Cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing qua đời

Tin Tức

Cựu tổng thống Pháp
Valéry Giscard d’Estaing qua đời

Cố tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing. Ảnh chụp ngày 27/05/2005 tại Thượng Viện Đức, Berlin. AP - Markus Schreiber

Cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing vừa qua đời hôm 02/12/2020, thọ 94 tuổi, sau nhiều tuần bị nhiễm Covid-19. Đắc cử tổng thống năm 1974 và chỉ tại chức một nhiệm kỳ 7 năm, Giscard d’Estaing là người đã đem lại nhiều đổi mới cho nước Pháp từ mặt xã hội đến kinh tế và là một trong những người đóng góp nhiều hơn cả để xây dựng Liên Hiệp Châu Âu.
Gia đình ông Valéry Giscard d’Estaing thông báo, cựu tổng thống Pháp từ trần tại nhà riêng ở thị trấn Authon, tỉnh Loire et Cher, miền tây nước Pháp. Tình trạng sức khỏe của ông đã suy giảm nhiều trong những tuần qua. Bị nhiễm virus corona chủng mới, ông đã phải nhiều lần nhập viện.
Sinh năm 1926, Valéry Giscard d’Estaing tốt nghiệp trường Bách Khoa (Polytechnique) danh tiếng của Pháp năm 1948, trường Hành Chính Quốc Gia (ENA) năm 1952. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị từ rất sớm. Được bầu vào Quốc Hội khi vừa 30 tuổi, ông đã nhiều lần giữ các chức vụ về tài chính và kinh tế dưới thời thủ tướng Michel Debré và Georges Pompidou.
Năm 1974, Valéry Giscard d’Estaing ra tranh cử tổng thống, đánh bại ứng viên của cánh hữu truyền thống vòng một, rồi ứng cử viên đảng Xã Hội cánh tả là François Mitterrand ở vòng hai. Ngày 19/05/1974, Giscard d’Estaing, lúc đó 48 tuổi, trở thành vị tổng thống thứ ba của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.
Trong nhiệm kỳ 7 năm, Valéry Giscard d’Estaing đem lại nhiều đổi mới cho đất nước : Về mặt xã hội, dưới thời Giscard d’Estaing, tuổi thành niên được giảm xuống còn 18 thay vì 21, cho phép thanh niên Pháp đi bầu sớm hơn. Ông cũng đã yểm trợ mạnh mẽ bộ trưởng Y Tế Simone Veil để cho ra đời một bộ luật về phá thai. Bộ luật này được xem là một bước tiến quan trọng về nữ quyền.
Về văn hóa, năm 1980, tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã mở đường cho sự kiện Ngày Di Sản - mở cửa các di sản văn hóa và công trình kiến trúc của Pháp cho công chúng tham quan. Ba năm trước đó, cũng vị tổng thống trẻ tuổi này quyết định biến nhà ga Orsay ở quận 7 Paris thành viện bảo tàng.
Nhưng quan trọng hơn cả là về mặt kinh tế, Valéry Giscard d’Estaing đã đưa Pháp vào một thời đại mới. Ông lên cầm quyền vào lúc Pháp và thế giới phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973 và 1979. Kinh tế Pháp bắt đầu sa sút sau 30 năm phát triển mạnh mẽ. Thất nghiệp bắt đầu lan nhanh. Năm 1981, khi Giscard d’Estaing rời điện Elysée, Pháp có 1,6 triệu người thất nghiệp, con số này cao gấp 4 lần khi ông lên cầm quyền.

Valéry Giscard d’Estaing : Người thúc đẩy nhiều dự án quốc tế lớn

Nhưng cũng chính vị tổng thống thứ ba này của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp đã thúc đẩy nhiều dự án lớn, từ việc cho ra đời tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, đến việc hình thành nhóm G7 bao gồm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới. Ông cũng là một trong những chính khách đã kiến tạo nên Hệ Thống Tiền Tệ Châu Âu, đặt nền móng cho việc hình thành đồng tiền chung châu Âu euro.
Trên trường quốc tế, tổng thống Giscard d’Estaing đã tiếp nối chính sách châu Phi từng được hai người tiền nhiệm là tướng De Gaulle và tổng thống Pompidou theo đuổi. Cũng chính trên hồ sơ này, ông bị rơi vào vụ tai tiếng mang tên « Những viên kim cương của Bokassa », khi báo chí tiết lộ lúc còn là bộ trưởng Tài Chính Pháp, Valéry Giscard d’Estaing đã được tổng thống Trung Phi Bokassa tặng một tấm bảng nạm kim cương. Vụ tai tiếng này đã phần nào dẫn đến thất bại của tổng thống Giscard d’Estaing năm 1981 khi ông tái tranh cử.
Ngoài ra, quốc tế còn nhớ sự kiện dưới thời ông cầm quyền, Paris đã mở rộng vòng tay đón giáo chủ Iran Khomeiny sang Pháp tị nạn. Cũng nước Pháp của Valéry Giscard d’Estaing đã hoan nghênh Liên Xô chiếm đóng Afghanistan.

Phản ứng của chính giới Pháp và châu Âu

Điện Elysée vừa thông báo tổng thống Macron sẽ phát biểu trên đài truyền hình tối nay về tang lễ cố tổng thống Giscard d'Estaing. Chính giới Pháp đồng thanh cho rằng Valéry Giscard d'Estaing là người đã « đem lại một làn gió mới » thay đổi hoàn toàn « bộ mặt của nước Pháp ». Là người kế thừa sự nghiệp chính trị, lãnh đạo đảng Modem, hậu thân đảng cánh trung UDF của cố tổng thống Giscard d’Estaing, ông François Bayrou nhấn mạnh cựu nguyên thủ Pháp là người chủ trương tập hợp, ông đã « vượt lên trên ranh giới tả hữu ».
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, với sự ra đi của tổng thống Giscard, Berlin đã mất đi « một người bạn, một chính khách lớn của châu Âu ». Sinh thời ông là một người bạn thân thiết của cưu thủ tướng Đức Helmut Schmidt. Cả hai đã tin tưởng vào một tương lai chung của Paris và Berlin trong đại gia đình châu Âu.
 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top