Hoàng Ngọc Nguyên, TẾT MẬU THÂN Ở WASHINGTON

TẾT MẬU THÂN Ở WASHINGTON

Hoàng Ngọc Nguyên

www.saigonweeklyonline.com



Trump ra lệnh xuất quân


Đem ô nhục cho lá cờ vàng


 
Nhận diện những người “tổng công kích” điện Capitol ngày 6 tháng 1, 2020

Biến cố nổi loạn ngày 6-1 tại Capitol Hill, thành trì của Quốc Hội Mỹ, của khối người cuồng Trump tấn công vào trụ sở của Thượng Viện và Hạ Viện nước Mỹ tại thủ đô đất nước có thể được so sánh với Tết Mậu Thân “tổng công kích, tồng khởi nghĩa” của Việt Cộng nhằm vào  Miền Nam của chúng ta năm 1968, tuy rằng có những tương đồng và khác biệt căn bản. Sự “nổi dậy” làm loạn của hai biến cố này đã được chủ mưu toan tính cẩn thận, và do đó cũng được biết trước chứ không phải bất ngờ. Sự nổi loạn không chỉ xảy ra ở Washington D.C. là trọng tâm của chiến dịch, mà còn ở nhiều nơi khác trên nước Mỹ. Trong cả hai biến cố, những kẻ bạo loạn chẳng được người dân ở đâu hưởng ứng mà chỉ tạo cơ hội cho công lý và lương tâm lên án. Trong biến cố Capitol Hill, địch đã tràn vào bên trong, gây nhiều tổn thất nghiêm trọng. Trong vụ Mậu Thân, Việt Cộng không vào được bên trong Dinh Độc Lập. Chủ mưu trong vụ Mậu Thân chính là kẻ địch ở Hà Nội, chủ mưu trong biến cố Capitol Hill chính là “kẻ nội thù” - tổng thống đương nhiệm của Mỹ đang mơ tưởng mình có thể là một lãnh tụ phát xít đầu tiên của nước Mỹ. Trong vụ Mậu Thân, người Miền Nam chúng ta đáng tiếc không quyết tâm trừng phạt kẻ thù. Trong vụ Capitol Hill, chắc chắn “nghi can chính phạm” Donald Trump sẽ phải trả giá – cho dù ông ta chỉ còn chừng 10 ngày nữa ngồi trong Tòa Bạch Ốc.

Chúng ta đã bước vào tuần lễ đầu tiên của năm mới với hai ngày trong đầu: ngày 5-1 với cuộc tái bầu cử hai ghế thượng nghị sĩ của tiểu bang Georgia, một cuộc bầu cử có tính quyết định chinh trị nước Mỹ trong vài năm tới, và ngày 6-1, khi Quốc Hội Mỹ nhóm họp để có quyết định có tính thủ tục chuẩn thuận kết quả bầu cử Mỹ sau khi tiếp nhận phiếu cử tri đoàn của 50 tiểu bang và thù đô Washington. Tuy đã bước vào năm mới, người ta nghĩ ít nhất cũng phải đợi đến hai ngày 5-1, 6-1 mới có thể có đủ cơ sở để nhìn tương lai.

            Ngày thứ ba 5-1 là ngày “bầu chung cuộc” (run-off election) tại Georgia giữa hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa đương nhiệm (David Perdue và Kelly Loeffler) và hai ứng cử viên Dân Chủ “tay mơ” Jon Ossoff và Raphael Warnock. Đây là cuộc bầu cử rất quan trọng cho nên cả nước theo dõi. Trước bầu cử, đảng Dân Chủ có 48 ghế tại Thượng Viện, Cộng Hòa 50, có nghĩa là Cộng Hòa chỉ cần thắng 1 cũng đủ giữ được thế đa số tại viện trên, nhưng Dân Chủ phải thắng hết cả hai ghế để giữ quân bình 50-50, sau đó nhờ bà Phó Tổng thống Kamala Harris, với tư cách là chủ tịch Thượng Viện, có thêm một phiếu, để trở thành nhóm đa số, và ông Chuck Schumer, từ chủ tịch khối thiểu số trở thành chủ tịch khối đa số, và Mitch McConnell, sáu năm qua là chủ tịch đa số, trở thành chủ tịch thiểu số... Điều quan trọng là thắng được hai ghế thì Dân Chủ không còn bị lấn lướt như trong thời gian qua – cụ thể là trong các vụ đề cử các thành viên Tối cao Pháp viện thay những người đã qua đời, trong biểu quyết về ngân sách, và trong hai vụ án truất bãi Donald Trump mà đảng Dân Chủ đã thất bại vì chỉ là đảng thiểu số...

            Người ta còn có nhiều lý do khác để chú ý tới Georgia. Đây là tiểu bang Cộng Hòa, nhưng vừa qua, lần đầu tiên sau 30 năm, lại đi bầu cho Joe Biden là ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ. Donald Trump điên tiết, cho người đi kiện nhiều lần, rồi đe dọa Thống đốc Brian Kemp người Cộng Hòa của tiểu bang này, rồi trong cú điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ ngày 2-1 bức bách Bộ trưởng bang vụ (secretary of state) Brad Raffensberger phải “tìm 11.780 phiếu” cho ông ta có thể đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống ở đây. Trump đã gọi cho bộ trưởng này 18 lần tính từ ngày bầu cử đến nay, nhưng ông Raffensberger vẫn lạnh lùng nói “Ngài lầm rồi” (Well, Mr President, the challenge that you have is, the data you have is wrong). Cú gọi này theo Trump là “không sao” (trong thẩm quyền vô hạn của ông), nhưng trong nhãn quan pháp lý, ông ta đáng bị điều tra vì ba tội: lạm quyền (abuse of power), lũng đoạn bầu cử (manipulation of votes), và đe dọa nhân viên công lực (harrassment)... Thực ra, Trump đã ba lần gọi điện thoại cho các viên chức cao cấp của bộ bang vụ phụ trách tổ chức bầu cử. Lần đầu vào đầu tháng 12, sau khi Thống đốc Kemp xác nhận kết quả bầu cử. Trump gọi điện thoại để phê phán và thúc giục đếm lại phiếu và bỏ những phiếu gởi đến qua bưu điện. Lần thứ hai, ngày 23-12, giữa khi người ta đang kiểm phiếu lại ở vùng ngoại ô thủ đô Atlanta, Trump bảo rằng những người điều tra là “anh hùng dân tộc” nếu họ tìm ra phiếu bất hợp pháp. Nhưng họ không thấy có phiếu nào bất hợp lệ cả! Bộ trưởng Raffensberger khẳng định sự can thiệp của Trump vào cuộc điêu tra là “không thích hợp”. Những chuyên viên pháp lý nói rõ hơn: đó là một sự vi phạm luật pháp liên bang và tiểu bang.


Bốn ứng cử viên cuộc chạy đua vào Thượng Viện tại Goergia(từ trái sang phải): Jon Ossoff (DC) và Raphael Warnock (DC) David Perdue (CH) và bà Kelly Loeffler (CH)

Ngày 3-1, Trump bay đến Atlanta để vận động cho hai ứng cử viên Cộng Hòa, nhưng ông chỉ mượn dịp để nhắc lại “cáo trạng” bầu cử gian lận (Bằng chứng? Ông không thắng hẳn phải có gian lận) và khuyến khích cử tri Cộng Hòa đừng đi bỏ phiếu! Bởi thế, hai người Dân Chủ thắng cử khá dễ dàng. Người da đen nô nức đi bỏ phiếu cho mục sư Warnock người da đen (ông là thượng nghị sĩ da đen đầu tiên của Georgia), và Ossoff (mới 33 tuổi). Cử tri Latino cùng cử tri Mỹ gốc Á cũng thừa thắng (Biden đánh bại Trump ở đây) xông lên. Trong khi đó, cử tri Cộng Hòa nghe lời Trump xúi dại không đi bỏ phiếu đông đảo như trước, nhất là khi bà Loeffler cũng hứa với cử tri bà sẽ tham gia chiến dịch tố bầu cử gian lận mà Trump chủ xướng! Bà Loeffler chưa từng đắc cử mà chỉ được Thống đốc Kemp cử lên thay Thượng nghị sĩ Johnny Isakson rút lui vì suy yếu vào cuối năm 2019. Ông Kemp từng mong đợi bà có đường lối ôn hòa để chinh phục cử tri đa chủng, nhưng bà lại sai lầm đi chụp hình chung với một thủ lãnh KKK. Nhưng bà là người có văn minh chinh trị. Sau biến cố bạo loạn ngày 6-1, bà “từ lương tâm của một con người bình thường”, đã rút lại ý định tố bầu cử gian lận, và gởi lời chúc mừng mục sư Warnock một cách thân thiện!

Kết quả không chỉ là ông Biden và đảng Dân Chủ mừng hết lớn mà còn là một cảnh báo nghiêm trọng cho đảng Cộng Hòa: tại những tiểu bang mà khối cử tri da trắng lâu nay vẫn độc chiếm lá phiếu, cái thế địa lý chính trị đang biến chuyển! Một ngày không xa, ưu thế đa số sẽ không còn trong tay người da trắng nữa khi số lượng người da vàng, da đen, da nâu di cư đến đây càng ngày càng động thì đảng Cộng Hòa phải hiểu đường lối “populism” (dân túy) chỉ nhằm vào cử tri da trắng “thượng đẳng” (supremacists) chỉ phải phá sản.

Tuy nhiên, ngày 5-1 đã sớm chìm vào quá khứ trước biến động không thể lường được, không thể tưởng được, chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ vào ngày 6-1, mà “”nghi can” chủ mưu bạo loạn không ai khác hơn Donald Trump, 14 ngày trước khi ông ta phải rời Tòa Bạch Ốc. Cháu gái Trump, bà Mary Trump, đã gọi chú ruột của mình là “kẻ nguy hiểm nhất thế giới”. Nay chúng ta mới thấy rõ ràng bà nói quá đúng. Trump đã sắp xếp cho cuộc tấn công vào Capitol Hill một cách chu đáo: bên trong là một lũ phản bội, bên ngoài là đám đông phản loạn. Những thượng nghị sĩ và dân biểu theo Trump, như con ngựa thành Troy, tiêu biểu là Ted Cruz (Texas) và Josh Hawley (Missouri), tiếp tay với bên ngoài gây nội loạn bằng cách kéo dài phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử với những ý kiến chống đối ngoan cố. Bên ngoài là hàng ngàn người xuất phát tập họp trước Tòa Bạch Ốc nghe Trump xúi giục, khích động rồi tuần hành hai dặm tới Capitol Hill và tràn vào tòa nhà Quốc Hội để phá phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử, đồng thời khủng bố tinh thần của những nhà dân cử. Theo những tin tức ghi nhận được vào ngày 9-1, có thể ngay trong hàng ngũ an ninh, bảo vệ Quốc Hội cũng có những phần tử “nằm vùng” tiếp tay khối người “da trắng thượng đẳng” bạo loạn này.

Trong tiến trình chuẩn thuận kết quả bầu cử tổng thống, có hai ngày đáng nhớ là 14-12 (cử tri đoàn của từng và tất cả các tiểu bang xác nhận kết quả ở tiểu bang của mình), và 6-1 là ngày Quốc Hội nhóm họp dưới sự chủ tọa của chủ tịch Thượng Viện (Phó tổng thống) và chủ tịch Hạ Viện để chứng nhận kết quả bầu cử dựa trên những con số cử tri đoàn giao nộp. Phiên họp ngày 6-1 chủ yếu chỉ có tính thủ tục, hình thức để chính thức hóa kết quả đã có sẵn. Tuy nhiên, theo qui định “phổ thông”, ông chủ tịch Phó tổng thống sẽ hỏi “có ai phản đối” không trong từng thông báo kết quả của từng bang, cho nên những phần tử “cuồng Trump” dưới sự lãnh đạo của ông trùm đã đứng dậy, phá bỉnh. Mội tiểu bang bị “tranh chấp”, tức bị tố cáo con số cử tri đoàn đưa ra không đúng, thì cả Thưọng Viện và Hạ Viện phải mất đến hai giờ thảo luận và bỏ phiếu. Có nghĩa là 5 tiểu bang mà bị kiện thì sẽ mất thêm 10 giờ; 50 tiểu bang sẽ mất cả 100 giờ!

Cho nên phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử năm nay có khác. Chúng ta chỉ cần nhắc lại mấy ngày trước phiên họp này, Trump đã “chạy vạy” nơi nơi, thúc ép cả Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch khối Cộng Hòa đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell hãy bác bỏ các con số của cử tri đoàn và đưa ra kết quả mới. Nhưng ông Pence, người từng kêu gọi cử tri hãy bỏ phiếu cho Trump để tiếp tục quá trình “Make America Great Again”, đã trả lời Trump: “No, I can’t do that”. Ông phải công bố quyết định của cử tri đoàn. Còn McConnell, trong phiên họp 6-1 đã nhấn mạnh: Không thể làm một việc vi hiến là bác bỏ cử tri đoàn. Không thể đưa ra lời tố cáo bầu cử gian lận mà không có bất cứ bằng chứng nào cả!

Trưóc đó, sau cả 60 lần kiện cáo bất thành vì không trưng bày được bằng chứng gì cả, từ tòa liên bang, tòa phá án đến cả Tối cao Pháp viện,  Trump nói ông ta sẽ đưa ra bằng chứng trong phiên họp ngày 6-1 của Quốc Hội chứng nhận kết quả bầu cử. Ông vẫn có tật nói (láo) như thật. Tuy nhiên, thật ra ông đã toan tính: ngày 6-1 sẽ là ngày (Tết Mậu Thân) nổi loạn, từ trong ra ngoài. Từ trong chính là những nhà dân cử theo ông, bên ngoài là mấy ngàn người cuồng Trump được huy động từ khắp nơi trên nước Mỹ. Từ 9 giờ sáng, người ta đã tụ họp trước Tòa Bạch Ốc, chờ Trump ra đọc diễn văn “xuất quân”, được tên luật sư gia nô điếm đàng Rudy Giuliani phụ họa và thằng con trai ngu xuẩn Trump Jr. kêu gào. Trump công khai thúc giục đám đông “ái quốc” giành lại “cuộc bầu cử bị đánh cắp”, kêu gọi: “Đây là thời điểm cứu nước”. Giuliani: “Phải có một phiên tòa giác đấu” (trial by combat) - tức xác định thắng bại bằng vũ lực. Trump con: “Đảng Cộng Hòa nay là đảng của Trump”. Ivanka Trump, “cố vấn cao cấp” của Trump, cũng gọi những người xuống đường là “những người Mỹ yêu nước”.

Bởi thế đám đông bạo loạn này đổ xô đến Capitol Hill, và với chủ tâm phá hoại, chúng không đứng bên ngoài hò hét mà tràn vào bên trong, với sự bất lực của giới công lực bảo vệ an ninh, sự bất lực, lúng túng của cấp lãnh đạo an ninh và có lẽ có sự a tòng của một số phần tử công lực. Quốc Hội phải nhanh chóng ngưng họp, được di tản (chạy trốn). Lạ lùng thay, đám bạo loạn như đi vào chỗ không người, an ninh không ngăn chận nổi, lực lượng tiếp viện không đến kịp. Chúng xâm nhập các tầng lầu, các phòng hội nghị, phòng làm việc của các người dân cử, phá phách, lục lọi, chụp hình “lưu niệm” và lấy cắp một số tài liệu... .Chúng cũng có ý tìm xem có nhà dân cử nào còn mắc kẹt không để làm thịt, nhưng cũng may chẳng còn ai cả. Chiến dịch này kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ, cho đến khi Vệ binh Quốc gia kéo tới dùng biện pháp mạnh, chúng mới rời khỏi tòa nhà này, nhưng vẫn nấn ná trước sân,  ngay cả sau giờ giới nghiêm là 6 giờ chiều... Cũng cần ghi nhận, rất nhiều người lên tiếng đòi Trump phải kêu gọi những nhóm phản loan này ra về, trong đó có Biden. Cuối cùng, Trump đưa ra một băng thu hình ngắn gọn, ca ngợi những người biểu tình bạo động là “you’re special”, và nói họ làm như thế là đủ rồi, nay hãy về đi. Mặt tươi như hoa, Trump nói: “We love you all!”. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, nhưng đời nào người ta chịu nghe, nếu Vệ binh Quốc gia không đến xịt hơi cay cùng xua họ ra...

Đây không chỉ là biến cố tai tiếng nhất thời hiện đại, đúng hơn đây có thể là biến cố tai tiếng nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ, làm cho bao nhiêu lãnh đạo các nước châu Âu phải lắc đầu, đều lên tiếng phê phán, có người chỉ thẳng vào thủ phạm là tổng thống nước Mỹ. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Trump phải hiểu văn minh chính trị là gì và hãy nhìn nhận đã thất cử. (Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Hà Nội: Chẳng thà “dân ngu, dân ngủ” như ở Việt Nam còn hơn “dân chủ kiểu Mỹ). ” Cũng may mà Trump cuối cùng đã thất bại, an ninh đã trở lại cho Capitol Hill, và phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử vẫn đi tới “cho đến khi xong”, như khẳng định của ông Pence. Đến 6 giờ sáng thì mọi người mới mệt mỏi ra về, sau khi xác nhận Joe Buiden là tổng thống thứ 46 của Mỹ với số phiếu 306-232.  Lưỡng viện đã bác bỏ sự phủ nhận kết quả ở Arizona và Pennsylvania, qua đó chúng ta thấy bộ mặt ghê tởm của Ted Cruz, thượng nghị sĩ Texas. Người ta cũng được nghe những bài diễn văn rất hào hùng của các ông McConnell, Mitt Romney, Ben Sasse... và cảm thấy vẫn có lý do để mong đợi sự phục hồi dân chủ ở Mỹ. Trong những người sớm chúc mừng ông Biden có cô Charlotte Pence, con gái ông Pence.

Những ngày sau đó, chúng ta đã thấy nổi lên nhiều vấn đề:

            • Người ta đặt câu hỏi về an ninh lỏng lẻo, tắc trách, ô hợp, thiếu chuẩn bị ở Capitol Hill, mặc dù vụ “tổng công kích, tổng khởi nghĩa... này đã được thấy trước, báo trước. Thậm chí trong khi biến động đang diễn ra, đã có những kêu gọi khẩn thiết Vệ binh Quốc gia phải can thiệp tức thời, lực lượng này đến khá chậm. Nay thì người điều hành an ninh Quốc Hội đã phải từ chức, và đã có cuộc điều tra về sự chậm trễ của Vệ binh. Sơ khởi, người ta nói chính ông Trump đã ngăn chận việc gởi Vệ binh đến hiện trường, và ông Pence phải gọi điện thoại trực tiếp cho quyền Bộ trưởng quốc phòng. Một số nhà chính trị đã lên tiếng, trong đó có ông Biden, phê phán thái độ khoan nhượng, phân biệt đối xử của giới an ninh trước đám bạo loạn da trắng. Nếu dân bao loạn là người da đen, bao nhiêu người sẽ chết đây?

            • Donald Trump đã đôi lần lên tiếng, kêu gọi “hòa hợp hòa giải”, và nói sẵn sàng chuyển giao quyền hành êm thắm. Nhưng ông ta sẽ không tham dự lễ nhậm chức của Biden. Ông vừa “lên án” bạo động, nhưng lại bày tỏ tình cảm với những người tham gia bạo động này. Ông còn đe dọa cuộc đấu tranh của ông “chỉ mới bắt đầu”. Thực sự, mối bận tâm lớn nhất của ông hiện nay chính là tìm hiểu khả năng tự ân xá của một tổng thống...

•           Cơ quan cảnh sát liên bang (FBI) đang quyết liệt tìm bắt những người đã tham gia cuộc bạo động này và xâm nhập vào tòa nhà Quốc Hội để phá phách. Một nhân viên công lực đã bị đánh chết bởi những người bạo loạn. Bốn người tham gia cũng bị chết. Khoảng 52 người đã bị bắt, trong đó có vài dân biểu từ một số tiều bang...

            Trump chẳng còn ai. Hàng loạt bộ trưởng và viên chức Nhà Trắng từ chức, trong đó có bộ trưởng giáo dục Betsy Devos, Bộ trưởng giao thông Elaine Chao (vợ McConnell), phó chủ tịch an ninh quốc gia Matthew Pottinger, Mich Mulvaney (cựu chánh văn phòng, nay là đặc sứ  tại Bắc Ireland) Tyler Goodspecd (Hội đồng Kinh tế Quốc gia), Quyền Bộ trưởng Bộ An Ninh Nội Vụ - Department Home Secutity Chad Wolf, các tùy viên báo chí ... Không thể kể hết danh sách những người đã bị ông Trump “đuổi”, những người đã bỏ ông Trump. Gần đây nhất chính là ông bộ trưởng Tư pháp William Barr, rời nội các ngày 23-12 bởi vì biết ông Trump đang điên tiết, sẽ làm bậy, can ngăn không nổi, mà bỏ tù thì ông Barr không nỡ...

Nhưng vẫn không thiếu những người Việt “trung kiên”, như người trương lá cờ vàng ba sọc phất phới. Có thể có cả “giáo sư”. Và chắc chắn có ông chủ tiệm phở xe tăng ở Chicago.
            Tạm xem là cuối cùng, những nhà dân cử đảng Dân Chủ, cùng với một số nhỏ người Cộng Hòa, đang tính chuyện  lần thứ hai đưa Trump ra “đàn hặc” vào ngày thứ hai 11-1, mặc dù đến ngày đó ông ta chỉ còn chưa đến 10 ngày tại vị. Chuyện “impeachment” được đặt ra sau khi Phó Tổng thống Pence, cho trọn tình trọn nghĩa với “xếp”, không ủng hộ chuyện truất bãi Trump theo Tu chánh án thứ 25. Hiện nay, nhân vật phái nữ nổi tiếng nhất Alaska không còn là Sarah Palin, sai lầm chết người nhất của cố Thượng nghị sĩ John McCain. Người phụ nữ dũng cảm nhất thời đại là Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski. Bà đã lên tiếng yêu cầu Trump phải từ chức ngay lập tức, và nếu đảng Cộng Hòa không có thái độ rõ ràng, bà sẽ “tôi bỏ đảng”.

            Vấn đề không chỉ là Trump phải rút lui theo TCA 25 hay bị “đàn hặc” và truất bãi. Vấn đề là ông ta phải bị truy tố tội phản quốc, gây bạo loạn, đe dọa nội chiến. Âm mưu đã có từ những tay chân của ông ta, như Michael Flynn, Rudy Giuliani, Roger Stone... Chúng đều nói theo kiểu ông ta: “Dễ lắm”. Đến ngày 20-1 cứ thiết quân luật, bác bỏ kết quả bầu cử, cho Vệ binh giàn khắp nơi. Những tên này đã xúi giục Trump làm những chuyện không thể tưởng: bác bỏ cử tri đoàn, đưa ra cử tri đoàn mới do các thống đốc Cộng Hòa chọn... Bởi vậy mới có cú điện thoại thúc ép ngu xuẩn gọi Bộ trưởng bang vụ Georgia kéo dài đến một tiếng. Trump vẫn nghĩ mình có thể làm được tất cả vì ông ta là vua, khi ông ta nhìn những thần tượng như Putin, Kim Jong-un, Erdogan... Ông ta muốn đi vào lịch sử như tổng thống độc tài đầu tiên của nước Mỹ!!!

Chúng ta đã bước qua năm mới 2021. Đương nhiên, ai cũng muốn biết trước mắt sẽ như thế nào, nhất là vì ngày hôm nay xem chừng quá xấu. Dĩ nhiên chúng ta có nhiều điều mong đợi vì nay đã có tổng thống mới: đại dịch sẽ được kiểm soát khả quan, kinh tế sẽ dần hồi phục và công ăn việc làm sẽ cải thiện đáng kể, trẻ em sẽ bình thường trở lại trường, y tế đại chúng sẽ được bảo đảm vững chắc hơn, chính quyền sẽ hành động tích cực hơn để bảo đảm xã hội an bình, không bạo động, không bạo lực; và cuối cùng chúng ta sẽ tái hội nhập vào thế giới, bởi vì không thể cứ đóng cửa và nghĩ như thế là vĩ đại – như ếch ngồi đáy giếng. Thế nhưng chúng ta cũng hiểu thách đố cho những mong đợi đó chính là nền dân chủ của Mỹ, vốn là yếu tố quyết định cho con đường đi tới và thành công của đất nước vốn được xem là vĩ đại và tiến bộ này. Nay nhiều người lại lo sợ. Những biến chuyển chính trị vài năm qua là biểu hiện mạnh mẽ nhất của sự ấu trĩ và thoái hóa của dân chủ nước Mỹ.

Chỉ trong năm nay, hay đợi đến ngày 20-1, chúng ta có thể thấy phần nào dân chủ Mỹ có khả năng hồi phục hay không trước “ý chí’ của các nhóm hữu khuynh cực đoan cùng sự lạc lối của đảng Cộng Hòa...

Hoàng Ngọc Nguyên
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top