CHUYỂN RUỘNG SANG NHÀ

Tin Tức

CHUYỂN RUỘNG SANG NHÀ

Lời Toà Soạn : dịch Covid-19 hiện bùng nổ dữ dội tại Saigon không phải là điều ngạc nhiên truớc tình trạng dân cư phát triển nhanh chóng để cung ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp. Bài viết sau đây trích từ diễn đàn SGCN sẽ cho người Việt hải ngoại có một cái nhìn rõ nét hơn về việc tại sao chính quyền CSVN không ngăn chận nổi sự lây lan của dịch bệnh. Sáng hôm nay, ngày 15 tháng 9,  chính quyền Saigon quyết định tiếp tục “bế quan toả cản, nhà nào ở nhà nấy” cho đến cuối tháng 9, 2021 mặc dù sau 2 tháng “đóng cửa toàn diện”  chưa ai có thể tiên đoán được điều gì sẽ xãy ra tại đây trong những ngày sắp tới.
*


Thành phố Sài Gòn xưa chật hẹp nhưng nay mở rộng với hai mươi bốn quận, huyện. Trong đó mười hai quận đánh số từ 1 đến 12, bảy quận mang tên Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân và năm huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ.
VN vốn là xứ chuyên về nông nghiệp lâu đời. Cho dù thành phố lớn thì nông nghiệp vẫn tồn tại. Nông nghiệp của thành phố gồm đầy đủ các mặt: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các tòa nhà cao tầng thường tập trung ở khu trung tâm thành phố nhưng ra xa hơn một chút, người ta vẫn nhìn thấy luống rau, ao cá… ruộng lúa bao la ở Củ Chi, Bình Chánh…, ruộng muối ở Cần Giờ…
Trồng trọt cũng nhiều loại, Cây lương thực như lúa, khoai, bắp… Trước kia rau thường mang từ Đà Lạt về Saigon nhưng sau này, rau cỏ trồng nhiều ở Hóc Môn, Củ Chi cung cấp lượng lớn cho thành phố đỡ công chuyên chở xa. Cây ăn quả ở Củ Chi, Cần Giờ, cây công nghiệp như đậu phọng, mía, cao su ở Củ Chi, cây hoa không chỉ độc quyền ở Đà Lạt và Sa Đéc mà có nhiều nhà vườn ở quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh…

Chăn nuôi cũng lắm con: heo, trâu, bò, gà, vịt… ở Củ Chi, Hốc Môn… Bò sữa tập trung ở Củ Chi mặc dù vùng đất này không có nhiều đồng cỏ nên bò toàn ăn thức ăn công nghiệp. Thủy sản: tôm, cá, nghêu… nuôi nhiều ở huyệnNhà Bè, Cần Giờ. Bãi nghêu Cần Giờ năm nào cũng xảy ra xô xát giữa chủ bãi và hàng ngàn người nghèo khắp nơi tới càonghêu. Số ít nghêu to vào nhà hàng, còn lại ngoài chợ toàn những con nghêu nhỏ xíu cào vội vàng tranh giành chưa kịp lớn.
Đất lành, chim đậu. Đô thị dần dần nở ra,nhịp sống hối hả, dân chúng từ các nơi từ các tỉnh cho đến… toàn thế giới đổ về Sài Gòn.
Nhà ở, nhà máy, khu công nghiệp, dịch vụ… mọc ra như nấm. Chỗ nào cũng thấy các tòa chung cư cao mấy chục tầng với hàng ngàn căn hộ mà vẫn không cung ứng đủ chỗ ở cho người dân.

Nông dân không thể tiếp tục trồng lúa khi ruộng nằm kế cận đất xây dựng hay đường cao tốc. Đèn cao áp chiếu sáng suốt đêm, chuột bọ phá hoại, thêm nước cốngtừ nhà dân đổ ra lênh láng khiến cây lúa bị táp lá, không lớn nổi. Nhà cửa, cầu cống san sát, ngay cả kênh rạch còn bị hối hả lấp đi hoặc thay bằng cống hộp để giành đất. Vì thế không cỏn kênh mương dẫn thủy nhập điền để trồng trọt được. Nhiều nơi giải quyết việc tưới tắm bằng cách đào giếng. Thế nhưng điều này lại khiến nước ngầm thành phố chẳng những dần cạn kiệt mà còn đe dọa làm mặt đất sụt lún.
Lại thêm giá cả nông sản bị thị trường tác động mạnh nên trồi sụt thất thường. Đến vụBình Chánh thu hoạch mía thì đường Thái Lan nhập lậu, cây mía nằm đầy đồng không ai mua lượng đường giảm mạnh;Củ Chi đến mùa cạo mủ thì giá cao sutrên thị trường quốc tế hạ thê thảm…
Do đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp được chủ cho mướn, bỏ hoang hay làm cầm chừng chờ thời để bán. Sản xuất nông nghiệp không còn hấp dẫn nữa. Bà Bôn ở xã Tân Thạnh Đông kể:
-Tui còn mấy công ruộng làm có một vụ. Tiền giống má, thuốc trừ sâu, mướn công gặt đập, đâu có lời lãi gì. Chỉ giữ làm của sau này cho đám con thôi. Tụi nó lên thành phố hết rồi.
Đàn gia súccùng số phận. Qua mấy đợt lở mồm long móng của gia súc và cúm gia cầm H5N1, sữa bò tuột giá… khiến đàn heo giảm, đàn bò sữa cũng đứng lại không phát triển nữa, một số trại gà rầu rĩ đóng cửa…
Năm 2017, giá trị ngành nông, lâm, thủy sản theo giá so sánh 2010 chỉ còn chiếm 0,81% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Trong khi đó, khu vực nội thành vừa giải tỏa đất làm cầu, làm đường, các công trình công cộng, vừa tăng dân số. Đất đai nhà cửa hiếm hoi và đắt đỏ nên dân chúng đổ xô ra ngoại thành mua đất cất nhà. Người giàu mua đất xây biệt thự, người nghèo bán căn nhà nội thành ra ngoại thành mua cái nền, lấy số tiền dư ra làm vốn.
Các trại heo, trại gà khổ sở vì bị thưa gởi liên tục do gây ô nhiễm môi trường. Chất thải bay mùi lan tỏa khắp khu dân cư và tuồn ra cống làm “chết” các mương rạch chung quanh.

Chủ trại gà phân trần:
-Tôi tới đây lập trang trại trước, chung quanh hoang vắng đồng không mông quạnh chẳng làm phiền ai cả. Người dân đến sau xây cất nhà ở mới thành đường, thành hẻm lại kêu ca, đòi đuổi người đến trước. Di chuyển cả một cơ ngơiđang hoạt động đâu phải cứ nói là được, rất mất công và tốn kém.
Thật ra theo luật, đất nông nghiệp chỉ được dùng để trồng trọt, nhà cửa xây cất trên đó khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất bị coi là bất hợp pháp và không được cấp giấy chứng nhận sở hữu. Thế nhưng xem chừng thành phố gặp nạn nhân mãn ghê quá nên thiên hạ bất chấp vấn đề rủi ro này mà cứ lao đầu tự tìm mua đất cất nhà hoặc mua thông qua “cò”. Miễn sao có gian nhà trước đã, còn mọi chuyện khác tính sau. Vả lại, giống như nhà sàn ven kênh rạch, miễn cứ bám trụ ở lâu, tới hồi giải tỏa vẫn được đền bù ít nhiều!!! Nhất là tại VN, trong thực tế vẫn tồn tại việc giấy tờ viết tay cho dù mua bán qua nhiều người.Dễ dãi như vậy nên ai nấy đều có chỗ chui ra chui vào chứ đợi giấy tờ đàng hoàng thì biết chừng nào.
Vì thế trong thời gian qua, rất nhiều đất nông nghiệp, tức là đất trồng trọt có nguồn gốc là ruộng rẫy vườn tược đều được mau chóng phân lô, bán nền nhanh tới mức chóng cả mặt. Hôm trước đất trống cỏ hoang mọc um tùm, vài tháng sau đã thấy nhà cửa ngang dọc san sát, xe gắn máy chạy ào ào.

Khi được hỏi tại sao không ở căn hộ chung cư mà chọn mua chui lủi một nền đất, trước nhà vẫn còn rau má hoang mọc thành vạt, người đàn ông giải thích:
-Tôi không thể mua chung cư giá bạc tỉ. Đằng này cả đất lẫn công xây căn nhà chỉ tốn khoảng năm, sáu trăm triệu. Mấy chỗrau má mọc đó đều có chủ rồi. Chỉ là họ chưa xây thôi. Với lại nhà trên nền đất về sau muốn bán cũng dễ hơn, có giá hơn căn hộ theo thời gian cũ đi sẽ xuống giá.

Giải tỏa khu nhà bất hợp pháp hứa hẹn nở nồi thành hàng trăm căn thành phường thành ấp không dễ chút nào nên ai nấy cứ vững lòng ở ì.



Quận Tân Bình tách thành hai quận Tân Bình và Tân Phú. Huyện Bình Chánh chia thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Huyện Thủ Đức chia thành ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Gò Vấp không còn mảnh đất nào trồng rau, thuốc lá, hoa kiểng nữa mà nhà cửa san sát, chật chội đến mức vài năm lại phải tách phường vì nhân viên hành chính không quản lý xuể.
Những năm trước hai bên tỉnh lộ 10 là nông trường Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai (Bình Chánh) trồng toàn mía, bạch đàn. Nay thì tấp nập quán xá, cửa tiệm… nhộn nhịp không kém nội thành.Quốc lộ 22 từ nội thành tới Củ Chi ruộng rẫy trải dài tít tắp nay toàn nhà phố, quán ăn, bảng hiệu, không hở ra nổi một vạt lúa nho nhỏ cho mát mắt.

Lợi nhuận thu được từ nhà đất gấp nhiều lần từ sản xuất nông nghiệp. Xã Bình Mỹ (Củ Chi – giáp ranh Bình Dương) phá đất vườn, đất lúa để xây làng biệt thự có villa, có nhà phố liền kề sang trọng. Huyện Hốc Môn cũng có làng biệt thự lộng lẫy không kém khung cảnh Âu Mỹ khi người giàu đã chán những ngôi nhà chật hẹp trong thành phố phóng cao lên như cái tháp, hay những căn hộ chung cư kín mít như chiếc hộp. Nhiều người mua đất vườn xây nhà để cuối tuần lái xe hơi đưa cả gia đình về nghỉ mát.
Một nơi xa xôi, cách trở qua các chuyến phà như Cần Giờ cũng đang ào ạt quảng cáo bán đất nông nghiệp để cất khu du lịch, nghỉ dưỡng khi có thông tin sẽ xây cầu Bình Khánh nối liền Cần Giờ với Nhà Bè.
Tình cảnh dân đông tới nứt phình ra khát nhà, bằng mọi cách tìm chỗ ở cho được. Ruộng rẫy chống cự không nổi nên ngày càng co lại. Không thể cưỡng lại thực tế nên nhà nước đành lập kế hoạch chuyển gần một phần ba đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị.Tức là thay thế bằng nhà xưởng, công ty, văn phòng, khu du lịch…

Cánh đồng lúa sản xuất ra gạo, ao sản xuất ra cá, chuồng trại cá thể nhỏ bé ra heo gà…manh mún. Tính ra giá trị vừa chẳng bao nhiêu lại không đối phó nổi hàng ngoại quốc tràn như vũ bão vào thị trường VN, thì dẹp bớt đi cho rồi!!!
Mặt khác cũng để dân bớt chạy tiền lo lót cho quan địa phương hoặc mất nhiều công đập phá những nhà xây trái phép quá uổng phí!
Dầu sao nông nghiệp cũng không bỏ hẳn được trong khi đất đai chẳng còn bao nhiêu. Vì thế tốt hơn hết nên tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao. Ra giá trị cao mà lại ít… dùng đất.

Như trồng rau an toàn hay còn gọi rau sạch. Loại rau này thật ra được trồng từ lâu, giá mắc nên chỉ nhà giàu mới mua, hầu hết người dân có gì ăn nấy là tốt lắm rồi. Bệnh ung thư ngày càng phát triển nhưng hễ chưa kêu tới ai thì kệ, chứ không thể lo trước bằng cách hằng ngày bỏ ra số tiền lớn ăn rau sạch! Trong siêu thị để rau thường và rau sạch ngăn riêng. Thực ra rau sạch trong siêu thị cũng chưa chắc sạch vì người ta từng khám phá công ty rau sạch chẳng hề trồng rau sạch. Các thửa ruộng dù cắm bảng rau sạch đàng hoàng vẫn xịt quá liều đủ loại thuốc hóa học. Hoặc nếu không đủ hàng, công ty nọ, ngoài số rau không sạch từ thửa ruộng cắm bảng sạch, sẽ gom thêm rau… không sạch của những ruộng không sạch để cung cấp cho đủ số lượng.
Các mặt nông sản khác như hoa thì hoa lan, hoa mai, cây kiểng… chứ đừng trồng bông dừa, cúc, vạn thọ;chớ nuôi trâu, bò mà chuyển sang nhím, tắc kè, ba ba… cung cấp cho nhà hàng đặc sản. Dế nhồi hột đậu phọng chiên dòn, tắc kè nướng muối ớt ăn rất ngon…!
Tương lai rau chỉ còn trồng trong nhà lưới, trong khu công nghệ cao. Hiện nay do ngại rau cỏ bán ngoài chợ bị tưới đẫm thuốc trừ sâu nên nhiều gia đình tự thành lập vườn trên sân thượng và balcon, trồng theo kiểu thực sự tự cung tự cấp chứ không phải chơi chơi giải trí. Chẳng những cải xanh, cô ve, bầu bí, cà chua…không thiếu thứ gì mà còn cây ăn quả: dưa lưới, ổi, nho… Các công ty nhanh chóng bắt thời cơ bằng cách nhận lắp đặt hệ thống trồng rau theo kiểu thổ canh, thủy canh hay khí canh. Trên diện tích chật hẹp đóng khung của nhà phố đặc trưng, có vài con gà trong chuồng lấy thịt và trứng, thêm hồ cá mini. Tức là xuất hiện cả một hệ thống VAC, vườn-ao-chuồng khép kín mà từ lâu vẫn được khuyến khích mở rộng ở vùng nông thôn.

Thành thử ở mặt nào đó,nông nghiệp thành phố tưởng giảm đi về phía nông dân chính hiệu lại đâm ra phát triển ở một số gia đình thị dân. Chỉ có điều hệ thống VAC trong thành phố này hình thành rải rác tủn mủn và lấy rất nhiều công sức không cần thiết.
Ở thành phố công nghiệp, dịch vụ này, tốc độ đô thị hóa phát triển đến chóng mặt thì ruộng buộc phải dần chuyển thành nhà thôi.

SGCN
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top