• Điểm tin ngày 28 tháng 3, 2020: Hơn 9.000 cựu binh quân y Mỹ  tình nguyện làm việc để chống Đại dịch 

Tin Tức

• Điểm tin ngày 28 tháng 3, 2020

Hơn 9.000 cựu binh quân y Mỹ 
tình nguyện làm việc để chống Đại dịch 



Quân đội Mỹ đưa ra lời kêu gọi các lính quân y đã nghỉ hưu quay lại công việc để hỗ trợ đất nước chống dịch Covid-19.
Hơn 9.000 cựu binh quân y đã đáp ứng lời kêu gọi và được triển khai đến các bệnh viện quân đội tại New York và Seattle, theo ABC News đưa tin hôm 27/3.
Đầu tuần này, Quân đội Mỹ đã gửi thông báo đến hơn 800.000 cựu quân nhân và kết quả ban đầu "rất, rất tích cực", theo lời tướng James McConville.
Lực lượng tình nguyện viên này sẽ hỗ trợ tại các cơ sở y tế quân đội trên khắp nước Mỹ, nơi các nhân viên y tế đã được triển khai đến các bệnh viện dân sự để chống dịch Covid-19.
Một số cơ sở y tế ở Mỹ đã được chuyển thành các bệnh viện dã chiến, dùng để chăm sóc các bệnh nhân thông thường. Trong khi đó, các bệnh viện chính được dành để chăm sóc các bệnh nhân của dịch Covid-19.
"Thách thức đặc biệt này đòi hỏi những giải pháp đặc biệt tương ứng, và các cựu binh quân y của chúng ta đã cho thấy họ đủ khả năng làm việc ở cường độ cao nhất trong điều kiện thay đổi thường xuyên," bản thông báo của Quân đội Mỹ viết.
Ngoài ra, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết 40.000 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã đăng ký tham gia lực lượng chống dịch Covid-19 của bang, theo CBS News.
Đồng thời, hơn 6.000 chuyên gia sức khỏe thần kinh cũng đăng ký hỗ trợ online miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19.

Thành viên của Vệ quân Quốc gia ở trong Trung tâm Jacob K. Javits ở New York, ngày 27/3/2020, nơi trở thành bệnh viện dã chiến. (Ảnh: BRYAN R. SMITH/AFP via Getty Images)
Kích hoạt quân dự bị
Hôm 27/3, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ kích hoạt quân dự bị để sẵn sàng chiến đấu với đại dịch Covid-19. Số lượng binh sĩ dự bị được huy động có thể lên đến 1 triệu quân, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Trump cho biết nhiều quân nhân về hưu đã tình nguyện trở lại làm nhiệm vụ, nhưng lệnh huy động là cần thiết để lấp đầy những khoảng trống.
Lầu Năm Góc và Bộ An ninh Nội địa đang làm việc với thống đốc các bang để đảm bảo việc huy động quân dự bị không ảnh hưởng đến nhiệm vụ hiện có của quân đội.
Trước đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã huy động Vệ binh quốc gia để gấp rút chuyển đổi trung tâm triển lãm Jacob Javits ở Manhattan thành bệnh viện dã chiến với quy mô 1.000 giường bệnh.
Bang New York đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Số ca nhiễm ở thành phố này đã vượt quá 44.000, theo số liệu của Đại học John Hopkins. Số người nhập viện ở New York vào ngày 27/3 lên đến 6.000 người, gấp đôi so với 3 ngày trước đó.
Khoảng 12.300 Vệ binh Quốc gia đã được huy động trong những ngày gần đây để giúp các nhà chức trách đối phó với sự lây lan mạnh của đại dịch Covid-19.

Lễ hội Mardi Gras 1,4 triệu người 
biến New Orleans thành “ổ dịch” Covid-19

Số ca nhiễm Covid-19 là 2,744, số người chết là 119 trong 2 tuần


Hơn 1 triệu người đã tham gia lễ hội Mardi Gras tổ chức hồi tháng
 trước ở New Orleans, Louisiana (Ảnh: UPI)
Theo Telegraph, New Orleans đã trở thành một trong những điểm
 nóng Covid-19 tại Mỹ,  do lễ hội truyền thống thường niên 
mang tên Mardi Gras tổ chức hồi tháng 2.
Thành phố thuộc  Louisiana hiện có khoảng 2744 ca nhiễm Covid-19 
và theo một nghiên cứu khoa học, New Orleans ghi nhận tốc độ 
gia tăng số người nhiễm virus corona cao nhất thế giới trong 
2 tuần kể từ khi phát hiện ca đầu tiên.
Giới quan sát đang nghi ngờ lễ hội Mardi Gras nổi tiếng chính là
 nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Sự kiện tổ chức hồi tháng 2
 đã thu hút 1,4 triệu người tham gia.
Theo Telegraph, lễ hội nói trên được mô tả là “cơn bão hoàn hảo” 
cho sự lây lan của Covid-19 với những con phố kín đặc người.
 Họ cùng nhau cụng ly, diễu hành, nhảy múa và thực hiện các 
nghi lễ truyền thống.
Trong khi New York đang được xem là vùng dịch lớn nhất Mỹ, 
các thành phố như Detroit, Miami, Chicago và Los Angeles hiện
 đang chứng kiến số ca Covid-19 tăng vọt. Hiện Mỹ đã trở thành
 quốc gia có nhiều ca nhiễm virus corona mới nhất trên toàn cầu 
với hơn 100.000 trường hợp.
Giới chức thành phố New Orleans thừa nhận vào thời điểm đó 
họ không mấy lo lắng về tình hình dịch bệnh mặc dù Covid-19 khi 
đó đã lây nhiễm cho hàng chục nghìn người trên toàn cầu và Mỹ 
cũng đã có vài chục ca bệnh. Người phụ trách y tế của thành phố
 khi đó tin rằng cảm cúm “nguy hiểm hơn nhiều so với virus corona”, 
theo Washington Post.
13 ngày sau đó, vào ngày 9/3, Louisiana ghi nhận ca Covid-19 
đầu tiên. Các ổ dịch bắt đầu bùng phát ở một số nhà dưỡng lão. 
Các ca bùng phát không có nhiều liên kết với nhau, đồng
 nghĩa với việc tình trạng lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng khi
 đó được cho đã bắt đầu xảy ra.

Bức ảnh cho thấy Mardi Gras đã thu hút rất nhiều người tham gia (Ảnh: UPI)
Vào thời điểm đó, giới chức Louisiana mới bắt đầu suy nghĩ đến
 các nguyên nhân và lễ hội Madis Gras được cho đã “thổi bùng”
 bệnh dịch đi không chỉ trong thành phố New Orleans,  Louisiana 
mà có thể là cả nước Mỹ.
Tại New Orleans, các số liệu ghi nhận hôm 25/3 cho thấy số ca 
Covid-19 của thành phố này đã tăng 30% chỉ trong 24h.
Vào ngày 26/3, Louisiana có 2.477 ca Covid-19 và 119 người
 qua đời, và khu vực New Orleans chiếm 2/3 số người nhiễm và
 thiệt mạng.
Thị trưởng New Orleans LaToya Cantrell cho biết việc hủy Mardi Gras chưa bao giờ được cân nhắc tới. Bà cho biết các cơ quan liên bang  tham gia vào ban tổ chức lễ hội –
 bao gồm FBI và Bộ An ninh Nội địa – không đưa ra bất cứ cảnh báo
 nào về Covid-19. Các quan chức liên bang chú ý nhiều hơn tới âm 
mưu tấn công khủng bố vào thời điểm đó.
Vào tháng 2, cuộc sống của người Mỹ chưa mấy bị xáo trộn vì dịch. 
Mọi người vẫn tập trung đông đúc ở các sân bay. Giải bóng rổ nhà
 nghề NBA vẫn chưa dừng, trong khi công viên Disney World vẫn
 mở cửa.
Bà Cantrell cho biết vài tuần sau đó, bà đã hủy lễ diễn hành ngày 
Thánh Patrick’s và hành động  này đã bị một số người chỉ trích 
dữ dội.
 Bất chấp lệnh cấm, người dân sau đó vẫn tới chật cứng các quán
 bar ở khu French Quarter để vui chơi.
Giáo sư Gary Wagner của đại học Louisiana cho rằng virus đã bị lan
 truyền tại Mardi Gras, biến lễ hội này thành lây nhiễm”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ: Trung cộng ‘chắc chắn’ virus Vũ Hán không lây truyền giữa người


Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC 
Theo Fox News, vào hôm thứ Sáu (27/3), ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết Trung Cộng ban đầu tuyên bố rằng, virus Vũ Hán không truyền từ người sang người trước khi virus này gây ra đại dịch toàn cầu.
“[Họ] ban đầu khá chắc chắn rằng điều này không được truyền từ người sang người. Rõ ràng điều đó đã trở thành sự trừng phạt như họ đã thấy trong ba, bốn tuần đầu tiên của tháng một, rằng sự lây lan từ người sang người không chỉ xảy ra, mà hiện tại theo tôi nó còn lan truyền rộng hơn”, ông Redfield nói với chương trình “The Brian Kilmeade Show” của Fox News.
“Điều đó dẫn đến tình trạng của chúng ta hôm nay. Không ai có thể đoán được mức độ lây truyền, mức độ lây nhiễm của virus này thực sự như thế nào”, ông cho biết.
Trước đó, vào hôm 21/3, ông John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã lên án chính quyền Trung Cộng trong việc xử lý dịch bệnh và kêu gọi phần còn lại của thế giới hãy “hành động” trong việc buộc chính quyền này phải chịu trách nhiệm, theo hãng Fox News.

TT Trump: 2 ngàn tỷ đô cứu nguy kinh tế

Theo VOA, vào ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la, được cho là con số lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ trước tới nay, sau khi lưỡng viện Quốc hội nhanh chóng chấp thuận biện pháp này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở y tế, và giúp dân chúng vượt qua khó khăn tài chính trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Luật chi tiêu 2,2 ngàn tỷ đô la sẽ giúp chính phủ xúc tiến việc gửi cho người dân ngân phiếu 1.200 USD, tăng cường phúc lợi thất nghiệp cho hàng triệu người bị mất việc làm vì dịch viêm phổi Vũ Hán. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ sẽ nhận được các khoản vay, hỗ trợ, miễn giảm thuế. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ gửi hàng tỷ đô la chưa từng có từ trước đến nay tới các tiểu bang, các chính quyền địa phương cũng như hệ thống y tế trên toàn quốc.

Du khách Hoa Lục đến Hoa Kỳ giảm 84.1%

Theo dữ liệu từ một cơ quan của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, số lượng khách du lịch bay từ Trung Cộng đến Hoa Kỳ đã giảm 84,1% trong tháng Hai so với một năm trước đó, theo Reuters.
Dữ liệu của Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA) cũng cho biết số lượng khách du lịch Trung Cộng trong hai tháng đầu năm 2020 đã giảm 35,4% xuống 353.911 người so với một năm trước đó.
Theo ITA, người Trung Cộng chỉ chiếm 1,4% trong số hơn 2,4 triệu khách du lịch toàn cầu đến Hoa Kỳ vào tháng Hai. Tổng số khách đến nước ngoài trong suốt tháng 1 và tháng 2 cũng giảm 3,8% xuống 5,29 triệu, trong đó châu Á chiếm tỷ lệ giảm mạnh nhất do sự bùng phát của virus Vũ Hán. Tuy nhiên, số lượng người Ấn Độ đến Mỹ trong cùng kỳ tăng 7,3% lên 196.505 người.

Virus Vũ Hán lan tới Amazon

Theo Reuters, vào thứ Sáu (27/3), Bộ Y tế Brazil cho biết, một bác sĩ làm việc với bộ lạc lớn nhất ở Amazon đã cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán, gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng dịch bệnh có thể lan sang các cộng đồng bản địa dễ bị tổn thương.
Bác sĩ, người chưa được nêu tên, đã trở về vào ngày 18/3 sau khi điều trị cho bộ tộc Tikunas, một bộ tộc gồm hơn 30.000 người sống ở thượng lưu Amazon gần biên giới với Colombia và Peru. Ông bị sốt sau ngày hôm đó, và được cách ly, cho kết quả dương tính với viêm phổi Vũ Hán một tuần sau đó, Bộ cho biết.

Những quốc gia chưa có ca nhiễm

Theo Fox News, vào ngày 26/3, có 19 quốc gia trên thế giới chưa tuyên bố có ca nhiễm virus Vũ Hán, bao gồm: Botswana, Burundi, Carbo Verte, Comoros, Kiribati, Lesotho, Malawi, Palau, Samoa…. 
Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng và các chuyên gia toàn cầu cảnh báo rằng, những quốc gia chưa báo cáo ca nhiễm virus Vũ Hán không có nghĩa là nó không tồn tại trong đất nước của họ. Đối với một số quốc gia, đơn giản là thiếu các dụng cụ y tế để xét nghiệm, và đối với các quốc gia khác, là vấn đề đàn áp.
Bắc Hàn, quốc gia giáp Trung Cộng , thậm chí vẫn chưa công bố các ca nhiễm virus Vũ Hán ở nước này. Tuy nhiên, theo các tin tức tình báo, nước này đang phải chiến đấu với hàng ngàn ca viêm phổi Vũ Hán.

Đài Loan: Trà có thể chế ngự virus corona?



Đồi chè ở Đài Loan
Nghiên cứu gần đây của đội ngũ Đông y thuộc Bệnh viện Trường Canh Gia Nghĩa (Chiayi Chang Gung Memorial Hospital) bước đầu cho thấy chất “Theaflavin” trong lá trà thuần chủng Đài Loan có thể ngăn chặn sự phát triển của virus Vũ Hán.
Giáo sư Ngô Thanh Nguyên (Wu Ching-yuan), chủ nhiệm khoa Đông y của Bệnh viện Trường Canh Gia Nghĩa, cho biết, chất Theaflavin chiết xuất từ trà Đài Loan được trồng tại địa phương có thể là chất ức chế virus corona vốn dựa trên một loại protease để sao chép.
Trong số các loại trà khác nhau ở Đài Loan, trà lên men có chứa nhiều theaflavin hơn, ông cho biết.
Các phát hiện được Tạp chí Virus Y học công bố vào ngày 22/3. Ông Ngô nhấn mạnh rằng báo cáo này dựa trên các nghiên cứu sắp xếp phân tử.
“Vẫn còn phải xem cần thiết bao nhiêu theaflavin để tạo ra các tác dụng ức chế. Tuy nhiên, nghiên cứu đã mở ra cánh cửa để nghiên cứu y học thêm về chủ đề này”, ông Ngô nói.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng theaflavin có thể được neo trong một protease nhất định xúc tác cho sự sao chép của RNA của virus, do đó làm giảm kích hoạt phân giải protein. Remdesivir, một loại thuốc hiện đang được sử dụng ở Hoa Kỳ để điều trị một số bệnh nhân coronavirus, liên quan đến cùng một protease, ông Ngô nói.
Phát biểu tại phiên họp lập pháp vào sáng thứ Tư (25 /3), Bộ trưởng Hội đồng Nông nghiệp Trần Cát Trọng cho biết viện nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ sẽ vui lòng hỗ trợ bệnh viện trong việc khám phá chủ đề này.
Nhóm nghiên cứu đã sàng lọc hơn 80 hợp chất dược liệu truyền thống của Trung Cộng trước khi chốt vào theaflavin. Là một trong những bác sĩ bị cách ly trong vụ dịch SARS trên đảo năm 2003, ông Ngô cho biết kết quả này dựa trên hơn một thập kỷ nghiên cứu về cấu trúc virus.
Trưởng nhóm nghiên cứu tại bệnh viện trung tâm Đài Loan mong muốn được nghiên cứu thêm về hiệu quả này của trà.

Mỹ thưởng 15 triệu đô la để bắt TT Venezuela Maduro

 
Tư pháp Mỹ cáo buộc tổng thống Venezuela Nicolas Maduro liên kết với lực lượng du kích Colombia FARC để đổ ồ ạt ma túy vào Hoa Kỳ. REUTERS/Fausto Torrealba
Bộ Tài Chính Mỹ treo thưởng15 triệu đô la cho mọi thông tin để bắt giữ tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Bộ này cáo buộc tổng thống Venezuela và nhiều thành viên chính quyền Caracas đã hoạt động buôn lậu ma túy phục vụ mục tiêu khủng bố. Chính quyền Venezuela đã có phản ứng mạnh mẽ.
Thông tín viên RFI tại Venezuela, Benjamin Delille: 
Ngay trong lúc đại dịch virus corona hoành hành, thông báo của Washington là một vố đau mới đối với Venezuela. Một cuộc tấn công tồi tệ theo lời ngoại trưởng Jorge Arreaza.
Ông nói: Cộng Hòa Venezuela tố cáo một cuộc tấn công không biết lần thứ mấy của chính quyền Trump vào nhân dân Venezuela bằng hình thức đảo chính mới dựa trên những cáo buộc tồi tệ, trong lúc nhân loại phải chống lại một trong những đại dịch hung dữ nhất.
Tư Pháp Mỹ tố cáo ông Maduro liên minh với lực lượng du kích Colombia FARC để, xin trích, làm tràn ngập nước Mỹ với ma túy, và nêu lý do đó để treo tiền thưởng nhằm bắt tổng thống Venezuela.
Ngoại trưởng Venezuela rất tức tối nói: Treo tiền thưởng như những tay cao bồi kỳ thị chủng tộc miền Viễn Tây đã cho thấy nỗi tuyệt vọng của giới ưu tú có đầu óc da trắng thượng đẳng tại Washington và nỗi ám ánh của họ về Venezuela.
Thông báo của Washington làm tiêu tan hy vọng của Venezuela muốn được bãi bỏ trừng phạt kinh tế. Sau 7 năm khủng hoảng kinh tế, Venezuela đã hoàn toàn không còn sức để chống dịch Covid-19, và tình hình sẽ rất thảm hại nếu không được trợ giúp đáng kể của quốc tế.

Hàng Không Mẫu Hạm Roosevelt,vừa ghé Việt Nam có 36 thuỷ thủ nhiễm virus Vũ Hán



Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt 
Ngày 24/3, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly xác nhận 3 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, vừa có chuyến thăm Đà Nẵng – Việt Nam từ 5-9/3, dương tính với virus Vũ Hán. Đến ngày 26/3, số ca nhiễm trên tàu sân bay này đã lên tới 25 trường hợp, theo CNN. Đến ngày 27/3, ít nhất đã có 36 ca nhiễm được xác nhận, theo ABC News.
Các quan chức Hải quân Mỹ dự báo sẽ có thêm các ca dương tính nữa trong số các thuỷ thủ trên tàu, nhưng tin rằng họ có thể đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Ông Modly cho biết 100% thuỷ thủ trên tàu sẽ được xét nghiệm virus corona. Hiện tàu sân bay này có khoảng 5.000 người. Những thủy thủ dương tính sẽ được chuyển tới Bệnh viện Hải quân Mỹ ở Guam để khám và điều trị nếu cần thiết.
Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân, cho biết chưa thủy thủ nào phải nhập viện hoặc có triệu chứng nặng.
Trước đó, từ ngày 5/3 đến ngày 9/3, tàu USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Đà Nẵng, Việt Nam. Kể từ khi rời Đà Nẵng, tàu USS Theodore Roosevelt vẫn ở trên biển cho đến ngày 27/3 tới Guam. Hiện chưa rõ có bao nhiêu thủy thủ đã lên bờ tại Đà Nẵng, cũng như nguồn lây nhiễm đầu tiên xảy ra ở đâu, khi nào.
Dịch viêm phổi Vũ Hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quân đội nước Mỹ. Hiện tại có ít nhất 280 binh lính đã dương tính với virus corona vào ngày 26/3, tăng thêm 53 trường hợp so với một ngày trước đó, theo CNN. Trong số đó, 133 người ở lực lượng Hải quân. Ngoài ra, khoảng 600 người khác ở Bộ Quốc phòng, gồm nhân viên dân sự và người thân, cùng các nhà thầu cũng đã nhiễm virus. 
Hôm 25/3, Lầu Năm Góc xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ra lệnh “đóng băng” hoạt động của quân đội ở nước ngoài trong vòng 60 ngày để hạn chế sự lây lan của virus. Ông Esper cũng nâng mức cảnh báo sức khoẻ cho tất cả các căn cứ quân sự Mỹ ở mọi nơi trên thế giới, hạn chế việc ra vào, khuyến khích làm việc từ xa. 
Ngày 26/3, trước câu hỏi của phóng viên về việc có phương án truy tìm những người ở Đà Nẵng có thể đã tiếp xúc với các thủy thủ dương tính khi tàu thăm Đà Nẵng hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi quan tâm và đang tìm hiểu thông tin này, phía Mỹ cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Chuyến thăm của đội tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 5-9/3 đã kết thúc tốt đẹp. Thủy thủ đoàn đã có các hoạt động giao lưu theo kế hoạch”.

Việt Nam khuyến cáo công dân không về nước


Trái: Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh: Saigon Time/Flick); Phải: Vệ binh Quốc gia Tiểu bang Oregon, Mỹ dựng nơi tạm thời để xét nghiệm virus Vũ Hán (ảnh: Oregon National Guard/Flick/Flickr.com/photos/ oregonmildep/ 49681522357/).
Theo VnExpress, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân không di chuyển và không về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, đồng thời cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của nước sở tại.
Trong trường hợp bắt buộc di chuyển, công dân cần thường xuyên cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi. Người không có đầy đủ giấy tờ cần thiết có thể bị nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất nhập cảnh.
Công dân Việt Nam về nước phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly theo quy định. 

Mỹ có thể huy động 1 triệu lính chống dịch

Politico đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/3 ký sắc lệnh bổ sung quyền lực khẩn cấp cho Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa, cho phép hai cơ quan này kích hoạt các đơn vị và triển khai khoảng 1 triệu binh sĩ dự bị của lực lượng vũ trang Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump chưa ra lệnh áp dụng biện pháp này. Sắc lệnh cũng cho phép các quân binh chủng Mỹ điều động quân y và những đội ứng phó thảm họa khẩn cấp nhằm tăng khả năng chống dịch.
Hiện Mỹ ghi nhận hơn 104.000 ca nhiễm vius Vũ Hán, trong đó 1.708 người đã tử vong.

Malaysia ghi nhận thêm 159 ca nhiễm

Reuters đưa tin, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 159 ca nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số lên 2.320. Số ca tử vong tăng thêm 1 ca, lên tổng cộng 27. Hiện Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Philippines báo cáo số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục

Bộ Y tế Philippines hôm nay ghi nhận thêm 272 trường hợp nhiễm và 14 trường hợp tử vong vì virus Vũ Hán, đánh dấu sự gia tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này.
Với những số liệu trên, hiện tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán và tử vong ở Philippines lần lượt là 1.075 và 68. Bộ Y tế Philippines cho biết thêm, thêm 4 bệnh nhân đã hồi phục, nâng tổng số lên 35.

Đức: Số ca nhiễm tăng lên 48.582,
không nới lỏng “giới nghiêm” trước 20/4

Reuters cho hay, Viện Robert Koch – cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Đức hôm nay cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 6.294 ca nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số lên 48.582. 325 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh, tăng 55 người so với 1 ngày trước đó.
Chánh văn phòng Thủ tướng Đức, ông Helge Braun nói với báo Tagesspiegel rằng, nước này sẽ không nới lỏng các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán trước ngày 20/4. Tuy nhiên, trước ngày 20/4, chính phủ sẽ xem xét những hạn chế nào có thể được nới lỏng.
Vào giữa tháng 3, Đức đã đóng cửa các trường học, cửa hàng, sân chơi, địa điểm thể thao và nhiều công ty tạm ngừng hoạt động.

Iran: Hơn 2.500 người chết vì virus Vũ Hán

AFP cho biết, ông Kianoush Jahanpour, người phát ngôn Bộ Y tế Iran cho biết, nước này ghi nhận thêm 3.076 ca nhiễm virus Vũ Hán và 139 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt là 35.408 và 2.517. Iran hiện là vùng dịch lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Cộng và thứ 6 thế giới.
Theo Reuters, Tổng thống Hassan Rouhani hôm nay tuyên bố, cơ sở hạ tầng y tế của Iran mạnh và sẵn sàng ứng phó với tình hình xấu hơn.

Truyền thông Trung Cộng đặt câu hỏi
về số lượng tử vong tại Vũ Hán?

40.000 người tử vong hay 2.535?


Theo Taiwan News ngày 27/3, truyền thông Trung Cộng đã bắt đầu đặt câu hỏi về con số tử vong chính thức vì virus corona tại thành phố Vũ Hán khi một nhà xác địa phương mang ra gấp đôi số lượng bình đựng tro cốt các nạn nhân được hỏa táng, theo báo cáo hôm thứ Sáu (27/3).
Theo dữ liệu từ chính quyền trung ương Trung Cộng , thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc đã báo cáo 50.006 trường hợp nhiễm virus corona (COVID-19), bao gồm 2.535 trường hợp tử vong trong hai tháng tính đến ngày 26/3, CNA đưa tin.
Tuy nhiên, gần đây, một nhà xác địa phương được ghi nhận đã chuẩn bị trao 5.000 chiếc bình tro cốt các nạn nhân tử vong vì virus này chỉ trong hai ngày, theo truyền thông Trung Cộng . Vào ngày 23/3, chính quyền cho phép công chúng đến nhận lại hài cốt của thân nhân họ. Báo chí cho biết những người đến nhận xếp hàng dài 200 mét tại nhà tang lễ Hán Khẩu ở Vũ Hán.
Những cảnh tương tự xuất hiện ở các nhà hỏa táng khác. Các bài báo cho biết có một tài xế lái xe tải chở 2.500 chiếc bình tro cốt. Tại một gian phòng ở một nhà tang lễ có bảy ngăn đựng bình tro cốt, mỗi ngăn chứa 500 chiếc bình.
Các bài báo khác nói rằng trong giai đoạn trước ngày Lễ Tảo mộ vào tuần tới, những chiếc bình được trao trả với tốc độ 500 bình mỗi ngày tại một trong tám nhà tang lễ của thành phố, như vậy khả năng đã có khoảng 40.000 người tử vong, thay vì con số chính thức 2.535.
Một báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trích dẫn nguồn tin từ một người dân địa phương nói rằng chính quyền Trung Cộng đã trả cho các gia đình 3.000 nhân dân tệ (423 đô la Mỹ) như một khoản hối lộ nếu họ chôn cất người thân của họ trước kỳ nghỉ

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top