Ca dương tính ''số 17'' bộc lộ nhiều lỗ hổng của phòng dịch Việt Nam

Tin Tức

Ca dương tính ''số 17''
bộc lộ nhiều lỗ hổng của
phòng dịch Việt Nam


Tẩy trùng trên một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, Hà Nội, ngày 21/02/2020. REUTERS/Kham

(RFI) Đêm 06/03/2020, chính quyền Hà Nội họp khẩn. Bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17 làm rung chuyển bầu không khí lạc quan tại Hà Nội, vốn được coi là một ốc đảo bình an, miễn nhiễm với virus, nhờ nỗ lực của chính quyền kể từ đầu mùa dịch. Nhưng ca bệnh ''số 17'' cũng làm lộ ra hàng loạt lỗ hổng của hệ thống phòng dịch Việt Nam.

Bệnh nhân N.H.N., 26 tuổi, cư trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, làm nghề quản lý khách sạn, sau chuyến đi châu Âu trở về nước ngày 02/03, đã bị ho, sốt…, nhập viện ngày 05/03. Tại châu Âu, bệnh nhân đã từng có mặt tại vùng Lombardi (Ý), Luân Đôn và Paris. Theo báo chí Nhà nước, đầu giờ tối ngày 06/03, Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung Ương thông báo với Ban chỉ đạo chống Covid-19 của Hà Nội về kết quả xét nghiệm dương tính với virus của nữ bệnh nhân này. Nhà ở của cô N.H.N. tại phố Trúc Bạch và một số nhà xung quanh bị phong tỏa. 22 giờ 30 phút, chính quyền Hà Nội họp phiên bất thường về bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17.

Việt Nam vốn được coi là điểm đến ''an toàn'', trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Hoa Lục Địa (Hoa Lục – Mainland of China), đã lan rộng khắp thế giới, với khoảng 90 quốc gia, khoảng 100.000 người chính thức được công nhận nhiễm virus, gần 3.500 người thiệt mạng. Riêng tại Việt Nam, từ ba tuần qua, không có thêm ca nhiễm mới nào. Người cuối cùng rời bệnh viện cách nay hơn một tuần. Về mặt chính thức, đã không có ai chết vì Covid-19. Nằm ngay sát tâm dịch Trung Quốc, sự bình an của Việt Nam trở thành một bất ngờ đối với thế giới, nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi.

Hàng trăm trang Facebook giả mạo

Đối với một bộ phận dân chúng, bệnh nhân thứ 17 thực sự là một tai họa. Theo mạng zing.vn, ngay sau khi có tin chính quyền Hà Nội ghi nhận trường hợp người Hà Nội đầu tiên mắc Covid-19, ''hàng trăm trang Facebook giả mạo cô gái nhiễm virus corona'' đã được lập ra, để thu hút những phẫn uất của dân mạng. Một số tài khoản còn giả danh cô gái lên tiếng xin tha lỗi, vì đã không tự ý thức phải cách ly, khi từ vùng dịch trở về. Nhiều người tưởng rằng đây là các tài khoản thật và đưa ra hàng loạt bình luận, chửi rủa, kêu gọi trả thù (theo zing.vn, mục đích chủ yếu của việc tạo ra nhiều trang giả mạo trong số đó thực ra là để câu like và tăng tương tác để bán lại tài khoản). Tuy nhiên, các thông điệp nổi giận không chỉ xuất hiện trên những trang Facebook giả mạo. Trên các trang Facebook thật, người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những lời lẽ đầy oán giận, lên án ''Kẻ chơi bời giữa mùa dịch bệnh - Kẻ phá hoại công sức phòng chống dịch của cả dân tộc Việt Nam - Kẻ gieo rắc nỗi hoang mang cho dân tộc Việt Nam''…

Tuy nhiên, không khí bình an, trước tai họa, mà nhiều người dân mường tượng không hẳn đã là cảm nhận từ phía bộ máy chính quyền.

Giới cầm quyền như ngồi trên lửa




Trên thực tế, từ khoảng một tuần nay, hệ thống chính trị Việt Nam dường như đã cảm thấy rất lo âu trước nguy cơ dịch Covid-19 một lần nữa đến gần. Một phần do tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới, một phần khác có thể nhiều người trong bộ máy chính quyền hiểu rằng bản thân dịch bệnh trong nước cũng không hẳn đã bình ổn, như các số liệu chính thức mà chính quyền đưa ra để chứng minh. Ngày 04/03, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 quốc gia phối hợp với bộ Quốc Phòng tổ chức diễn tập đối phó, với kịch bản cao nhất có đến ''30 000 người nhiễm virus'' (thông tin đã được cải chính sau đó).

Ngay từ cuối tháng 2/2020, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần cảnh báo đây là thời điểm ''có nguy cơ lây nhiễm cao nhất'' và yêu cầu nâng mức cảnh báo.

''Kịch bản hoàn hảo'' bị vỡ




Đối với khá nhiều người thì bệnh nhân thứ 17 đã phá vỡ một kịch bản hoàn hảo về một hệ thống y tế tuyệt vời, mà chính quyền Việt Nam cố gắng tạo dựng, khi chứng minh là chính quyền đã làm tất cả để phòng ngừa, khống chế dịch, và điều trị tốt nhất cho người không may mắc bệnh.

Nhưng ngược lại, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng chính bệnh nhân số 17 đã cho thấy rõ nhiều kẽ hở và khuyết tật của hệ thống phòng dịch Việt Nam, ít nhất xét về mặt chính thức, hay nói một cách hình tượng là về ''phần nổi của tảng băng'', bởi phần chìm cần có những điều tra.

Lỗ hổng thứ nhất: Lọt lưới hàng rào kiểm soát y tế cửa khẩu sân bay. Kể từ ngày 29/02/2020, toàn bộ khách đã từng đi qua Iran và Ý phải khai báo y tế. Bệnh nhân số 17 trở về Việt Nam sáng sớm ngày 02/03, với triệu chứng ho, đau mỏi người từ trước đó.


Lỗ hổng thứ hai: Chính quyền đã không yêu cầu công dân Việt Nam trở về từ châu Âu, nơi có một số vùng dịch, từ nhiều tuần qua, khai báo với cơ quan y tế. Trong cuộc họp chiều ngày 06/03, chủ tịch Hà Nội đã chính thức yêu cầu các ''quận, huyện, phường, xã tuyên truyền tới từng tổ dân phố… tới từng hộ dân, chủ động kê khai thông tin về học sinh, sinh viên, người thân đi các nước châu Âu đang có dịch, về từ ngày 20/2 đến nay'' (báo Tuổi Trẻ).


Lỗ hổng thứ ba: Nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân trong mùa dịch. Theo chủ tịch Hà Nội, tổng cộng đã có 18 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân số 17, mà không áp dụng biện pháp bảo hộ nào (việc không thực hiện đúng quy trình bảo hộ rất có thể diễn ra trong bầu không khí lạc quan chung, trong bối cảnh nhiều người coi dịch bệnh Covid-19 đang trên đà được dập tắt hoàn toàn).

Lộ trình ở Hà Nội: Một số nghi vấn

Về mặt chính thức, có ít nhất 25 người tiếp xúc với bệnh nhân số 17, theo báo cáo nhanh của sở Y Tế (bao gồm 18 nhân viên y tế, 2 người thân, 5 người giúp việc và lái xe). Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn khá nhiều bí ẩn xung quanh các di chuyển của cô gái nhiễm virus tại Hà Nội.

Theo một báo cáo của sở Y Tế (ngày 06/03), ''từ khi về nước, bệnh nhân đã tự cách ly tại phòng riêng, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, và không ra khỏi nhà''. Trong cuộc họp đặc biệt đêm 06/03, bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bảo đảm là bệnh nhân N.H.N. ''tự biết có khả năng lây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người nhà của mình, nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách''.

Tuy nhiên, trên một số mạng xã hội, có thông tin cho rằng bệnh nhân đã xuất hiện ở khu nhà T18 Time City và khu vực này hiện đang được tẩy trùng. Cũng có một số thông tin khác chưa được kiểm chứng cho thấy người bệnh còn đến một số nơi khác trong thành phố. Nhiều người lên án cô gái reo rắc thảm họa.

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên theo dự đoán ?

Đối với nhiều người, ca bệnh ''số 17'' là một tai họa hoàn toàn không đáng có, do hành động vô trách nhiệm của một cá nhân. Nhưng với nhiều người khác, thì điều gì đến ắt sẽ phải đến. Dù có là bệnh nhân N.H.N. hay ai khác, Việt Nam chắc chắn sớm muộn cũng sẽ phải đối diện với những ca nhiễm virus mới, do nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng dịch. Vẫn theo cách nhìn này, thì cho đến nay, sở dĩ mọi sự đều có vẻ diễn ra suôn sẻ, có lẽ là do chính quyền đã nắm hoàn toàn bộ máy xét nghiệm, chẩn đoán, truyền thông… Việc công nhận một trường hợp nhiễm Covid-19 hay không do giới chính trị quyết định.

Một số người đặt giả thiết, nếu N.H.N không phải là con nhà gia thế, hay có nhân thân đặc biệt, thì dù có nhiễm virus corona cũng rất có thể sẽ bị coi như là không. Đổi trắng thay đen vốn là chuyện dễ dàng đối với những người nắm trọn quyền lực trong tay.

Tuy nhiên, cũng có thể có một lô-gic hoàn toàn khác. Con số 17 có lẽ là điều không thể tránh khỏi, khi Việt Nam ''đang phải chuyển sang trạng thái phòng chống ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn, toàn diện hơn", theo nhận định của thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long, bên lề lễ ra mắt Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán điều trị Covid-19, sáng ngày 05/03. Tân thứ trưởng Y Tế dự đoán sẽ có ''ca Covid-19 mới''.

Cũng đúng ngày 05/03, bệnh nhân N.H.N. nhập viện. Kết quả dương tính với Covid-19. Theo chính quyền, Việt Nam đã sở hữu bộ xét nghiệm cho phép xác định virus ''chỉ sau hơn một giờ'', với ''kết quả chính xác 100%''. Bệnh nhân số 17 chính là ca Covid-19 đầu tiên, theo dự đoán của ông thứ trưởng.

 

Số người lây nhiễm tăng thêm tại Việt Nam


Một đoạn phố Trúc Bạch, Hà Nội, nơi cư trú của ca nhiễm virus corona thứ 17 ở Việt Nam, bị cách ly từ đêm 06/03/2020. REUTERS/Kham

Theo tin từ báo chí trong nước, Bộ Y Tế Việt Nam chiều nay, 07/03/2020, vừa thông báo tổng cộng đã có 20 ca nhiễm virus corona chủng mới ở Việt Nam. Hai bệnh nhân mới là bác gái và người lái xe riêng của nữ bệnh nhân đầu tiên tại Hà Nội và cũng là người thứ 17 bị lây nhiễm.

Trước đó, bộ Y Tế Việt Nam thông báo ca nhiễm virus corona thứ 18 tại Việt Nam. Bệnh nhân là một thanh niên 27 tuổi, quê ở Vũ Thư, Thái Bình, từ Daegu, Hàn Quốc, về Việt Nam ngày 04/03, và đã được đưa đi cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh này có phản ứng dương tính với virus.

Người bị nhiễm thứ 17 và cũng là đầu tiên ở thủ đô Việt Nam là một cô gái 26 tuổi, cư trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, làm nghề quản lý khách sạn. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 15/02, cô bay từ Hà Nội sang thăm người thân tại Luân Đôn. Ngày 18/02, cô đã từ Luân Đôn, sang Milan, tỉnh Lombardia của Ý để du lịch, khi tỉnh này chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát. Đến ngày 20/02, cô đã quay về Luân Đôn, rồi 5 ngày sau đó sang Paris du lịch một ngày và có gặp chị gái tại đây, trước khi trở lại Luân Đôn ngày hôm sau.

Khi từ châu Âu trở về nước ngày 02/03, cô đã bị ho, sốt…, rồi nhập viện ngày 05/03. Đến hôm qua, Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung Ương mới thông báo với Ban chỉ đạo chống Covid-19 của Hà Nội về kết quả xét nghiệm dương tính với virus của nữ bệnh nhân. Đây là ca nhiễm virus đầu tiên được chính thức thông báo từ ba tuần qua ở Việt Nam.

Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Hà Nội, khoảng 200 người tiếp xúc với bệnh nhân này đã được cách ly, theo tin của báo chí trong nước hôm nay, 07/03/2020.

Hôm nay, các lãnh đạo chính quyền Hà Nội họp phiên bất thường thứ hai, sau cuộc họp đầu tiên tối qua, để bàn về việc chống dịch Covid-19 sau ca nhiễm thứ 17. Hai nơi hiện được xem như ổ dịch là khu phố Trúc Bạch, nhà bệnh nhân, và Bệnh viện Hồng Ngọc, nơi bệnh nhân đến khám đầu tiên trước khi được chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Theo VnExpress, Bệnh viện Hồng Ngọc đã được yêu cầu dừng hoạt động, các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này được khuyến cáo không ra viện. Hơn 500 người của Bệnh viện Hồng Ngọc được tổ chức cách ly riêng tại một địa điểm ở Long Biên để giảm nguy cơ lây bệnh.

Theo VnExpress, Sở Y tế Hà Nội đánh giá "tình hình dịch diễn biến rất phức tạp" và dự báo sẽ có các ca lây nhiễm mới, do kể từ khi về nước, bệnh nhân đã tiếp xúc với một số người và những người tiếp xúc gần với cô đã đi lại nhiều nơi. Đó là chưa kể những hành khách và nhân viên phi hành đoàn Vietnam Airlines đã đi cùng chuyến bay với bệnh nhân về Hà Nội ngày 02/03.

Bênh cạnh việc cách ly những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ còn đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho sinh viên học sinh ở Hà Nội nghỉ tiếp đến ngày 15/3. Ông Huệ cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, « không nên đổ xô đi mua hàng trong siêu thị ».

Nhưng thông tin về ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên ở thủ đô Việt Nam hôm qua đã gây hoang mang trong dư luận Hà Nội, và nhiều người đã đổ xô đến các chợ để mua hàng về trữ, theo lời kể của bà Mai, một người dân ở khu đô thị Yên Hòa, Hà Nội:

Bà Mai - Trung Hòa - Hà Nội

" Cũng hoang mang, ra chợ là hàng hóa xếp hàng mua cũng nhiều. Ví dụ như mì ăn liền, thịt tươi sống, rau củ quả... ra hơi muộn một tí là hết sạch. Nói chung đi chợ ngày hôm nay không như mọi hôm, mọi thứ hết rất nhanh. Nhưng người bán hàng ở quê ra, đêm qua người không biết, cho nên sáng nay có bao nhiều hàng là bán hết, dân cũng mua nhiều.

Đêm hôm qua 10 giờ nghe tin thì cũng giật mình. Nhưng qua một đêm rồi mình cũng bình tĩnh lại được. Ai cũng lo sợ thôi, nhưng mà không đến mức độ căng quá. Đó là riêng em, chứ còn mọi người thì... Mọi cái thì cũng tin tưởng vào Nhà nước chứ không có cái gì gọi là căng thẳng quá. Căng thẳng cũng chẳng giải quyết được gì, mình cũng bình tĩnh thôi, không đến mức độ để cho mình hoảng sợ.

Một số người thì cũng đi mua bán là người ta lo như thế, nhưng mà, theo em thì nó cũng không đến mức độ mình phải làm như thế. Tất nhiên mình cũng có những cái để dự trữ một ngày hai ngày. Cũng tùy người nhưng với em, em cho là cũng không đến mức độ căng thẳng lắm."


 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top