Hoàng Ngọc Nguyên, SỰ NGUY HIỂM CỦA MỘT GIẤC MƠ

Hoàng Ngọc Nguyên

SỰ NGUY HIỂM CỦA MỘT GIẤC MƠ







Cuộc chiến xâm lăng của Nga đánh vào Ukraine bắt đầu chính thức vào ngày 24-2, tính đến ngày 24-8 này đã kéo dài được đúng nửa năm, và chẳng bao lâu nữa sẽ được 200 ngày. Nhiều bậc thức giả cho rằng nhờ cuộc chiến bạo ngươc này người ta mới biết được bộ mặt thật của Putin, hiểu rõ hơn sự tàn bạo phi nhân của ông ta ngay cả với chính người dân của mình, người lính của mình, xem mạng sống của người đồng bào như cỏ rác – không nói gì đến người dân Ukraine. Tuy nhiên, thật ra thì Putin chẳng có gì khó biết, khó hiểu, nếu chúng ta nhìn bao nhiêu bạo chúa ở Điện Cẩm Linh từ mấy trăm năm qua. Và thực ra người ta đã có thể biết Vladimir Putin từ lâu, ít nhất là từ khi ông ta được Tổng thống Nga thời đó Boris Yeltsin cất nhắc lên làm thủ tướng từ năm 1999.

Thời thế tạo anh hùng. Putin là sản phẩm của thời đại. Liên Xô sụp đổ năm 1990, và nước Nga nhiễu nhương trong suốt thập niên cuối của thế kỷ 20. Mười mấy nước chư hầu, vệ tinh được gây dựng từ thời Cách mạng tháng mười và đặc biệt sau Đệ nhị Thế chiến, nước Nga đều mất cả. Trong thời thế đó, lịch sử đương nhiên phải phát sinh một người như Putin đầy tham vọng tái dựng đế chế Nga. Không Putin này thì có Putin khác. Và đã là “anh hùng” thì phải “tạo thời thế”. Đó chính là những gì ông ta đã làm từ 2000 đến nay cho tham vọng, cho giấc mơ tái lập đế chế Nga: năm 1999 ông ta ra lệnh tiêu hủy hoàn toàn thủ đô Grozny của nước Cộng hòa Chechen muốn ly khai khỏi Nga, hàng chục ngàn thường dân bị giết, và Putin ca ngợi quân của ông ta “đã vẻ vang hoàn thành sứ mệnh”; năm 2008, Putin cho quân Nga xâm lăng Cộng hòa Grudia để hỗ trợ hai nhóm dân địa phương nổi dậy đòi ly khai và sát nhập vào nước Nga; năm 2015, Putin lại xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine cũng với chiêu bài người dân ở đó đòi độc lập, ly khai và muốn sát nhập vào nước Nga! Chớ nên quên Nga đã mở căn cứ quân sự ở nước Syria để có thể có đầu cầu vào Trung Đông, và nhờ Putin mà tồng thống độc tài Bashar Al-assad đã trị vì ở Damacus 22 năm nay, kế nghiệp cha của ông ta cầm quyền 30 năm!

Nay thì Nga mở cuộc “hành quân đặc biệt” để “bảo vệ người Nga ở Ukraine” và “lật đổ chính quyển phát xít ở Kyiv”.  Hiện nay, chỉ sau sáu tháng, trong cuộc chiến Ukraine, ông ta vô cùng tự hào, ngẩng mặt với thế giới vì đã làm cho ít nhất 1/3 người dân Ukraine (khoảng 15 triệu) nhà cửa tan hoang, phải bỏ quê hương ra đi, di tản đến xứ người, và thành phố nào cũng đổ nát, số thường dân vô tội, trong đó không thiếu trẻ em, không dưới 10.000 người. Trong bao nhiêu đời, các bạo chúa Nga nổi tiếng về chuyện giết người không gớm tay, huống gì đây là người ngoài!

Chính trị dân chủ của các nước phương tây không cho những người lãnh đạo có tầm nhìn xa, nhìn rộng, cho nên cả hai tổng thống Mỹ George W. Bush (12001-2009) và Barack Obama (2009-1017) thực sự đều không thấy tình hình ở nước Nga đã biến chuyển nguy hiểm như thế nào khi xuất hiện một đại đế, một tân sa hoàng đang mở ra thời mạt pháp với đầy đủ tham vọng của những đại đế tiền nhân nổi tiếng trong lịch sử Nga như Ivan Kinh khủng (1547-1584), Peter Vĩ đại (1682-1725), Alexander Đệ nhất (1801-1825) Alexander Đệ nhị ((1855-1881), Nicholas Đệ nhị (1894-1917)… Thực ra, sau khi Cộng Sản quốc tế sụp đổ (1990), người ta đã không chịu đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: trật tự thế giới mới rồi sẽ như thế nào đây trước những đe dọa của “sự va chạm của các nền văn minh” (clash of civilizations), nhất là khi người ta không hiều đầy đủ những thách đố của một thời toàn cầu hóa (globalization and its discontents). Bởi vậy chúng ta mới có tình trạng khốn đốn ngày nay khi cả Nga, Tàu và cả Hồi giáo đang muốn xưng vương, xưng đế, xác đinh thế lực quốc tế của mình.

Gân đây, Putin đã công khai cho người ta biết người trong mộng của ông ta là ai khi ông đến thăm một viện bảo tàng với dụng ý dùng lịch sử để giải thích cuộc chiến Ukraine của ông ta. Putin ca ngợi Peter The Great. Là cháu nội của hoàng đế Michael I, Peter Đại đế nổi tiếng đặc biệt vì những hành động tàn bạo trong việc “Tây phương hóa” nước Nga và du nhập vào Nga những nguyên tắc duy lý khai sáng trong khi châu Âu thời đó vẫn xem Nga là một nước lạc hậu và trung cổ. Ông ta cải tổ quân đội và guồng máy nhà nước theo cách các nước châu Âu, bắt các viên chức nhà nước cạo râu và ăn mặc theo kiểu phương Tây. Nhưng người dân Nga và đặc biệt Putin tự hào với chiến thắng của Peter the Great trong trận chiến Poltava năm 1709 đánh bại quân Thụy Điển làm cho các nước phương Tây giật mình và giúp Nga áp đặt thống trị lên vùng lãnh địa Ukraine rộng lớn. Putin nhắc lại nếu không có chiến thắng đó của Peter Đại đế, châu Âu hẳn không biết nước Nga như thế nào! Ngày nay, nếu Putin Đai đế không  động binh thì làm sao giữ được Ukraine cho đế chế Nga? Đó chính là giấc mơ của Sa hoàng thời nay!

Chúng ta đã thấy hơn 20 năm qua, Putin đang học sách của Peter Vĩ đại để là một Sa hoàng tân thời hoàn hảo:
- Bên trong, lợi dụng kinh tế toàn cầu hóa, phát triển một nền kinh tế dựa trên sự khai thác tài nguyên phục vụ một tầng lớp tư bản tay sai cho Điện Cẩm Linh, cùng tăng cường một chế độ chính trị độc tài bằng cách tiêu diệt tất cả những thế lực đối lập (cứ xem cách ông ta thẳng tay thủ tiêu những nhà chính trị chống đối, những nhà tài phiệt độc lập, hay những nhà báo hay trí thức đối lập);

- Bên ngoài, tìm cách bành trướng lãnh thổ và tái lập vệ tinh, chư hầu trong vùng Đông Âu, Hắc Hải, Địa Trung Hải và mở rộng ảnh hưởng, can thiệp của Nga đến Trung Đông và châu Phi; làm suy yếu khối các nước phương tây bằng cách làm lũng đoạn nền dân chủ ở những nước này (với những công cụ như Donald Trump chẳng hạn). Ông tự tin cho rằng nhờ trời cho mình là dân tình báo, nên ông ta đủ sức nắm được tình hình các nước phương Tây, kể cả Mỹ, và quân đội Nga với sức mạnh nguyên tử số 1 thế giới, đủ mạnh để đạt được bất cứ mục tiêu xâm lăng nào.

Bởi vậy mà Putin nghĩ rằng Nga có đủ sức chiếm lấy một nước lớn như Ukraine, đưa  Ukraine trở lại vị trí trước đây là một nước chư hầu của Nga, nhất là vào thời điểm Putin có nhiều lý do “chính đáng” lo sợ một nước từng được Nga xem như là một thuộc địa này nay có thể dứt khoát đi theo các nước Phương Tây (thành viên NATO, gia nhập Liên Âu). Putin từng tưởng rằng chỉ vài ngày là quân Nga có thể vào được Kyiv, và phương Tây chẳng dám phản ứng gì trước một nước nguy hiểm nhất thế giới vì đây là “chuyện nội bộ” của Nga.

Nhưng qua cuộc chiến này, Putin đã cho thấy mình lạc hậu, có nghĩa là không nắm được tình hình thực tế gì cả.

Lạc hậu khi tưởng rằng quân đội Nga có sức mạnh vô địch trên tất cả các mặt, có thể nghiền nát chế độ Kyiv trong nháy mắt và bắt Tổng thống Zellinsky nhốt ở Tây Bá Lợi Á. Sự thực trong một cuộc chiến tranh qui ước, quân Nga nặng nề, lúng túng, dọ dẫm và bế tắc.
Lạc hậu khi xem thường khả năng phản ứng của Ukraine. Ông ta không hiểu được một chân lý hiển nhiên là đối với quân dân Ukraine, chiến đấu chống đế chế Nga bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập đất nước, toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề sống còn từ bao đời nay. Và thêm một yếu tố quyết định: Ukraine may mắn hơn Miền Nam của chúng ta, có một lãnh đạo không phải là một ông tướng, nhưng lại quyết không bỏ chạy mặc dù Mỹ đã mở cửa mời vào mà quyết ở lại chiến đấu tới cùng!

Lạc hậu khi nghĩ rằng các nước Phương Tây, nhất là Mỹ sẽ ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám can thiệp, vẫn phải để cho Putin tự tung, tự tác như hơn 20 năm qua. Sự thật, hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan đã tát vào mặt Putin khi quyết định gia nhập khối NATO sau 70 năm đứng ngoài! Và tất cả những nước Đông Âu trước đây từng là chư hầu của Liên Xô trong khối Warsaw nay đang kết thành một mặt trận, lập một hàng rào biên giới giữa Nga và Tây Âu. Và khâm phục sự dũng cảm của quân dân và lãnh đạo Ukraine, nước Mỹ đã tỏ thái độ dứt khoát  thay vì dè dặt như lúc ban đầu: Mỹ đã đổ vào Ukraine không biết bao nhiêu viện trợ quân sự và kinh tế, thách đố rõ rệt những đe dọa tuyệt vọng của Putin. Cũng “nhờ Nga”, khối NATO đông chưa từng có và cũng đoàn kết chưa từng có! Và cũng “nhờ Nga”, Mỹ có dịp thử nghiệm nhiều loai vũ khí hiện đại rất hiêu quả của mình.

Với trang bị vũ khí của Mỹ, quân Ukraine đã chiến đấu dũng cảm và hiệu quả làm cho quân Nga chùn bước. Chủ trương thí quân của Putin – Nga nay đã mất hơn 50.000 quân vừa chết vửa bị thương – chỉ đi tới ngõ cụt. Ít nhất đã có 20 tướng Nga hoặc bị Putin bắt chết trận hoặc bị thay thế.  Chẳng chiếm được thủ đô  Kyiv, Nga cũng chẳng nắm được thành phố lớn nào của Ukraine. Theo một chuyên gia quân sự, Nga đang nắm 1/5 đất đai của Ukraine, nhưng phần lớn chỉ là những phần đất mà Nga đã trực tiếp hay gián tiếp chiếm từ trước (Crimea, Kherson, Donetsk, Luhansk, Donbas, Mariupol).

Môt sai lầm căn bản của Putin là ông ta đã tiến hành cuộc chiến hoặc quá chậm hay quá sớm. Lẽ ra, ông nên khai chiến khi Trump còn là tổng thống họa may. Hay ông phải đợi đến khi Biden rút lui và Trump có thể trở lại Nhà Trắng. Mối duyên tình Putin-Trump là rõ rệt. Chắc chắn sâu đậm hơn Trump-Ivana ngày xưa hay Trump-Melania ngày nay. Nếu Trump còn đó thì NATO chắc chắn sẽ không dám phản ứng theo cách quyết liệt như chúng ta thấy ngày nay.

Thực sự thì Nga đang tìm lối ra trong danh dự - nghĩa là để có thể nói đã chiến thắng. Cho nên Kremlin đã lúc này lúc khác gợi ý sẵn sàng hòa đàm để có thể kết thúc cuộc chiến – thậm chí Putin có thể gặp trực tiếp Tổng thống Zellinsky để ký hòa ước. Nhưng cái giá mà Putin nêu lên để Ukraine mua hòa bình? Kyiv phải chấp nhận chẳng những Crimea mà cả những vùng miền đông Ukraine: Donetsk, Donbas… chính thức ly khai khỏi Ukraine và trở thành những nước độc lập thuộc Nga. Câu trả lời của Zellinsky là rõ ràng: Không bao giờ.
Putin hiện đang toan tính giải quyết thế nào cuộc chiến này? Theo giới “chỉ điểm chính trị”, ông ta có thể đang tin rằng “trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”, quân Nga cứ đóng trên những lãnh thồ chiếm đoạt của Ukraine, cứ tấn công vào các khu thị tứ của Ukraine, đến một lúc nào dó, Ukaine sẽ mỏi mệt - bất chiến tự nhiên thành. Khi Ukraine không còn sức chịu đựng nữa. Xem chừng Putin không biết gì bài học của chính Liên Xô trong cuộc chiến xâm lăng Afghanistan năm 1979 mà cuối cùng quân Nga phải rút khỏi nước Hồi giáo này sau 10 năm bế tắc trong cuộc chiến du kích của quân Taliban.

Xem chừng câu hỏi “sức chịu đựng” đó có thể thích hợp hơn cho Nga thay vì cho Ukraine. Bởi vì quân Ukraine đang chiến đấu chống ngoại xâm trên đất nhà, chiến đấu vì lý tưởng, vì chính nghĩa, chiến đấu cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước, khó thấy có lý do gì họ có thể phải bỏ cuộc. Nhất là nếu chúng ta xét về truyền thống lịch sử, Ukraine luôn luôn tìm cách thoát khỏi ách đô hộ của một nước Nga mà họ vẫn xem là “rợ”. Và nhất là nếu chúng ta xét về hiện tình trật tự thế giới, Hoa Kỳ chắc chắn không thể bỏ Ukraine, bằng bất cứ giá nào họ cũng phải đứng sau lưng Ukrainre nếu không tiện đứng bên cạnh để không cho phép Nga bành trướng thế lực trong khu vực Đông Âu này. Viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho Ukraine lên đến hàng tỷ đô-la trong sáu tháng qua, xem chừng không giới hạn. Đến mức Putin phải nói những lời ngớ ngẩn, một phần nào có thể cho thấy tâm thần bất ổn của ông ta: “Chính Hoa Kỳ gây ra cuộc chiến của Nga tại Ukraine hiên nay. Chính Hoa Kỳ đã tìm cách kéo dài cuộc chiến Ukraine hiện nay”. Putin cũng “tố cáo” Mỹ đang có “âm mưu bá quyền thế giới” và muốn lập thêm một khối tương tự như NATO ở châu Á để bao vây và cô lập Trung Quốc. Đó chính là cách Nga đang cố kéo Bắc Kinh vào cuộc chơi mà Nga hiện trơ trụi, không có đồng minh và đang trông chờ sự hình thành một trục Moscow-Bắc Kinh để Trung Quốc kềm chế Mỹ.

Ngyà 24-8 đánh dấu sáu tháng của cuộc chiến Ukraine. 24-8 cũng là ngày Lễ Độc Lập của Ukraine. Đó là dịp người ta có thể khẳng định cuộc chiến chống ngoại xâm của người dân Ukraine chắc chắn phải chịu thêm nữa những mất mát, hy sinh to lớn, lâu dài trước sự bạo tàn, hiếu sát và vừa điên vửa ngu của một bạo chúa vẫn chìm trong giấc mơ đại đế của ông ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tin rằng với những cam kết của khối NATO đứng đầu là Mỹ, và trước sức thuyết phục của lẽ phải, những câu hỏi thực sự phải là Nga còn có thể chịu cuộc chiến này trong bao lâu nữa, quân Nga có thể chịu bao lâu nữa, kinh tế Nga trong bao lâu nữa sẽ sụp đổ vì đại suy thoái, và người dân Nga có thể cam chịu bao lâu nữa cơn ác mộng chiến tranh và cùng khổ, đói rét khi mùa đông sẽ đến.

Putin đang thấp thỏm trông chờ những du hiệu nứt rạn phía đối phương. Ông ta hoàn toàn không thấy, không biết đến hay tưởng rằng có thể không cần quan tâm những nứt rạn lớn phía ông ta có thể là những dấu hiệu sụp đổ và tàn đời về phía ông ta.

(Trích từ  tuyển tập “Tạp Ghi Thời Mạt Pháp”)

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top