LẮM NGƯỜI, NHIỀU MA • Hoàng Ngọc Nguyên


(Ảnh Los Angeles Times)
Ngày 4-2 vừa qua, thứ ba đầu tiên của tháng, Tổng thống Mỹ đã đến Quốc Hội để đọc báo cáo “Tình hình Liên bang” (State of the Union). Báo cáo này nhằm cho quốc dân nắm vững hiện tình của đất nước, biết những gì chính quyền đã và đang làm, và trước mắt là những mục tiêu gì. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã biến cơ hội này thành một biến cố có tính “lịch sử” (historic) và “chưa từng xảy ra trước đây” (unprecedented) – như ý ông muốn. Ông vẫn thực nghĩ rằng ông là người “historic”, “unprecedented”, cho nên những gì ông làm, ông cũng muốn là “historic” và “unprecedented”. Báo cáo của ông chủ yếu là một bài diễn văn vận động tái tranh cử nhằm khích động khối cử tri của ông. Bởi vậy đương nhiên nó đầy rẫy những điều sai lầm và thiếu sót.
Những phương tiện truyền thông dòng chính đã nói nhiều đến sự kiện ông Trump đã làm lơ, không bắt tay bà Pelosi khi bà đưa tay ra. Trump ra trước bục diễn đàn, và theo thông lệ quay trở lại đưa cho hai người chủ nhà, Phó Tổng thống Mike Pence (với tư cách Chủ tịch Thượng Viện) một bản, bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi một bản, nội dung báo cáo của ông. Và thay vì bắt tay cả hai người chủ tọa một cách văn minh, tao nhã, ông lại xoay lưng trở lại diễn đàn của mình. Bà Pelosi đưa tay ra nhưng rút tay lại ngay khi thấy ông chủ tâm không nhìn đến bà. Sau đó, bà lên tiếng gìới thiệu, cũng với tư cách chủ nhà. Nhưng thay vì nói theo thông lệ: “Thưa quí đồng viện, nay tôi có vinh dự hân hạnh giới thiệu, đây Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ” (I have the privilege and honor...), bà nói ngắn gọn: “Thưa quí đồng viện, đây Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ”.
Câu chuyện còn gay go, căng thẳng hơn khi ông Trump kết thúc bài diễn văn dài 80 phút của mình, mọi người đều đứng dậy, người thì để vỗ tay hoan nghênh và đưa tiễn ông, người thì chuẩn bị ra về, chẳng ai nấn ná ở lại. Ông Pence và bà Pelosi cùng đứng dậy, Pence thì hân hoan vỗ tay ca ngợi. Còn Pelosi? Bà cầm từng tờ bài diễn văn của ông Trump xé ra làm hai, và vất tất cả bài diễn văn bị xé toạc này lên mặt bàn. Ngày hôm sau, bà Pelosi giải thích hành động của mình: “Ông ta đã xé bỏ sự thật, cho nên tôi xé bỏ bài nói chuyện của ông (He has shredded the truth, so I shredded his speech)... Những gì ông đã nói tối hôm qua nghe thật vô liêm sĩ”.

Để hiểu câu chuyện, chúng ta cần nhắc lại bối cảnh chính trị hiện nay ở thủ đô Washington. Nói rõ hơn, đó là chuyện Hạ Viện với đa số là người Dân Chủ đã quyết định “impeach” ông Trump (đưa bị cáo ra tòa Thượng Viện để truất bãi) vào cuối tháng 12 năm ngoái, sau hai tháng chính thức điều tra, luận tội, và chuyện Thượng Viện, với tính cách là bồi thẩm đoàn trong vụ án xử tội “lạm dụng quyền lực” (abuse of power) và “cản trở Quốc Hội” (obstruction of Congress) của ông Trump, đã cho ông tổng thống được trắng án. Làm sao phán quyết khác đi được? Trump là tổng thống Cộng Hòa, Thượng Viện lại có đa số nằm trong tay “đảng ta”. Cho nên cái kết quả này người ta đã biết từ khuya!
Hạ Viện muốn truất bãi ông Trump là chuyện “từ khuya”. Người Dân Chủ đương nhiên không ưa gì Trump, lắc đầu, ngao ngán về con người như ông. Ông là một tổng thống đặc biệt, “historic” và “unprecedented” về những mặt tư cách, đạo đức, trung thực, liêm chính....

Nhưng đó không phải là cái tội có thể đưa ông ra tòa để truất bãi. Cho n ên ng ười ta phải đợi đến khi có một “whistle blower” (kẻ “thổi còi”) cho biết cú điện thoại táo tợn ngày 25-7-2019 Trump gọi cho Tổng thống tân cử của Ukraine, trong đó chủ điểm là Ukraine phải tiến hành điều tra cha con ông cựu Phó Tồng thống Joe Biden thì Mỹ mới tháo khoán viện trợ hơn 400 triệu. Đây là trường hợp “quid pro quo”: Ukraine cần Mỹ, Trump cần Tổng thống Ukraine.
Ông Trump không thể phủ nhận cú điện thoại kéo dài gần một tiếng này. Và từ đó, nhiều bí mật khác được bật mí, làm nổi bật vai trò đắc lực của “luật sư riêng” Rudy Giuliani trong vụ tai tiếng Ukraine. Bao nhiêu nhân chứng đã ra trước Hạ Viện điều trần, khai báo về sự can thiệp thô bạo của Giuliani, nhân danh Donald Trump, với bộ máy ngoại giao và quốc phòng của Mỹ để áp lực với chính quyền Ukraine. Tai tiếng lớn nhất là quyết định của Trump sa thải Marie Yovanovitch, bà đại sứ Mỹ tại Ukraine, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, lâu đời và có lương tâm quốc gia.
Bởi thế mà bà Pelosi, với tư cách chủ tịch Hạ Viện, đã đúc kết hồ sơ luận tội để gởi qua Thượng Viện, nơi phiên tòa được tiến hành với các thượng nghị sĩ trong vai trò bồi thẩm. Hạ Viện biết chắc sẽ thua, vì phải cần đến 67 phiếu (2/3) mới truất bãi được tổng thống, trong khi Dân Chủ tại Thượng Viện chỉ có 47 thành viên. Trong khi đó, Thượng Viện, hay đúng hơn, người Cộng Hòa tại Thưọng Viện, biết chắc mình sẽ thắng khi đã thủ được 53 ghế, cho nên đã hầu như đơn phương quyết đinh nhiều chuyện: ngăn cản không cho nhân chứng chủ chốt, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, ra khai chứng, kết thúc nhanh chóng phiên xử mà không cần xét đến lý lẽ của bên nguyên, bên bị cũng như những bằng chứng phía công tố muốn đưa ra thêm.
Cho nên người ta mới nghe lập luận lạ đời, có tính “historic” và “unprecedented”: một hành động bao hàm “lợi ích công chúng” thì không thể bị kết án. Nếu ông Trump nghĩ rằng vận động tái đắc cử chính là vì ông nghĩ đến quyền lợi quốc gia, thì điều này chẳng có gì sai trái. Một tổng thống tái tranh cử, vì lợi ích quốc gia cần ông được tái đắc cử, có thể làm bất cứ điều gì để bảo đảm thành công. Kể cả “sát thủ” đ ố i thu c ủ a mình trong bau cử (Ông từng ví dụ ông có giết người trên đường phố New York cũng không bị tội). Ý kiến độc đáo này chính là ông đưa ra, và dù cho có thể có những người Cộng Hòa tại hai viện không đồng tình, họ đương nhiên nhắm mắt biểu quyết. Ông Trump hiểu rằng ông nói gì cũng được đảng nghe theo. Phía luật sư cho bị cáo đã từ bỏ lối biện hộ bằng cách phủ nhận tội trạng để chơi lý luận mới: quyển hạn vô song của một tổng thống đương nhiệm. Đương nhiên, chỉ có người Cộng Hòa mới nghe lọt lỗ tai lối lý luận đó, nhưng chỉ có người Cộng Hòa mà thôi cũng đủ rồi!
Ngày 1-2, Thượng Viện đã bỏ phiếu bác bỏ đề nghị kêu Bolton ra hầu tòa: 51-49. Hai người Cộng Hòa duy nhất ủng hộ phía Dân Chủ: Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Utah và Susan Collins của Maine. Những thành viên trong ban công tố đã nói nhiều lần nếu không cho phép có nhân chứng mới, bằng chứng mới, phiên tòa luận tội truất bãi này sẽ là phiên tòa giả tạo và đáng xấu hổ (sham và shamed) nhằm che đậy những tội lỗi của tổng thống. Ngày 3-2, các bên nói những “lời cuối cùng”. Ngày 4-2, Trump ra đọc diễn văn “Tình hình Liên bang” tại Quốc Hội lưỡng viện, ông đã thừa biết Thượng Viện rồi sẽ “tha bổng” cho mình. Đúng là ngày 5-2, Thượng Viện biểu quyết: 52/48 không kết tội ông Trump lạm dụng quyền lực; 53/47 không kết tội ông Trump cản trở Quốc Hội. Người Cộng Hòa duy nhất kết tội ông Trump lạm quyền cũng lại là ông Romney!
Trong phát biểu tại Thượng Viện với tính cách một bồi thẩm, Romney đã bác bò ba luận điểm chính của phía bị cáo: thứ nhất, không thể có truất bãi nếu không có một trường hợp được luật pháp qui định; thứ hai, việc làm ăn của cha con ông Biden tại Ukraine biện minh cho hành động của tổng thống; và thứ ba, hãy để cử tri, không phải Thượng Viện, phán quyết tổng thống. Ông khẳng định Tổng thống Trump đã phạm trọng tội là lạm dụng lòng tin của quần chúng khi tìm cách thông đồng với nước ngoài. Ông cũng nói nếu không sợ ông Biden tranh cử tổng thống, ông Trump đã chẳng hành động như vậy. Và những người dân cử là đại diện dân; nếu họ không hành động thì người ta bầu họ làm gì. Ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi Thượng Viện đã không cho ông Bolton ra khai chứng để hiểu thêm sự thật. Trong kết luận, ông nói: “Kết quả của phiên tòa Thượng Viện này trong thực tế sẽ được kháng án lên một tòa cao hơn: sự phán quyết của toàn dân Mỹ. Cử tri sẽ có tiếng nói cuối cùng”.
Tạp chí có uy tín Foreign Affairs đã có ngay bài bình luận: “Tổng thống độc tôn, toàn quyền vẫn vững vàng”. Họ lo ngại ông Trump sẽ càng thêm tin tưởng có thể hành động như một hoàng đế nắm cả hành pháp, lập pháp, tư pháp. Tạp chí Esquire viết: “Những người Cộng Hòa vừa viết cho Donald Trump một chi phiếu trống để gian lận bầu cử (a blank check to rig the 2020 elections). Nhiều nhà bình luận phê bình sự nhắm mắt u tối của những người dân cử. Họ có thể bào chữa họ nhắm mắt vì 94% cử tri Cộng Hòa dẫn dắt họ cũng đang nhắm mắt để cho ông Trump dẫn dắt. Mà ông Trump trong nhiều trường hợp đã cho thấy chẳng phải là người “sáng mắt, sáng lòng”.
Đương nhiên, cũng chưa hẳn chuyện giải tội cho ông Trump là chuyện gì mới. Người Cộng Hòa có thể nhắc lại năm 1999, người Dân Chủ đã xúm lại giải nghiệp cho Bill Clinton, thì nay họ bị quả báo. Cũng đúng là thế. Nhưng sau đó, Clinton có xin lỗi, hứa “từ rày về sau không bò chơi dưới bàn nữa”. Trong khi đó, ông Trump được thể chiến thắng, chẳng những không có một lời ân hận đã tạo ra sự “hiểu lầm”, mà còn chưởi rủa bà Pelosi, ông Schiff (người đứng đầu ban công tố Hạ Viện) và cả đảng Dân Chủ “bịa đặt vụ án”. Và hai ngày sau đó (7-2), ông sa thải ngay ông đại sừ Gordon Sondland và trung tá tình báo Alexander Vindman – hai người đã từng ra khai chứng về vụ án này vạch mặt ông Trump.
Dù sao ông Trump là tổng thống đầu tiên tái tranh cử sau khi bị ra tòa truất bãi. Người ta nói ông Trump đang lên gân sau “chiến thắng”. Trong hiện tình nước Mỹ, người ta chỉ còn biết “Wait and See”. Nếu còn chờ được!
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top