Người Hồng Kông biểu tình chống Quốc Ca Trung Cộng và kêu gọi Hoa Kỳ bảo vệ Hồng Kong

Tin Tức

Người Hồng Kông biểu tình chống Quốc Ca Trung Cộng và kêu gọi Hoa Kỳ bảo vệ Hồng Kong


Một cuộc đụng độ có thể nổ ra giữa người biểu tình Hồng Kông và cảnh sát địa phương khi chính quyền thành phố đẩy mạnh vòng thảo luận lập pháp về dự luật quốc ca gây tranh cãi.
Theo một thông cáo báo chí, cơ quan lập pháp Hồng Kông, Hội đồng Lập pháp (LegCo), sẽ triệu tập lúc 11 giờ sáng giờ địa phương (10h sáng Việt Nam) hôm nay để thẩm tra lần hai dự luật quốc ca, trong đó quy định rằng bất cứ ai ở Hồng Kông phạm phải hành vi “hát quốc ca [Trung Cộng ] một cách méo mó hoặc thiếu tôn nghiêm (hát chế lời)”, có thể đối mặt với mức phạt lên tới 50.000 đô la Hồng Kông (6.440 USD) và ba năm tù.

Dự thảo luật quốc ca

Hồng Kông, thành phố thuộc địa cũ của Anh, đã được trả cho Trung Cộng  năm 1997, kèm tuyên bố đảm bảo rõ việc duy trì quyền tự chủ và các quyền tự do cơ bản trong vòng 50 năm tiếp theo. Đáng chú ý, Hồng Kông có một hệ thống luật pháp riêng không bị thao túng sau hậu trường như ở đại lục, theo The Epoch Times.
Nhưng qua thời gian Bắc Kinh đã không ngừng thâm nhập vào nền chính trị địa phương thành phố cảng.

Việc thúc đẩy dự luật quốc ca ở Hồng Kông đã được Bắc Kinh khởi xướng cuối năm 2017, khi ủy ban thường vụ của cơ quan lập pháp bù nhìn ở Trung Cộng  đại lục thông qua quyết định bổ sung luật này vào Phụ lục III của Luật cơ bản Hồng Kông, bản hiến pháp mini của thành phố cảng. Điều này đã mở đường cho việc soạn thảo một dự luật địa phương.
Theo quy trình lập pháp thành phố, dự luật cần phải đi qua 3 lần thẩm tra trước khi được đưa ra bỏ phiếu để thành luật.
Andrew Leung, chủ tịch đương nhiệm LegCo, đã dự tính dành khoảng 30 giờ tranh luận từ hôm nay đến ngày 4/6, cho quá trình thẩm tra lần hai, theo truyền thông Hồng Kông. Lần thẩm tra thứ nhất đã được hoàn thành vào tháng 1/2019.

Dự luật đã bị chỉ trích bởi các nhóm ủng hộ nhân quyền, bao gồm Tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch có trụ sở ở Anh và Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về tác động của dự luật đối với quyền tự do ngôn luận trong Báo cáo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 2019 (2019 Hong Kong Policy Act Report).

Trên Telegram, một nền tảng chat phổ biến người biểu tình Hồng Kông dùng để lên kế hoạch các cuộc biểu tình, cư dân mạng đã hô hào cản trở quá trình lập pháp bằng cách bao vây tòa nhà LegCo bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng địa phương (8h sáng Việt Nam) hôm nay. Một số bài đăng cũng kêu gọi mọi người lái xe đến gần để ngăn chặn lưu lượng giao thông gần tòa nhà LegCo, trong trường hợp người biểu tình cần kiềm chân lực lượng cảnh sát tiếp tế.
Lần gần nhất Hồng Kông tổ chức biểu tình tại LegCo là vào tháng 7 năm ngoái; người biểu tình đã xông vào đập phá tòa nhà để gây áp lực buộc chính phủ hủy bỏ dự luật dẫn độ cho phép chính quyền Trung Cộng  dẫn độ các cá nhân sang đại lục xét xử. Tháng 9 năm ngoái, chính phủ Hồng Kông thông báo dự luật đã được trì hoãn vô thời hạn.
Ngày 12/6 năm ngoái, người biểu tình vây quanh LegCo để cản trở lần thẩm tra thứ hai dự luật dẫn độ. Cuộc biểu tình đã buộc cơ quan lập pháp hủy bỏ buổi tranh luận được lên kế hoạch hôm đó.
Nhưng trước đám đông người biểu tình, cảnh sát đã xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán – châm ngòi cho sự phẫn nộ của công chúng thu hút hàng triệu người xuống đường trong các cuộc biểu tình tiếp theo.

Chuẩn bị biểu tình
Trở lại diễn biến chính. Trước hôm nay, cảnh sát Hồng Kông đã chuẩn bị cho các cuộc biểu tình tiềm tàng. Khoảng 6:30 chiều giờ địa phương (5:30 giờ VN) hôm qua, nhiều rào chắn nước đã xuất hiện trên các con đường gần tòa nhà LegCo, niêm phong các khu vực bao gồm tòa tháp Citic Tower nằm đối diện LegCo.


Rào chắn nước gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) ngày 26/5/2020

Cuộc biểu tình lên kế hoạch hôm nay một phần cũng nhằm bày tỏ sự phản kháng luật an ninh quốc gia được Bắc Kinh đề xuất gần đây. Theo đó, các cơ quan an ninh Bắc Kinh sẽ có thể thiết lập hoạt động tại Hồng Kông.
Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông (HKCTU), một nhóm chính trị và công đoàn ủng hộ dân chủ, đang kêu gọi công nhân đình công hoặc nghỉ phép hôm nay, để bày tỏ thái độ phản đối luật an ninh do Bắc Kinh đề xuất.
Trong một tuyên bố, HKCTU cho biết chính quyền Trung Cộng  “đã phản bội mô hình một quốc gia, hai chế độ”, một mô hình quản lý Hồng Kông theo thể thức dân chủ được Bắc Kinh hứa hẹn và được đảm bảo trong hiến pháp thành phố cảng.
Liên minh cho biết họ mong muốn Hồng Kông “có quyền tự trị toàn diện”, và người Hồng Kông “sẽ bị diệt vong nếu họ vẫn giữ im lặng”.
Chen Daoxiang, chỉ huy đồn trú Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Cộng  ở Hồng Kông, đã đe dọa hôm qua rằng quân đội Trung Cộng  đã sẵn sàng “bảo vệ an ninh quốc gia”, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Cộng .
Một số người biểu tình ở Hồng Kông đang kêu gọi quân đội Mỹ hỗ trợ. Trong một cuộc biểu tình nhỏ bên trong trung tâm mua sắm IFC tối thứ Hai (25/5), những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu như “Đấu tranh vì Tự do, Đứng lên vì Hồng Kông”.

Một số trong họ giương bảng hiệu kêu gọi quân đội Mỹ đến bảo vệ người dân Hồng Kông.


Hôm 24/5, người dân Hồng Kông cũng đã xuống đường phản đối dự luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đề xuất. Cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông. Theo thông tin từ cảnh sát Hồng Kông, ít nhất 180 người đã bị bắt tính đến 22h ngày 24/5.
Nhiều nhà hoạt động dân chủ cho rằng, nếu dự luật an ninh quốc gia được thông qua, thời kỳ tự trị của Hồng Kông sẽ chấm hết. Ông Quách Vinh Khanh – thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông nói rằng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông còn tà ác gấp 100 lần so với luật dẫn độ.Nhiều nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ dự luật của Bắc Kinh. Hôm 23/5, gần 200 chính trị gia trên thế giới, trong đó có 17 nghị sĩ Mỹ, đã ký tuyên bố chung chỉ trích ý định thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cảnh báo sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu Trung Cộng  ban hành luật này.
 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top