COVID-19: 1,25 TỶ NGƯỜI THẤT NGHIỆP HAY BỊ GIẢM VIỆC TRÊN THẾ GIỚI

Tin Tức

Covid-19: 1,25 tỷ người thất nghiệp trên thế giới



Một đại lộ vắng bóng xe cộ ở Porta Nuova, Milan, Ý. Ảnh chụp ngày 15/03/2020 REUTERS - Daniele Mascolo

« Trận thủy triều thất nghiệp sẽ dâng cao ». Thời kỳ đen tối đang chờ đợi những người lao động trên toàn cầu. Trong chưa đầy ba tháng, virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động trên thế giới và châu Á là nơi « bị nặng nhất ». Trên đây là kết luận của báo cáo mới nhất của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), vừa công bố hôm 07/04/2020.

Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc « khủng hoảng chưa từng thấy » từ sau Thế Chiến Thứ Hai và tác động « sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu ». Dưới hình thức này hay một hình thức khác, virus corona ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người làm công ăn lương trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người tới nay mà còn đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng về xã hội khắp 5 châu từ quý hai năm nay : xóa sổ 198 triệu lao động (tính theo mức 48 giờ làm việc mỗi tuần). Nhìn theo từng khu vực, báo cáo của ILO cho thấy châu Á - Thái Bình Dương bị tác hại nghiêm trọng nhất. Đây là nơi mà trong quý hai 2020 sẽ có tới khoảng 125 triệu lao động (làm việc toàn phần) mất việc làm. Để so sánh, con số này ở châu Âu là 20 triệu.

Chưa ai biết lúc nào dịch Covid-19 kết thúc, nhưng điều đáng quan ngại hơn là chỉ tính đến thời điểm này, thì tác hại của virus corona đã lớn hơn cả so với thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được công bố vào lúc các quốc gia trên thế giới dồn dập bơm tiền cứu nguy kinh tế. Nhật Bản hỗ trợ kinh tế tương đương 20 % GDP. Mỹ 2.000 tỷ đô la, Đức 1.000 tỷ euro… Đó là chưa kể những biện pháp thuộc loại « vũ khí hạng nặng » mà các ngân hàng trung ương của Liên Hiệp Châu Âu hay của Hoa Kỳ.

Chạy đua với thời gian cứu nguy kinh tế

Bên cạnh cuộc chạy đua với thời gian để cứu mạng người, để tìm thuốc và vác-xin phòng chống virus corona, thế giới phải đóng vai trò của những người lính cứu hỏa để cứu vãn cỗ máy kinh tế. GDP của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu, giảm 6 % trong ba tháng đầu năm 2020 theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Pháp. Sau ba tuần lễ bị phong tỏa đã có tới 5,8 triệu người lao động Pháp mất việc và phải đăng ký thất nghiệp bán phần, nhằm bảo đảm duy trì được 80 % thu nhập.

Tại Đức, một nửa triệu công ty lớn, nhỏ cũng cho nhân viên nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật ». Con số này cao gấp 20 lần trong tháng đầu tiên hồi khủng hoảng 2008. Nhìn sang Anh Quốc gần một triệu người lao động mất việc trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020 và con số này cao gấp 10 lần so với bình thường.

Tại Hoa Kỳ, cũng trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020, Covid-19 đã đẩy 10 triệu người ra khỏi thị trường lao động, và số này phải ghi danh lãnh tiền thất nghiệp. Nhìn đến Trung Quốc điểm khởi đầu của dịch, thống kê chính thức không đả động đến số người thất nghiệp, nhưng nhìn nhận rằng trong tháng 2 và 3/2020 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,5 %, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 16 % còn chỉ số tiêu thụ nội địa thì giảm đi mất 1/5 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Ngần ấy dấu hiệu đủ cho thấy thị trường lao động tại quốc gia đông dân nhất địa cầu này không thể tươi sáng.

Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế kêu gọi thế giới nhanh chóng hành động để ngăn chận nguy cơ khủng hoảng về y tế kéo theo một trận « đại họa » về xã hội. Trước mắt cộng đồng quốc tế hô hào « hợp tác và phối hợp » để tìm ra ngõ thoát, nhưng khi bắt tay vào việc dường như các bên vẫn khó san bằng được những bất đồng, tiêu biểu nhất là tranh cãi đang diễn ra giữa 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu về một giải pháp vực dậy kinh tế của toàn khối thời hậu Covid-19.

Thế giới còn phải sống chung với Covid-19 lâu dài




Châu Âu chưa rõ khi nào qua được đỉnh dịch Covid-19. Trong ảnh, một chuyến tàu tốc hành đưa bệnh nhân Covid-19 từ Strasbourg đi Bordeaux, ngày 03/04/2020. REUTERS

Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho hàng vạn con người, chặn đà lây lan của đại dịch virus corona và hơn nữa là tìm cách để thoát khỏi phong tỏa, trở lại với cuộc sống bình thường. Chưa một ai dám khẳng định dịch đã đạt đỉnh, vài ngày qua dường như đại dịch giẫm chân tại chỗ.

Dư luận cũng như chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa, cho dù còn quá sớm. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn. Đây cũng là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa lớn trang nhất : « Những kịch bản phức tạp của gỡ bỏ phong tỏa ».

Theo Le Monde, các chính phủ và chuyên gia y tế đều rất lo sợ, tiếp theo đỉnh dịch này sẽ là một đỉnh dịch khác. Riêng với trường hợp của nước Pháp, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra :  Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào ? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao ? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.

Chung sống lâu dài với Covid-19



Như để cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu với đại dịch Covid-19, Le Monde có bài xã luận với tiêu đề « Chung sống dài lâu với Covid - 19 ». Tờ báo nhắc lại, cách đây một tháng vào lúc đại dịch tấn công châu Âu, châu Á đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống con virus corona. « Bất ngờ bị tấn công dữ dội, người Ý, người Tây Ban Nha rồi đến người Pháp hướng về phía Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc, để tìm kiếm ra các phương cách có thể cứu mình. Một tháng sau, các nước châu Âu có lẽ đã cảm thấy đạt được độ bình ổn như hằng hy vọng. Đồ thị số người nhiễm mới và tử vong có vẻ đi xuống, nhiều người đã nghĩ rằng đà lây lan của căn bệnh đang chững lại. Tuy vậy, chính phủ các nước vẫn thận trọng chưa thể hô to đã chiến thắng dịch ».

Tại sao ? Bởi vì cũng nhìn vào đồ thị của các nước châu Á, họ thấy hiện lên điều đáng lo ngại, đó là các nước này đang gặp phải làn sóng dịch thứ 2.

Ấn tượng nhất là Singapore, đảo quốc 6 triệu dân này ngay từ đầu đã có những bước đi chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả cho phép kiểm soát được đà lây lan, mà không cần đến biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội. Chính phủ cho tầm soát bệnh đại trà, theo dõi sát dấu vết và kiên quyết cách ly người nhiễm virus, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại trong nước cũng như từ ngoài vào. Mặc dù vậy số ca nhiễm tuần qua ở Singapore bỗng tăng đột biến, do lây nhiễm nội địa và từ kiều dân trở về nước. Trước diễn biến không lường trước như vậy, thủ tướng Lý Hiển Long đã phải ra lệnh phong tỏa đất nước từ thứ Ba tuần này. Trường học, cửa hàng không thiết yếu đóng cửa đến 4/5. Rồi Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang lo ngại sự trỗi dậy của các ca lây nhiễm mới. Nhật Bản cũng không cưỡng lại được phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4.

Le Monde đặt câu hỏi : «  Bài học nào có thể rút ra từ tiến triển dịch như vậy ? » Theo tờ báo, điều chủ chốt là đại dịch chỉ có thể bị đánh bại một khi chế được vác-xin, sản xuất và phân phối khắp toàn thế giới. Từ nay đến khi đó phải mất từ một năm đến một năm rưỡi nữa, theo đánh giá  chung của các nhà chuyên môn. « Đó cũng là khoảng thời gian mà con virus này còn có thể đi đi, về về trên hành tinh này để gây ra những đợt sóng lây nhiễm mới trên các lục địa. Tiến trình gỡ bỏ phong tỏa ở đây đó hay nới lỏng các biện pháp hạn chế chỉ có thể làm dần dần và cũng thường chỉ là tạm thời ».

Le Monde kết luận : « Cần phải học cách chung sống với virus corona. Vẫn luôn biết tiên liệu, chính phủ  Singapore hôm thứ Hai vừa mới quyết định ngừng hoạt động nhà ga số 2 sân bay lớn nhất của họ, và cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất thế giới, trong vòng 18 tháng, đúng bằng thời gian để có được vác-xin. Vậy là con đường còn dài ».

Hai cuộc chiến với virus corona: Cứu người và duy trì lao động


Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.

Đây cũng là đề tài được nhiều báo khai thác sau khi Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) hôm qua, 07/04/2020, đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Đại dịch làm bùng nổ nạn thất nghiệp trên thế giới ». Trong khi tựa của Les Echos khẳng định « Đại dịch đã gây hệ quả tàn phá việc làm toàn cầu »

Le Figaro cho biết con số thống kê của OIT : Do khủng hoảng y tế, « hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người  bị tác động bởi tình trạng các nơi làm việc phải đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ ».

Tổ chức Lao động Thế giới nhận định : « tác động của dịch Covid-19 đối với công ăn việc làm là rất sâu và có quy mô rộng lớn chưa từng thấy ». Việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm.

Nếu châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Hoa Kỳ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng 2 tuần. Nước Pháp và nhiều nước châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Theo tờ báo, đó là số liệu thống kê trên còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ là những người không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gì.

Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch virus corona, bảo vệ sức khoẻ của người dân, thế giới đang phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Trước tình trạng bi đát như vậy, và có thể còn kéo dài, Tổ chức Lao động Thế giới không thể làm được gì hơn là đưa ra những cảnh báo và kêu gọi « phối hợp hành động quốc tế » để cứu giúp những người có hoàn cảnh thiệt thòi nhất, trắng tay khi không có việc làm.

Nông nghiệp cả châu Âu tê liệt, mùa màng có nguy cơ mất trắng


Khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, một phần thế giới bị phong tỏa, người ta hay nhắc đến những lĩnh vực phải gánh chịu hậu quả đầu tiên như du lịch, nhà hàng, khách sạn thương mại hàng không…  giờ đây nông nghiệp, lĩnh vực nuôi sống thế giới đang bị đe doạ, đặc biệt tại châu Âu.

Trở lại với Le Monde, tờ báo ghi nhận « Nông nghiệp châu Âu bị tê liệt ». Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.

Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top