MÃI LO CHỐNG DỊCH COVID-19, THẾ GIỚI QUÊN PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT

Tin Tức

mãi lo chống Dịch Covid-19,
Thế giới quên phòng chống sốt rét


Muỗi cái, vật truyền ký sinh trùng sốt rét vào cơ thể người. Ảnh trưng bày tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC, Hoa Kỳ, năm 2016. © Reuters

Ngày 25/04/2020 là Ngày quốc tế phòng chống sốt rét. Đây là một căn bệnh trong năm 2018 đã giết chết 405.000 người và đã lây nhiễm 228 triệu người trên toàn thế giới. Vốn đã rất cao, những con số này có thể sẽ còn tăng thêm rất nhiều do tác động của dịch Covid -19.



Trong khi Covid-19 vẫn là một vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu, thì châu Phi đang phải đối diện với một đại dịch khác : do việc phân phối mùng chống muỗi và thuốc điều trị gặp nhiều vấn đề do tác động của dịch virus corona, rất có thể năm nay sẽ có thêm hàng trăm ngàn người chết vì bệnh sốt rét. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nếu đại dịch Covid-19 gây cản trở cho các chương trình phòng ngừa sốt rét, tổng số ca tử vong ở châu Phi có thể lên đến gần 770.000 năm nay, tức là gấp đôi năm 2018. Điều đáng lo ngại đó là, khác với Covid-19, bệnh sốt rét lây lan rất nhiều ở trẻ em.

Tình hình nguy ngập đến mức giáo hoàng Phanxicô ngày Chủ nhật 26/04 vừa qua cũng đã phải lên tiếng cảnh báo thế giới đừng quá chú tâm đến Covid-19, mà bỏ quên cuộc chiến chống sốt rét hiện vẫn đe dọa hàng tỷ người tại nhiều nước.

 "Án tù kép" đối với châu Phi


Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 27/04/2020, tuần báo Le Point của Pháp cũng đã gióng lên tiếng chuông báo động về Covid-19 và sốt rét, mà tờ báo gọi là « án tù kép» đối với châu Phi. Le Point nhắc lại, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium là một ký sinh trùng tí hon, chủ yếu được tìm thấy tại các vùng nhiệt đới châu Phi và Đông Nam Á, cũng như ở Trung và Nam Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ấn Độ và Trung Cộng . Những con muỗi cái truyền ký sinh trùng đó vào cơ thể người, khi chúng chích vào người và hút máu (muỗi đực không chích). Khi vào cơ thể người, Plasmodium bám vào gan và sinh sôi nẩy nở trong đó. Sau khoảng 10 ngày, số ký sinh trùng tăng gấp bội và tràn vào máu.

Chính vào lúc này mà người bệnh bắt đầu bị sốt cao, nhức đầu và đau nhức cơ bắp, rồi bị nóng lạnh và đổ mồ hôi. Nếu không được chữa trị đàng hoàng, bệnh nhân có thể bị thiếu máu, bị các vấn đề về hô hấp và có thể tử vong, như trường hợp của loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum rất phổ biến ở châu Phi.

Theo tuần báo Le Point, lịch sử của công cuộc phòng chống sốt rét cho thấy chúng ta chỉ cần lơ là một chút là bệnh sốt rét sẽ « phản pháo » ngay. Ngay cả những thành quả ngoạn mục nhất cũng có thể bị xóa sạch nếu giảm bớt nỗ lực phòng chống dù chỉ là trong một mùa dịch duy nhất. Bệnh sốt rét sẽ bùng phát mạnh trở lại nếu không duy trì một công cuộc phòng chống hiệu quả.

Chiếm tới 93% số ca nhiễm và 94% số ca tử vong, châu Phi là khu vực sẽ tiếp tục bị nặng hơn hết. Giám đốc châu Phi của WHO, tiến sĩ Matshidiso Moeti, đã cảnh báo : « Trong hai mươi năm qua, châu Phi đã đạt được những kết quả đáng kể. Mặc dù dịch Covid-19 là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe, cũng rất cần phải duy trì các chương trình phòng ngừa và điều trị sốt rét. Chúng ta không được đi lùi lại phía sau ».

Trước mắt, theo lời bác sĩ Abdourahmane Diallo, tổng giám đốc Partenariat RBM, chương trình thế giới diệt trừ sốt rét, trả lời RFI Pháp ngữ ngày 24/04/2020, cần phải theo dõi tác động của dịch Covid-19 tại các nước mà sốt rét đang hoành hành :

« Hiện giờ chúng tôi chưa nắm được dịch Covid-19 lây lan như  thế nào và có tác động ra sao ở châu Phi. Chúng tôi quan tâm nhất đến số người nhiễm hai bệnh cùng một lúc, hoặc thậm chí nhiều bệnh cùng một lúc. Tình trạng này sẽ buộc chúng tôi phải liên tục giám sát và đề ra các liệu pháp mới theo đà tiến triển của dịch Covid-19 tại những quốc gia mà sốt rét đang hoành hành.

Đặc biệt, chúng tôi cần biết là các trẻ nhỏ, mà cho tới nay không bị nhiễm Covid-19 nhiều ở châu Á và châu Âu, có sẽ dễ bị nhiễm hơn do sốt rét ở châu Phi hay không. Đối với những trẻ em dưới 5 tuổi, sốt rét vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Nói chung, gần 2 phần 3 số ca tử vong do sốt rét trên thế giới là trẻ em dưới 5 tuổi. Điều này có nghĩa là rất cần giám sát và tìm hiểu xem virus này lây lan như thế nào trong bối cảnh có những người mắc cả hai bệnh tại châu lục của chúng tôi.

Chúng tôi cũng đang phân tích xem việc tiếp xúc nhiều với nguy cơ sốt rét trong những năm gần đây có làm tăng khả năng miễn dịch hay không, ở những người lớn tuổi chẳng hạn. »

Nỗi lo bị nhiễm Covid-19 khiến phòng chống sốt rét bị lãng quên



Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 25/04/2020, bác sĩ Corine Karema, đặc trách Chương trình kiểm soát và diệt trừ sốt rét của Liên minh các lãnh đạo châu Phi chống sốt rét ALMA, cho biết :

“Do sợ bị lây nhiễm, do lệnh phong tỏa, nhiều bệnh nhân không còn đến các trung tâm y tế nữa, mà ở nhà, cho nên một ca bệnh sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể trở thành một ca bệnh nặng, nếu không chết thì cũng bị hậu quả nặng nề cho sức khỏe, cũng như cho sự phát triển vận động tâm thần của trẻ em. Chính vì vậy, điều rất quan trọng là duy trì nhịp độ của các chương trình phòng chống sốt rét hiện nay, nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế. Phải làm sao bảo đảm là trong thời gian phong tỏa, bệnh nhân vẫn được chữa trị tốt, để số người chết vì sốt rét không gia tăng, nhất là khi ta thấy các số liệu dự báo mà Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố.”

Về phần mình, bà Olivia NGOU, nhà sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Impact Santé Afrique, bày tỏ mối lo ngại tương tự :

« Các chiến dịch hiện nay, chẳng hạn như chiến dịch phân phát mùng có tẩm thuốc chống muỗi, hay nói chung là các chương trình giúp người dân tiếp cận các công cụ hiệu quả để phòng ngừa sốt rét, hiện đang bị đình chỉ tại nhiều nước. Với việc ngừng các chiến dịch đó, không chỉ có mùng chống muỗi, mà thuốc ngừa sốt rét theo mùa cho trẻ em dưới 5 tuổi uống cũng sẽ không được phân phát, trong khi lứa tuổi này chiếm gần 70% số ca tử vong vì sốt rét mỗi năm. Nếu năm nay, các chiến dịch đó vẫn bị đình chỉ, 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ có nguy cơ chết vì bệnh sốt rét. Như vậy rất có thể số ca tử vong do sốt rét sẽ tăng thêm trong mùa dịch Covid-19. Cho nên, rất cần duy trì các chương trình phòng chống đó trong khả năng của mỗi nước. »

Nói chung, có nguy cơ là đại dịch Covid-19 sẽ xóa tan những thành quả đạt được trong công cuộc phòng chống sốt rét, như quan ngại của bác sĩ Abdourahmane Diallo, tổng giám đốc Partenariat RBM, chương trình thế giới diệt trừ sốt rét:

« Đây là mối quan ngại rất lớn đối với chúng tôi hiện nay. Các nỗ lực của chúng tôi trong việc phòng chống sốt rét đã giúp cứu được gần 600 ngàn mạng sống. Đại dịch hiện nay đang là một thách đố đối với toàn bộ các hệ thống y tế trên thế giới. Riêng đối với những nước mà sốt rét đang hoành hành, chúng tôi phải làm một lúc hai việc : bảo vệ người dân chống lại các mối đe dọa đã có như sốt rét, vừa phòng chống Covid-19.

Trong thế kỷ vừa qua, chúng ta đã thấy là, do việc ngưng các chương trình chống sốt rét, căn bệnh này đã bùng phát trở lại tại 75 nơi trên thế giới. Ví dụ như trong thời gian xảy ra khủng hoảng dịch Ebola, tại những nước bị dịch, đã có nhiều người chết vì sốt rét hơn. Trong khoảng từ 2014 đến 2016, tại 3 nước Tây Phi ( Guinea, Liberia, Siera Leone ), đã có thêm 7.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì sốt rét. Trước đại dịch Covid-19, chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ những thành quả mà phải khó khăn lắm mới đạt được trong việc chống sốt rét. »

Trường hợp Gabon
Ví dụ tại Gabon, sốt rét vẫn là một căn bệnh kinh niên. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu của số ca tử vong, số người nằm viện, và số người nghỉ làm và nghỉ học. Theo thống kê, có khoảng 15% trẻ em tại Gabon chết vì sốt rét. Cho tới nay, tại quốc gia này, số người đi khám bệnh và nằm viện nhiều nhất vẫn là do bệnh sốt rét. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phân nửa số bệnh viện ở thủ đô Libreville đã được trưng dựng cho các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Một số triệu chứng của Covid-19 gần giống với sốt rét, khiến người dân lại càng sợ, cho nên, theo ghi nhận của những người điều hành chương trình quốc gia phòng chống sốt rét, các bệnh nhân sốt rét không còn đến bệnh viện để khám và chữa trị nữa. Họ sợ là sẽ bị xem là một bệnh nhân Covid-19, bởi vì cũng có triệu chứng sốt cao.

Trả lời RFI Pháp ngữ, giám đốc chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Gabon, bác sĩ Safio Abdou Razack, ghi nhận là dịch Covid-19 đã huy động toàn bộ nguồn lực của hệ thống y tế của nước này, trong khi sốt rét vẫn là một hiểm họa. Ông nhắc lại đây vẫn là một căn bệnh rất nguy hiểm, cho nên kêu gọi người dân Gabon hãy trở lại các bệnh viện để được chữa trị sốt rét ngay từ đầu, tránh cho bệnh tình trở nên trầm trọng, phải vào phòng hồi sức, trong khi số phòng này đang được trưng dụng để chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân Covid-19.

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top