BRICS, thêm một lá bài để Trung Cộng thâu tóm thế giới
BRICS, thêm một lá bài để Trung Cộng thâu tóm thế giới
Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng và Nam Phi họp thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 tại thủ đô Brasilia trong hai ngày 13 và 14/11/2019.José Paulo Lacerda
(Thanh Hà – RFI)
Nguyên thủ năm nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng và Nam Phi) họp thượng đỉnh lần thứ 11 tại thủ đô Brasilia trong hai ngày 13 và 14/11/2019. Từ tham vọng ban đầu là thành lập một câu lạc bộ làm đối trọng với nhóm G7 bao gồm các nền kinh tế công nghiệp phát triển, giới phân tích cho rằng, BRICS ngày càng trở thành một công cụ để Bắc Kinh chinh phục thế giới.
Đầu những năm 2000, kinh tế gia Jim O'Neill thuộc ngân hàng Goldman Sachs đã sáng chế ra cụm từ BRIC để chỉ bốn nền kinh tế đang trỗi dậy có tiềm năng tăng trưởng cao và một trọng lượng nhất định trên bàn cờ quan hệ quốc tế. Để cho « đủ bộ », câu lạc bộ này đã kết nạp thêm một thành viên mới là Nam Phi và trở thành BRICS.
Brazil được ví như « kho lương thực » của thế giới. Điểm mạnh của Ấn Độ là đã có những bước tiến rất dài trong các lĩnh vực dịch vụ từ tin học đến các tài chính và cả về y, dược. Nước Nga của tổng thống Putin là nguồn cung cấp vũ khí cho không ít quốc gia trên thế giới, là một điểm tựa cả về an ninh lẫn ngoại giao đối với một số quốc gia. Cùng với Bắc Kinh, Matxcơva là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Còn Trung Cộng, ông khổng lồ châu Á vừa nhiều tiền, vừa là nguồn sản xuất hàng rẻ cho thế giới. Trong khi đó, Nam Phi giàu tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, trên lý thuyết, năm thành viên này có nhiều lợi thế để bổ sung cho lẫn nhau.
Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008, quan hệ giữa năm thành viên nói trên ngày càng được mở rộng, và nhóm BRICS từng bước trở thành một diễn đàn đối trọng với các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada hay Nhật Bản. Tham vọng của BRICS tại thượng đỉnh đầu tiên năm 2009 họp tại Iekaterinburg - Nga, là hình thành một « mô hình mới, khác hẳn với chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa ».
Cho tới gần đây, tại thượng đỉnh 2018 ở Johannesbourg - Nam Phi, các bên đã đồng thuận lập một « mặt trận chặt chẽ chống lại chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ ».
Nhưng trên thực tế, sau hơn một chục thượng đỉnh, BRICS vẫn là một khối bị cho là khập khiễng, bởi còn quá nhiều khác biệt về nhịp độ phát triển của các thành viên và mỗi bên lại có những tính toán riêng, cả về kinh tế lẫn địa chiến lược, vốn quá xa vời với những lợi ích chung.
Mặt khác, điều đáng chú ý hơn cả là khối BRICS đã ít nhiều bị Bắc Kinh áp đảo. Trung Cộng đã thay thế Hoa Kỳ để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Brazil. Trong lúc Bắc Kinh đã có những bước tiến rất dài về mặt công nghệ cao thì « không chỉ Brazil, mà ngay cả nước Nga cũng bị thua kém trên mặt trận này », như ghi nhận của chuyên gia Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Pháp - COFACE. Hiện nay, « GDP tính theo đầu người tại Ấn Độ mới chỉ bằng thu nhập bình quân ở Trung Cộng hồi đầu những năm 2000 ». Còn Nam Phi là thành viên kém cỏi nhất trong khối.
Quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS đã không cất cánh đúng như mong đợi trong lúc bản thân mỗi thành viên đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng cốt lõi vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, sau hơn một chục lần họp thượng đỉnh, các đối tác của Bắc Kinh đều nhận thấy rằng, thứ nhất cho dù Trung Cộng luôn khẳng định mục tiêu phát triển quan hệ với các đối tác trên thế giới với tinh thần hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và có lợi cho cả các bên, nhưng đó chỉ là những tuyên bố suông. Kế tới, vào đầu những năm 2000, khi nhóm BRIC được hình thành và trước khi kết nạp thêm Nam Phi, Trung Cộng còn là một « nền kinh tế đang trỗi dậy » như các đối tác còn lại.
Nhưng trong gần hai thập niên qua, Bắc Kinh đã từng bước phô trương tham vọng trở lại thành « trung tâm của thế giới ». Từ ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng AIIB đến chiến lược Một Vành Đai, Một Con Đường, tất cả đều thể hiện rõ ý đồ làm bá chủ thiên hạ của Trung Cộng. Thêm vào đó là sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai ông khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Cộng tại Nam Á, trên bộ tại khu vực biên giới Ấn Độ với Pakistan hay trên biển trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Quan hệ tương đối tốt đẹp giữa Trung Cộng với Brazil hay Nga là giải pháp tình thế. Tổng thống Putin không ngây thơ mỗi lần hội kiến với ông Tập Cận Bình. Về phần tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro từng tuyên bố thẳng thừng rằng « Trung Cộng không chỉ muốn mua hàng của Brazil mà muốn mua luôn cả Brazil ». Tại Brasilia lần này, chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ muốn « mua hàng của Brazil » mà thậm chí còn tìm cách thuyết phục Brazil trang bị mạng 5G của Hoa Vi.
Nói cách khác, bốn thành viên còn lại trong nhóm BRICS nhận thấy rằng khối này không đủ sức mà cũng không đủ đoàn kết để kiến tạo lại một trật tự thế giới mới như tham vọng ban đầu. Mà nếu có thể đạt được mục tiêu này trong một chừng mực nào đó, thì cũng chỉ là để thay thế những chuẩn mực đang bị phương Tây áp đặt bằng những chuẩn mực Bắc Kinh đề ra.
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Hoàng Khoa
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404