• ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 23 THÁNG 4, 2020 LÀN SÓNG KIỆN TRUNG CỘNG  VÌ COVID-19 TẠI MỸ VÀ CHÂU ÂU

Tin Tức

• ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 23 THÁNG 4, 2020

Làn sóng kiện Trung Cộng  vì Covid-19 tại Mỹ và châu Âu

Hãng tin ABC của Australia hôm 21/4 đưa tin về làn sóng khiếu kiện Trung Cộng  nhằm buộc Bắc Kinh phải bồi thường cho các nước chịu thiệt hại vì đại dịch Covid-19.
Hàng ngàn người Mỹ và nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ yêu cầu buộc tội chính quyền Trung Cộng  che giấu dịch bệnh, bưng bít thông tin, khiến virus Vũ Hán lan ra toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ.
ABC cũng đề cập đến những lời khiếu nại Trung Cộng  xuất hiện ở châu Âu. Một báo cáo của tổ chức Henry Jackson Society – một cơ quan nghiên cứu của Anh Quốc – lập luận rằng các quốc gia G7 có thể khởi kiện Trung Cộng  và yêu cầu bồi thường hàng ngàn tỉ USD. Báo cáo còn tuyên bố nước Úc có thể đòi Trung Cộng  bồi thường thiệt hại hơn 58 tỉ USD.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, cựu Giám đốc cơ quan tình báo MI6 của nước Anh, ông John Sawers cũng cho rằng chính quyền Trung Cộng  phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19 vì đã “cố tình che giấu” vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát.
“Trung Cộng  thực sự đã che giấu thông tin về dịch bệnh, không báo cho phương Tây trong khoảng thời gian giữa tháng 12 và tháng 1”, ông Sawers nói với BBC.
Tờ báo Bild của Đức – tờ báo được đọc nhiều nhất tại châu Âu – đã đăng tải một “hóa đơn” yêu cầu Trung Cộng  bồi thường Đức số tiền lên tới 149 tỷ Euro (130 tỷ USD).
Trong một bức thư ngỏ gửi ông Tập Cận Bình, tờ báo Bild viết: “Chính phủ và các nhà khoa học Trung Cộng  từ lâu đã biết mức độ nguy hiểm và rất dễ lây nhiễm của virus corona nhưng Trung Cộng  không thông báo cho các quốc gia khác về điều đó”.
Tờ Bild cũng cho biết: “Các chuyên gia hàng đầu của Trung Cộng  đã không hồi âm khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán”.
Ngày càng có nhiều lãnh đạo và quan chức phương Tây yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách, bồi thường thiệt hại vì Covid-19, theo hãng tin ABC.
Cuối tuần trước, bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Úc đã lên tiếng ủng hộ việc tổ chức một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona. Theo bà, cuộc điều tra này không nên giao cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau nhiều báo cáo cho rằng cơ quan này “thiên về Trung Cộng ”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích Trung Cộng  che giấu thông tin về dịch bệnh. Ông cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu bị kết luận là gây ra đại dịch COVID-19.
“Dịch bệnh này đã có thể được ngăn chặn ngay từ nơi nó bắt đầu, nhưng họ đã không làm được điều đó và cả thế giới đang phải hứng chịu hậu quả”, ông Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/4.

Thêm hai tiểu bang ở Mỹ kiện Trung Cộng

Tờ The Hill đưa tin, bang Mississippi của Mỹ đã thông báo kế hoạch kiện Bắc Kinh vì những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Trong một thông cáo phát đi ngày 22/4 để thông báo về kế hoạch kiện Trung Cộng , Tổng chưởng lý bang Mississippi Lynn Fitch cho biết “quá nhiều người Mississippi đang phải hứng chịu hậu quả do sự che đậy của Trung Cộng ”.
“Không thể để họ hành động mà không bị trừng phạt. Người Mississippi xứng đáng được hưởng sự công bằng và tôi sẽ tìm kiếm điều đó tại tòa án”, bà Fitch cho biết.
Mississippi là bang thứ hai tại Mỹ lên kế hoạch kiện Trung Cộng  vì dịch Covid-19. Trước đó, ông Eric Schmitt, Tổng chưởng lý bang Missouri hôm 21/4 đệ đơn kiện chính phủ và một số cơ quan Trung Cộng  vì hành động che giấu thông tin dẫn đến đại dịch Covid-19, khiến thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Bang Missouri kiện Trung Cộng  về Covid-19


Tổng chưởng lý của bang Missouri, Hoa Kỳ, ông Eric Schmitt, đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Cộng  hôm thứ Ba, nói rằng việc Bắc Kinh che giấu thông tin về virus Vũ Hán đã khiến loại virus chết người này lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu, khiến thế giới thiệt hại hàng ngàn tỷ đô la, theo SCMP.
Đơn kiện được gửi lên Tòa án Khu vực Đông Missouri của Hoa Kỳ, trong đó đề cập đến việc chính quyền Trung Cộng  ban đầu đã nói dối rằng virus này không lây lan từ người sang người, bị miệng những người cảnh báo công chúng về sự nguy hiểm của nCoV, và sự thất bại của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Schmitt nói rằng, ông thực hiện việc này với mục tiêu “khắc phục những thiệt hại to lớn về sinh mạng, sự đau khổ và sự bất ổn kinh tế của tất cả người dân bang Missouri trong đại dịch Covid-19 vốn đã và đang tàn phá thế giới”.
“Chiến dịch lừa dối, che giấu thông tin, bịt miệng người dân và khoanh tay đứng nhìn tới mức ghê tởm của chính quyền Trung Cộng  đã tạo ra đại dịch này”, ông Schmitt nói.

Trung Cộng  góp thêm 30 triệu USD cho WHO


Trái: Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh: UN Geneva/Twitter); phải: Tổng chưởng lý bang Mississippi Lynn Fitch 
“Trung Cộng  quyết định góp thêm 30 triệu USD tiền mặt cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm hỗ trợ nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là cải thiện hệ thống y tế tại những nước đang phát triển”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng  Hoa Xuân Oánh viết trên mạng xã hội Twitter hôm nay.
Động thái này của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 22/4 bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục cấp ngân sách cho cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này. Tổng thống Donald Trump hôm 14/4 thông báo đình chỉ tài trợ cho WHO vì ông cho rằng WHO đã thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ cơ bản của mình và còn quảng bá cho “thông tin giả dối” của chính quyền Trung Cộng  về dịch viêm phổi Vũ Hán.

WHO: Đại dịch sẽ còn tiếp tục thời gian dài

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm thứ Tư, đánh giá rằng dịch viêm phổi Vũ Hán “sẽ còn ở với chúng ta trong một thời gian dài”, theo NBC News.
Lãnh đạo của WHO nhìn nhận, mặc dù việc cách ly đã ngăn chặn thành công sự lây lan của Covid-19 ở một số nơi, nhưng virus Vũ Hán vẫn cực kỳ nguy hiểm và cảnh báo rằng không nên chủ quan, thế giới vẫn còn một con đường dài để đi tới đích kiểm soát hoàn toàn đại dịch. (Chi tiết)

Tây Ban Nha đòi lại tiền mua kit xét nghiệm Trung Cộng

Báo EL País của Tây Ban Nha dẫn thông tin từ Bộ Y tế nước này cho biết Madrid đã khởi động việc đòi lại khoản tiền đặt mua 640.000 bộ xét nghiệm Covid-19 từ công ty Trung Cộng  Bioeasy vì sản phẩm có chất lượng kém, dù đã được gửi đi gửi lại 2 lần.
Hồi tháng 3, Tây Ban Nha thông báo lô hàng kit xét nghiệm nhanh của Bioeasy không cho tỉ lệ chính xác là 80% như quảng cáo mà chỉ là 30%. Sau khi phía Tây Ban Nha phản hồi, Bioeasy đã gửi lô hàng khác thay thế nhưng chúng vẫn không đạt tiêu chuẩn.
Vì vậy, chính quyền Tây Ban Nha đã quyết định hủy toàn bộ đơn đặt hàng. Theo EL País, Madrid đặt lô xét nghiệm này thông qua một nhà phân phối trung gian ở Tây Ban Nha.
Bộ Y tế nước này cho biết quá trình thu hồi lại tiền đã trả đã được tiến hành, nhưng không công bố giá trị của đơn hàng, cũng như tên của bên trung gian nhập hàng từ Bioeasy.

Thêm 7 con vật ở sở thú Bronx dương tính với nCov

Theo ABC7NY, vài tuần sau khi con hổ Nadia 4 tuổi tại sở thú Bronx, New York, Mỹ nhiễm Covid-19, phía vườn thú đã thông báo rằng có thêm 4 con hổ và 3 con sư tử cũng dương tính với virus corona.
Phía vườn thú cho biết ba con hổ khác ở khu vực Núi Hổ và ba con sư tử châu Phi có biểu hiện ho cũng dương tính với Covid-19. Một con hổ khác không ho nhưng đã nhiễm bệnh.
Cả 8 con vật đều có sức khỏe tốt và vẫn hoạt động bình thường và ăn uống tốt.

Nhật Bản xuất hiện khẩu trang kém chất lượng giả mạo khẩu trang Đài Loan


Một số lượng lớn các sản phẩm giả mạo khẩu trang Đài Loan xuất hiện trên thị trường Nhật Bản. 
Từ bao năm nay, hầu hết chúng ta đều đã quen với những hàng giả, hàng nhái và sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Cộng , nhưng ngay cả vật tư y tế cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, bộ xét nghiệm liên quan trực tiếp đến mạng sống con người cũng bị làm giả làm nhái thật khiến người ta không khỏi bị chấn động. Sau khi nhiều quốc gia như Hà Lan gửi trả lại vật tư y tế cho Trung Cộng , gần đây trên thị trường Nhật Bản xuất hiện lượng lớn khẩu trang kém chất lượng giả mạo nhãn hiệu Đài Loan nhưng thực tế khả năng cao được sản xuất tại Trung Cộng .
Thời gian gần đây, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Nhật Bản không ngừng leo thang, theo đó khẩu trang y tế cũng đã trở thành một trong những mặt hàng thiết yếu nhất của người dân Nhật Bản lúc này. Hãng tin CNA cho hay, gần đây liên tiếp có cư dân mạng Nhật Bản – Đài Loan phát hiện ngoài thị trường Nhật Bản xuất hiện loại khẩu trang khả nghi, tuy nhãn là “Made in Taiwan”, nhưng nơi sản xuất lại là Trung Cộng , hơn nữa còn đính kèm giấy chứng nhận kiểm tra do Trung Cộng  cấp phát. Những chiếc khẩu trang này chất lượng không đạt tiêu chuẩn của bộ y tế, không có hiệu quả phòng dịch.
Cư dân mạng chỉ ra rằng chính phủ Đài Loan đã ra chỉ thị cấm xuất khẩu khẩu trang cho đến tận cuối tháng 6 năm nay, số khẩu trang được Đài Loan gửi đến Nhật Bản để nhân viên y tế tuyến đầu sử dụng đều là “trao tặng”, vậy nên cư dân mạng Đài Loan kết luận rằng khẩu trang đang được rao bán trên thị trường Nhật Bản không phải của Đài Loan. Do đó, cư dân mạng ở Đài Loan khuyên “bạn bè Nhật Bản” đừng bị mắc lừa.
Về chuyện này, có cư dân mạng tức giận để lại lời bình rằng: “Kiếm tiền cũng phải xét đến lương tri, đồng tiền thất đức trục lợi từ khổ nạn của người khác kiểu này sớm muộn gì cũng bị báo ứng”.

Lebanon: Người dân biểu tình trong đại dịch

Reuters đưa tin, hàng chục người Lebanon đã tập trung biểu tình trên đường phố thủ đô Beirut vào hôm thứ Ba trong hoàn cảnh đất nước đang cách ly để chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Người biểu tình tỏ ra tức giận vì tình trạng nghèo đói và khó khăn gia tăng.
Để đảm bảo việc biểu tình không vi phạm quy định cách ly, người biểu tình ngồi trong xe hơi, vươn người ra khỏi xe, vẫy cờ Lebanon và hô khẩu hiệu phản đối giới cầm quyền. Tiếp theo người biểu tình lái xe tới nơi diễn ra phiên họp quốc hội đầu tiên trong dịch viêm phổi Vũ Hán để bày tỏ thái độ của mình đối với hoàn cảnh sống hiện tại.
“Không ai còn việc làm. Tiền lương cứ giảm dần. Chúng tôi xuống đường vì không có gì thay đổi kể từ khi chúng tôi rời đi”, ông Ali Haidar, một người biểu tình nói, đề cập tới các cuộc biểu tình diễn ra trước khi dịch bệnh bùng phát.

Đài Loan quyên tặng thêm 2 triệu khẩu trang cho Mỹ


Đại diện của Đài Loan trao tặng 100.000 khẩu trang cho bang Massachusetts Lô hàng viện trợ gồm 2 triệu khẩu trang của Đài Loan đã đến Mỹ vào hôm 20/4. Như vậy, trong tháng này, Đài Loan đã quyên tặng cho Mỹ 4 triệu khẩu trang.
Trong lô hàng viện trợ lần này, bang Massachusetts nhận được 100.000 khẩu trang. Theo Taiwan News, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Boston cho biết trong một thông cáo: “Nguồn viện trợ quan trọng này sẽ được gửi đến các nhân viên y tế tuyến đầu khi họ phải làm việc suốt ngày đêm để điều trị và cứu người ở Massachusetts”. Chính quyền bang Massachusetts đã cảm ơn Đài Loan vì món quà này.
Đài truyền hình NTD cho biết, ông Mark Sullivan, đại diện của bang Massachusetts bày tỏ: “Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Thống đốc Charlie Baker và Phó Thống đốc Karyn Polito đến đây tiếp đón những người bạn Đài Loan và nhận 100.000 khẩu trang y tế của tình hữu nghị này. Chính phủ Đài Loan không chỉ sản xuất khẩu trang mà còn vận chuyển đến cho chúng tôi, chúng tôi thật sự rất biết ơn. Cảm ơn chính phủ Đài Loan lần nữa vì món quà các bạn đã trao tặng”.
Dân biểu Huang Zi’an của bang Massachusetts bày tỏ: “Tôi muốn cảm ơn những người bạn Đài Loan đã tặng 100.000 khẩu trang cho bang, đây là vật tư mà nơi đây đang rất cần đến”.
Theo Taiwan News, Massachusetts là bang có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba ở Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ tư toàn quốc.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hôm 21/4 đăng trên Twitter rằng: “Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Đài Loan vì sự quyên tặng hào phóng cho Massachusetts để chống lại Covid-19”. Bên dười bài đăng của bà, Hiệp hội Formosa về các vấn đề công cộng (FAPA) bình luận: “Sẽ thật tốt nếu chính quyền Mỹ xem xét hỗ trợ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.
Theo NTD, mặc dù Đài Loan đến hiện tại vẫn chưa được gia nhập WHO, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan khá thành công và nhận được sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế. Các quan chức Massachusetts hy vọng rằng Mỹ có thể học hỏi cách thức phòng chống dịch bệnh của Đài Loan.
Ông Từ Hựu Điển (Xu Youdian), giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Boston, bày tỏ rằng công tác phòng chống dịch bệnh không phân biệt ranh giới quốc gia, và cộng đồng quốc tế nên chung tay đoàn kết để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Ông nói: “Thật ra, Đài Loan là một trong những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng bây giờ chúng tôi đã trở thành một mẫu hình phòng chống dịch bệnh cho các quốc gia khác. Buổi trao tặng ngày hôm nay chứng minh rằng Đài Loan có thể đóng góp một phần khả năng để giúp đỡ thế giới, và Đài Loan thật sự đang giúp đỡ thế giới”.
Đầu tháng này, Đài Loan đã quyên tặng cho Mỹ 2 triệu khẩu trang. Hòn đảo đã cũng viện trợ khẩu trang cùng nhiều vật tư y tế cho các quốc gia đồng minh và bạn bè trên thế giới. Hôm 15/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Từ Tư Kiệm thông báo, hòn đảo đã gửi 80.000 khẩu trang cho 4 đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương. Ngày 16/4, Đài Loan đã quyên tặng 2 triệu khẩu trang cho Nhật Bản. 

Venezuela: đại diện của Maduro và Guaido bí mật gặp nhau

Nhóm đàm phán của chính phủ Maduro và lực lượng đối lập của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Guaido đã bí mật gặp nhau trong bối cảnh khủng hoảng ở Venezuela càng trở nên trầm trọng hơn khi nước này bị dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công, theo Reuters.
Hiện Reuters chưa xác định được thời điểm diễn ra cuộc đàm phán, cũng như quan điểm của Maduro và Guaido về cuộc thảo luận. Các nhà hoạt động và các nhóm nhân quyền trên khắp thế giới đã thúc giục cả chính phủ Maduro và Guaido tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình để phối hợp giải quyết khó khăn cho người dân.

Đại sứ Trung Cộng  tại Mỹ chỉ trích chính giới Hoa Kỳ

Đại sứ Trung Cộng  tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã lên tiếng chỉ trích chính giới Hoa Kỳ rằng việc họ quy kết trách nhiệm cho Bắc Kinh đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán là “vô căn cứ”, theo Reuters.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Thôi cũng đổ lỗi cho giới truyền thông đã lan truyền những thông tin không trung thực về nỗ lực phòng chống dịch của chính quyền Trung Cộng .
Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập ông Thôi để phản đối việc Bắc Kinh đưa ra những bình luận ám chỉ quân đội Mỹ phát tán virus Vũ Hán.

Mỹ yêu cầu Trung Cộng  công bố dữ liệu về các mẫu Covid-19 thời đầu


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, hôm thứ Tư, cho biết Bắc Kinh đã phá hủy các mẫu virus Vũ Hán mà giới y tế Trung Cộng  thu thập được trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, ông kêu gọi chính quyền Trung Cộng  chia sẻ thêm dữ liệu để giúp các cơ quan y tế những quốc gia khác hiểu rõ hơn về mầm bệnh gây ra đại dịch toàn cầu, theo SCMP.
“Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng Đảng Cộng sản Trung Cộng  (ĐCSTQ) đã không báo cáo sự bùng phát của nCoV một cách kịp thời cho Tổ chức Y tế Thế giới”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo ngắn tại Washington. “Ngay cả sau khi ĐCSTQ đã thông báo cho WHO về dịch bệnh, [lực lượng cầm quyền ở] Trung Cộng  đã không chia sẻ tất cả thông tin mà họ có”.
“Thay vào đó, họ che đậy sự nguy hiểm của căn bệnh này”, ông Pompeo nói tiếp. “Họ [cũng] đã không báo cáo về khả năng lây truyền từ người sang người của nCoV trong một tháng cho đến khi nó lây lan ra khắp các tỉnh của Trung Cộng . Họ kiểm duyệt những người đã cố gắng cảnh báo thế giới [về sự xuất hiện của nCoV] nhằm ngăn chặn [giới y tế] xét nghiệm các mẫu [virus corona] mới, và họ đã phá hủy các mẫu hiện có”.

Mỹ tăng cường xét nghiệm nCoV để mở cửa trở lại đất nước

Hiệp hội Công nghệ Y tế Tiên tiến (AdvaMed) Hoa Kỳ, một hiệp hội thương mại có trụ sở tại Washington, đại diện cho hơn 400 công ty cung cấp thiết bị y tế, đã đặt mục tiêu nâng số xét nghiệm virus Vũ Hán tại Mỹ lên 25 triệu vào cuối tháng này, SCMP đưa tin.
“Chúng tôi hiểu rằng thời điểm bắt đầu khôi phục nền kinh tế phụ thuộc vào năng lực xét nghiệm [virus Vũ Hán]”, ông Scott Whitaker, Giám đốc điều hành của AdvaMed, nói. “Nếu có yêu cầu nâng số xét nghiệm lên 200 ngàn hoặc 300 ngàn người mỗi ngày, chúng tôi sẽ nỗ lực đáp ứng”.
Hiện Hoa Kỳ đang làm khoảng 150 ngàn xét nghiệm virus Vũ Hán mỗi ngày, và đã có 4,1 người Mỹ đã được làm xét nghiệm. Hầu hết các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng tốc độ làm xét nghiệm như vậy là chưa đủ, nhấn mạnh rằng cách duy nhất để mở cửa lại đất nước và ngăn không cho Covid-19 quay lại là phải tăng cường các xét nghiệm.

Ông Trump ra lệnh bắn các tàu Iran quấy nhiễu tàu Mỹ


Tổng thống Donald Trump, hôm thứ Tư, nói rằng ông đã chỉ thị cho Hải quân Hoa Kỳ bắn vào bất kỳ tàu Iran nào gây rối với tàu Mỹ ở trên biển, Reuters đưa tin.
Ông Trump nói về chỉ thị này trên một dòng trạng thái Twitter sau thời điểm Iran tuyên bố rằng họ đã phóng thành công một vệ tinh của quân đội có tên là Noor vào quỹ đạo.
Vào tuần trước, 11 tàu của Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) đã áp sát các tàu Mỹ ở vùng Vịnh. Tàu Iran từng thực hiện những hành động tương tự vào năm 2016 và 2017, và trong một lần như vậy, tàu Mỹ từng bắn đạn để cảnh cáo.

Thượng nghị sĩ Mỹ nghi ngờ Tổng giám đốc WHO nhận tiền từ Trung Cộng


Thượng nghị sĩ Tom Cotton 

Tờ Breitbart đưa tin, Thượng nghị sĩ Tom Cotton hôm 21/4 cho rằng Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và nhiều người khác đã nhận tiền từ chính phủ Trung Cộng .
Trên đài phát thanh Hugh Hewitt Show hôm 21/4, người dẫn chương trình Hewitt đã hỏi Thượng nghĩ sĩ Cotton, liệu ông có nghĩ rằng Tedros và những người khác được Đảng Cộng sản Trung Cộng  trả tiền hay không.
Thượng nghị sĩ Cotton đáp: “Tôi cho rằng có việc như vậy. Nhìn lại quãng thời gian Tiến sĩ Tedros ở Ethiopia, quốc gia mà Trung Cộng  triển khai một trong những dự án Vành đai – Con đường đầu tiên, dự án này kéo theo nạn tham nhũng, chia chác, hối lộ và đút lót. Ngoài ra, vào năm 2017, Trung Cộng  đã tích cực vận động để Tiến sĩ Tedros trở thành người đứng đầu của WHO. Bạn cần tự hỏi, tại sao họ lại làm điều đó? Và nhìn vào cách làm việc của WHO, đặc biệt là trong ba tháng qua, liên quan đến đại dịch này, bạn cần tự hỏi, tại sao họ lại luôn che đậy thông tin và bảo vệ Trung Cộng ?”.
Cũng trong chương trình, Thượng nghị sĩ Cotton bình luận rằng WHO là một “tổ chức tham nhũng và mục nát”. Ông cho rằng các thành viên của WHO nên sẵn sàng hợp tác với các vụ kiện tại Mỹ. “Nếu họ không hợp tác, chúng tôi sẽ dựa trên luật pháp để giải quyết vụ việc”.
WHO đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế vì đồng lõa với Bắc Kinh trong việc che giấu quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Gần 1 triệu người đã ký đơn trực tuyến yêu cầu Tổng giám đốc Tedros từ chức. Tổng thống Trump hôm 14/4 thông báo đình chỉ tài trợ cho WHO. Ông Trump nhận định WHO đã thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ cơ bản của mình và phải chịu trách nhiệm về điều này.

Covid-19: Pháp không có đủ khẩu trang và xét nghiệm



Pháp tăng cường việc sản xuất khẩu trang “đại chúng” để cho người dân sử dụng nhằm hạn chế đà lây lan của virus corona. Ảnh minh họa chụp ngày 09/04/2020 tại Paris (Pháp) REUTERS - GONZALO FUENTES

Tác động của dịch Covid-19 đối với nước Pháp là chủ đề bao trùm báo chí Pháp ra ngày 23/04/2020, với hai tờ Le Monde và Les Echos cùng khai thác chủ đề thất nghiệp gia tăng, trong lúc Libération chú ý đến cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì lệnh phong tỏa và Le Figaro quan tâm đến các thách thức đang chờ đợi chính phủ Pháp thời hậu phong tỏa. Riêng La Croix nhấn mạnh đến đối sách chống dịch của Liên Hiệp Châu Âu đang bị nạn chia rẽ nội bộ đe dọa.  

Hồ sơ đáng chú ý nhất hôm nay có lẽ nằm trên tờ báo thiên hữu Le Figaro, đã xoáy mạnh vào một nỗi đau của nước Pháp: Đó là tình trạng thiếu chuẩn bị phương tiện đã làm công cuộc chống đại dịch trở nên cực kỳ vất vả, nhất là khi Pháp sắp phải lao vào giai đoạn giảm nhẹ phong tỏa đầy hiểm nguy.

Dưới tựa đề lớn trang nhất “Khẩu trang và xét nghiệm: Liệu Pháp có thể thoát khỏi tình trạng thiếu thốn hay không”, Le Figaro nhắc lại lời hứa của thủ tướng Edouard Philippe theo đó lúc nước Pháp bắt đầu bước ra khỏi tình trạng phong tỏa, sẽ có sẵn sàng 17 triệu khẩu trang “đại chúng” (không phải là loại dành riêng cho giới y tế) và 500.000 xét nghiệm mỗi tuần. Tờ báo không ngần ngại đánh giá rằng đó là “những con số quá cao so với năng lực cung ứng hiện tại”.

Trong một bài phân tích bên trong, Le Figaro trước hết nêu bật những câu hỏi về khả năng đáp ứng nhu cầu rất to lớn về khẩu trang, sẽ cao hơn gấp bội hiện nay, vì lẽ ngoài giới y tế, phương tiện bảo vệ này còn được dùng cho người dân, có thể sẽ bị bắt buộc phải đeo khi dùng các phương tiện giao thông công cộng, và rất được khuyến khích đối với một số ngành nghề có tiếp xúc với công chúng.

Khẩu trang y tế lệ thuộc quá nặng vào từ Trung Quốc



Về khẩu trang phẫu thuật và FFP2, thế giới vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Cộng . Trong không đầy một tháng, số lượng nhập đã tăng từ 34 triệu đến 81 triệu chiếc một tuần. Việc thiết lập cầu không vận giữa Pháp và Trung Cộng  đã cho phép Pháp đặt mua hơn một tỷ chiếc khẩu trang.

Tuy nhiên hiện đang xẩy ra tình trạng cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia. Ngoài ra kể từ đầu tháng này, Trung Cộng đã thắt chặt các điều kiện xuất cảng khẩu trang. Số lượng các nhà máy làm khẩu trang được Bắc Kinh chứng nhận (khoảng 20.000 cho đến nay) sẽ giảm 30% do tình trạng hàng giả hoặc chất lượng kém của khẩu trang, làm hoen ố hình ảnh của Trung Cộng.

Sản xuất khẩu trang y tế tại Pháp đã đạt kỷ lục

Còn về việc sản xuất khẩu trang y tế tại Pháp, các cơ xưởng hầu như đều đã làm việc hết công suất, với mức sản xuất như đã đạt trần từ ba tuần lễ nay ở khoảng 8 triệu chiếc mỗi tuần, bất chấp việc tổng thống Pháp từng cam kết sẽ có 10 triệu đơn vị/tuần vào cuối tháng Tư này.

Giới chức hữu trách Pháp dường như đã chuyển hy vọng sang việc sản xuất khẩu trang “đại chúng”, có thể giặt và tái sử dụng.

Bộ Kinh Tế từng cho biết là “vào cuối tháng Tư, mức sản xuất sẽ đạt 15 triệu khẩu trang mỗi tuần”. Vì những loại khẩu trang này có thể được giặt khoảng hai mươi lần, điều đó tương đương với 300 triệu chiếc khẩu trang chỉ dùng một lần.

Vấn đề xét nghiệm phân tử cũng đang bị nghi ngờ

Từ ba tuần lễ nay, số lượng xét nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm của bệnh viện đã đạt trần 90.000 xét nghiệm mỗi tuần.

Cạnh tranh trên thị trường mặt hàng xét nghiệm cũng rất gay go, với Hoa Kỳ tung tiền thâu tóm một phần lớn khối lượng sản xuất.

Theo một người chuyên trách lãnh vực này, trên sổ đặt hàng của tập đoàn Thụy Sĩ Roche, đứng đầu thế giới trong việc sản xuất xét nghiệm,  “khách hàng Pháp chỉ đứng hàng thứ yếu về máy móc và thuốc thử đặt mua”.

“Đợt thử thách thứ hai” đối với nước Pháp



Trong bài xã luận, Le Figaro tỏ ra chua xót, khi so sánh cách đối phó với nạn dịch giữa Pháp và các nước khác. Tờ báo nhận thấy là trong cơn hoạn nạn, tính thực tiễn đã giúp ích rất nhiều. Trước nạn virus corona, đó là một vũ khí mà nhiều nước không có một nền y tế tốt đã biết sử dụng.

Ở châu Âu đó là tình trạng các nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã trực diện ứng phó bằng cách yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang và đẩy mạnh việc xét nghiệm tìm virus. Với phương tiện yếu kém của mình, các quốc gia này cố gắng tự xoay sở bằng mọi cách. Ngày nay họ không phải hổ thẹn với kết quả đạt được.

Thế nhưng, theo Le Figaro, không phải ai cũng làm được như vậy. Tự tin vào thế mạnh của mình, có nước đã khoe khoang khả năng dập dịch như Mỹ hay Anh. Một số nước khác, để che đậy sự bối rối vì thiếu chuẩn bị, đã lao vào các lý thuyết.

Tại Pháp chẳng hạn, người ta đã khuyên người dân là không nên đeo khẩu trang và cũng không tiến hành xét nghiệm đại trà. Và kết quả được thấy ngay sau đó: Những con số chóng mặt được thông báo mỗi buổi tối. Và người ta cũng biết sự thật: Việc thiếu khẩu trang và không đủ phương tiện xét nghiệm đã được che đậy bằng cách nói dối. So sánh với Đức hay những nước yếu hơn nhưng thực tiễn hơn, thì quả là tình hình (Pháp) đáng thất vọng.

Pháp chưa được “võ trang khi bước vào thời hậu phong tỏa



Tuy nhiên, theo Le Figaro, điều quan trọng là bây giờ phải làm gì. Sau nhiều tuần lễ bị buộc ở trong nhà, người dân ngày càng mất kiên nhẫn. Ngày 11/05 tới đây, khi phong tỏa bắt đầu được giảm nhẹ, liệu nước Pháp có được “võ trang” đầy đủ hay chưa?

Tờ báo rất lo lắng vì ngoài sự cần thiết của việc mọi người phải đeo khẩu trang, các phát biểu chính thức có tiến bộ nhưng vẫn không rõ ràng, lòng vòng, thậm chí khó hiểu. Trên vấn đề xét nghiệm cũng vậy, trong khi chỉ cần theo gương Đức là đủ.

Le Figaro kết luận: Chỉ còn có 15 ngày để ông Macron và chính phủ chuẩn bị cho việc dỡ bỏ phong tỏa. Nước Pháp phải sẵn sàng chiến đấu. Thử thách thứ nhì này rất lớn, sau những thất bại trong đợt thử thách đầu tiên. Phải đối phó hữu hiệu nếu không sẽ có nguy cơ một đợt lây nhiễm mới. Hy vọng thoát khỏi khủng hoảng vô cùng lớn, nếu bị mất đi đó sẽ là một thảm kịch đối với người Pháp và những người lãnh đạo họ.

Hệ thống bảo hiểm xã hội Pháp rơi vào cảnh NGUY HIỂm



Triển vọng không mấy tươi sáng của hệ thống bảo hiểm xã hội Pháp, mang tên chính thức là An Sinh Xã Hội (Sécurité Sociale) là đề tài trang nhất trên nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, với hàng tựa trắng trên phông nền đen rất tang tóc và ghi nhận: “Đình đốn kinh tế đẩy hệ thống An Sinh Xã Hội vào tình thế hiểm nguy”.

Theo tờ báo, do dịch Covid-19, thiếu hụt trầm kha của quỹ bảo hiểm xã hội Pháp năm 2020 sẽ vượt mức 40 tỷ euro, một điều chưa từng thấy từ trước đến nay, tồi tệ hơn, gấp đôi mức thâm thủng kỷ lục 28 tỷ của năm 2010. Thế mà đà đi xuống còn có nguy cơ chưa chấm dứt nếu căn cứ vào tuyên bố của bộ trưởng Ngân Sách Pháp, ông Gérard Darmanin, theo đó ước tính kể trên vẫn còn lạc quan.

Một trong những yếu tố chủ chốt dẫn đến thâm thủng khủng khiếp, đó là tình trạng mất việc – do phong tỏa chống dịch - với tỷ lệ thu dụng người lao động tuột dốc “một cách lịch sử”. Một ví dụ cụ thể: nếu trong tháng Giêng, số hợp đồng lao động còn tăng 4,7%, qua tháng 2, khi dịch bệnh mới manh nha, tỷ lệ này đã bắt đầu giảm 0,5%, để rồi tuột dốc thê thảm với tốc độ âm 22,6% vào tháng 3 khi lệnh phong tỏa được ban hành.

Hiện nay, đã có đến 10 triệu người làm công ăn lương bị rơi vào tình trạng thất nghiệp bán phần. Hệ quả nhãn tiền của tình hình này là món nợ của Quỹ Unédic, tức là quỹ bảo hiểm thất nghiệp do đại diện giới chủ và giới lao động cùng điều hành, đã tăng vọt.

Chi phí nặng nề của chế độ thất nghiệp bán phần

Không hẹn mà gặp, nhật báo Le Monde cũng dành tựa lớn trang nhất cho nạn thất nghiệp đang đe dọa nước Pháp, nhấn mạnh đến “Chi phí phải trả của chế độ thất nghiệp bán phần”.

Le Monde ghi nhận là chính bộ trưởng Lao Động, bà Muriel Pénicaud đã loan báo hôm 22/04 rằng mốc 10 triệu người thất nghiệp bán phần đã bị vượt qua, với hệ quả là Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp Unédic bị thâm thủng nghiêm trọng: Phần thu thì tuột giảm mạnh vì mất đi phần đóng góp bắt buộc của các xí nghiệp, trong lúc phần chi thì tăng vọt.

Theo ghi nhận của tờ báo, chỉ mới trong ba tháng đầu năm, mà quỹ bảo hiểm thất nghiệp Pháp đã phải gánh đến một món nợ 42 tỷ euro, tăng 5 tỷ so với tháng 12 năm 2019, và nhiều quan chức điều hành quỹ này dự trù một núi nợ đạt mức từ 50 đến 60 tỷ euro vào cuối năm nay.

Tình trạng kinh tế tệ hại kể trên, theo Le Monde, có khả năng thúc đẩy trở lại cuộc tranh luận về việc chính Nhà nước phải giành lại quyền kiểm soát quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì phong tỏa



Cùng khai thác chủ đề Covid-19 tại Pháp, báo Libération hôm nay chú ý đến một khía cạnh xã hội của chính sách phong tỏa: Các thay đổi trong cuộc sống gia đình.

Tờ báo Pháp đã chạy một tựa đề lớn trên trang nhất rất bí hiểm “La Covid famille”, vừa có thể hiểu là mô phỏng thành ngữ “la case départ – ô khởi đầu”, nói đến việc mọi người bị buộc phải quay về sống ở nơi xuất phát là gia đình của mình, vừa có thể hiểu môt cách bác học hơn khi tách rời từ “covid” ra thành “co”, nghĩa là “chung, cùng”, và “vid” hiểu là “sống”, gợi lên tình cảnh mọi thành viên gia đình phải bị buộc phải chung sống bên nhau 24 trên 24 tiếng đồng hồ.

Tờ báo Pháp đã giải thích ngay bên dưới tựa lớn rằng “Dù đó là một sự ngạc nhiên lý thú hay tồi tệ, tình trạng bị buộc phải sống chung đụng với nhau đã trở thành thử thách đối với quan hệ giữa những người trong cùng một gia đình”.

Bên trong, Libération đã dành nguyên một hồ sơ 6 trang để trích lời một số nhân chứng, nam cũng như nữ, nhận định về cuộc sống của họ trong những ngày bị phong tỏa vừa qua.

Từ những cặp vợ chồng đã ly dị nhau, nhưng giờ đây phải chung sống dưới cùng một mái nhà, cho đến những thanh niên từng đòi ra ở riêng giờ phải quay về sống cùng với cha mẹ, cuộc sống mới của những người này đã hoàn toàn đổi khác so với thường nhật, theo chiều hướng tốt hơn, nhưng đôi khi cũng tồi tệ hơn.







 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top