LỄ HỘI OKTOBERFEST BỊ HỦY  NGÀNH LÀM BIA ĐỨC LAO ĐAO

Tin Tức

Lễ Hội Oktoberfest bị hủy 
ngành làm bia Đức lao đao



Lễ hội bia Oktoberfest lần thứ 186, Muchen, Đức, ngày 21/09/2019 REUTERS - Andreas Gebert

Mười triệu lít bia sẽ bị tiêu hủy do hết hạn sử dụng, theo thông cáo hôm 06/05 của nghiệp đoàn các nhà sản xuất bia Pháp Brasseurs de France. Một dấu hiệu khác cho thấy dịch Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành làm bia, Lễ hội tháng Mười Oktoberfest tại Đức cũng bị hủy bỏ, khiến cho thành phố München bị thất thu khoảng 1,2 tỷ euro.

(RFI) Được tổ chức hàng năm trong vòng hai tuần lễ vào đầu mùa thu, ‘‘Lễ hội tháng Mười’’ Oktoberfest là liên hoan bia của vùng Bayern, có từ hơn hai thế kỷ qua. Đây là lần thứ nhì Oktoberfest bị hủy kể từ khi được thành lập cách đây hơn 200 năm. Lần đầu tiên lễ hội này không được tổ chức là vào năm 1854, vào thời mà nạn dịch tả đang hoành hành tại châu Âu. Cũng cần biết rằng, Lễ hội tháng Mười thu hút mỗi năm khoảng 6 triệu lượt người tham dự, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Họ tụ họp lại dưới những chiếc lều khổng lồ, ngồi xung quanh những chiếc bàn gỗ thật dài, cụng ly hát hò và thưởng thức bia với các món ăn truyền thống của München vùng Bayern (trong tiếng Pháp là Munich vùng Bavière). Nhân dịp này, các hãng bia trong vùng chế biến một loại bia có độ cồn cao hơn mức bình thường, nồng hương mạch nha đậm mùi hoa bia.

Tuy nhiên, đối với hội đồng thành phố München cũng như chính quyền cấp vùng, sự kiện có đến 6 triệu người cùng tập hợp với nhau trong vòng hơn hai tuần là một tình huống đầy bất trắc. Theo lãnh đạo bang Bayern Markus Söder, Lễ hội tháng Mười thể hiện tinh thần chung vui và sự gần gũi, vì thế cho nên ban tổ chức Oktoberfest không thể nào mà áp dụng được các quy tắc giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa những người tham dự. Cũng theo ông Markus Söder, việc mở lại Lễ hội tháng Mười chỉ có thể được thực hiện chừng nào giới khoa học tìm ra vắc-xin chống lại virus corona. Đó là biện pháp duy nhất phòng chống dịch bệnh hữu hiệu nhất.

Về phần mình, thị trưởng München Dieter Reiter cho biết quyết định hủy bỏ Oktoberfest là một điều đáng buồn. Về mặt kinh tế, đó cũng là một đòn rất đau vì thủ phủ vùng Bayern bị thất thu hơn 1,2 tỷ euro. Lễ hội tháng Mười là một sự kiện có lợi cho rất nhiều ngành nghề, từ khách sạn nhà hàng cho đến hàng loạt dịch vụ khác như chuyên chở tiếp đón tham quan thành phố, tất cả các ngành có liên quan đều bị ngưng hẳn lại. Để thấu hiểu tầm vóc của lễ hội Oktoberfest, thì 9 tháng trước ngày khai mạc sự kiện, các khách sạn xung quanh khu vực Theresienwiese đã không còn chỗ.

Việc hủy bỏ Oktoberfest chỉ là phần nổi của tảng băng, và khá nhiều công ty cỡ nhỏ và trung bình trong ngành sản xuất bia đang hứng chịu hậu quả trực tiếp của dịch Covid-19. Song song với việc đóng cửa các hàng quán kể từ tháng 03/2020, hàng loạt trận đấu thể thao cũng như các sự kiện văn hóa, hội chợ chuyên đề cũng như liên hoan ẩm thực đều bị hủy bỏ, trong khi bia lại là thức uống phổ biến nhất (so với rượu vang hay champagne) do có giá mềm và thích hợp hơn với các sinh hoạt mang tính cộng đồng và lễ hội.

Không chỉ riêng gì nước Đức, mà đa số các công ty chuyên sản xuất bia tại Bỉ, Pháp hay Hà Lan đều đang lo lắng khi thấy doanh thu của họ bị sút giảm khá mạnh. Theo ông Jacques Lebel, giám đốc chi nhánh Pháp của tập đoàn hàng đầu thế giới Anheuser-Busch InBev bao gồm các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Budweiser, Leffe, Hoegaarden, Labatt, Spaten, Lowenbrau, 4 Pines, Stella Artois …..

bia không phải là một trong những sản phẩm ‘‘hưởng lợi’’ từ khi có lệnh phong tỏa. Người tiêu dùng châu Âu đã mua khá nhiều hàng để dự trữ, nhưng người ta có thể sợ thiếu nhiều thứ khác chứ chẳng ai sợ thiếu bia. Riêng thương hiệu bia Corona của tập đoàn này đã bị thất thu khoảng 170 triệu đô la vào đầu tháng Ba chỉ vì hiệu bia có tên gọi trùng hợp với virus corona.  

Còn theo ông Mathias Fekl, chủ tịch nghiệp đoàn các nhà sản xuất bia Pháp Brasseurs de France, tình hình còn nghiêm trọng hơn vì dịch Covid-19 đã bùng phát vào thời điểm tồi tệ nhất trong năm đối với giới chuyên ngành. Tháng Ba thường là thời kỳ các nhà sản xuất bia bị hạn chế về nguồn tiền mặt. Tại châu Âu, các nhà làm bia dành trọn mùa đông để sản xuất bia để bán vào mùa hè khi thời tiết thuận lợi hơn, các nhà sản xuất mua nguyên liệu và các thành phần chế biến chủ yếu là vào thời điểm mùa đông. Bình thường thì những ‘‘thùng bia’’ đầu tiên được bán trên thị trường vào cuối tháng Tư khi trời nắng đẹp trở lại, nhưng do tất cả các hàng quán đều đóng cửa, các liên hoan lễ hội đều bị hủy bỏ, cho nên các nhà sản xuất đã chi thì nhiều, nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu.

Tại Đức, bia là thành phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực quốc gia, các nhà sản xuất cũng khá bi quan. Theo ông Holger Eichele, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất bia Đức, dịch Covid-19 đã làm cho nhiều công ty chuyên sản xuất để phục vụ cho các hàng quán, các liên hoan thường niên mất đến 90% doanh thu. Còn theo chuyên gia  Marc-Oliver Huhnholz, cứ trên 5 nhà máy sản xuất bia tại Đức là có một công ty có nguy cơ sa thải nhân viên, hiện giờ 87% công ty đã áp dụng chế độ làm việc bán thời gian đối với giới nhân viên của họ. Vào đầu tháng 04/2020, mức xuất khẩu bia của Đức đã giảm đến 58%, đặc biệt là khối lượng xuất sang Trung Cộng  và Ý, vốn là hai thị trường nước ngoài tiêu thụ bia Đức nhiều nhất.

Về phần mình, tập đoàn sản xuất bia Hà Lan Heineken, đứng hạng nhì trên thế giới, cho biết là khối lượng bia được sản xuất sẽ giảm liên tục trong hai quý đầu của năm 2020. Tập đoàn này với hơn 165 nhà máy bia tại hơn 70 quốc gia, dự báo là tình hình tại châu Âu sẽ vẫn khó khăn vào mùa hè này, cho dù lệnh phong tỏa có được dỡ bỏ kê từ tháng 5/2020, nhưng mọi hình thức tụ tập còn lâu nữa, mới trở lại mức bình thường.

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top