• Điểm Tin Quan Trọng ngày 9 tháng 3, 2020: Blogger Trương Duy Nhất bị kết án 10 năm tù giam/ Hồng Kông tưởng niệm nam sinh Châu Tử Lạc

Tin Tức

Điểm Tin Quan Trọng ngày 9 tháng 3, 2020

Blogger Trương Duy Nhất bị kết án
10 năm tù giam


Blogger Trương Duy Nhất tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 9/3/2020(Ảnh của Công An TP. HCM)
Nhà báo Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do vừa bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án 10 năm tù giam vào sáng 9-3-2020 với cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hội đồng xét xử quy kết, ông Trương Duy Nhất đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Trưởng văn phòng đại diện Trung Trung bộ của báo Đại Đoàn Kết, làm trái công vụ, tự ý ký ba công văn gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc đề nghị được mua nhà đất công sản.
Ngoài ra, theo báo Tuổi trẻ ông Nhất còn thỏa thuận với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) thông qua các hợp đồng nguyên tắc với nội dung thông báo sẽ bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79 bằng với giá được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 2 luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất viết trên Facebook cá nhân rằng ông Nhất nhất quán bác bỏ hoàn toàn cáo trạng.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên ông Trương Duy Nhất có tội và phải chịu hình phạt 10 năm tù giam.
Cũng theo luật sư trong lời nói sau cùng tại tòa, ông Nhất phát biểu cùng lời thơ cảm tác từ chí sĩ Phan Châu Trinh:
"Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm tin tưởng đến số phận pháp lý của tôi, điều đó giúp cho tôi thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua khổ nạn này.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con
Vụ án chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn!"
Ông Trương Duy Nhất được cho là bị an ninh Thái Lan bắt giữ và giao cho mật vụ Việt Nam dẫn độ về nước hồi tháng 1 năm 2019, chỉ một ngày sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin tị nạn chính trị.

Hồng Kông tưởng niệm nam sinh Châu Tử Lạc



Hong Kong Free Press đưa tin, hàng trăm người đã tập trung tại Tseung Kwan O vào Chủ nhật (8/3) để tưởng niệm nam sinh Châu Tử Lạc (Alex Chow Tsz-lok), người đã chết vào tháng 11 năm ngoái do ngã từ tầng 3 xuống tầng 2 của bãi đậu xe trong khu vực trên trong khi cảnh sát bắn hơi cay giải tán người biểu tình.
Vào lúc 19h30 (giờ Hồng Kông), đám đông bắt đầu có mặt tại ngã ba đường Tong Ming và đường Tong Chun. Họ đặt những bông hoa trắng và thắp nến ở bàn thờ được lập tạm thời bên ngoài bãi đậu xe. Người dân dành một phút mặc niệm vào lúc 20h09 – thời gian Châu qua đời vì ngừng tim vào ngày 8/11/2019. Áp phích ủng hộ dân chủ được dán trên các bức tường ở bãi đậu xe.
Vào lúc 20h20, cảnh sát giương cờ xanh tuyên bố việc tụ tập là bất hợp pháp, yêu cầu đám đông giải tán và chăng dây xung quanh nơi đám đông đứng. Nhiều người biểu tình vẫn ở lại, hô vang khẩu hiệu quen thuộc phong trào dân chủ. Nhà lập pháp Đảng Dân chủ Ted Hui đã đến nơi biểu tình sau 22h và cố gắng hòa giải giữa người dân và cảnh sát. Sau đó, nhiều người đã được phép rời đi, hầu hết mọi người vẫn ở lại sau 23h.

 Liên Hiệp Châu Âu bất lực trước đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ về di dân


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul hồi tháng 2/2020. Press Office/Handout via REUTERS
Minh Anh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan ngày 09/3/2020 đến Bruxelles để thảo luận cùng các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề di dân đang gây ra những căng thẳng giữa Athens và Ankara từ hơn 10 ngày qua. Tổng thống Erdogan muốn tìm kiếm điều gì ở Liên Hiệp Châu Âu ? Liệu khối 27 nước thành viên này có thể làm được gì để đối phó trước những áp lực từ Ankara ?
QUẢNG CÁO
Mọi việc bắt đầu từ ngày 27/02/2020, khi nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho phép người tị nạn ùa về biên giới ở Hy Lạp, cửa ngõ vào châu Âu. Cảnh tượng hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua rào chắn ở cửa khẩu hay vượt sông bị cảnh sát Hy Lạp và lực lượng Frontex của Liên Hiệp Châu Âu thô bạo đẩy lùi, khiến nhiều tổ chức nhân đạo không khỏi lo lắng, lên tiếng chỉ trích là vô nhân đạo và bất hợp pháp.
Phía Liên Hiệp Châu Âu, các nước thành viên đồng loạt lên án quyết định trên của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động « bắt chẹt » không thể chấp nhận. Một ngày trước khi đến Bruxelles, tổng thống Erdogan còn có những lời lẽ thách thức châu Âu khi tuyên bố « Hy Lạp, hãy mở hết các cánh cổng đi ! Những người này chỉ đi nhờ qua đây để đến các nước châu Âu khác (…) Hãy trút bỏ gánh nặng này đi ! ». Một thông điệp không chỉ dành riêng cho lãnh đạo Hy Lạp mà cả toàn bộ khối Liên Hiệp Châu Âu.
Tuyên bố này của nguyên thủ Thổ chẳng khác gì như gióng chuông báo tử cho « thỏa thuận 2016 » được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Theo đó, Ankara chấp nhận kềm giữ dòng người tị nạn chạy trốn chiến sự tại Syria, để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro.
Giờ đây, ông Erdogan cho rằng khoản trợ giúp đó không đủ để lo cho gần 4 triệu di dân tạm trú trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chỉ trích thái độ « phủi trách nhiệm » của Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Lời chỉ trích này còn nặng nề hơn bao giờ hết trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị « yếu thế » trước Syria và Nga tại Idleb. Lo ngại dòng người tị nạn đổ về biên giới, tổng thống Thổ đề nghị NATO và Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng không phận an toàn nhưng không được đáp ứng. Bởi vì trong hồ sơ Syria, tiếng nói của châu Âu hầu như không còn có trọng lượng. Và trong thế đường cùng này, Erdogan nghĩ rằng vấn đề di dân là một công cụ hiệu quả nhất để có thể tạo ra một phản ứng nhanh chóng từ phía châu Âu.
Đây có lẽ là một trong những mục tiêu chính của chuyến đi Bruxelles lần này của ông Erdogan. Nguyên thủ Thổ đã nhiều lần nhắc lại « giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria là châu Âu phải ủng hộ ông trong việc chống chế độ Bachar al-Assad ».
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn cũng sẽ thương lượng lại thỏa thuận 2016, theo đó, chi phí kiểm soát di dân phải do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý chứ không phải là do các tổ chức phi chính phủ. Ngoài vấn đề di dân, theo nhận định của thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, « Liên minh thuế quan » giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu và việc « mở lại các cuộc thương lượng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập mái nhà chung châu Âu » cũng nằm trong chương trình nghị sự lần này.
Câu hỏi đặt ra : Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được gì trước các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Didier Billion trên đài Franceinfo, Liên Hiệp Châu Âu không có nhiều phương tiện để gây áp lực với Ankara. Hình ảnh cảnh sát biên phòng Hy Lạp và lực lượng biên phòng Frontex tăng viện của châu Âu thẳng tay trấn áp những người di dân nào tìm cách vượt rào đã cho thấy rõ một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại trong việc tham vấn và thông qua một chính sách phân bổ người xin tị nạn.
Áp lực di dân lần này làm trỗi dậy nỗi ám ảnh của một cuộc khủng hoảng di dân cách nay 5 năm. Từng dòng người lũ lượt đổ về châu Âu từ khắp mọi ngả, khiến châu Âu rúng động và bị lúng túng. Những căng thẳng về bản sắc, các cuộc khủng bố đã làm dấy lên trào lưu chủ nghĩa dân túy trên khắp châu lục.
Xã luận của Le Monde cảnh báo : Thiếu chiến lược chung thì « Không một chính sách đối ngoại, không có rào cản nào có thể đủ để khống chế dòng người tị nạn do các cuộc khủng hoảng từ Cận Đông và châu Phi » đổ ùa về châu Âu.
Dường như châu Âu đang bị Thổ Nhĩ Kỳ dồn vào chân tường.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Brussels vào ngày 9/3

Hội đồng châu Âu hôm 8/3 cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ thăm Brussels vào ngày 9/3 để thảo luận về các vấn đề EU – Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm cả vấn đề liên quan đến Syria và di cư.
Ông Bare Barend Leyts, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cho biết trên Twitter rằng Tổng thống Erdogan sẽ gặp ông Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để thảo luận về vấn đề di cư, an ninh, ổn định trong khu vực và cuộc khủng hoảng ở Syria.

Bắc Hàn bắn 3 vật thể không xác định về phía biển Nhật Bản

Yonhap dẫn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Bắc Hàn sáng nay đã bắn 3 vật thể không xác định. 3 vật thể này được bắn từ khu vực Sondok ở tỉnh Nam Hamgyong, phía Đông Bắc Hàn về phía biển Nhật Bản. Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về loại vật thể mà Bắc Hàn đã bắn.

Phiên tòa Hòa Lan xét xử 3 người Nga và 1 người Ukraine vụ máy bay MH17 khiến 298 người thiệt mạng

 

Phiên điều trần đầu tiên trong phiên tòa xét xử 4 nghi phạm bỏ trốn trong vụ bắn hạ Chuyến bay 17 của Hàng không Malaysia đã bắt đầu ở Amsterdam vào thứ Hai, hơn 5 năm sau khi máy bay bị bắn hạ ở Ukraine.
Các công tố viên cho biết các nghi phạm, 3 người Nga và 1 người Ukraine đã tham gia việc sắp xếp hệ thống tên lửa Nga dùng để bắn hạ máy bay dân sự MH17. Các nghi phạm được cho là ở Nga và vắng mặt trong phiên tòa.
MH17 đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào ngày 17/7/2014, khi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa phóng ra từ lãnh thổ do phiến quân thân Nga nắm giữ trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ở miền đông Ukraine, khiến 298 người trên boong thiệt mạng. Nga phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top