Cầu cứu từ du thuyền bị cách ly vì virus corona

Tin Tức

Cầu cứu từ du thuyền bị cách ly vì virus corona

Nhật BảnBinay Kumar Sarkar, thủy thủ du thuyền Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi Yokohama, lo sợ tất cả người trên tàu sẽ lần lượt nhiễm virus corona.

"Chúng tôi rồi cũng sớm bị nhiễm cả thôi. Ai cũng lo sợ là người tiếp theo", Sarkar, thủy thủ người Ấn Độ, nói trong đoạn video cầu cứu đăng trên mạng xã hội Facebook với hy vọng được Thủ tướng Narendra Modi giúp đỡ.  

Anh là một trong khoảng 1.000 thành viên thủy thủ đoàn của du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản sau khi phát hiện hành khách nhiễm chủng virus corona mới (nCoV). Trong số hơn 3.700 người có mặt trên du thuyền, hiện có 135 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh.

Không giống hành khách trên du thuyền, các thủy thủ không có phòng riêng mà phải chung phòng với 4 người khác. Họ phải đi lại khắp tàu để phục vụ đồ ăn cho khách, nên tiếp xúc với nhiều người và tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Karey Maniscalco, người kinh doanh bất động sản ở St.George, bang Utah, đang trên du thuyền cùng chồng, cho biết cô rất căng thẳng khi số ca nhiễm virus corona mới trên tàu liên tục tăng. "Nó khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng", Maniscalco nói qua điện thoại hôm qua.

Phóng viên tới đưa tin về du thuyền Princess Diamond tại cảng Yokohama hôm nay. Ảnh: Reuters.

Phóng viên tới đưa tin về du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama hôm nay. Ảnh: Reuters.

Số ca nhiễm gia tăng khiến chính phủ Nhật Bản đối mặt với chỉ trích về công tác xử lý dịch, sau khi một hành khách người Hong Kong từng ở trên tàu 5 ngày được chẩn đoán nhiễm virus corona hôm 1/2. Lệnh cách ly tàu từ ngày 5/2, theo nhiều chuyên gia, không còn hiệu quả và thậm chí có thể nguy hiểm.

"Du thuyền Diamond Princess giờ giống như một phòng tập bắn cho virus. Lệnh cách ly này không hợp lý và rất tàn nhẫn", Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói.

Quyết định cách ly toàn bộ du thuyền lúc đầu được xem là nỗ lực để cùng lúc đạt được hai mục tiêu đầy khó khăn: vừa tránh lây lan virus ở Nhật Bản, vừa bảo vệ sự an toàn cho hành khách và thủy thủ đoàn, sau khi những người nhiễm bệnh được đưa khỏi du thuyền và chuyển tới bệnh viện.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kế hoạch này không hiệu quả, bởi số ca nhiễm virus corona trên du thuyền ngày càng tăng, biến Diamond Princess trở thành nơi có số người nhiễm nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Họ kêu gọi chính phủ Nhật có hành động khẩn cấp và đề ra kế hoạch ứng phó mới.

Theo các chuyên gia, sự lây lan chưa từng thấy của virus corona không thể được ngăn chặn bằng giải pháp đơn giản. Virus có thể lây từ người qua người do ho và hắt hơi, nhưng họ nghi ngờ nó có truyền qua hệ thống thông gió trên du thuyền. Họ không loại trừ khả năng nhiều người bị nhiễm bệnh trước khi lệnh cách ly được thực hiện.

Một số người cho rằng thay vì buộc toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn ở yên trong không gian chật hẹp trên tàu, nhà chức trách ngay từ đầu có thể đưa họ lên bờ để ngăn lây nhiễm chéo và cung cấp cho họ thêm không gian, ví dụ cách ly trong khách sạn.

"Biện pháp cách ly như hiện nay không còn là giải pháp hiệu quả, cũng không phù hợp về mặt đạo đức. Nguy cơ lây nhiễm trên tàu là hiện hữu khi chúng ta để những người khỏe mạnh tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cách tiếp cận hiện tại không còn hiệu quả để chấm dứt hoặc ngăn dịch lây lan", Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nhận định.

Princess Cruises, công ty điều hành du thuyền Diamond Princess, cho rằng vì việc cách ly mới chỉ được thực hiện cách đây 5 ngày, việc có thêm ca bệnh từ những người bị phơi nhiễm trước đó không phải là điều ngoài dự đoán. "Tình trạng cách ly sẽ kết thúc vào ngày 19/2 trừ khi có diễn biến không lường trước", công ty cho hay.

Giới chức Nhật Bản mặc đồ bảo hộ tới du thuyền Princess Diamond ở cảng Yokohama hôm qua. Ảnh: AP.

Giới chức Nhật Bản mặc đồ bảo hộ tới du thuyền Diamond Princess ở cảng Yokohama hôm qua. Ảnh: AP.

Số ca nhiễm tăng cao khiến nhiều người kêu gọi tiến hành xét nghiệm virus cho tất cả người trên du thuyền. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm qua cho biết đang tính tới khả năng xét nghiệm cho mọi người trước khi họ rời du thuyền để đảm bảo không lây nhiễm virus ở đất nước này và nơi khác.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sau đó nói rằng việc xét nghiệm cho tất cả rất khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng không nêu lý do. Quan chức Nhật Bản tuần trước cho biết nước này đủ khả năng xét nghiệm cho 1.000 người mỗi ngày.

Quan chức giấu tên thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) hôm qua tiết lộ chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã lên đường tới hỗ trợ Tokyo giải quyết cuộc khủng hoảng y tế trên du thuyền Diamond Princess. Người này không rõ giới chức có lên kế hoạch sơ tán đối với du thuyền hay không.

Hành khách trên thuyền được cách ly tại phòng riêng rộng khoảng 15-30 mét vuông. Họ được phép lên boong tàu hít thở không khí bên ngoài trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng phải giữ khoảng cách với người khác.

Thông thường, thủy thủ trên tàu của công ty Princess Cruises làm việc 10-13 tiếng mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, với hợp đồng kéo dài 4-10 tháng. Nếu không phải ở vị trí quản lý, thành viên thủy thủ đoàn phải ở chung phòng ở với 1-3 người khác. Họ ăn tại căng tin dành riêng cho thủy thủ đoàn và dành thời gian rảnh rỗi ở khu vực riêng có bể bơi, phòng gym, quán bar và phòng sinh hoạt chung.

Luật sư hàng hải Michael Winkleman, người từng đệ đơn kiện các hãng tàu, hôm qua cho biết đã trao đổi với hành khách và thủy thủ trên du thuyền Diamond Princess. 

"Nhiều thành viên thủy thủ đoàn đã liên lạc với tôi và cho biết họ thực sự sợ hãi khi bị mắc kẹt trên du thuyền đó. Đặc biệt là nhân viên ở quầy bar, người phải chịu trách nhiệm dọn dẹp bát đĩa thức ăn thừa được chuyển tới từ cabin", Winkleman nói.

Những ca nhiễm mới trên du thuyền Diamond Princess hôm qua gồm 45 người Nhật Bản, 4 người Australia, một người Anh, một người Canada, ba người Philippines, một người Ukraine và 11 người Mỹ, theo thông báo của công ty Princess Cruises.

Peter Rabinowitz, đồng giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Đại dịch và An ninh Y tế toàn cầu thuộc Đại học Washington, Mỹ cho biết biện pháp phòng dịch truyền thống là tránh xa người khác khoảng 2 m không khả thi, đặc biệt với thủy thủ đoàn trên du thuyền. Việc giao đồ ăn cho khách ở từng cabin cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. 

"Đây là vấn đề thực sự nan giải và tôi nghĩ nó đang thách thức giới hạn của các biện pháp y tế công cộng trong ngăn chặn dịch bệnh như thế này. Sự lây lan của virus corona dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Đã đến lúc phải đánh giá xem liệu các biện pháp kiểm soát có hiệu quả và bất kỳ điều gì có thể làm để cải thiện khả năng kiểm soát dịch hay không", Rabinowitz nói.

Nguồn virus khiến những người mới trên du thuyền bị lây nhiễm chưa được xác định. Nhiều người có thể nhiễm virus trước khi bị cách ly và ủ bệnh tới giờ mới xuất hiện triệu chứng. Nhưng virus cũng có thể lây lan nếu thủy thủ đoàn không được đào tạo đầy đủ và có thiết bị bảo hộ, theo nhận định của chuyên gia.

Trong khi một số hành khách lo ngại về hệ thống thông gió của du thuyền, chuyên gia y tế công cộng lưu ý rằng virus chỉ truyền qua ho và hắt hơi, chưa có bằng chứng cho thấy chúng lây truyền qua hệ thống điều hòa hoặc thông gió.

Michael Mina, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng Chan thuộc Đại học Harvard, Mỹ đề xuất một phương án cho chính phủ Nhật Bản là sơ tán có kiểm soát người trên du thuyền.

"Đây là tình huống khó khăn. Nếu họ có thể sơ tán một cách hợp lý và cẩn thận người trên tàu để đưa họ tới cách ly trong phòng khách sạn, tôi nghĩ đó là phương án tối ưu. Nhưng câu hỏi đặt ra là họ sẽ làm điều đó như thế nào?", Mina nói. 

Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top