ĐIỂM TIN THẾ GIỚI SÁNG 22/2
Iraq đóng cửa biên giới với Iran để phòng dịch COVID-19
Hình ảnh minh họa hạn hán ở hạ lưu sông Mê Kông (trái), và các nhân viên y tế chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc. (ảnh: chụp màn hình video của SCMP và Global News)
Iraq đã đóng các cửa khẩu biên giới với Iran kể từ thứ Năm (20/2), vì lo ngại sự lây lan của COVID-19 khi quốc gia láng giềng vào ngày 19/2 xác nhận có 2 trường hợp tử vong vì loại virus nguy hiểm khởi phát từ Vũ Hán, Reuters đưa tin.
Quyết định đóng cửa biên giới đưa ra sau khi hãng hàng không Iraq, Iraqi Airways, ngừng các chuyến bay tới Iran để phòng dịch. Hiện Iraq chưa có trường hợp nào được xác nhận nhiễm COVID-19.
Theo cập nhật mới nhất, Iran có thêm 3 người xét nghiệm dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca bị nhiễm chủng mới của virus corona ở quốc gia Trung Đông này lên 5.
Quan chức Lầu Năm Góc bàn về việc Mỹ – Trung đụng độ
Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra với Trung Quốc bằng cách phát triển vũ khí mới, tăng cường quan hệ với các đồng minh và cải thiện hiệu quả của Lầu Năm Góc, ông Chad Sbragia, phó trợ lý cho bộ trưởng quốc phòng Mỹ trong vấn đề Trung Quốc đưa ra đề nghị hôm thứ Năm (20/2), theo SCMP.Ông Chad, người từng là tùy viên quân sự ở Bắc Kinh, nói trong cuộc họp với Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung rằng quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm khi có tham vọng lớn và nhận được sự đầu tư chưa từng có. Điều này cho phép quân đội Trung Quốc mở rộng sự hiện diện toàn cầu thách thức nhiều hơn các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Vì thế, ông cho hay, Mỹ cần “nhanh nhạy và sáng suốt” để đối phó với một lực lượng nhiều tham vọng.
Bắc Kinh tuyên bố đang giúp các nước hạ nguồn Mê Kông chống hạn
Trung Quốc hôm thứ Năm (20/2) tuyên bố họ đang giúp các nước láng giềng phía hạ nguồn sông Mê Kông đối phó với hạn hán kéo dài bằng cách xả nhiều nước hơn từ các đập của họ ở phía thượng nguồn, và cho biết thêm rằng sẽ cân nhắc việc chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm những nước này trong tương lai, Reuters đưa tin.Tuyên bố của Bắc Kinh đưa ra sau khi một báo cáo kinh tế mới đây dự báo rằng việc xây dựng các con đập để khai thác thủy điện trên sông Mê Kông sẽ định hình lại nền kinh tế của 5 quốc gia nằm dọc theo dòng chảy của con sông này, gây ra lạm phát dài hạn và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Reuters, hạn hán trong năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và nghề đánh bắt thủy sản ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Nhiều người cho rằng hạn hán gây ra bởi 11 đập thủy điện Trung Quốc xây dựng phía thượng nguồn chắn ngang dòng chảy của sông Mê Kông, bên cạnh việc biến đổi khí hậu.
Sợ nhiễm virus, dân Ukraine tấn công xe chở người về từ Hồ Bắc
Hôm thứ Năm (20/2), do lo sợ bị nhiễm COVID-19, cư dân của thị trấn Novi Sanzhary ở Ukraine đã biểu tình phản đối đoàn xe chở người di tản từ Hồ Bắc, Trung Quốc, đi ngang qua thị trấn của họ để tới một nhà điều dưỡng cách ly trong ít nhất 2 tuần. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt lốp xe để biểu thị thái độ không ủng hộ và ném dị vật vào đoàn xe, theo Reuters.Một số người biểu tình và cảnh sát đã bị thương sau vụ đụng độ. Ít nhất hai chiếc xe buýt chở người di tản bị ném vỡ cửa kính.
Mặc dù hiện tại Ukraine chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm COVID-19, và chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã trấn an người dân nhưng việc kỳ thị người di tản từ Hồ Bắc vẫn dâng cao.
Ngoài 45 người Ukraine được di tản từ tỉnh Hồ Bắc trên một chuyến bay vào thứ Năm, còn có 27 người nước ngoài, trong đó có công dân Argentina, Dominican, Ecuador, El Salvador, Costa Rica.
Nhóm Lima thúc giục các hành động vì người dân Venezuela
Các thành viên của khối Lima, nhóm những nước phản đối chính phủ thiên tả Maduro, hôm thứ Năm (20/2), nói rằng thời gian đang cạn dần để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Venezuela, theo Reuters.“Thời gian là điều cốt yếu. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khủng hoảng môi trường với mức độ lịch sử”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Francois-Philippe Champagne, nói trong một cuộc họp tại Quebec. Ông cũng lưu ý thêm rằng nhóm Lima cần tiếp tục những nỗ lực của mình để khôi phục nên dân chủ ở Venezuela.
“Cộng đồng quốc tế nên kề vai sát cánh với chúng tôi”, ông Champagne đề nghị. Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Peru, ông Gustavo Meza-Cuadra thúc giục không thể chờ đợi lâu hơn nữa, vì cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Venezuela khiến 5 triệu người phải rời bỏ đất nước để tìm kế sinh nhai ở nước ngoài.