KIỀU MỸ DUYÊN MỘT LÁ CỜ, MỘT NGỌN NẾN, MỘT BÔNG HỒNG VÀ MỘT LỜI CẦU NGUYỆN

Tin Tức

KIỀU MỸ DUYÊN

MỘT LÁ CỜ, MỘT NGỌN NẾN, MỘT BÔNG HỒNG

VÀ MỘT LỜI CẦU NGUYỆN



Đài tưởng niệm chiến sĩ Hải Quân Hoa Kỳ ở Seal Beach, Los Angeles County, California

Một buổi tối, gió thổi mạnh, trời âm u, chúng tôi đi thăm đài tưởng niệm chiến sĩ Hải Quân Hoa Kỳ ở Seal Beach, Los Angeles County, California. Xung quanh tượng đài là những tấm bia ghi danh các chiến sĩ (tôi đoán như thế, trời tối quá, dưới ánh đèn mờ mờ, tôi không đọc được những hàng chữ ghi trên các tấm bia). Cây cỏ xanh mướt, tượng đài uy nghi tráng lệ, gió thổi rì rào như hồn các chiến sĩ về đây chứng giám cho người đang đứng đây cầu nguyện cho họ.
       Biển Seal Beach đẹp, không xa Little Saigon. Chúng tôi đến, máy hình chớp chớp, không đủ ánh sáng để nhìn rõ tượng đài, hình chụp chỉ thấy có người.
       Tôi còn nhớ ngày đại hội kỷ niệm 300 năm thành lập của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở khách sạn Marriot, thành phố Anaheim, California năm nào. Bước vào cửa là ánh nến mờ mờ với những bàn ăn trải khăn trắng, nhưng không có thực khách, vì những bàn này dành cho những chiến sĩ đã hy sinh, nhưng những chiến hữu của họ không quên họ trong ngày hội ngộ nơi này. Tôi phỏng vấn một sĩ quan trẻ người Mỹ gốc Việt vừa từ chiến trường Afghanistan về Hoa Kỳ, sĩ quan này khi ra chiến trận là Đại Úy khi trở về là Thiếu Tá được thăng chức tại mặt trận, tôi hỏi tân Thiếu Tá:
       - Mơ ước của Thiếu Tá là gì?
       Người sĩ quan cao lớn trong bộ quân phục còn đượm sương gió của sa trường nói một cách tự tin:
       - Hy vọng làm tướng chỉ huy hạm đội Liên Hiệp Quốc bảo vệ Á Châu Thái Bình Dương.
       Người nào cũng có mơ ước của mình, tôi chúc người trẻ này sẽ đạt được ý nguyện của mình.
       Người hiện hữu ngồi ăn với người đã khuất bóng.
       Sau đó, chúng tôi đến một nhà hàng sang trọng của Mỹ, đa số thực khách là người Mỹ. Vừa bước vào chỗ ngồi, tôi sửng sốt và rất cảm động, một bàn ăn đặt giữa nhà hàng, trên bàn trang trọng đặt một lá cờ, một cây nến, một bông hồng và một bài viết tri ân các cựu quân nhân được đặt trong khung kiếng trang trọng. Đặc biệt là chiếc ghế úp dành cho những quân nhân đã bị bắt làm tù binh hay mất tích trong chiến nay vắng mặt trong bữa ăn này.


Một bàn ăn trang trọng dành riêng các cựu quân nhân.
       Cảm động nhất là 2 đứa bé trai chừng 9- 10 tuổi, mặt mày thông minh sáng sủa, đứng nghiêm trang trước bàn ăn của những chiến sĩ vô danh này, chăm chú đọc bảng cầu nguyện. Có lẽ những em này được cha mẹ đưa đi ăn và giải nghĩa ngày cựu quân nhân. Các em đứng nghiêm như người lớn, các em nhìn lá cờ, nhìn ngọn nến, nhìn bông hồng. Các bé trai vừa đi thì các bé gái đến, khuôn mặt nghiêm trang như các bé trai cùng tuổi. Các em ngây thơ, không nghịch ngợm giữa đám đông và hành xử như người trưởng thành, thành kính, trang nghiêm tưởng nhớ đến các cựu chiến sĩ.


Hai bé trai đứng trước bàn ăn dành cho những cựu chiến sĩ chăm chú đọc bảng cầu nguyện.
       Chúng tôi ngồi gần bàn ăn dành cho các cựu chiến sĩ, nên chúng tôi quan sát tỉ mỉ người đến rồi đi, người khác lại đến. Thực khách nào đi ngang qua bàn này đều dừng lại, nhìn ngọn nến, khuôn mặt trang nghiêm, thành khẩn như nói chuyện với người đã qua đời.
       Tôi đã tham dự nhiều ngày lễ của quân đội Việt Nam, ngày Quốc Khánh của Mỹ, ngày chiến sĩ trận vong, ngày cựu chiến binh của Hoa Kỳ ở nhiều nơi.



Kiều Mỹ Duyên thành kính tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh.

       Lớn lên trong một đất nước chiến tranh, sự hy sinh cao cả nhất là hy sinh tánh mạng của mình. Người này có thể cho người kia tiền bạc, danh vọng, địa vị trong xã hội, nhưng cho cái mạng của mình là quý giá nhất, là hy sinh cho Tổ Quốc, hy sinh mạng của mình cho người khác sống. Người mẹ bồng con ra bờ sông, cắt tay lấy máu của mình để lo cho con sống, còn mình thì chết, vì lúc đó không có thức ăn. Người mẹ tị nạn Cộng Sản hy sinh mạng của mình cho con của mình, nhưng ở đây với người lính, sự hy sinh mạng của mình cho Tổ Quốc, hy sinh mạng của mình cho đồng bào mình sống, sự hy sinh đó thật đáng ngưỡng mộ và vô cùng cao cả.
       Tôi nhớ các học trò của tôi, trường trung học Văn Hóa Quân Đội Quang Trung, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, muốn vào trường học này phải là con của quân nhân. Các em học xong tú tài tình nguyện vào lính, có trò hy sinh lúc còn rất trẻ. Một học trò của tôi, mời tôi đi ăn cưới, một tuần lễ sau chú rể trở ra chiến trường. Mấy ngày sau, chú rể, chiến sĩ tử trận nơi xa trường. Cô giáo đi ăn cưới của trò tuần trước thì tuần sau đi đưa đám tang và cầu nguyện cho người ra đi về cõi Niết Bàn. Hồi đó, nghĩa trang quân đội ở Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, gần tổng y viện Cộng Hòa là nơi an nghỉ của rất nhiều người lính trẻ. Nghĩa trang Biên Hòa cũng là nơi an nghỉ của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hình của các chiến sĩ tươi cười trên mộ bia. Sau này, khi Cộng Sản chiếm miền Nam, tổng y viện Cộng Hòa bị san bằng không còn là nghĩa trang nữa, không biết hài cốt của các chiến sĩ bây giờ ở nơi nào?
       Tội nghiệp cho các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, nếu người nào được may mắn siêu thoát thì quá tốt đẹp, còn nếu người nào bị chết oan ức thì hồn còn lảng vảng đâu đây, tội nghiệp quá!
       Tôi đã tham dự những buổi cầu siêu cho các chiến sĩ ở nhiều nơi: Việt Nam, Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ và Đại Hàn. Ngày cựu chiến binh buồn lắm! Tôi chợt nhớ đến bài thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn Thị Điểm:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?

Dấu binh lửa, nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
Phận trai già cõi chiến trường
Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về
Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ
Ba thước gươm, một cỗ nhung yên
Xông pha gió bãi trăng ngàn
Tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành
Áng công danh trăm đường rộn rã
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.
(Chinh Phụ Ngâm Khúc- Đoàn Thị Điểm)

Người nào nét mặt cũng nghiêm trang, thành khẩn, cầu nguyện như người mới đi hôm qua, chứ không phải cầu cho người đã đi hàng chục năm về trước. Sự mất mát lớn nhất là người thân của mình ra đi không bao giờ trở lại.
       Nghĩ đến người đã quá vãng, nghĩ đến các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, người đã đi nhưng người vẫn ở quanh ta. Tôi có niềm tin mãnh liệt, người chết linh thiêng lắm sẽ phù hộ cho chúng ta. Các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đi nhưng luôn phù hộ cho người dân trong nước sẽ có một ngày đời sống khá hơn, và người ở hải ngoại sẽ có ngày về khi quê hương thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.


Hỡi những chiến sĩ anh hùng xin phù hộ cho những người đang sống dưới chế độ Cộng Sản sẽ có một ngày có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền
 
       Người chiến sĩ đã ra đi làm tròn bổn phận của công dân tốt, nhưng vong linh của người chiến sĩ vẫn còn hiện hữu ở bên ta, linh hồn của họ vẫn còn phảng phất đâu đây. Hàng năm, mỗi lần ngày kỷ niệm cựu quân nhân, nhiều người tưởng nhớ đến họ. Gia đình, người thân, bạn hữu đâu thể nào quên được người thân của họ, đồng bào làm sao quên được những người đã hy sinh vì đất nước. Nhiều đồng hương về từ các quốc gia trên thế giới hàng năm về thăm nhà đều đến đốt nhang ở nghĩa trang Biên Hòa để tưởng niệm người đã mất, dù họ đã mất hơn nửa thế kỷ, theo đạo Phật có người đã đầu thai thành người ở trên nhân gian, nhưng vẫn có người còn tưởng niệm đến họ, không quên họ.
       Hỡi những chiến sĩ anh hùng, xin phù hộ cho những người đang sống trong tù dưới chế độ Cộng Sản, thương phế binh đang sống ở khắp các nẻo đường của đất nước Việt Nam, xin phù hộ cho người còn ở lại sẽ có một ngày có Tự Do, và người Việt Nam lưu vong khắp nơi trên thế giới sẽ có một ngày trở về sống ở Việt Nam, khi Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
       Hàng ngày, hàng tỷ người trên thế giới cầu nguyện: cầu nguyện cho thế giới được bình yên, cầu nguyện không có chiến tranh, không có máu đổ, cầu nguyện cho mọi người yêu thương nhau một cách chân thật, người giàu giúp đỡ người nghèo, nước giàu giúp cho nước nghèo phát triển về kinh tế, giáo dục, y tế và môi trường. Mọi người đều sống trong hạnh phúc.
       Xin Thượng Đế ban phúc lành cho tất cả mọi người cơm đủ ăn, áo đủ mặc và những đứa trẻ được đến trường học hàng ngày.
Orange County, 30/11/2021
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top