Hoàng Ngọc Nguyên: THẾ GIỚI LẠC TRONG RỪNG

Nhìn lại nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump trước Covid-19
THẾ GIỚI LẠC TRONG RỪNG

Hoàng Ngọc Nguyên




Là tín đồ Thiên Chúa giáo hay chăng, chúng ta đều chia sẻ mối quan tâm, lo lắng sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Francis  trước tình hình thế giới rã rời ngày nay. Sự phân hóa không chỉ thể hiễn về mặt chủng tộc (chẳng riêng gì ở Mỹ, nơi nơi nổi lên phong trào white supremacy, người da trắng siêu đẳng), mà cả về mặt dân tộc và tôn giáo. Thực tế không chỉ là phong trào bài di dân Hồi giáo, hay ở Mỹ còn có thêm chuyện xây “Vạn Lý Trường Thành” ngăn chận “rợ Latino” (một cách dịch chữ shithole country), mà còn là chuyện phân hóa xã hội vì màu da, vì tôn giáo trong nội tình từng nước (rõ rệt nhất ở Mỹ) và âm mưu tái lập đế chế từ Nga đến Hoa, đồng thời là cuộc vận động khủng bố Hồi giáo toàn cầu.

Có một thời ngắn ngủi chúng ta những tưởng một thế giới toàn cầu hóa về mặt kinh tể sẽ sớm dẫn đến sự hội nhập về mặt văn hóa và chính trị. Nhưng nay dường như chúng ta có thể thấy rõ hơn để có môt kết luân tạm thời. Sau sự sụp đổ của khối Cộng Sản quốc tế vào năm 1990, thế giới này tưởng như xe lửa đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng càng ngày, hình như chúng ta đang lạc vào rứng âm u, trật tự thế giới hết bị đe dọa bởi những thế lực Hồi giáo cực đoan chủ trương gieo rắc khủng bố toàn cầu đến bị xáo trộn bởi những thế lực đế chế hay thiên triều trước đây nay đang muốn khôi phục ảnh hưởng của mình. Chúng ta thực sự chưa thấy được thế giới rổi đây trật tự sẽ như thế nào? Ai đây sẽ là kiến trúc sư, sẽ là kỹ sư xây dựng trật tự đó? Và nước Mỹ sẽ thủ vai trò gì trong quá trình này – thời gian dài bao lâu quả thực chưa nói được.

Mọi hiện tại đều bắt đầu với quá khứ. Chúng ta đã nhìn xa phần nào bằng cách nhìn lại năm 1990. Cộng sản sụp đổ và người ta những tưởng một thời mới sẽ mở ra với sự lãnh đạo độc diễn của Hoa Kỳ. Nhưng cả thập niên 90 (1990-2000) đã cho thấy Mỹ không sẵn sàng, không chuẩn bị và không đủ tư duy toàn cầu. Và do đó, Mỹ đã phần nào sa lầy trong thập niên đầu của thiên kỷ mới, để cho Hồi giáo phá hoại và hết Nga đến Tàu vươn lên trong khi Mỹ vẫn loay hoay tìm hướng đi. Chính trong thời thế này mà ông Donald Trump được tạo ra, đưa đến năm 2017 America First và Make America Great Again – rốt cuộc chỉ là sự cô lập của nước Mỹ. Ông Trump đã cho thấy Mỹ không có tư cách lãnh đạo mà người ta mong đợi.

Năm 2017 vừa qua đi là một năm đáng ghi nhớ khi chúng ta nhìn lại những biến cố chấn động không những trên đất nước Mỹ mà cả toàn cầu, với những hậu quả có thể và có lẽ đậm nét trong một thời gian dài sắp đến. Từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, mọi dấu hiệu đều cho thấy một chương “Toàn cầu hóa” (globalization) với sự gia tăng thương mãi quốc tế bùng nổ, tạo cơ hội tăng trưởng cất cánh cho một số nước kinh tế lạc hậu trước đây. Đồng thời, thành phần di dân ở nước Mỹ và các nước châu Âu càng thêm “phong phú đa dạng” với người Hoa, người Ấn, người Việt xâm nhập bất kể gốc gác cùng với làn sóng di dân tỵ nạn chiến tranh khốn khổ từ Trung Đông. Chiều hướng đó, nay lại đang đứng trước một thời điểm cực kỳ thử thách, như chúng ta thấy trong năm qua, với một tổng thống có tiếng racist, trong một thề giới cũng đang có chiều hướng racist. Nhìn lại những chiều hướng phát hiện trong năm cũ có thể là nền tảng cho những suy nghĩ của chúng ta trong năm mới.

1. Một tổng thống America First.



Người ta rất dễ đồng ý với nhau sự kiện số 1 trong năm phải là nước Mỹ có một tổng thống “Fire and Fury”. Sự lựa chọn này chính là vì những biến cố có thể gây tai biến mạch máu não cho nhiều người ở Mỹ cũng như trên toàn cầu. Trong nước Mỹ, nói chung ông đã đạt được mục tiêu gây điêu đứng cho người có bảo hiểm Obamacare, làm cho di dân trẻ đứng ngồi không yên vì đe dọa thường trực DACA, tăng cường niềm tin cho Wall Street và giới nhà giàu hoan hỉ với luật “giảm thuế”, nhưng triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2018 chưa được rõ ràng khi mức thu dụng lao động đang khựng lại. Xã hội Mỹ đang thêm phân hóa trên các mặt đảng phái, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, trình độ văn hóa… Với chủ trương “America First”, ông Trump đã không biết gì đến trật tự thế giới thời hậu chiến tranh lạnh. Mỹ rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xem xét lại hàng loạt hiệp định song phương. Tiếp đó, ông rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, thế giới thất vọng. Chính sách “xoay trục châu Á” bị bãi bỏ, các đồng minh châu Á của Mỹ bối rối. Những lời đe dọa liên tục, ăn miếng trả miếng của Trump với Kim Jong-un, làm tăng nguy cơ chiến tranh nguyên tử. Cuối năm, Trump thổi bùng mối thâm thù Israel - Palestine khi bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái. Mỹ nhận một đòn ngoại giao nặng nề khi 128 nước bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phản đối quyết định của ông Trump. Sự nguy hiểm của ông là ở chỗ ông không ngồi yên. Khi bị nghi ngờ có bệnh tâm thần (mentally crazy) và “ngu xuẩn” (rogue, chữ của ông ngoại trưởng của ông gọi ông), ông nói “I’m not an idiot”, “I am a very stable genius”, nhưng chẳng có điều gì ông nói hay làm cho người ta thấy ông ổn định và “thiên  tài”. Ông không ngồi yên, và bất cứ gì ông làm ra đều có tính chất phá hoại, làm mất ổn định, chính trị trong nước và trật tự quốc tế.

2. Bắc Triều Tiên:





Người ruồi gieo máu lửa.  Cũng được xem là đạt mục tiêu lãnh đạo là Kim Jong-un, tuy người dân Bắc Triều Tiên chẳng no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đã tiến xa: ngày 3/9, thử bom hạt nhân tương đương 120 kiloton, mạnh nhất trong lịch sử 6 lần thử; ngày 29/11, phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, lần đầu tiên được các chuyên gia phương tây thừa nhận có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Kim Jong-un long trọng tuyên bố BTT là một cường quốc hạt nhân. Khẩu chiến giữa Trump và Kim ngày càng leo thang với những đe dọa quyết liệt và liên tục. Người ta nói Trung Quốc, nước đỡ đầu cho BTT, ngày càng mất ảnh hưởng, thậm chí còn cảnh báo Bình Nhưỡng là “một quả bom nổ chậm”. Mỹ và Hàn Quốc liên tục các cuộc tập trận, bất chấp kêu gọi của Nga và Trung Quốc yêu cầu các bên xuống thang. Liên Hợp Quốc đã áp dụng biện pháp chế tài mạnh mẽ nhất; thậm chí Trung Quốc cũng thực thi các biện pháp siết chặt giao thương, năng lượng. Giữa khi người ta phân vân có thể nào có cách tháo gỡ khủng hoảng chăng, BTT và NTT đạt thỏa thuận BTT sẽ tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tổ chức vào tháng hai tại một thành phố của NTT. Một cố vấn của ông Trump đã khuyên phải thận trong trong cách giao tiếp với Kim, cứ xem cái chết của người anh Kim Jong-nam tại phi trường Kuala Kumpur thì biết người em thế nào.

3. Nhà nước Hồi giáo bị xóa sổ?
 
Nhà nước Hồì giáo IS cũng là một hiện tượng điên của thời mạt pháp. Vẫn nghĩ mình là “caliphate” của 1.6 tỷ dân Hồi trên thế giới, nay “nhà nước” này đã bị diệt trừ tại sào huyệt cuối cùng ở Raqqa (Syria) và Mosul (Iraq) sau bốn năm không chỉ gây tang tóc cho hàng trăm ngàn người dân Hồi sống dưới ách cai trị của họ mà còn tiến hành khủng bố khát máu trên khắp các nước phương tây. Diệt trừ NNHG sau gần 4 năm khốc liệt là thành quả vang dội không chỉ của Iraq và Syria mà còn cả Mỹ và Nga, nhưng thắng lợi lớn nhất phải thuộc về Nga, vì đã giúp chính quyền Bashar al-Assad ở Damacus duy trì quyền lực, hòa hoãn phần nào với các phe noi dậy. Nay Nga có thê cắm dùi dài dài ở nước Trung Đông này và làm cho Mỹ hầu như hoàn toàn vỡ mộng lật đổ chế độ của Bashar al-Assad. Nhưng tái thiết đất nước một cách hòa hợp, hòa giải vẫn là chuyện mộng tưởng. Việc mất lãnh thổ trên thực địa khiến IS chuyển hướng sang xây dựng một vương triều ảo, chiêu mộ chiến binh qua mạng để tiến hành tấn công nhỏ lẻ của những “con sói đơn độc” ở các nước phương Tây. Những “tín đồ” IS đã thực hiện hàng loạt vụ lao xe, nổ bom tự chế, đâm dao và xả súng ở Mỹ, Anh, Nga trong năm 2017, làm hàng chục người chết và bị thương. Phá vỡ được “đế chế Hồi giáo” ở Trung Đông không hẳn là loại bỏ được đe dọa mà chúng gây ra. Khi nào và ở đâu chúng sẽ mọc lên cái đầu khác - như Phạm Nhan?

4. Phương Tây bồn chồn bất an.

 Với làn sóng di dân Hồi giáo tỵ nạn chiến tranh tràn từ các nước Syria, Iraq, Afghanistan, Somalia… đến những nước châu Âu vừa qua đường biển vừa đường bộ, đồng thời hoạt động khủng bố tàn độc của NNHG lan rộng, phần lớn những nước trong khối Liên Âu và ngay cả nước Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương đang nổi lên phong trào chống di dân, bài Hồi giáo. Nhiều chính quyền (Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…) đã khốn đốn vì sức ép ngày càng mạnh của những phong trào da trắng cực hữu đòi rút khỏi khối Liên Âu, siết lại chính sách nhập cư và đặt câu hỏi “Đất nước này là của ai”. Qua bầu cử, một số chinh phủ đã theo hướng này (Áo, Ba Lan, Tiệp Khắc…). Ngay cả ở Anh, phong trào Brexit vẫn còn mạnh. Ở Đức, bà Thủ tướng Angela Merkel mất thế đứng vì đảng của bà chỉ thắng mong manh trong bầu cử tháng 10. Bà thủ tướng nổi tiếng về lập trường tăng cường hội nhập, thống nhất của Liên Âu đang phải tìm cách thỏa hiệp với một đảng thiểu số để giữ được đa số cần có để lập chính phủ. Nhưng ở Pháp, Ông Emmanuel Macron hồi đầu tháng 5 giành chiến thắng áp đảo trước ứng viên cực hữu Marine Le Pen, trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử. Tổng thống 39 tuổi nhậm chức khi nước Pháp đứng trước hàng loạt thách thức như sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, tỷ lệ thất nghiệp cao và nguy cơ di dân và khủng bố. Chiến thắng của Macron có ý nghĩa to lớn, loại bỏ nguy cơ Pháp rời EU, cho thấy sự vươn lên  của các chính đảng trẻ trung và ngăn chặn xu hướng dân tộc cực hữu ở châu Âu.

5. Thiên triều lộ mặt.
 


Với trật tự thế giới thời hậu chiến tranh lạnh chưa vững đã đổ với chủ trương phá dễ hơn xây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đã quyết cho thấy quyết tâm muốn trở thành một trong số ít cáac bá chủ thế giới. Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tháng 10/2017 bầu ra ban lãnh đạo mới và vạch hướng đi trong nhiều năm tới. Với thành tựu và quyền lực tập hợp được trong 5 năm qua, Tập Cận Bình tiếp tục cương vị, được tôn vinh ngang tầm với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Giấc mơ Trung Hoa được ông Tập tái khẳng định, quyết tâm đưa Trung Quốc trở nên giàu có vào năm 2020, công khai tham vọng trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, dẫn đầu cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự. Báo cáo chính trị mà ông Tập đọc tại đại hội cho thấy Trung Quốc muốn chuyển từ triết lý “ẩn nhẫn chờ thời” áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình sau biến cố Thiên An Môn năm 1989 sang “đột phá vào trung tâm thế giới”. Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng này bằng cơ chế Vành đai và Con đường, đầu tư hạ tầng và tài chính để giành ảnh hưởng từ khắp Á sang Âu. Bắc Kinh đang gặp thuận lợi khi chính quyền của tổng thống Mỹ Trump giảm vai trò toàn cầu để tập trung vào chính sách đối nội.

6. Putin:



Người hạnh phúc nhất trấn gian.  Vladimir Putin hẳn phải là người hạnh phúc nhất trần gian. Ông nhìn hiện tình nước Mỹ, ông hẳn phải cười trưóc thành công của mình đã làm dân chủ Mỹ trông lố bịch, tan hoang. Ông nhìn Liên Âu rối rắm, bà Theresa May như người bị mê, bà Merkel hết dạng thiên thần, ông Macron như người sợ ma-cả-rồng, Ukraine dở khóc dở cười, ông Putin hẳn phải vuốt râu (cho dù chưa có râu để vuốt) trước hoạt động xâm nhập phá hoại cua FSB (tên mới của cơ quan KGB của của ông). Với sự tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, Nga nay nghiễm nhiên đã có căn cứ quân sự hải quân, không quân đóng tại Syria, lần đầu tiên đã cắm dùi được ở Trung Đông và đe dọa cả vùng Biển Đen và Địa Trung Hải. Chẳng những thế, Nga đang ve vãn những nước Hồi giáo mà ông Trump dị ứng: Turkey, Iran, Afghanistan… Trong nước, ông lại lao vào cuộc chơi mới: tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa, sau khi thủ lãnh đối lập chính không được “Tối cao Pháp viện” cho tranh cử (Điều mia mai: Việt nam được mời gởi quan sát viên bầu cử để theo dõi sự kiện “dân chủ” này). Nhờ thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, Putin vẫn còn được dân Nga ủng hộ rộng rãi. Không ai đặt vấn đề ông đã ngồi quá lâu. Lịch sử đã cho thấy Sa hoàng với chủ trương bành trướng đế chế slavic, ít khi bị thách đố cho dù độc tài đến chừng nào – cho đến khi bị lật đổ!

7. Đông Nam Á dân chủ thoái trào.
 
Khi nhìn chính trị Đông Á và Đông Nam Á, dường như chúng ta đang thấy phong trào “Me-too” ở một số các bà lãnh đạo. Tổng thống Nam Triểu Tiên Park Geun-hye (con Tổng thống Park Chung-hi) đang bị ngồi tù vì chuyện một phụ tá cao cấp tham nhũng; bà Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (em cựu Thủ tướng Shinawatra) phải trốn ra nước ngoài vì mấy ông tướng quân phiệt ở Bangkok. Bà lãnh đạo ở Myanmar Aung San Suu Kyi từng tranh đấu cả đời cho dân chủ dân quyền nhưng nay cũng không làm được gì với các ông tướng chủ trương tận diệt người Hồi giáo ở nước Phật giáo này. May mà còn bà Thái Anh Văn ở Đài Loan vẫn đủ bản lĩnh và cương quyết. Nhưng nổi bật nhất trong chính trị Đông Nam Á hiện nay chính là sự lan rộng mạnh mẽ của phong trào đàn áp chôn vùi dân chủ. Ở những nước Cộng Sản như Việt Nam, Lào hay từng là Cộng Sản như Campuchia, người ta công khai nói lên ý chí độc tài đảng trị cá nhân chuyên chế, vừa thẳng tay thanh trừng phe phái trong đảng vừa tận diệt đối lập.
 

Hoàng Ngọc Nguyên


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top