MỘT PHIÊN TRỰC ĐÊM Ở TIỀN TUYẾN  Bài viết của Bác sĩ Silvia Castelletti, Milan, Ý..

Tin Tức

MỘT PHIÊN TRỰC ĐÊM Ở TIỀN TUYẾN 

Bài viết của Bác sĩ Silvia Castelletti, Milan, Ý..


Bài đăng trên tạp chí New England Journal of Medine ngày 9 tháng 4 năm 2020.



Tôi vừa xong một phiên trực đêm ở trại bệnh COVID-19. Nhìn mình trong gương tôi thấy một chữ C trên mũi do chiếc khẩu trang FFP2 (N95) mà tôi đã mang suốt thời gian trực, những vết hằn sâu trên mặt do các dải băng thun; đôi mắt lộ rõ vẻ mệt mỏi, mái tóc bết lại vì mồ hôi. Tôi không còn là một bác sĩ và là một người phụ nữ nữa. Bây giờ tôi chỉ đơn giản là một bác sĩ. Hay chính xác hơn là một chiến binh trên chiến trường chống lại virus.

Trước khi bắt đầu phiên trực, tôi phải mặc đồ bảo hộ – đây là thời điểm mà mức adrenaline trong người tôi tăng vụt: tôi đang ở trong phòng với các đồng nghiệp của mình và đang cố gắng tạo ra một trò đùa vui vẻ nhưng đôi mắt lại phản chiếu nỗi âu lo của tất cả mọi người xoay quanh việc bảo vệ chính mình khi mang đồ bảo hộ chính xác từng bước một theo trình tự bắt buộc: găng tay, áo choàng, mang đôi găng tay thứ hai, kính, mũ, tấm chắn mặt, giày, bao giày …và quấn băng dính lớp này chồng lên lớp kia để đảm bảo tất cả đều được khóa chặt, kín mít. Người phụ mặc đồ sẽ viết tên bạn và chức danh lên áo choàng bằng mực đỏ vì khi tất cả mọi người đều mặc đồ bảo hộ y như nhau thì không còn có thể phân biệt ai là ai. Và khi cô ấy nói “Xong rồi” thì đó là thời điểm tiến vào trại bệnh.

Bạn cảm thấy mình là một binh sĩ chuẩn bị nhảy ra khỏi máy bay, hy vọng rằng dù sẽ mở: bạn hy vọng rằng khẩu trang và tấm che mặt sẽ giúp bảo vệ bạn, bạn hy vọng rằng những đôi găng sẽ không bị rách, bạn hy vọng không có bất kỳ đồ “bẩn” nào sẽ tiếp xúc với cơ thể bạn.

Dọ dẫm bước vào trại bệnh: tất cả âm thanh dường như bị bóp nghẹt do bộ đồ bảo hộ nặng nề trên người. Trong vòng 10 đến 15 phút đầu tiên bạn không thể nhìn thấy gi vì sương mù từ hơi thở của bạn che kín tấm chắn cho đến khi màn sương quen với nhiệt độ bên ngoài và tan đi. Và rồi bạn bắt đầu nhìn thấy lờ mờ giữa các hạt nước đọng lại trên tấm chắn. Bạn bước vào trại bệnh, hy vọng là bao giày sẽ không bị tuột ra như mọi khi. Và phiên trực bắt đầu.

Bạn nhận bàn giao từ những đồng nghiệp đã kiệt sức từ phiên trước. Có một chiếc điện thoại để nhận hướng dẫn đặc biệt về nhập viện những bệnh nhân mới từ một điều phối viên của hệ thống y tế vùng. Hy vọng nó sẽ không đổ chuông thường xuyên và sẽ chỉ có một ít bệnh nhập trại. Bạn và đồng nghiệp sẽ phân công công việc và bắt đầu thăm khám bệnh nhân: bệnh nhân trẻ tuổi mà hôm trước bạn sắp phải đặt nội khí quản nay đã có tiến triển tốt hơn, một người già đang hấp hối, một bà Sơ vẫn đang chiến đấu chống lại thần chết và tình trạng của người điều dưỡng của chính bệnh viện bạn đang xấu đi…. Bạn nhìn thấy trên giường bệnh những gương mặt mà bạn chưa biết trước đó trong bệnh phòng rồi những gương mặt khác không quen lắm và cả những gương mặt của những người thường ngày vẫn còn làm việc chung với bạn trong trại bệnh cho đến cách đây chỉ một vài tuần.

Một điều kinh ngạc là mọi việc thay đổi nhanh chóng mặt. Công việc lâm sàng và nghiên cứu thường quy của bạn dường như đã trôi xa lắc lơ. Bạn nhớ công việc của những phiên trực ở khoa cấp cứu vì so với hiện tại nó dễ dàng như cắn một chiếc bánh. Mỗi giờ qua đi, mũi của bạn trở nên mỗi lúc một đau hơn. Chiếc mặt nạ đã cắt đứt da bạn và dường như bạn không thể chờ đợi nổi đến lúc dỡ bỏ nó đi và cuối cùng được thở bình thường. Thở. Đó là những gì tất cả chúng tôi mong muốn trong những ngày này, bác sĩ lẫn bệnh nhân, điều dưỡng và hộ lý. Tất cả chúng tôi. Chúng tôi đói khí.

Cuối cùng thì tám giờ của phiên trực cũng kết thúc. Tám giờ dường như dài vô tận và không bao giờ kết thúc bởi sự hành hạ của khát, đói và nhu cầu vệ sinh. Những việc bạn không được làm khi vào phiên trực: uống, ăn, đi vệ sinh vì những động tác này đồng nghĩa với việc phải dỡ bỏ đồ bảo hộ cá nhân. Quá nguy hiểm. Và quá tốn kém. Dụng cụ bảo hộ rất quý báu và dỡ bỏ chúng một lần đồng nghĩa với việc phải thay mới một số và điều này sẽ làm cho đồng nghiệp của mình thiếu dụng cụ bảo vệ trước hiểm nguy. Bạn phải tiết kiệm, bạn phải nín và mang phải một chiếc tã lót mà bạn hy vọng không phải sử dụng ngay trong phiên trực bởi điều đó sẽ tác động đến nhân phẩm và ảnh hưởng đến tâm lý khi bạn phải thăm khám bệnh bệnh nhân, nhìn vào từng gương mặt bệnh nhân và nghe những lời của người thân khi bạn mời họ đến để trao đổi về tình hình bệnh. Một số người yêu cầu bạn chuyển đến cha họ lời chúc mừng trong ngày thánh bổn mạng, một số khác nhờ bạn nói với mẹ họ rằng họ yêu mẹ và âu yếm bà…Và bạn thực hiện những gì họ yêu cầu trong khi cố gắng giấu đồng nghiệp những giọt nước mắt đang rân rấn lên trong mắt mình.

Giờ kết thúc phiên trực, quân tiếp viện đến, những đồng nghiệp khác vào trận. Bạn bàn giao phiên trực, những hướng dẫn, những việc cần làm, những việc không được làm. Bạn có thể về nhà nhưng trước hết bạn phải cởi bỏ đồ bảo hộ cá nhân và bạn phải rất cẩn thận. Cẩn thận đến từng cử động nhỏ nhất. Tháo bỏ đồ bảo hộ cũng là một lễ nghi khác và phải được thực hiện một cách bình tĩnh vì tất cả những gì bạn mang đều đã bị nhiễm bẩn và nhất định chúng không được phép chạm vào da thịt bạn.

Rất mệt mỏi, muốn đi về nhưng bạn phải thực hiện một nỗ lực cuối cùng, tập trung vào mỗi một cử động khi bạn tháo bỏ đồ bảo hộ cá nhân. Mỗi một động tác phải rất chậm rãi. Cuối cùng thì bạn cũng có thể dỡ bỏ được cái khẩu trang và khi tháo nó ra, bạn cảm thấy một cơn đau buốt nhói ở vết cắt trên mũi. Băng dính trở nên vô dụng vì nó không giúp cầm máu và giảm đau được. Nhưng cuối cùng thì bạn cũng được tự do. Bạn trần truồng rời khỏi khu vực thay đồ bảo hộ, mặc vội lên mình bộ đồ phòng mổ và đi đến phòng thay đồ của nhân viên.
Mặc đồ xong, bạn rời bệnh viện và hít một hơi thở thật sâu. Nổ máy. Khi về đến nhà bạn phải rất cẩn thận thêm một lần nữa. Lối vào đã được tổ chức lại như khu vực cởi bỏ quần áo ở bệnh viện vì bạn không thể làm nhiễm bẩn căn nhà. Bạn cởi bỏ quần áo, nhét tất cả vào trong một chiếc túi và nhanh chóng đứng dưới vòi nước nóng: virus không được phép sống sót trong tóc do vậy bạn phải kỳ cọ cơ thể thật cẩn thận.

Xong. Đã qua một phiên trực đêm ở tiền tuyến. Và cuộc chiến chỉ mới bắt đầu.

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top