Hoàng Ngọc Nguyên, MỘT LÃNH TỤ NỘI CHIẾN?

Hoàng Ngọc Nguyên

MỘT LÃNH TỤ NỘI CHIẾN?




Một phụ nữ xuống đường ở California giương một lá cờ lộn ngược kiểu Alito trong ngày Biden nhậm chức.


Văn phòng của Chủ tịch Hạ Viện Mike Johson cũng treo cờ “Thỉnh cầu Thượng Đế”

Trong thời buổi chính trị đảo điên, dân chủ suy đồi như ngày nay, ngày càng nổi lên những khuôn mặt chính trị dị hợm, bất kể liêm sĩ, làm cho người đời ngày càng ngao ngán những người có tước, có quyền, nhưng không có nhân cách tối thiểu của những người vẫn được xem là “của dân, do dân, vì dân”.

Những bậc thức giả từng lý luân rằng trong một chế độ tam quyền phân lập, ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ kềm chế lẫn nhau để tránh sự lạm dụng của bất cứ ngành nào của chế độ. Xem chừng lý luận đó đang bị thách đố gay gắt trong thời buổi MAGA chưa từng có hiện nay.

Chúng ta đã chứng kiến biết bao câu chuyện chính trị trong vài năm qua không chỉ trái tai gai mắt mà còn làm dấy lên những nỗi lo mất ăn mất ngủ về nền dân chủ của đất nước – dù chỉ là một chốn tạm dung cho mình nhưng là nơi ăn đời ở kiếp của biết bao đời con cháu về sau này. 

      Trong số những người tạo cảm khái thời cuộc cho chúng ta, có một nhân vật khá độc đáo và bởi thế cũng làm nên chuyện độc đáo. Vấn đề là câu chuyện tai tiếng của ông ta với lá cờ quốc gia lộn ngược đã làm dấy lên những mối lo ngại chính đáng về những thử thách hiểm nghèo của nền dân chủ của nước Mỹ - một mối lo thực ra đã được bàn bạc đến từ bao đời qua!

“Bị cáo”, nhân vật độc đáo trong câu chuyện này, chính là một trong chín vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện! Người ta có thể tưởng là Clarence Thomas, ông thẩm phán người da màu nổi tiếng vì có bà vợ da trắng đã quyết dắt tay chồng theo Trump và cũng nổi tiếng vì chính ông ta, vốn là người thích quà cáp và du hí miễn phí cho nên có khi rất dễ dãi!

Không phải Thomas! Người được nổi lên trong “vụ án dư luận” này là một nhân vật nổi trội hơn. Đứng trước “vành móng ngựa” chính là thẩm phán Samuel A. Alito Jr., người được Tổng thống George Bush (con) cất nhắc vào năm 2005 nhưng nay có lẽ chú Sam đã quên George để chỉ biết mỗi con vịt Donald. Cuôc đời là thế! Và thật là hi hữu một cách đáng báo động trước hiểm họa bạo động trong cách hành xử của ông ta!

Chuyện của Sam là chuyện một lá cờ quốc gia lộn ngược. Đó là chuyện hiếm có, chỉ có trong thời MAGA hiện nay, được những người ủng hộ Trump giương cao trong ngày bạo loạn 6-1-2021 tại tòa nhà Quốc Hội để phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 mà Joe Biden đã đánh bại thủ lãnh MAGA Donald Trump.

Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, một số người ủng hộ Trump nói theo Trump, đặt điều Tổng thống Biden đã “gian lận”, và nhiều người trong số đó đã gây bàng hoàng cho dân chúng khi họ trưng bày một lá cờ Mỹ lộn ngược bên ngoài nhà, trên xe hơi và trong các bài đăng trực tuyến. Lá cờ đồng nghĩa với chủ trương MAGA gây bạo loạn để lật đổ chính quyền hợp pháp của ông Joe Biden theo ý đồ của Donald Trump. Và những người MAGA là ai? Chính là những người da trắng đi theo chủ thuyết White Christian Nationalism – dân tộc bạch chủng Cơ đốc giáo, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị di dân, chủ trương đóng cửa biên giới...

Giới quan sát đã thiếu chính xác khi họ cho rằng chỉ có những người nông dân, công nhân “nhẹ dạ” mới đi theo con đường “cách mạng” của Trump để gìn giữ nước Mỹ của người da trắng. Người hùng của phong trào dân tộc Cơ Đốc hiện nay chính là thẩm phán Alito! Câu chuyện xảy ra hơn ba năm trước đây, nhưng đến bây giờ người ta mới biết!

Vào giữa tháng năm năm này, người ta mới khám phá ba năm trước đây, một trong những ngôi nhà treo cờ lộn ngược trong thời gian đó là tịnh xá của Alito ở Alexandria, Virginia. Công trạng phanh phui câu chuyện này được xem là của tờ The New York Times, nhưng sự thực chính những người láng giềng của Alito sau ba năm im lặng cuối cùng đã lên tiếng.

Theo các bức ảnh và phỏng vấn với những người láng giềng gần với Alito, tờ báo New York Times kết luận lá cờ lộn ngược đã được treo vào ngày 17-1-2021. Những người ủng hộ Tổng thống Donald J. Trump, bao gồm cả một số người giương cao lá cờ vì “độc lập, tự do”  tương tự, đã bạo loạn tại Điện Capitol hơn 10 ngày trước đó theo lời kêu gọi của “người thua cuộc”. Lễ nhậm chức của ông Biden chỉ còn ba ngày nữa. Những người hàng xóm đã chụp những bức ảnh, và tờ New York Times gần đây đã có được một trong những bức ảnh đó. Người hàng xóm cũng cho biết qua các cuộc phỏng vấn rằng tin đồn về lá cờ đã đến tai tòa án của Alito.

Lá cờ được treo lên trước nhà Alito giữa khi tòa tối cao vẫn đang tranh cãi về việc có nên xét xử một vụ kiện bầu cử năm 2020 hay không, và Thẩm phán Alito đã thất bại trong ý định đưa vụ bầu cử này ra tòa. Trong những tuần sau đó, các thẩm phán của tòa án cũng sẽ ra phán quyết về hai vụ án liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol vào ngày 6-1 và liệu ông Trump có được miễn trừ trách nhiệm đối với hành động của mình hay không. Các quyết định của tòa sẽ xác định mức độ chịu trách nhiệm của Trump trong cố gắng lật ngược cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và cơ hội tái tranh cử của ông ta trong bầu cử năm 2024. Trump thì vẫn khăng khăng một điều là ông ta có quyền làm bất cứ điều gì, “ngay cả bắn chết người trên đường phố New York”, bởi vì ông ta là tổng thống – tương tự như quyền cưỡng hiếp vô hạn của ông ta đối với bất cứ phụ nữ nào nhờ sự giàu có và quyền thế vô hạn của ông.
 
Thẩm phán Alito “đính chính” trong một tuyên bố gửi qua email cho tờ NY Times “Tôi không liên quan gì đến việc treo cờ”. Thủ  phạm là  vợ  ông, như lời ông tố cáo. “Lá cờ được bà Alito treo lên trong một thời gian ngắn để “chơi lại” một người hàng xóm sử dụng ngôn ngữ phản cảm và xúc phạm cá nhân trên các biển báo trong sân.” Ông Alito đúng là người khiêm tốn, dồn hết công lao (trách nhiệm) cho vợ.

Đương nhiên ông không biết câu ca dao của Việt Nam: “Dạy con từ thuở còn thơ; Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Thế nhưng ít ra ông cũng biết trong cương vị của ông, điều tối thiểu mà ông phải làm là giữ quan hệ “văn minh” với những người láng giềng, nhất là vì ông là một thẩm phán TCPV, và ai cũng biết vai trò của ông trong xã hội. Và ông phải khéo nhắc chừng bà vợ của ông điều đó, nếu bà này không đủ khả năng hiểu được điều tối thiểu đó. Cho nên cách giải thích của ông chỉ làm cho thấy rõ thái độ vô trách nhiệm của ông.

Các cuộc phỏng vấn cho thấy bà vợ của ông thẩm phán, Martha-Ann Alito, đã tranh chấp với một gia đình khác trong hàng xóm về một tấm biển chống Trump trên bãi cỏ nhà của họ, nhưng do thời điểm và sự rõ ràng của biểu tượng, những người hàng xóm đã giải thích lá cờ đảo ngược là một tuyên bố chính trị quyết liệt của hai vợ chồng ông Alito. Người bình thường cũng có thể thấy rằng treo lá cờ này rõ ràng không chỉ là vi phạm các quy tắc đạo đức công dân, mà phơi bày một vẻ ngoài gây xáo trộn, xung khắc chính trị không cần thiết mà còn nguy hiểm cho cuộc sống giữa hàng xóm với nhau.

Tuy nhiên, việc giương cao lá cờ này đương nhiên làm người ta nghi ngờ, nếu không nói là thấy rõ tính công bằng và bộ mặt thật của thẩm phán Alito trong các trường hợp liên quan đến cuộc bầu cử và cuộc bạo loạn ở Điện Capitol. Ấn tượng đơn thuần về quan điểm chính trị của hai người đúng là một vấn đề, vì lá cờ trong sân nhà đúng là một thông điệp hùng hồn gửi cho thế giới bên ngoài, nhất là giữa khi ông Alito đang quyết định các trường hợp liên quan đến bầu cử.

Theo tờ New York Times, Quy tắc đạo đức lâu đời của các tòa án cấp dưới, cũng như quy tắc gần đây được Tòa án tối cao thông qua, nhấn mạnh sự cần thiết của các thẩm phán phải duy trì sự độc lập và tránh các tuyên bố hoặc quan điểm chính trị về các vấn đề có thể được đưa ra trước họ. Tòa án cũng đã nhiều lần cảnh báo nhân viên không được thể hiện quan điểm đảng phái trước công chúng, theo các hướng dẫn được cung cấp cho nhân viên và được The Times xem xét. Theo sổ nội quy của tòa án và một bản ghi nhớ năm 2022 nhắc lại lệnh cấm hoạt động chính trị thì không được phép trưng bày các biển báo.

Nhưng câu chuyện tai tiếng này còn đậm mùi hơn khi người ta hầu như ngay sau đó  phát hiện một lá cờ thứ hai “Kháng kiện lên đến Trời” (Appeal to Heaven), một biểu tượng khiêu khích khác được trưng bày tại nhà nghỉ của ông Alito ở New Jersey vào mùa hè năm ngoái 2023. Lá cờ “Kháng kiện…”, còn được gọi là cờ Cây Thông, có từ thời Chiến tranh Cách mạng (1776), nói lên chân lý của cuộc đấu tranh chống đế quốc Anh thực dân. Nhưng lá cờ “kháng kiện” này đã chìm dần qua thời gian và lịch sử cho đến những năm gần đây bỗng trở thành biểu tượng “đấu tranh” cho cựu Tổng thống Donald J. Trump. Nó là biểu tượng có tính tôn giáo của chiến dịch “Ngăn chặn trộm cắp phiếu” (Stop the steal) và thúc đẩy tái thiết chính phủ Mỹ theo quan điểm Cơ đốc giáo (một chính phủ “thuần thành” phải gồm người da trắng, theo đạo Cơ Đốc và theo chủ nghĩa dân tộc – mà có người gọi là mầm mống của chủ nghĩa phát-xít). Ba bức ảnh mà The New York Times thu được, cùng với lời kể của hàng xóm và người qua đường, cho thấy lá cờ “Kêu đến ông Trời” đã được treo tại nhà Alito trên Đảo Long Beach vào tháng 7 và tháng 9 năm 2023. Đó là thời điểm Trump đã tuyên bố ra tranh cử trở lại, nhưng những vụ án cáo buộc ông ta cũng đang nóng trở lại, đến mức đêm ngày ông Trump cứ gọi ông ta là nạn nhân của sự truy bức nhằm vào những người Cộng Hòa MAGA theo ông ta.

Thẩm phán Alito từ chối trả lời các câu hỏi về lá cờ ngôi nhà trên bãi biển, bao gồm cả ý nghĩa của nó và cách nó phù hợp với nghĩa vụ của ông với tư cách là một thẩm phán. Tòa án cũng từ chối trả lời. Tiết lộ về lá cờ đó đã làm dấy lên mối lo ngại từ giới học giả pháp lý và đạo đức học chính trị. Phản ứng từ chính giới tuy nhiên vẫn là hai chiều: về phía đảng Dân Chủ, các nhà lập pháp lo ngại ngành tư pháp sẽ bó tay trước các vụ án chính trị, trong khi phía Cộng Hòa, người ta cho rằng những vụ án nà y là  “ngụy tạo”, sẽ không thể tồn tại.

Trong khoảng thời gian lá cờ “Kêu đến Trời” được nhìn thấy tung bay tại nhà của Alito ở New Jersey, vụ án quan trọng ngày 6-1 đã được đưa đến Tòa án Tối cao, thách đố khả năng truy tố những người xông vào Điện Capitol nhằm cản trở Quốc Hội hợp thức hóa kết quả bầu cử năm 2020. Lá cờ này đã nổi lên trong cuộc bạo loạn 6-1 này. Một số nhà chính trị học có ý kiến việc tiết lộ lá cờ thứ hai này mới là điều đáng lo ngại vì nó gắn chặt hơn Thẩm phán Alito với các biểu tượng liên quan đến âm mưu lật đổ bầu cử vào ngày 6-1 và vì nó là vụ án cản trở lần đầu tiên được xem xét bởi tòa án.

Lá cờ đó hiển nhiên đã công khai hóa quan điểm của Alitos. Tất cả chúng ta ai cũng có thể có thành kiến này nọ, nhưng những thẩm phán tại các tòa án phải có trách nhiệm và năng lực trung lập, chống lại những thành kiến trong các vụ tranh chấp. Khi một thẩm phán như Alito tìm cách biểu hiện quan điểm chính trị của mình lên một lá cờ, điều đó thật khó thể tưởng. Nếu người ta chọn lọc bồi thẩm đoàn một cách cẩn thận, kỹ lưỡng, loai bỏ những người có thaàh kiến trong một vu án, thì sự lựa chọn thẩm phán cho một phiên tòa càng phải cẩn thận, kỹ lưỡng hơn bao nhiêu lần.

Bởi thế, người ta đang kêu gọi ông Alito hãy tự rút khỏi những vụ án chính trị mà Tối cao Pháp viện sẽ thụ lý về vụ bạo loạn ngày 6-1 cũng như trách nhiệm pháp lý của cựu Tổng thống Trump. Nhưng ông Alito cương quyết ở lại, và lập lại luận điệu đó là trách nhiệm của vợ ông, chẳng phải là quyết định của ông. Ông cũng nói vợ ông có tính thích treo cờ để thể hiện nỗi thất vọng, lo lắng của bà trước thời cuộc chao đảo, chứ bà chẳng có ý gì tiêu cực.

Đương nhiên, câu chuyện hai lá cờ của Alito là một chuyện tai tiếng, xấu xa của thời đại này, ông không thể chối bỏ trách nhiệm của mình dễ dàng như thế. Tuy nhiên, suy cho cùng, ngày nay những chuyện chính trị tai tiếng như thế cũng là “chuyện thường ngày  ở huyện”. Đến mức không ít người dân đã lên tiếng chán ghét và đứng ngoài “vòng lẩn quẩn ngu xuẩn” đó.

Tuy nhiện, đây chẳng phải là chuyện đơn giản. Có ít nhất hai hệ quả nghiêm trọng, đáng quan tâm, bởi vì chúng ta chẳng phải thuộc giới “thức giả” (tức giả vờ thức):
Với một Tối cao Pháp viện có chín người thì đến sáu người được các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, hình thành một đa số cực hữu trong tòa, và trong sáu người đó thì ít nhất hai người đã ngụp lặn trong tai tiếng, thì khó tin tưởng rằng ngành tư pháp của Hoa Kỳ có được thế độc lập để đù sức gìn giữ, bảo vệ công lý của nước Mỹ. Mà một nước Mỹ với một nền công lý suy yếu, thì câu chuyện thời Viễn Tây thật chẳng xa xôi gì;

Chính trị Mỹ đang bị hủ hóa nghiêm trọng. Chủ tich Hạ Viện Mike Johnson đã đặt lá cờ “Kêu Đến Trời cao” ngay ngoài phòng làm việc của mình, biện minh đó là một biểu hiện tranh đấu cách mạng trong lịch sử Mỹ cần được đề cao, gín giữ. Bà dân biểu Marjorie Taylor Greene đang được cảm hứng từ Thẩm phán Alito cho nên xuống đường với hai lá cờ đó trong tay, miệng thì hô hào giống như Trump: “Chính quyền Biden theo chủ nghĩa xã hội, theo cộng sản. Nước Mỹ nên tách làm hai để tránh nội chiến”. Chủ trương bài di dân, bài người Hồi giáo, bài người da đen của Cộng Hòa ngày càng quyết liệt.

Chẳng thể trung thực hơn khi nói người Mỹ da trắng theo thuyết dân tộc bach chủng Cơ Đốc giào chưa bao giờ được cảm hứng hơn bây giờ, cho nên chưa bao giờ mạnh hơn bây giờ. Đó đó là điều mà người ta phải bỏ ăn bỏ ngủ, thao thức theo dõi không chỉ trong cuộc bầu cử gay cần năm nay, nhất là với hai ứng cử viên ít hứa hẹn nhất trong lịch sử, mà còn trong những năm tới, khi cuộc nội chiến giữa hai đảng và giữa các tiểu bang xanh và đỏ sẽ tạo thêm bế tắc.

God bless America! God bless the world!
 
Hoàng Ngọc Nguyên



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top