Thi Phương: Thử nhìn lại vụ án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh

Sau đại hội 13, Ai Còn Dám Bảo Là “Trọng Lú”

Thử nhìn lại vụ án

Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh

Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế?

• Thi Phương






Vụ án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh thường được xem là môt vụ án tham nhũng. Tham nhũng là chuyện Việt Nam không thiếu, chẳng ai bàn cãi, phủ nhận, chống chế, vì bản chất chế độ là tham nhũng, cho nên, những phiên tòa của các vụ án tham nhũng thường đưọc xem là “ba phải”, người ta không mất công để ý. Nhưng phiên tòa này được dư luận quan tâm theo dõi vì nhiều tình tiết ly kỳ - không chỉ người trong nước, người ngoài nước mà cả quốc tế. Cho nên, thực ra, gọi cho đúng, đó là một vụ án chính trị có tính cách “lịch sử” trên nhiều mặt. Vì nhiều lý do, phiên tòa kéo dài chỉ hơn 10 ngày, mặc dù số bị cáo có đến 20 người và tình tiết vụ án cực kỳ phức tạp, chằng chịt mà có lẽ ngay cả mấy ông chánh án, thẩm phán và cả luật sư cũng chẳng thực sự hiểu hết. Tuy chẳng ai ngạc nhiên về bản án cho từng bị cáo được tuyên đọc ngày 22-1, ai cũng hiểu những bản án này nặng tính chính trị, đều được quyết định từ trên cao trước phiên tòa xử (chẳng phải hai bị cáo chính đã lên tiếng xin ông tồng bí thư Nguyễn Phú Trọng tha tội?), không phải là kết quả của đấu trí, đấu lý giữa công tố viên và luật sư của bị cáo và bồi thẩm đoàn phân xử có tội hay không. Nhưng người ta đương nhiên phải thất vọng nhiều nếu từng tưởng rằng qua vụ án có thể biết được nhiều điều hay, những chuyện thâm cung bí sử mà người ta vẫn ấm ức vì chưa rõ.

       Vụ án lịch sử và ly kỳ vì nhiều lẽ:
       Hai nhân vật chính là Đinh La Thăng (ĐLT) 57 tuổi và Trịnh Xuân Thanh (TXT) 51 tuổi đều là những người tai to mặt lớn cua chế độ. ĐLT là cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (là hai chức vụ cao cấp nhất trước khi ông ta bị bãi chức), ông bị kết tội “cố ý làm trái các qui định nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” trong chỉ đạo kinh doanh cho Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí VN (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN). TXT bị tội “cố ý làm trái” và “tham ô”. Nếu ta thấy hết nhà cửa của ông ta, biệt thự nghỉ mát trên vùng thượng du miền bắc, thế lực của cha ông, thì ông ta bị tội là đúng rồi.
ĐLT là ủy viên BCT đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam cộng sản phải ra đứng trước vành móng ngựa. Trước đó, vào cuối những năm 80, trong thời mới đổi mới kinh tế, một ông ủy viên BCT bị bay chức là Trịnh Xuân Bách, nhưng vì lý do chính trị, ông ngây thơ tưởng rằng thời cơ đã đến để nói chuyện dân chủ. Ngay cả Hoàng Văn Hoan, trước đây bị kết tội phản bội phải trốn qua Bắc Kinh, cũng chỉ là một nhân vật thuộc Ủy ban Trung ương Đảng, chưa đến được đỉnh cao của BCT, có chưa đến 20 thành viên cốt cán nhất trong đảng. ĐLT cũng vừa chân ướt chân ráo đảm nhiệm chức vụ bí thư của Saigon vào đầu năm 2017. Là người sinh quán ở Nam Định, ông là người đầu tiên không phải là “dân Saigon”, thậm chí không phải là ngưòi miền nam, được “gài”  làm bí thư Saigon. Ông “tiến sĩ kinh tế” cây nhà lá vườn này với thế lực lớn trong đảng bao nhiêu năm qua đã lăn lộn khắp nơi, từ Sông Đà vào Gia Lai rồi ra Huế (phó bí thư thành ủy). Ông ta là thành viên Quốc hội khoa XI (2002-2007) tỉnh Gia Lai, sau lại được bố trí là thành viên Quốc hội khóa XIII (2011-2016) tỉnh Thanh Hóa – đó chính là cái khôi hài của Quốc hội một nước cộng sản.  Nhưng ông cũng không có thời giờ làm trách nhiệm “dân cử” vì trong thời gian đó, ông là bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (2011-2016), chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2008-2011), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2005-2008). Trong đảng cộng sản, ông là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ông từng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Thế lực lớn như thế ông mới vào được vị trí đứng đầu Thành ủy TPHCM, và nghe nói ông đã tung tiền ra như nước để mua chuộc giới văn nghệ, báo chí của thanh phố này. Điều lạ là ngưòi ta nói ông “cố ý làm trái” mà không nói ông có biết trước “hậu quả nghiêm trọng” hay chăng, và “động cơ” của sự phạm luật là gì. 

TXT là con dòng cháu giống, cho nên sự nghiệp lên nhanh như diều. Cha ông ta là phó ban lãnh đạo của Tuyên huấn Trung ương từ bao đời. Những người “công tác đảng” dĩ nhiên không làm ăn gì được, nhưng vẫn có cách ăn, họ có con cháu đầy dẫy gài ở những công ty, xí nghiệp. Bởi thế, ngay từ ngày đầu của đổi mới kinh tế, Tồng bí thư Đỗ Mưòi vẫn thường nhấn mạnh có tính nhắc nhở: Cho dù đã chuyển qua kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội, kinh tế quốc doanh vẫn phải giữ vai trò chủ đạo”. Sau bao nhiêu kinh nghiệm kinh doanh nhà nước đại bại, cá nhân đại thành công, TXT vẫn được cất nhắc đưa từ bắc vô nam làm phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang (Cần Thơ). Sau vài vụ tai tiếng về chuyện đi xe tư nhân mang bảng nhà nước, vào giữa năm 2016 ông ta rút lui và được thu xếp để trốn qua Đức, sau khi đã cho gia đình đi trước – như bao nhiêu đảng viên tai to mặt lớn ở Saigon đang cấy gia đình ở Mỹ phòng khi hữu sự. Nhưng ông ta vẫn bị mật vụ của CSVN, học sách của tình báo KGB và Bắc Triều Tiên, qua tận Đức bắt cóc để đưa về nước xử cho thiên hạ thấy đảm lược của ông tổng bí thư mà nhiều người nhầm lẫn coi thường, “đặt tên cho ông, ông là lú”. Báo chí trong nước viết “Theo nhận định của Hội đồng xét xử, Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch HĐQT PVC, có vai trò chính trong việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định của pháp luật; xin cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng khi chưa đủ điều kiện và quyết định sử dụng tiền tạm ứng trái luật. Đối với hành vi tham ô, bị cáo là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng”. Tuy nhiên, sở dĩ ông ta chỉ bị chung thân là vì đã biết tội và nộp lại một mớ tiền – theo giải thích của tòa. Bốn tỷ đồng VN (chưa đến 200.000 đô la). Ít quá, thấm tháp gì. Vấn đề là ở chỗ ông ta chỉ bị chung thân thay vì bị tử hình theo thói quen tòa án VN, là vì có dinh đến sức ép của nước Đức, là nơi TXT tưởng đã yên thân hạ cánh an toàn.

Làm sao TXT đang “tại đào” ở Đưc lại có mặt ở VN, đó là một câu hỏi rất then chốt, nhưng trong phiên tòa người ta không nói đến. Tòa không nói, luật sư không hỏi, và bị cáo cũng  không phản đối chuyện bị bắt cóc. Ông ta đã trốn qua được Đức – ma đưa lối quỉ dẫn đường, chẳng ai biết. Đó là chuyện “regime”, “system”. Chỉ biết ông đang xin tỵ nạn chính trị mà chính phủ Đức chưa xét. Và bỗng nhiên có tin TXT đã về VN và xin “đầu thú”. Trong khi ai cũng biết ông ta bị bắt cóc, đưa qua Tiệp, lên máy bay riêng của Việt Nam và đưa về Hà Nội trong một vụ “dẫn độ” bất hợp pháp táo tợn. Chính phủ Đức vẫn lên án Hà Nội làm chuyện phạm pháp ở Đức. Trong khi VN vẫn nói TXT về nước và tự nộp mình. Nhưng vụ án này cho thấy sự lớn gan, liều lĩnh của cả Nguyễn Phú Trọng và tình báo ở Hà Nội. Ông Trọng có thể bỏ qua TXT và vẫn tiếp tục đưa ra tòa xử những người khác. Nhưng ông muốn chứng tỏ rằng với NPT, nhà lãnh đạo chuyên chế nhất của CSVN vào một thời chuyên chế dang tràn lan trên thế giới, chẳng ai có thể thoát được ông. Ông muốn thị uy, áp đảo tinh thần tất cả những đối thủ chính trị trong đảng. Và tinh báo ở Hà Nội đứng sau lưng ông hoàn toàn, lập đại kỳ công với ông. Ngang hàng với bất cứ vụ án nào KGB hay FSB thời nay đã làm ở Luân Đôn nhằm vào những người đã bỏ chạy, hay tinh báo BTT đã làm ở Kuala Lumpur, Malaysia, chẳng hạn.  Để thị uy, người ta đã không coi “phép nước” của nước ngoài ra sao cả. Nhưng phải ngay tình mà nói, sự tính toán thì kỹ, kế hoạch chặt chẽ, thực hiện trơn tru, trong khi TXT thì ngu. Lẽ ra ông ta phải ẩn thân kín đáo. Chẳng nên tin ai dụ dỗ ra đường. Chẳng hiểu ông ta như thế mà làm sao có thể tham ô cả hàng chục triệu đô la trong mấy áp phe của PVC.

Nhưng vụ án này cũng cho thấy, hay xác nhận, nạn tham ô nhũng lạm táo tợn ở cấp cao và có tính hệ thống hiện nay, đúng là đã phổ biến như một “way of life” – cách sống, cách làm ăn. Chẳng ai phải sợ vì chẳng có tính cách cá nhân, che dấu. Nó là chuyện công khai, chuyện tập đoàn, chuyện mạng lưới, hệ thống, phe cánh, chia chác. Một văn hóa kinh doanh bệ rạc, sa đọa nhưng vẫn tưởng hợp thời trang, đại chúng hóa. Như chúng ta đọc tin gần đây, người ta vác đi tự nhiên những cặp, túi xách chứa đựng cả trăm trieu, cả tỳ - những giao dịch không hề có trong sổ sách, còn tự nhiên hơn cả mafia, băng đảng xã hội đen. Bởi thế mà có những vụ mất  mát, bỏ quên, hay đánh cắp các va li có trong đó cả núi tiền. Ai cũng biết thế, cho nên nếu cấp dưới những người làm ở hải quan, cảnh sát công lộ, nhân viên phường khóm có vòi vĩnh chút đỉnh, cũng là phải đạo mà thôi. Trên thế thì dưới phải thế. Một vài vụ xử như thế nay có làm đổ đi một hệ thống lãnh đạo đảng trên kinh tế quốc doanh tham nhũng chăng?

Tại sao chỉ vì một TXT mà ông NPT phải làm một việc khiến cho VN bị mang tiếng đời với thế giới, như một nước quỉ sứ hiện hình? Đương nhiên một TXT chẳng có nghĩa lý gì, nhưng vấn đề chính là cả một loạt người trên cao và đàng sau mới là vấn đề. Và bởi vậy người ta nói vụ án này là một mũi tên nhằm vào hai ba mục tiêu. Hay thực ra, còn nhiều hơn thế.

Vụ án này quá lớn, quá khúc mắc, đến hơn 20 người ra tòa, lãnh án. Người ta vẫn chưa hiểu gì mấy. Chỉ biết lờ mờ một hình ành của ông NPT hiển hiện rõ ràng đàng sau mọi chuyện. Nếu chẳng phải ông NPT mà người ta tưởng nhầm là “Trọng lú”, người vừa năm ngoái giữ lại được chiếc ghế tổng bí thư cho dù đã ở tuổi 70 và hết nhiệm kỳ (70 là tuổi lãnh đạo trong đảng, nhà nước, và chính phủ thường bị buộc phải rút lui), thì ai dám làm như thế. Năm ngoái ông Trọng đã làm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tàn giấc mộng vàng, phải rút lui vĩnh viễn thay vì nhấn bước làm tổng bí thư đảng đầu tiên là người miền nam. Nhưng câu chuyện chẳng đơn giản chỉ có thế. Chẳng ai không biết để trị tội tham vọng ngông cuồng của ông Dũng, một người miền nam gốc chỉ là y tá trong bưng, từng được ông Võ Văn Kiệt nâng đỡ, ông Trọng đã đánh ông Dũng sát ván. Ôm đầu máu. Làm sao ông Dũng có thể tưởng được ông có thể nắm được chức tổng bí thư, tức cầm đầu một tập đoàn Bắc Bộ Phủ toàn những nhân vật cộng sản miền bắc, chính thống, bảo thủ, chính qui. Và vẫn chưa hết. Sau khi ông Dũng xuống, thì đến phiên tay chân của ông Dũng. Chính là Đinh La Thăng. ĐLT và cả ông Dũng có lẽ đã tưởng rằng có thể dựa vào thế của nhau để đi lên. Ông Dũng dựa vào ông miền bắc là ĐLT để lên làm tổng bí thư. Ông Thăng dựa vào thế của ông Dũng ở miền nam để làm bí thư thành ủy TPHCM. Nay thì ĐLT bị đánh tơi bời, bài học là đừng tưởng theo Dũng nhưng là người miền bắc thì an toàn. Bởi thế giới quan sát nước ngoái qua Reuters đã kết luận “Các nhà phê phán nói cuộc thanh trừng này  cũng có động cơ chính trị, nhắm tới những người gần với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi ảnh hưởng của lực lượng an ninh bảo thủ của Việt Nam gia tăng năm 2016 theo sau cuộc đấu tranh quyền lực trong đảng". Jonathan Head, một nhà báo kỳ cựu của BBC quen thuộc với tình hình VN đã có nhận xét: “ "Kể từ khi phe bảo thủ của đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Bộ Chính trị tại đại hội Đảng cách đây hai năm, người ta đã để mắt đến các quan chức được cho rằng đã trở nên giàu có bất thường trong suốt nhiệm kỳ dài 10 năm của Thủ tướng nay đã bị đuổi. Phiên tòa cho người dân VM thấy một cảnh tượng của những vị trước đây từng 'không ai chạm tới được' đang khóc lóc xin khoan hồng. Lãnh đạo đảng đang sử dụng các phiên tòa được đưa tin rộng rãi này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng, đồng thời để cho công chúng biết rằng họ nghiêm túc trong việc kiềm chế nạn tham nhũng lan rộng."

So sánh NPT với những người trước như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, chúng ta có thể lấy làm lạ. Thế của Đỗ Mười tại Bắc Bộ Phủ rất mạnh, bằng chứng là khi Phạm Hùng chết, Võ Văn Kiệt đã lên làm quyền thủ tướng vì là người chủ trương mạnh mẽ đổi mới, nhưng Tổng bí thư bắc kỳ Nguyễn Văn Linh đì xuống ngay, đưa Mười lên ghế thủ tướng chính thức vì “chẳng ai đổi mới hơn ai”, và kéo ông Kiệt xuống làm phó. Nhưng sau đó, khi Mười lên làm tổng bí thư và Kiệt lại được đôn lên làm thủ tướng, Mười chỉ hiếp đáp Kiệt vừa phải. Dĩ nhiên, có vài lần ông định “đánh” ông Kiệt (mượn tay Nguyễn Hà Phan chẳng hạn), nhưng không thành, cho nên vẫn phải chia sẻ quyền bính với ông Kiệt miền nam. Ông Phiêu lên là nhờ thế quân đội ở miền bắc, nhưng không khéo, cho nên bị chính người miền bắc kéo xuống. Ông Phan Văn Khải làm thủ tướng dưới thời ông Phiêu là người khá an phận. Ông Mạnh lên được tổng bí thư cho dù “quê em miền trung du” là nhờ bắc nam phân tranh, bế tắc, phải chọn người “thiều số” làm trái độn. Cho nên ông Mạnh cũng không tham vọng gì, chỉ chấm mút và để cho NTD lộng. Nhưng NTD không lộng được khi NPT lên thay Nông. Đó là cái sai lầm chết người của NTD. Và nay Dũng đã thấy. Lâu nay tổng bí thư là người bắc để ồn cố trật tự đảng. Thủ tướng thì là người nam (Kiệt, Khải). Nay ông Trọng chọn một ông “madê in Da Nang” làm thủ tướng cho ông Trương Tấn Sang, NTD biết mặt.

Tại tòa, “bị cáo ĐLT đã xin được tại ngoại để về quê ăn tết với gia đình. TXT đề nghị HĐXX cho được sang Đức với vợ con sau khi kết thúc vụ án”. Hai ông này đều điên. Có lý hơn là chúng ta phải chờ xem số phận của hai cậu con trai của NTD, mà ông Dũng đã tìm cách đưa lên trước khi bị ép phải về vườn, đứa thì làm bí thư tỉnh Kiên Giang, đứa thì làm bí thư đoàn tỉnh Binh Định. Nay chúng sẽ về đâu? Đứa con gái thì an tâm hơn vì dù sao chồng là “Việt kiều tiền bộ”, làm ăn lớn ở VN. Nếu chuyện kinh doanh có khó khăn, còn có chỗ “trở về mái nhà xưa”.
Chúng ta cũng biết TXT lại ra tòa hôm thứ Tư 24/1 cho phiên xử tham ô thứ nhì, hai ngày sau khi bị kết án tù chung thân về tội tham ô tại phiên tòa thứ nhất. Ông ta là một trong tám bị cáo bị buộc tội tham ô trong vụ án thứ nhì, còn có Đinh Mạnh Thắng, em trai của ĐLT và sáu bị can khác, bị cáo buộc tham ô 14 tỉ đồng vào năm 2010. Đinh Mạnh Thắng từng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà. Bộ Công An nói Đinh Mạnh Thắng đã chuyển một vali chứa 14 tỷ đồng cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Nay chúng ta chờ xem thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế. NPT rất muốn làm Tập Cận Bình của VN. Có nghĩa là ông sẽ chẳng những làm đủ nhiệm kỳ này tới năm 2020 thay vì chỉ “làm tạm tổng bí thư” một năm trong thời chuyển tiếp như ông hứa, mà còn sẽ dẹp thẳng tay những trở ngại như Chủ tịch Nước Trần Đại Quang chẳng hạn. Ai còn dám nói ông “lú” nữa.

Chẳng biết trong hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người đang đồ xuống đường vì Việt Nam vào bán kết, rồi vào chung kết Giải vô đich châu Á cho tuổi dưới 23, bao nhiêu người suy nghĩ những gì đang diễn ra trong bộ máy lãnh đạo của đất nước mình.
 





 

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top