, thì đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được.

Theo Viện Suyễn, Dị ứng và Miễn nhiễm Hoa Kỳ (American Academy of Allergy, Asthma and Immunology – AAAAI), thì các triệu chứng do dị ứng thực phẩm thường xảy ra ở da (mẩn đỏ, mề đay, ngứa ngáy…), ở đường ruột (đau bụng, ói mửa tiêu chảy…), hoặc cả hệ hô hấp nữa (khó thở…). Các triệu chứng này có thể xảy ra cùng lúc. Trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể gây tử vong.

Luật ghi nhãn dị ứng của Hoa Kỳ


Vì đụng tới hệ miễn nhiễm nên cơ thể phản ứng nhanh và rất nhạy, dù nồng độ chất gây dị ứng thấp. Và cũng không có cách nào giúp ‘nạn nhân’ hết được dị ứng.

Tuy nhiên, trẻ em khi trưởng thành có thể mất dần dị ứng với một vài loại thực phẩm, chẳng hạn hồi nhỏ dị ứng với trứng hay đậu nành, khi lớn có thể hết, nhưng dị ứng với đậu phộng hầu như không thể mất. Còn với người lớn, một khi bị dị ứng là coi như mắc phải lời nguyền. Cách duy nhất là, dị ứng với thứ nào thì tránh ăn thứ đó.

Để tránh rủi ro cho người tiêu dùng, đa số các cơ quan về An toàn thực phẩm trên thế giới đều yêu cầu nhà chế biến phải thể hiện rõ trên nhãn sản phẩm các thành phần có thể gây dị ứng.

Ở Hoa Kỳ, ước tính khoảng 2% người lớn, và 5% trẻ em bị dị ứng với một hoặc nhiều loại thực phẩm nào đó. Hàng năm khoảng 30.000 người phải đi cấp cứu, và 150 người chết vì dị ứng thực phẩm. Do đó, Hoa Kỳ siết rất chặt vấn đề này bằng đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Ghi nhãn Dị ứng Thực phẩm (Food Allergen Labeling and Consumer Protection Act – FALCPA), có hiệu lực từ năm 2006.

Luật FALCPA của Hoa Kỳ nhận diện trên 160 loại nguyên liệu thực phẩm có thể gây dị ứng, nhưng chỉ liệt kê 8 loại phổ biến nhất, và yêu cầu phải ghi nhãn, nếu sản phẩm nào có chứa 1 trong 8 loại nguyên liệu thực phẩm mà luật đã nêu.

FDA nêu rõ 8 nguyên liệu thực phẩm đó là: sữa, trứng, cá (cá ngừ, cá thu…), các loài giáp xác (tôm, cua..), các loại hạt (quả hạnh, hạt óc chó, hồ đào…), đậu phộng, lúa mì và đậu nành.
Dễ hiểu với người tiêu dùng, nhưng khó hiểu với nhà sản xuất
Rất nhiều thực phẩm, kể cả nhập khẩu hay sản xuất ngay tại Mỹ cũng thường bị hồi vì vi phạm Luật Dán nhãn Dị ứng FALCPA

Đơn cử một thí dụ rất thường (vô tình) vi phạm Luật FALCPA :
Một số loại phụ gia thực phẩm được chiết xuất từ 8 loại thực phẩm trên như: whey protein từ sữa, lecithin từ đậu nành, ovalbumin từ trứng… Một nhà chế biến thực phẩm dùng whey protein, lecithin, ovalbulmin trong sản phẩm của họ, và đã rất thật thà khai báo trên nhãn 3 loại phụ gia trên. Tưởng như thế là đủ. Nhưng không, ghi như thế cũng là phạm luật FALCPA.
Tại sao? Vì không dễ hiểu. Người tiêu dùng đâu biết bột whey là gì, họ chỉ biết sữa. Họ không biết lecithin là thứ gì, họ chỉ biết đậu nành. Và họ cũng chẳng biết ovalbulmin là cái thứ gì, họ chỉ biết trứng…
Do đó, FDA của Mỹ yêu cầu ghi theo một trong hai cách :
Cách thứ nhất: …Whey (sữa), lecithin (đậu nành), ovalbulmin (trứng).

Cách thứ hai: Sau khi liệt kê mọi thành phần, gồm cả whey, lecithin, ovalbulmin… Ghi thêm dòng chữ có kích cỡ không nhỏ hơn, ngay kế đó rằng, “Có chứa sữa, đậu, trứng…”.
Người tiêu dùng chỉ cần nhìn thấy trên nhãn có  “Trứng, sữa, đậu nành…” là biết ngay. Ai dị ứng với thứ nào thì tránh mua sản phẩm đó.

Những trường hợp được FDA… ‘thông cảm’
Tuy nhiên, có những loại thực phẩm gây dị ứng lồ lộ ra đó, nhưng FDA lại rất ‘vui vẻ’ bỏ qua, khỏi cần nhãn dị ứng. Đó là rau củ quả trái cây còn nguyên, chưa chế biến, chẳng hạn đậu phộng, sữa, trứng… Sờ sờ ra đó, nên ai cũng thấy, cũng biết, nên…miễn ghi nhãn

Một trường hợp khác cũng được bỏ qua, đó là dầu tinh luyện (highly refined oil) được rút ra từ 8 loại thực phẩm trên, chẳng hạn dầu đậu phộng. Cũng cần nhấn mạnh, phải là dầu tinh luyện mới được chấp nhận, nghĩa là loại dầu được làm tinh khiết theo phương pháp hóa học, chứ còn ép thô, Virgin hay Extra Virgin thì không được miễn

Lại thêm một trường hợp được FDA ‘thông cảm’ nữa, đó là nhiễm chéo thực phẩm gây dị ứng (cross contact).

Một nhà máy có thể sản xuất nhiều loại thực phẩm. Có sản phẩm dùng 1 trong số 8 loại nguyên liệu thực phẩm dị ứng (buộc phải khai), nhưng có sản phẩm khác tuyệt đối không dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, việc nhiễm chéo (chất gây dị ứng) dạng vết (trace) từ sản phẩm này sang sản phẩm khác có thể xảy ra. Trường hợp nhiễm dạng vết này được FDA “thông cảm”, nhưng khuyến khích nên ghi thêm trên nhãn: May contain eggs, milk.. (“Rất có thể chứa trứng, sữa…”) , hoặc Produced in a facility that also uses egg, milk (“Được sản xuất tại nơi có dùng trứng, sữa…”).

Cũng cần lưu ý rằng, lệnh thu hồi (recall) khác với lệnh tịch thu (seize).
Với lệnh thu hồi vì lý do ghi nhãn dị ứng không đúng, nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm khỏi quầy bán, nhưng có thể dán nhãn lại cho đúng và tái phân phối ra thị trường nếu còn hạn sử dụng.
Lệnh tịch thu thì nghiêm trọng hơn, áp dụng cho sản phẩm gian lận, hoặc có vấn đề về an toàn, dùng chất cấm chẳng hạn. Nhà sản xuất có thể bị phạt, sản phẩm bị tiêu hủy, thậm chí truy tố ra tòa nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật ghi nhãn FALCPA cũng khác với yêu cầu ghi nhãn “cảnh báo” (warning). Chẳng hạn, thuốc lá buộc phải ghi nhãn cảnh báo có hại cho sức khỏe. Tôi sẽ đề cập đến nhãn cảnh báo trong bài khác.

Tóm lại, với luật FALCPA, nhà sản xuất dùng nguyên liệu nào phải kê khai thứ đó trên nhãn đã đành, nhưng nguyên liệu nào được chiết xuất, hoặc có nguồn gốc từ 8 loại thực phẩm dị ứng nêu trên, dù dùng bất cứ liều lượng nào, cũng phải mở ngoặc nói rõ để cho… “dễ hiểu” với người tiêu dùng.

Vũ Thế Thành
(vuthethanh202@gmail.com)
 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top