Hoàng Ngọc Nguyên, MERRY CHRISTMAS AND HAPPY NEW YEAR

Hoàng Ngọc Nguyên

MERRY CHRISTMAS
AND HAPPY NEW YEAR




Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ                     Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn

Tháng mười hai đánh dấu một năm cũ sắp qua đi và một năm mới đang đến gần. Đó vẫn là một tháng lạnh lẽo nhất trong năm, đương nhiên kinh hoàng nhất cho không chỉ những người vô gia cư mà cả những người cao niên, luống tuổi. Đó là thời gian chúng ta chứng kiến nhiều người ra đi. Nhưng đó cũng là một tháng có thể rất ấm cúng cho nhiều gia đình, và một tháng chất chứa nhiều mong đợi cho nhiều người ở một năm mới có nhiều hứa hẹn hơn. Riêng nước Mỹ này đang ở vào một thời kỳ chính trị nhiễu nhương phức tạp, người ta nhìn vào những gì đang xảy ra để có hình dung năm tới đây, với cuộc bầu cử tổng thống trước mắt, rồi đây nước Mỹ sẽ đi về đâu, và phải chăng có thể vẫn còn chỗ cho những suy đoán lạc quan về tương lai đất nước?
 

Những người ra đi


Rất nhiều người Việt chúng ta trong khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đã xúc động trước sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ cũng như của nhà văn Nguyễn Đình Toàn.

Thượng tọa Tuệ Sỹ mất ngày 24-11, thọ 80, vẫn là ngọn đuốc sáng cho đồng bào Phật tử VN trong và ngoài nước vào một thời kỳ thử thách khôn cùng cho người Việt nói chung và Phật tử nói riêng. Cuộc đời đầy thử thách của thầy với những tháng năm trong lao tù Cộng Sản và ý chí bất diệt bảo tồn một đạo Phật dân tộc thoát khỏi sự kiểm soát của bạo quyển phải là những lý tưởng soi sáng niềm tin của chúng ta. Tác giả Nguyễn Hữu Liêm cho rằng “tính cách, tri thức, và đạo đức, lòng quả cảm (vô úy) của Hòa thượng Tuệ Sỹ là một chỗ dựa cho giới trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay, giữa một thời thế mà họ cho là có quá nhiều điều đáng trách đối với Phật giáo Việt Nam, từ việc nghi thức lễ lạt luộm thuộm, cho đến chỉ lo kiếm tiền ở các chùa chiền”. Thầy đã ra đi trong tình cảnh phân hóa kéo dài của Phật giáo VN trong nước cũng như ngoài nước, là điều có thể khiến cho hòa thượng Tuệ Sỹ không nhắm mắt được để qua bên kia thế giới.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn (1936) từng di cư từ quê nhà Bắc Ninh vào Nam năm 1954 khi đất nước bị chia cắt. Ông là một tác giả rất gần gũi với những thế hệ lớn lên ở Miền Nam trước năm 1975 qua tác phẩm Chị Em Hải, mô tả cuộc sống can đảm trên đất mới của những người đi tìm tự do. Là một tác giả lớn, những tác phẩm của ông còn có Con Đường (1965), Ngày Tháng (1968), Phía Ngoài (1969), Đêm Hè (1970), Đêm Lãng Quên (1970), Đám Cháy (1971), Giờ Ra Chơi (1970), Không Một Ai (1971), Thành phố (1971), Áo Mơ Phai (1972), Tro Than (1972), Những Kẻ Đứng Bên Lề (1974), Đồng Cỏ (1994). Hầu như ai cũng biết ông qua ca khúc Tình khúc Thứ nhất (nhạc của Vũ Thành An, tác giả Đời Đá Vàng), và Saigon Niềm Nhớ Không Tên (Nước Mắt Cho Saigon). Ông đã từng bị Cộng Sản cho đi tù 10 năm trước khi sang Mỹ năm 1998.   

Bà Rosalynn Carter: Cũng trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự ra đi có tính cách phần nào bi kịch của bà Rosalynn Carter, 96 tuổi, trong vòng tay của chồng là cựu Tổng thống Jimmy Carter, 99 tuổi, sau 77 năm sống chung trong hạnh phúc tuyệt vời. Từ khi rời Tòa Bạch Ốc năm 1980 vì không đủ bản lĩnh so với thủ đoạn của Ronald Reagan trong bầu cử năm đó, hai người đã tập trung vui thú điền viên và giúp đỡ những thành phần khốn khó trong xã hội. Bà Carter đột ngột qua đời tại nhà vào ngày 19-11, giữa khi người ta nghĩ ông Carter sẽ đi trước.

Bà Sandra Day O’Connor, nữ thẩm phán Tối cao Pháp Viện đầu tiên của Mỹ, đã qua đời ngày 1-12 khi được 93. Bà được Tổng thống Reagan bổ nhiệm năm 1981, khi bà 51 tuổi. Năm 2006, bà từ chức để có thể ở nhà tập trung lo cho chồng đang bị chứng mất trí nhớ. Ba năm sau, chồng bà qua đời. Cái chết của ông đúng là một nhắc nhở về sự nguy hiểm của những chứng alzheimer hay dementia. Và nay bà cũng theo chồng 14 năm sau đó, cũng được biết bà bị mất trí nhớ. Bà được nhắc nhở đến nhiều trong lịch sử: tuy là một thẩm phán được một tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, bà là người ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ, đồng tình với chuyện nâng đỡ những dân tộc thiểu số trong giáo dục đại học (affirmative action). Bà cũng chính là người bỏ phiếu ủng hộ ông George W. Bush trước Albert Gore trong bầu cử tổng thống năm 2000.

Henry Kissinger chết vào ngày 29-11 - sống lâu hơn 100 tuổi (ông sinh ngày 27-5-1923). Lưu danh muôn thuở, lưu xú vạn niên. Ông ta là một hiện tượng đặc biệt tham quyền, ham danh, hám lợi, bất kể những giá trị đạo đức nhân bản, quyền sống của con người. Vốn có gốc Do Thái,  cách đây chỉ mấy tháng ông còn đi tìm gặp vị lãnh tụ độc tài của Tel Aviv Benjamin Netanyahu để hiến kế. Ông bác bỏ giải pháp thỏa hiệp một đất nước hai nhà nước, ông cho rằng Do Thái phải nói chuyện với khối A Rập trong khi phải dẹp bỏ “giặc Hamas”. Ông cho rằng Tổng thống Dân Chủ Joe Biden không đủ sức làm tròn trách nhiệm lãnh đạo thế giới. Trước đó, ông cũng lên tiếng không ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống Nga xâm lăng, vì Ukraine làm cho “trật tự thế giới đảo điên” và Mỹ không đủ sức theo đuổi. Kissinger lúc đó đã 99, gần 100, cho nên cũng có thể tâm thần, cho nên khuyên rằng Urakine nên chịu mất những lãnh thổ nay đã nằm trong tay Nga vì đó là “chuyện di sản lịch sử” từ thời Chiến tranh Lạnh. Chúng ta không thể quên Kissnger đúng nửa thế kỷ trước đã bán đứng Miền Nam của chúng ta cho Cộng Sản Hà Nội. Sử gia thế giới cũng không quên tội ác sát nhân, diệt chủng của Kissnger đối với các nước Nam Mỹ (Chile) và Trung Phi cũng như đảo quốc Thái Binh Dương Đông Timour và Đông Pakistan. Người ta nói trong tay của Kissinger nhuốm máu đến mấy triệu người đấu tranh cho độc lập của đất nước của họ. Nhưng cũng chính bàn tay đó đã dám nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1973!!!
 

Cái vòng danh lợi cong cong

Mặc dù trong thời gian gần đây, không ít những nhà dân cử tại Thượng Viên và Hạ Viên liên bang đã rũ áo từ quan, đáng ngạc nhiên nhất là sự ra đi ngày thứ tư 6-12 của cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Tuy là một chủ tịch Hạ Viện đã cố hết sức thỏa hiệp với nhóm MAGA tại Quốc Hội, ông vẫn bị một nhóm rất nhỏ hạ bệ cách đây hơn một tháng. Nay ông rút lui có tính tức thì, cho thấy ông mỏi mệt, hoặc ghê tởm, hoặc bất lực trước chính trường tồi tệ.

      Đúng là chính trường chưa bao giờ tồi tệ đến thế, cho dù chỉ một nhóm nhỏ MAGA khuấy rối!

 McCarthy là nhà lập pháp mới nhất tuyên bố rút lui, làm tăng thêm làn sóng nghỉ hưu và từ chức ở cả hai viện. McCarthy từ chức trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, khiến thế đa số của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện càng hẹp hơn và chiếc ghế ở California của ông sẽ phải có một cuộc bầu cử đặc biệt. Cho đến nay, 37 dân biểu và 7 thượng nghị sĩ đã thông báo họ sẽ ra đi.

Tại thời điểm này, những sự rút lui này phù hợp với xu hướng trong quá khứ. Số người nghỉ hưu tại Hạ Viện ngang bằng với năm 2020 và 2022. Con số tại Thượng Viện cao hơn một chút. Các thông báo cũng tăng vọt vào cùng thời điểm thường diễn ra: ngay gần thời hạn nộp hồ sơ của ứng cử viên khi các nhà lập pháp phải quyết định xem họ có tham gia vào một nhiệm kỳ khác hay không. Tuy nhiên, nếu những lần nghỉ hưu này tiếp tục với tốc độ nhanh như vậy thì có thể tổng số người nghỉ hưu trong nhiệm kỳ này sẽ vượt quá kỷ lục trong quá khứ.

Mặc dù những sự ra đi này diễn ra theo một mô hình gần đây, nhưng cũng có những đặc điểm riêng trong cách các nhà lập pháp chọn rời khỏi nhiệm kỳ này. Tại Hạ Viện, một số người  Cộng hòa nghỉ hưu hoặc từ chức đều là những nhà lập pháp lâu năm nổi tiếng là người bảo thủ chuẩn mực và truyền thống của Quốc Hội hơn là các chiến thuật gây rối của phe cực hữu. Một số người đã nghỉ hưu ở cả hai viện đã bày tỏ lo ngại về hướng đi ngày càng lấy Trump làm trung tâm và cực đoan mà đảng của họ đang thực hiện. Nhiều nhà lập pháp sắp nghỉ hưu đã viện dẫn sự rối loạn chức năng của Quốc Hội, từ khó khăn trong việc thông qua các đạo luật quan trọng đến đấu đá nội bộ nhỏ, là lý do chính khiến họ ra đi.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) cho biết trong một video tuyên bố nghỉ hưu: “Sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đang làm tê liệt Quốc Hội và làm trầm trọng thêm các vấn đề của đất nước chúng ta”. Dân biểu Dan Kildee (Dân Chủ - Michigan) nói: “Đây là giai đoạn cực đoan nhất trong thời gian tại Quốc hội vì sự hỗn loạn tuyệt đối và thiếu bất kỳ cam kết nghiêm túc nào đối với việc quản trị hiệu quả. Sự hy sinh tất cả chúng ta đang chịu để có mặt ở Washington, để chứng kiến ​​​​sự hỗn loạn này, thật khó có được.”

Cái vòng danh lợi cong cong; kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào. Cũng có những người ra đi vì nhắm đến chức vụ cao hơn. Tại Hạ Viện, 9 người Dân Chủ đang tranh cử vào Thượng Viện, bao gồm Katie Porter, Adam Schiff và Barbara Lee ở California; Ruben Gallego ở Arizona; Elissa Slotkin ở Michigan; Colin Allred ở Texas; David Trone ở Maryland; Lisa Blunt Rochester ở Delaware; và Andy Kim ở New Jersey. Về phía Đảng Cộng Hòa, Alex Mooney ở Tây Virginia và Jim Banks ở Indiana cũng đang cạnh tranh tương tự cho các ghế Thượng viện vào năm tới. Mô hình này ít rõ ràng hơn ở phía Thượng Viện, trong đó sáu trong số bảy người về hưu không tranh cử chức vụ công; chỉ có Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Braun cho biết ông sẽ tranh cử chức thống đốc bang Indiana. Tại Hạ Viện, 16 thành viên sắp nghỉ hưu không tranh cử vào bất cứ chức vụ nào.

Dân biểu Ken Buck của Colorado là một trong số ít người Cộng Hòa tại Hạ Viện lên án chủ trương phủ nhận cuộc bầu cử của đảng ông, đã nhấn mạnh chủ nghĩa cực đoan này là lý do cụ thể để ông nghỉ hưu. Buck nói “Quá nhiều nhà lãnh đạo Cộng Hòa đang nói dối nước Mỹ, cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp, mô tả ngày 6-1 như một chuyến tham quan Điện Capitol mà không có sự hướng dẫn và khẳng định rằng các cuộc truy tố tiếp theo là vũ khí hóa hệ thống tư pháp của chúng ta”. McCarthy và đồng minh của ông, Dân biểu Patrick McHenry - người giữ vai trò chủ tịch Hạ Viện sau khi McCarthy bị phế truất và cũng sắp ra đi - nằm trong số những đảng viên Cộng Hòa dù ủng hộ Trump nhưng theo chủ nghĩa thể chế hơn một chút. Chẳng hạn, cả hai đều phản đối việc đóng cửa chính phủ để tạo áp lực cho việc cắt giảm tài trợ…

Tại Thượng Viện, Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Utah) là người Cộng Hòa duy nhất hai lần bỏ phiếu kết tội Trump, cũng là một người nghỉ hưu đang được chú ý, người đã công khai chỉ trích cựu tổng thống và ảnh hưởng của ông đối với đảng. Ông có cùng một lập luận với bà Liz Cheney: phong trào MAGA đang làm hỏng đảng Cộng Hòa và tạo một nguy cơ nghiêm trọng cho dân chủ nước Mỹ.
 

Liệu Tổng thống Joe Biden…

Người ta vẫn hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có rút lui hay chăng, cho dù Donald Trump còn đó hay không còn đó.  Không ít những người Dân Chủ muốn ông Biden nay đã trên 80 nhường chỗ cho một người trẻ hơn, thế nhưng người ta chưa thấy có dấu hiệu gì cho dù đại hội đảng Dân Chủ đã ngày một gần kề hơn.

Ông Biden cũng có những lý do để nán lại.

      Tình hình kinh tế hiện nay không thế tốt hơn được. Nói rõ hơn, kinh tế tăng trưởng đến mức phi thường, lạm phát đã được kềm chế thấy rõ, số người thất nghiệp đã xuống đến mức kỷ lục (3.5%), và người dân đang hân hoan chào đón Giáng Sinh và Tân Niên chưa bao giờ vui hơn trong những năm gần đây.

      Những vấn đề khác của nước Mỹ mà người ta đang thấy trước mắt thực không có giải đáp. Hay chỉ có thời gian giải đáp.

Liệu một tổng thống nào khác có thể hành động để ngăn chận làn sóng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới Mỹ-Mễ? Đây là chuyên muôn thuở của một “đất nước của di dân”, không thể có cách nào giải quyết được một sớm một chiều.

      Cũng chẳng thể có ảo tưởng có tổng thống nào khác có thể giải quyết được hai cuộc chiến đang mù mịt phủ lên thế giới. Chắc chắn nếu đắc cử vào năm 2024 Donald Trump sẽ phơi bày sự lú lẩn của mình trước cuộc chiến Ukraine và cuộc chiến Trung Đông giữa Israel và Hamas. Cả đảng Cộng Hòa cũng bế tắc vì nước Mỹ nói chung vẫn chưa xác định được dứt khoát vai trò lãnh đạo thế giới của mình là thế nào và đến mức nào. Joe Biden đang ngần ngại khi phải đứng trước hai cuộc chiến trong cùng một lúc, và rất khó xác định cuộc chiến nào có ưu tiên hơn, và lại càng dở khóc dở cười trước một đồng minh lâu đời nhung vẫn bị lạm dụng bất đắc dĩ. Nhưng có lẽ chỉ có Biden mới có thể đương đầu với mưu định tội ác của bạo chúa Vladimir Putin.

      Như vậy, Biden vẫn nói ông còn đó trên đường chạy vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 là vì Donald Trump vẫn còn đó. Nếu không còn Trump, có thể không còn Biden. Đó là cái lý của ông.

Tuy nhiên, chúng ta thấy đang nổi lên câu chuyện của Hunter Biden, năm nay đã 53 nhưng còn cư xử như “tuổi 13”. Bao nhiêu câu chuyện hư hỏng của ngưòi con, có lẽ tất cả bắt đầu chỉ nhờ uy thế của người cha. Hunter nghĩ đến cha quá nhiều!

Cuộc sống của Hunter cũng là “lưu xú vạn niên”, anh ta đã không nghĩ gì đến cha, hay chỉ nghĩ theo cách lợi dụng. Lợi dụng ở chỗ làm ăn, ở chỗ trốn thuế. Cách sống hoang đàng của Hunter đúng là đáng ngạc nhiên vì Biden là một gia đình lớn. Người cha từ năm 30 tuổi đã lao vào chính trường.  Cách sống của người con cho thấy anh ta chẳng nghĩ gì đến cha mình.

Joe Biden có trách nhiệm gì chăng - trực tiếp hay gián tiếp? Câu trả lời phải là có. Ông Biden hẳn phải biết là có. Ông có nói Hunter Biden có làm thì có chịu. Nhưng ông cũng nên biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ông đã không tề gia. Cho nên, ở tuổi trên 80 này, ông nên hành động, nhất là khi thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa…
Hoàng Ngọc Nguyên



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top