• Điểm Tin Quan Trọng trong ngày 17/3/2020: Canada đóng cửa biên giới / TT Trump: dịch COVID-19 có thể kéo đến tháng 7, tháng 8

Tin Tức

 

• Điểm Tin Quan Trọng trong ngày 17/3/2020

 

Canada đóng cửa biên giới

 


Người châu Âu trong đại dịch COVID-19 
Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, hôm thứ Hai (16/3), tuyên bố rằng Canada sẽ đóng cửa biên giới với những du khách không phải là công dân hoặc thường trú nhân để hạn chế tối đa sự lây lan của nCoV, theo SCMP.
“Những biện pháp này sẽ giúp cứu sống người dân”, ông Trudeau nói, và khuyên người Canada rằng không nên ra ngoài và đơn giản là nên “ở trong nhà”.
Việc hạn chế đi lại “sẽ không áp dụng trong thương mại”, ông Trudeau cho biết thêm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm báo nguồn cung những mặt hàng thiết yếu cho Canada”.

TT Trump: dịch COVID-19 có thể kéo đến tháng 7, tháng 8


Tổng thống Trump lắng nghe một câu hỏi của phóng viên sau khi thông báo về tình trạng khẩn cấp Quốc gia trong việc chống lại virus Vũ Hán, tại một cuộc họp báo vào ngày 13/3/2020, ở Vườn Hồng của Nhà Trắng (ảnh chính thức của Nhà Trắng chụp bởi Shealah Craighead).
Tổng thống Trump hôm 16/3 kêu gọi người Mỹ không nên đi du lịch và tránh tụ tập nơi công cộng để tránh bị nhiễm virus, và nói rằng dịch bệnh có thể kéo dài tới tháng 7 hoặc tháng 8.
“Nếu tất cả mọi người đều thực hiện thay đổi, những thay đổi quan trọng và đều hy sinh, chúng ta sẽ là một quốc gia và chúng ta sẽ đánh bại virus. Chúng ta sau đó sẽ có một lễ kỷ niệm lớn cùng nhau”, Tổng thống Trump nói trong phòng họp của Nhà Trắng.
“Chúng tôi thích đi trước khúc cua hơn là đi đằng sau nó”, Tổng thống nói.
“Họ nghĩ rằng tháng 8, có thể là tháng 7, có thể lâu hơn thế”, Tổng thống nói, đề cập đến câu trả lời ông nhận được khi tham khảo ý kiến từ các quan chức y tế công cộng về thời gian của dịch bệnh.
Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ không phong tỏa toàn quốc, nhưng một số khu vực có nhiều ca nhiễm bệnh có thể sẽ áp dụng các biện pháp như vậy.
Các quan chức Hoa Kỳ khuyến nghị trong 15 ngày tới, người Mỹ nên tránh tụ tập hơn 10 người; tránh đi lại tùy ý; tránh ăn ở quán bar, nhà hàng và khu ẩm thực; và làm việc hoặc tham gia học ở nhà khi có thể.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hôm 15/3 cũng khuyến nghị người Mỹ nên hủy bỏ các cuộc tụ họp từ 50 người trở lên trong 8 tuần tới.

TT Trump tự đánh giá chính quyền của ông 10 điểm trong việc phản ứng với virus Vũ Hán

Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm 16/3 rằng ông đánh giá cao phản ứng của chính quyền Washington đối với virus Vũ Hán và ông cho họ 10 điểm.
“Tôi đánh giá 10 điểm”, Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 16/3 khi được phóng viên hỏi rằng ông đánh giá thế nào về phản ứng của chính quyền trước đại dịch.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thực hiện công việc một cách tuyệt vời, bắt đầu với thực tế là chúng tôi đã giữ cho quốc gia tránh bị nhiễm bệnh rất cao, vượt qua tất cả, ngay cả các chuyên gia cũng nói rằng còn quá sớm để làm điều đó. Chúng tôi đã rất, rất sớm đối với Trung cộng , và chúng ta sẽ có một tình huống hoàn toàn khác ở đất nước này nếu chúng tôi không làm điều đó”, Tổng thống nói về quyết định của chính quyền trong việc sớm hạn chế đi lại với Trung cộng , nơi bắt nguồn virus.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, một động thái mở đường cho việc cung cấp hơn 40 tỷ USD viện trợ cho các tiểu bang trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Hôm 16/3, Tổng thống kêu gọi người Mỹ tránh đi lại và tụ tập tại các nhà hàng và các không gian công cộng nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang đối mặt với những lời chỉ trích về việc thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và cho rằng ông đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Nhân viên y tế Ý thiếu khẩu trang bảo hộ

Các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống COVID-19 ở Ý đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đồ bảo hộ, nhiều người phải đeo duy nhất một khẩu trang trong suốt 12 giờ, gây ra nguy cơ nhiễm bệnh cao, một nhóm hỗ trợ phòng chống dịch cho biết thông tin hôm thứ Hai (16/3), theo Fox News.
Tổ chức các Bác sĩ không biết giới, với tên viết tắt bằng tiếng Pháp là MSF, nói rằng tình trạng thiếu nguồn cung cấp phương tiện y tế thiết yêu đang trở nên phổ biến ở Ý, quốc gia hiện có số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất bên ngoài Trung cộng .
MSF cũng cảnh báo những gì xảy ra ở Ý thời điểm hiện tại cũng rất có thể sẽ xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. “Hiện tại Ý rất cần nguồn cung cấp thiết bị bảo hộ để bảo vệ nhân viên y tế, nhưng chỉ trong ít tuần nữa, điều này có thể cũng sẽ xảy ra ở những nơi khác”.

Pháp và EU tăng cường các biện pháp mạnh chống CoVid-19

Pháp đã áp lệnh phong tòa gần như với toàn bộ đất nước, trong khi đó EU cấm người ngoài khối tới thăm trong 30 ngày nhằm nhanh chóng đẩy lùi đại dịch COVID-19, theo The Guardian.
“Chúng ta đang trong cuộc chiến, một cuộc chiến [bảo vệ] sức khỏe cộng đồng, chắc chắn rồi, chúng ta đang có chiến tranh chống lại một kẻ thù vô hình và không dễ kiểm soát”, Tổng thống Pháp Macron nói hôm thứ Hai (16/3), sau khi thông báo tất cả người dân Pháp, từ thứ Ba, được yêu cầu hạn chế di chuyển trong 15 ngày, trừ trường hợp có lý do đặc biệt.
Ông Macron cũng cho biết Pháp sẽ đóng cửa biên giới từ thứ Ba, mặc dù vậy công dân Pháp ở nước ngoài được phép trở về nhà. Trước đó, Chủ tịch ủy ban châu Âu, Bà Ursula von der Leyen, nói EU sẽ ngưng đón khách ở các nước ngoài khối, trừ các chuyên gia về nCoV, bác sĩ và nhà ngoại giao. Bà Leyen cho biết thêm, hạn chế này sẽ kéo dài trong 30 ngày nhưng có thể được điều chỉnh.

Thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 ở châu Phi

Hôm thứ Hai (16/3) đã có thêm nhiều nước châu Phi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên. Một số nước ở châu lục này đã tuyên bố đóng cửa biên giới để phòng dịch, theo Reuters.
Hiện châu Phi có 30 quốc gia thông báo có người nhiễm nCoV, với gần 400 bệnh nhân được thống kê. Tanzania, Liberia, Benin và Somalia là những nước mới nhất thông báo có người lây nhiễm loại virus khởi phát từ Vũ Hán, Trung cộng .
Các chuyên gia lo ngại rằng với điều kiện y tế yêu kém, dịch COVID-19 nếu bùng phát ở châu Phi sẽ rất khó kiểm soát. 

Mỹ – Trung ‘căng thẳng’ vì TT Trump gọi COVID-19 là ‘virus Trung cộng”

Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng tối ngày 11/3/2020 
Hôm 16/3, Tổng thống Donald Trump đã gọi virus corona là virus Trung cộng , góp phần vào cuộc chiến ngôn từ ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã căng thẳng về thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, tự do báo chí và hiện tại là sự bùng phát của COVID-19.
Tổng thống Donald Trump hôm 16/3 viết trên Twitter: “Nước Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp này, như Hàng không và các ngành khác, đang bị ảnh hưởng rõ ràng bởi virus Trung cộng . Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết!”.

Nội dung Twitter của Tổng thống Trump 

Sau dòng tweet của ông Trump, vào hôm 17/3, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng  tuy không đề cập đến tên của Tổng thống Mỹ, đã gọi tweet này là “một sự bôi nhọ” và rằng Trung cộng  “bày tỏ sự tức giận và phản đối mạnh mẽ về điều đó”, theo abc News.
Trước đó, theo Reuters, vào ngày 13/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập Đại sứ Trung cộng  tại Mỹ để phản đối ý kiến của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng  nói rằng, quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang chủng mới của virus corona đến Vũ Hán.

NT Pompeo chỉ trích việc Trung cộng ‘vu’ cho Mỹ gây ra COVID-19

Hôm thứ Hai (16/3), Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong một cuộc điện đàm với một quan chức cấp cao Trung cộng , nói rằng Mỹ kịch liệt phản đối việc Bắc Kinh đổ lỗi cho Washington gây ra đại dịch COVID-19, theo Reuters.
“Ngoại trưởng Pompeo đã bày tỏ rằng Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Trung cộng  cố gắng tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra đại dịch COVID-19”, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói về cuộc điện đàm giữa ông Pompeo và ông Yang Jiechi, trưởng văn phòng đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung cộng .
“Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng đây không phải là thời điểm để truyền bá thông tin sai lệch và những tin đồn kỳ quặc, mà là lúc để tất cả các quốc gia cùng nhau chống lại mối đe dọa chung này”, bà Ortagus cho biết thêm.
Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu tuần trước, đã triệu mời đại sứ Trung cộng  để phản đối những phát biểu của Bắc Kinh cho rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán. David Stillwell, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên trách vấn đề Đông Á, khi gặp Đại sứ Trung cộng  tại Mỹ, Cui Tiankai, đã bày tỏ sự giận giữ đối với cáo buộc vô căn cứ này.

Người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin thử nghiệm kháng COVID-19

 


Bà Jennifer Haller, 43 tuổi, ở Seattle, là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin thử nghiệm kháng COVID-19 vào hôm thứ Hai (16/3).
Vắc-xin này có tên mã mRNA-1273, được phát triển bởi sự hợp tác giữa Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và công ty sinh học Moderna Inc. có trụ sở ở Massachusetts, theo hãng tin AP. 
Vắc-xin không thể khiến người thử nghiệm nhiễm COVID-19 nhưng có chứa một mã di truyền vô hại được sao chép từ virus gây bệnh.
4 bệnh nhân đã nhận được mũi tiêm thử nghiệm tại cơ sở nghiên cứu Kaiser Permanente tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ. 
Bà Jennifer Haller là người đầu tiên được tiêm vắc-xin thử nghiệm. 
“Đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi làm điều gì đó”, bà Jennifer Haller nói với AP. Sau khi tiêm, người mẹ hai con rời phòng thí nghiệm với nụ cười tươi: “Tôi cảm thấy rất tuyệt”.
Cuộc thử nghiệm sẽ thực hiện trên 45 tình nguyện viên với mỗi người hai liều, cách nhau một tháng.
Cột mốc hôm thứ Hai đã đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các nghiên cứu ở người để chứng minh liệu các mũi tiêm có an toàn và có hiệu quả hay không. Nhưng cả khi nghiên cứu suôn sẻ, vắc-xin chưa có sẵn để sử dụng rộng rãi trong 12 đến 18 tháng nữa, Tiến sĩ Anthony Fauci thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.

Tập đoàn Luật ở Mỹ 
kiện chính phủ Trung cộng  chậm trễ trong việc xử lý virus Vũ Hán



Tập đoàn Luật Berman là một công ty luật lớn ở tiểu bang Florida, Mỹ 
Tập đoàn Luật Berman ở thành phố Boca Raton, tiểu bang Florida, Mỹ đã đệ đơn kiện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và một số thực thể khác của chính phủ Trung cộng , vì cho rằng họ đã xử lý sai sự bùng phát của COVID-19.
Đơn kiện cáo buộc chính phủ Trung cộng  đã không xử lý tốt virus khiến nó lây lan ra toàn cầu và trở thành đại dịch.
5 nguyên đơn gồm 4 cư dân của tiểu bang Florida và một trung tâm đào tạo cầu thủ bóng chày ở thành phố Boca Raton, không ai có virus, nhưng nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi vụ dịch, đã ủy quyền cho Tập đoàn Luật Berman (The Berman Law Group) nộp cho Tòa án Liên bang Mỹ tại Miami bản cáo trạng dài 20 trang.
Các bị cáo bao gồm: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bộ Y tế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Ủy ban Y tế Quốc gia), Bộ Nội vụ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bộ Quản lý Khẩn cấp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chính quyền tỉnh Hồ Bắc và chính quyền thành phố Vũ Hán.
Tập đoàn Luật Berman, nói rằng kể từ khi nộp đơn, họ đã nhận được hàng chục cuộc gọi từ những người khác muốn được thêm vào phần nguyên đơn.
Các nguyên đơn “hầu như chắc chắn phải chịu đựng bệnh tật hoặc tử vong, cũng như đau khổ về cảm xúc và các biểu hiện thể chất, do ảnh hưởng từ sự bùng phát cùng các thiệt hại khác”, theo đơn khiếu nại.
Đơn kiện cáo buộc chính phủ Trung cộng  “biết COVID-19 rất nguy hiểm và có khả năng gây ra đại dịch, nhưng từ từ hành động….. và/hoặc che đậy nó vì lợi ích kinh tế của chính họ”.
Bên cạnh đó, các nguyên đơn cũng yêu cầu điều tra các cáo buộc chưa được xác nhận về nguồn gốc của virus, bao gồm một giả thuyết cho rằng nó xuất hiện từ một phòng thí nghiệm vi sinh học ở Vũ Hán, Trung cộng .
Tập đoàn Berman tự tin rằng họ có thể xác định nguồn gốc của virus sau khi họ có được tài liệu từ Trung cộng .
Trong khi chính phủ Trung cộng  có thể phớt lờ vụ kiện, một chuyên gia tư vấn của Tập đoàn Berman nói với các phóng viên rằng, có những cách để đảm bảo chính phủ Trung cộng  tuân thủ quy trình của tòa án, bao gồm nhắm mục tiêu vào các tài khoản ngân hàng khác nhau và dựa vào các hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Trung cộng .
Tập đoàn Luật Berman được hỗ trợ bởi những tên tuổi lớn như Frank Biden, em trai của Joe Biden – cựu Phó Tổng thống Mỹ và cựu Thượng nghị sĩ Joseph Abruzzo.

Nhà văn đạt giải Nobel chỉ trích Trung cộng  về dịch COVID-19



Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru đạt giải Nobel năm 2010 
Theo bản tin của AFP ngày 17/3, ông Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru đạt giải Nobel năm 2010, đã viết bài báo cho tờ El Pais của Tây Ban Nha, nói rằng tình hình dịch COVID-19 sẽ khác đi nếu Trung cộng  là một nước dân chủ.
Nhà văn Vargas Llosa, 83 tuổi, đã lưu ý trong bài báo của mình rằng “ít nhất một bác sĩ danh tiếng và có thể nhiều người đã phát hiện ra loại virus này trong một thời gian dài, nhưng thay vì thực hiện các biện pháp phù hợp, chính phủ đã cố gắng che giấu thông tin và khiến những người lên tiếng phải im lặng và cố gắng bóp nghẹt thông tin, cũng như có những hành động độc tài”.
Ông Vargas Llosa cũng đề cập đến virus corona chủng mới “đến từ Trung cộng ”, song Đại sứ quán Trung cộng  ở Peru phủ nhận điều này.
Loại virus này được cho là bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung cộng . Chính quyền Bắc Kinh lần đầu thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới về bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019. Một tuần sau, giới chức Trung cộng  tuyên bố họ đã xác định được loại virus mới, vài ngày trước khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được báo cáo bên ngoài đại lục, là ở Thái Lan.
Tuy nhiên, theo AFP, gần đây một quan chức Trung cộng  tuyên truyền “có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán”. Trong cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), trưởng văn phòng đối ngoại của chính quyền Trung cộng , Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ kịch liệt phản đối việc Bắc Kinh đổ lỗi cho Washington gây ra đại dịch COVID-19, theo Reuters.

Malaysia xác nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19


Theo CNA, một mục sư tại nhà thờ Emanuel ở thành phố Kuching, bang Sarawak, 60 tuổi, đã qua đời lúc 11h sáng nay, đánh dấu ca tử vong đầu tiên vì nCov ở Malaysia.
193 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đang được cách ly tại nhà. Malaysia hiện ghi nhận gần 600 ca nhiễm COVID-19 và là ổ dịch lớn nhất ở Đông Nam Á cho đến nay.

Venezuela cách ly toàn quốc

Theo CNN, Tổng thống Nicolas Maduro ra lệnh cách ly toàn quốc từ hôm nay nhằm ngăn dịch COVID-19, sau khi yêu cầu người dân thủ đô Caracas ở trong nhà.
“Lệnh cách ly toàn quốc có hiệu lực từ 5h ngày 17/3 . Chúng ta đang cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng. Nếu không được kiềm chế và ngăn chặn, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cộng đồng”, ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela nói trong cuộc họp ngắn qua video ngày 16/3.
Ông yêu cầu lực lượng cảnh sát, y tế và quan chức địa phương phối hợp để thi hành lệnh cách ly toàn quốc.

Diễn viên Olga Kurylenko của phim ‘James Bond’ nhiễm COVID-19


Mỹ nhân của James Bond hiện cách ly tại nhà vì COVID-19
Olga Kurylenko, sao nữ trong phim James Bond đã xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Nữ diễn viên, người mẫu Olga Kurylenko, nổi danh với vai diễn chính Camille Montes trong phần phim Quantum of Solace năm 2008, thuộc series James Bond (Tựa Việt: Điệp viên 007), đóng cùng tài tử người Anh Daniel Craig. 
‘Bond girl’ Olga Kurylenko tiết lộ trên Instagram rằng cô đã nhiễm virus corona.
Người đẹp Pháp gốc Ukraine, 40 tuổi, nói rằng cô đã được chẩn đoán dương tính nCoV sau khi ốm cả tuần.
“Tôi bị sốt và mệt mỏi. Hãy chăm sóc bản thân một cách nghiêm túc”, nữ diễn viên chia sẻ thông tin cô “bị nhốt” tại nhà kèm theo 1 bức ảnh khung cửa sổ trên Instagram cá nhân có gần 600.000 người theo dõi.
Người hâm mộ Olga Kurylenko đã đăng tải những lời chúc cô sớm khỏe lại.

Olga Kurylenko là diễn viên nổi tiếng mới nhất gia nhập danh sách các ngôi sao mắc COVID-19.
Ngoài vai diễn để đời trong James Bond, Olga Kurylenko được biết đến nhiều với vai diễn đóng cùng tài tử Tom Cruise trong bộ phim khoa học viễn tưởng Oblivion (Tựa Việt: Bí mật Trái Đất diệt vong) ra mắt năm 2013.
Tin tức về nữ diễn viên cũng xuất hiện vào thời điểm đại dịch cũng đang tàn phá Hollywood.
Trước đó, vào ngày 11/3 (giờ Mỹ) vợ chồng diễn viên gạo cội Hollywood Tom Hanks đã công bố họ dương tính với COVID-19 trong khi ở Úc, khi nam diễn viên chuẩn bị quay bộ phim Elvis Presley của Baz Luhrmann. Việc sản xuất phim này đã dừng lại. Hiện, vợ chồng Tom Hanks được cách ly và điều trị tại Úc.
Theo Billboard ngày 15/3, Lucian Grainge, chủ tịch và CEO của Universal Music cũng nhập viện để điều trị COVID-19.

Thứ trưởng Kinh tế Brazil nhiễm COVID-19

Reuters dẫn thông báo của văn phòng ông Marcos Troyjo, Thứ trưởng Kinh tế Brazil phụ trách ngoại thương, hôm nay cho biết ông Troyjo đã nhiễm nCov.
Theo thông báo, ông Troyjo không có triệu chứng nhiễm bệnh và làm việc tại nhà trong điều kiện cách ly nghiêm ngặt.
Ông Troyjo là một thành viên của phái đoàn cấp cao Brazil gần đây có chuyến thăm tới bang Florida, Mỹ. Ông đã ở thành phố Miami, Florida để dự các cuộc họp và không tham dự bữa tiệc tối do Tổng thống Donald Trump chủ trì để tiếp đón các quan chức cấp cao của Brazil.
Tờ Sydney Morning Herald cho biết, ông Troyjo là người thứ 5 trong phái đoàn quan chức Brazil tới Mỹ nhiễm COVID-19.

2 nhân viên của WHO nhiễm COVID-19


Trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ 
Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 17/3 cho biết hai nhân viên của tổ chức này dương tính với nCov.
“Các nhân viên đã rời văn phòng và xuất hiện các triệu chứng ở nhà, sau đó xét nghiệm và xác nhận đã dương tính với COVID-19”, ông Christian Lindmeier, phát ngôn viên của WHO phát biểu trước các phóng viên. “Vì vậy, chúng tôi xác nhận 2 ca nhiễm bệnh”, ông Lindmeier nói thêm. 
Chưa rõ hai nhân viên này có tham gia công tác kiểm soát COVID-19 hay không.
Trụ sở của WHO được đặt tại Geneva, Thụy Sĩ, là nơi làm việc của khoảng 2.400 nhân viên và chuyên gia tư vấn nhưng hiện tại hầu hết mọi người làm việc ở nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Nổ bom bên ngoài văn phòng chính phủ Thái Lan, 18 người bị thương

Reuters dẫn tin từ một quan chức Thái Lan hôm nay cho biết, hai quả bom phát nổ bên ngoài Trung tâm Hành chính Các tỉnh Biên giới miền Nam (SBPAC) ở tỉnh Yala, miền Nam nước này, khiến ít nhất 18 người bị thương.
Đại tá Pramote Prom-in, người phát ngôn của lực lượng an ninh khu vực, cho hay: “Vụ nổ đầu tiên là một quả lựu đạn được ném vào khu vực bên ngoài hàng rào văn phòng SBPAC để thu hút người dân. Sau đó, một chiếc ô tô chứa bom cách vụ nổ đầu tiên khoảng 10 m đã phát nổ… 18 người bị thương, không ai thiệt mạng”.
Ông Pramote cho biết thêm, trong số những người bị thương có 5 phóng viên, 5 sĩ quan cảnh sát, 2 binh sĩ, còn lại là những nhân chứng. Hiện chưa tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này.

Nghỉ học kết hợp với làm việc từ xa giúp giảm 40% dịch bệnh


Đóng cửa các trường học là một trong những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. REUTERS/Eric Gaillard

 (RFI) Châu Âu, trong đó có nước Pháp, đang trở thành tâm dịch Covid-19. Trong những ngày gần đây, chính phủ một số nước đã đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đà bùng phát vượt tầm kiểm soát dich bệnh. Phối hợp nhiều biện pháp nghiêm ngặt, như đóng cửa trường học, hay làm việc từ xa, sẽ cho phép làm chậm lại và giảm đáng kể cường độ của dịch Covid-19. Trên đây là kết quả nghiên cứu của Inserm.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường. Nhưng có điều chắc chắn là, để đối phó hiệu quả với đại dịch, không thể tránh khỏi việc áp dụng các biện pháp triệt để. Theo một dự đoán của nhà dịch tễ học Neil Ferguson, Imperial College, Luân Đôn, về tình hình dịch bệnh nước Pháp, thì trên lý thuyết, nếu cứ để dịch Covid-19 diễn ra tự nhiên ước tính sẽ có khoảng từ 300 đến 500 ngàn người chết, và từ 30 đến 100 ngàn người bệnh nặng vào lúc cao điểm (điều đó không có nghĩa là từ đầu dịch đến nay chính quyền đã không có các biện pháp gì để ngăn chặn dịch).

Các dự báo của nhà dịch tễ học Neil Ferguson ắt hẳn đã nằm trong số các thông tin được chính phủ Pháp cân nhắc trước khi đưa ra các biện pháp ngày càng triệt để hơn trong thời gian qua.

Để đối phó hiệu quả với căn bệnh lây lan đáng sợ này, điều quan trọng - nhưng chưa hẳn ai cũng biết hay hiểu rõ - là giảm mạnh các tiếp xúc giữa người với người. Biện pháp này có tác dụng trông thấy. Trên Le Monde hôm qua, 16/03/2020, có bài viết của bác sĩ Paul Benkimoun với tựa đề "Virus corona : làm việc từ xa và đóng cửa trường học có thể cắt đỉnh dịch đến gần 40 %’’, giới thiệu một số kết quả nghiên cứu vừa được Inserm (Viện Y Học Quốc Gia Pháp) công bố trên trang mạng của Inserm - Sorbonne Université Epix-Lab. Nghiên cứu - do bà Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ học và y tế cộng đồng chủ trì - cho thấy việc áp dụng phối hợp hai biện pháp, đóng cửa trường học và làm việc từ xa, sẽ có thể mang lại một tác động tích cực đối với diễn biến dịch bệnh.

Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã tập trung vào ba vùng miền bắc của nước Pháp, nơi có đến hơn 300 ca dương tính với Covid-19 vào ngày 13/03: Vùng thủ đô L’Ile-de-France, vùng cực bắc Hauts-de-France và vùng đông bắc Grand Est. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận khả năng nhiều trẻ em là kênh truyền virus SARS-CoV-2, sau khi chúng bị lây nhiễm. Việc ghi nhận đối tượng này là một cảnh báo quan trọng về mặt dịch tễ học.

Các nhà nghiên cứu của Inserm sử dụng nhiều dữ liệu của mạng lưới Sentinelles, hoạt động tại ba vùng nói trên. Mạng Sentinelles, thành lập năm 1984, là một mạng lưới các bác sĩ đa khoa và nhi khoa tư nhân có mặt trên khắp nước Pháp, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thông tin về dịch tễ học. Sentinelles phối hợp chặt chẽ với Viện Y Tế Quốc Gia Pháp Inserm, và được sự trợ giúp của Inserm về chuyên môn. Sự tham gia của Mạng Sentinelles mang lại các thông tin bổ sung quan trọng. Theo người phụ trách nhóm nghiên cứu của Inserm, các thông tin từ thực địa cho thấy, tại Pháp, số người nhiễm virus Sars-CoV2 (gây bệnh Covid-19) ước tính vượt gấp 30 lần số ca dương tính với virus, được hệ thống y tế ghi nhận.

Việc mô hình hoá dự báo diễn biến dịch bệnh trong nghiên cứu nói trên chỉ ra là việc đóng cửa trường học trong vòng 8 tuần lễ, tức cho đến kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, sẽ chỉ cho phép giảm được 10% đỉnh dịch, hay làm ‘‘phẳng đường cong của dịch’’ (theo thuật ngữ của giới chuyên môn). Người phụ trách của nhóm nghiên cứu Inserm nhấn mạnh là biện pháp này hoàn toàn là không đủ, và để lại nhiều hậu quả nặng nề khác về xã hội, đặc biệt đối với các cha mẹ phải ở nhà để chăm sóc con cái. Ngược lại, nếu áp dụng biện pháp này được phối hợp cùng với viêc 25% người trưởng thành ở nhà, làm việc từ xa, thì việc đóng cửa trường học trong vòng 8 tuần lễ sẽ có thể làm đẩy lùi đỉnh dịch được đến gần hai tháng, đồng thời hạ thấp gần 40% đỉnh dịch, tức số người nhiễm bệnh hàng ngày trong thời gian dịch đang lên đến đỉnh điểm.

Việc đỉnh dịch chậm đi hai tháng, và cường độ của dịch giảm xuống gần một nửa, là điều mà hệ thống bệnh viện đang rất mong mỏi, vì tình trạng vốn đã căng thẳng, và nguy cơ hệ thống y tế sớm hoàn toàn quá tải, nếu số lượng người nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên với cấp số nhân như hiện nay.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Inserm, nhà dịch tễ học Vittoria Colizza, thì rất cần có thêm các biện pháp bổ sung, giới hạn nghiêm ngặt các tiếp xúc, để việc hãm lại đà bùng phát của Covid-19 đạt hiệu quả. Về triển vọng của cuộc chiến chống Covid-19 tại Pháp, nhà dịch tễ học Vittoria Colizza tỏ ra hết sức thận trọng, khi so sánh với tình hình tại Trung cộng . Nếu căn cứ theo các số liệu chính thức của chính quyền Trung cộng , dịch Covid-19 tạm lui sau khoảng 7 tuần lễ. Tuy nhiên, tương quan dịch bệnh giữa hai bên vào thời điểm đầu của dịch bệnh là khác hẳn nhau. Nhà nghiên cứu Inserm nhấn mạnh là, vào thời điểm đầu (giữa tháng 1/2020), tại Trung cộng , chỉ có chưa đến 20 ca tử vong, trong khi đó tại Pháp đã có hơn 100 người chết. Như vậy, theo bà, thời gian để dịch bệnh thoái lùi tại Pháp ắt hẳn sẽ kéo dài hơn Trung cộng . Thời gian chắc chắn sẽ kéo dài hơn và ắt hẳn cũng phải có thêm nhiều biện pháp phối hợp triệt để khác, theo hướng trên, để dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát

 

Việt Nam chuẩn bị dùng radar quân sự đối phó dịch châu chấu


HÀ NỘI, Việt Nam  Việt Nam có thể phải đối phó với dịch châu chấu đang di chuyển từ Ấn Độ, Pakistan sang hướng Đông với nhiều phần đến tận Việt Nam tàn phá mùa màng, cây cỏ.
Nhiều ngày vừa qua báo chí trong nước từng đề cập nguy cơ này.
Đến hôm Thứ Hai 16 Tháng Ba, tờ Dân Trí lập lại một đề nghị của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN một cách đối phó với hàng triệu con châu chấu hiện đã và đang tàn phá tại một số quốc gia Trung Đông, Châu Phi, Nam Á. Nguy cơ chúng di chuyển về hướng đông đến tận Việt Nam là rất có thể xảy đến.
Theo đề nghị vừa kể, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn “có thể phải trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu sa mạc có nguy cơ tiến vào Việt Nam,… đồng thời đề xuất kế hoạch ứng phó” khi dịch châu chấu này di chuyển đến đây.
Theo nguồn tin trên, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn dẫn thông tin từ FAO cho biết, dịch châu chấu sa mạc Schitocera gregaria bắt nguồn từ Tháng Năm đến Tháng Sáu năm 2019 tại Yemen, Ả Rập Xê Út và phía Tây Nam Iran, sau đó di cư đến phía Bắc Somalia, Ethiopia, Kenya và khu vực biên giới Ấn Độ – Pakistan từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Hai, 2019.
Hồi giữa Tháng Hai 2020, cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) của LHQ báo động dịch châu chấu đe dọa khủng hoảng lương thực tại một số nước Châu Phi như Ethiopia, Kenya, Uganda, Tanzania and Somalia. FAO yêu cầu quốc tế trợ giúp khẩn cấp để các quốc gia này tránh được thảm kịch chết đói đang đến gần với hàng triệu người.
Các biện pháp như xịt thuốc diệt côn trùng hiện được áp dụng nhưng không đủ tác dụng khi hàng tỉ con châu chấu sinh sản quá nhanh, quá nhiều. FAO tiên đoán đến Tháng Sáu tới đây đàn châu chấu khắp nơi có thể đông gấp 500 lần, đe dọa an ninh lương thực đối với rất nhiều quốc gia trên hướng di chuyển của chúng.


Dịch châu chấu đang xảy ra tại Pakistan. (Hình: Siddique Baluch/AP)

Chỉ riêng tại Kenya, người ta ước lượng đã có khoảng 200 tỉ con châu chấu mà mỗi con có khả năng ăn một trọng lượng lá cây bằng sức nặng của nó. Tính ra, tương dương với sức ăn của 84 triệu người trong một ngày, theo tài liệu phúc trình của Liên Hiệp Quốc. Một viên chức FAO sau khi đi thăm Somalia kể rằng một đàn châu chấu có thể kéo dài tới 460 dặm với 40 triệu con tới 80 triệu con chỉ trong phạm vi nửa dặm.
Phần lớn các quốc gia Châu Phi đang bị dịch châu chấu tàn phá. Chúng phát triển nhanh bất thường tới một số quốc gia khu vực Trung Đông và tới các nước Nam Á như Pakistan, Ấn Độ từ Tháng Giêng đến giữa Tháng Hai, 2020. Người ta tin rằng đợt dịch châu chấu bây giờ phát khởi từ Yemen ba tháng trước đây. Tại Ấn Độ, dịch châu chấu đã tàn phá khoảng 350,000 hécta đất nông nghiệp.
Hồi cuối tháng trước thấy có tin chuyên viên Trung cộng  đề nghị gửi một quân đoàn vịt với 100,000 con sang nước Pakistan giúp đối phó với dịch châu chấu.
Một nhà khảo cứu tên Lu Lizhi của Viện Khoa Học Nông Nghiệp tỉnh Triết Giang nói với tạp chí Times là một con vịt có thể ăn đến 200 con châu chấu mỗi ngày, hiệu quả hơn là đối phó với dịch bằng hóa chất. Tuy nhiên, sau đó báo chí địa phương nói nhà cầm quyền Trung cộng  bác bỏ kế hoạch đó.
Theo tờ Dân Trí, “Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã chỉ đạo Cục Bảo Vệ Thực Vật yêu cầu các Chi Cục Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Tây Bắc (nơi có khả năng, dự kiến đàn châu chấu có thể di chuyển qua) theo dõi sát về tình hình phát sinh gây hại, phát hành tài liệu hướng dẫn các Chi cục nhận diện đối với châu sa mạc và biện pháp phòng chống.”
Đồng thời “Trao đổi với Bộ Quốc Phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp dịch trên diện rộng.” Hiện Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đang “xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc trừ châu chấu…”
Dịch châu chấu chưa tới nhưng nông dân Việt Nam tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên đang đối diện với hạn hán và nước biển xâm nhập sâu vào sông rạch nội địa. Không những đồng ruộng nứt nẻ, cây cối chết khô mà hàng trăm ngàn người đang thiếu cả nước uống. (TN)




 

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top