Hoàng Ngọc Nguyên, ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN!

Hoàng Ngọc Nguyên

ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN!

Một thời một thế hỡi ôi
Mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên

Trước mắt người dân Mỹ hiện nay là cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra chưa đến bảy tháng nữa giữa hai ông Joe Biden và Donald Trump. Hai người đều là tổng thống – một người đương nhiệm, một người cựu. Và trong đầu của mỗi người dân, đương nhiên có hai câu hỏi lớn. Một câu dễ trả lời, một câu làm người ta mất ăn mất ngủ.

      Câu hỏi đầu tiên xem chừng dễ trả lời: mình sẽ bỏ phiếu cho ai đây? Phần lớn cử tri Mỹ đã sẵn có câu trả lời trong đầu nếu người ta đã quyết định bỏ phiếu. Hoặc ông 46, hoặc ông 45. Một câu hỏi thú vị là có bao nhiêu người sẽ không bỏ phiếu trong bầu cử năm nay. Con số này có thể từ 20% đến 35%, và nó có thể hùng hồn nói lên một thực trạng của dân tâm: người ta muốn bỏ cuộc chơi vì không có sự chọn lựa.

      Câu hỏi thứ hai xem chừng phức tạp hơn nhiều lần: người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ai đây? Nói rõ hơn: Ai là người thắng cuộc? Có lẽ cuộc bầu cử năm nay là lần đầu tiên cử tri của cả hai bên không được tự tin bao nhiêu về lá phiếu của mình vì những lý do hiển nhiên.

Những cử tri bỏ phiếu cho ông Trump hẳn phải lo sợ người dân Mỹ ngày nay biết nhiều hơn về những thành tích pháp lý đầy tai tiếng của ông 45 cho nên không chắc gì có được khoảng 70 triệu phiếu như bốn năm trước đây.

Ngược lại, những người ủng hộ ông Biden cũng có một mối lo hữu lý ngoài chuyện ông Biden đã quá  già cho nên làm cho một số người thất vọng nên họ nằm nhà thay vì đi đến phòng phiếu. Vấn đề chính là những rối rắm thời cuộc mà ông Biden có thể gỡ không ra – từ chuyện “bên cầu biên giới” di dân bất hợp pháp tràn ngập như vào chỗ không người, đến chuyện bênh ai bỏ ai trong cuộc chiến  ở dãi Gaza và làm sao tăng viện quân sự cho Ukraine để cho bạo chúa Putin không nuốt chửng nước láng giềng lâu đời này của đế chế Nga - sẽ làm cho ông mất phiếu của cử tri da đen muốn đóng cửa biên giới, cử tri Dân Chủ thuộc cánh tả hoặc của những người ủng hộ người Palestine và chống Do Thái trong cuộc chiến hiện nay ở Trung Đông - nhất là sau khi Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu chơi liều thả bom vào sứ quán Iran tại thủ đô Damacus của Syria (1 tháng tư), cho lính bắn vào pháo kích vào một đám đông người Palestine đang đổ ra đường tranh nhau thực phẩm cứu đói khiến cho hơn 100 người bị chết, cả 700 người bị thương (29/2), và biến cố gần đây nhất là cho máy bay tiêu diệt hai xe của một tổ chức cứu trợ (World Central Kitchen) đang trên đường đến với hàng trăm ngàn người đói khát tại miền nam dãi Gaza, làm cho bảy người thiện nguyện thuộc nhiều quốc tịch khác nhau chết không toàn thây (cũng ngày 1-4). Ý đồ của Netanyahu là thâm độc: gây chiến với Iran để làm cho Mỹ mắc kẹt, và khủng bố chuyện cứu trợ thực phẩm để cho những tổ chức nhân đạo phải chùn bước và dân Palestine chết đói càng nhiều càng tốt.


Trump bán kinh thánh, người  Tin Lành bán linh hồn (Seattle Times)


Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ có được một tổng thống như Donald Trump (2017-2020) là một điều hiếm có - gần cả 250 năm từ thời lập quốc đến nay mới có một người. Ông Trump hiểu điều đó, nên vẫn tự so sánh mình với những tổng thống hiện diện trên Mount Rushmore (George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt) và nghĩ rằng trên đó còn một chỗ trống dành cho ông. Tuy nhiên, giới sử gia, chính trị học và học giả chuyên ngành tổng thống không chia sẻ tâm trạng của Trump. Theo một thăm dò xếp hạng tổng thống Mỹ được công bố vào năm 2024, ông Trump quả thực được xếp hàng đầu - nhưng từ dưới lên. Cũng trong bảng xếp hạng còn chưa ráo mực này, Tổng thống Joe Biden, “oái oăm” thay cho Trump, được xếp hạng 14, từ trên xuống.

Tổng thống Biden có thể phải vận động quyết liệt để cho ông Trump không trở lại được Nhà Trắng, theo nhiều thăm dò trong thời gian qua. Cho đến nay, tỷ lệ cử tri ủng hộ hai ông vẫn còn ngang ngửa, khó nói. Theo thăm dò mới nhất vào đầu tháng tư này, ông Biden được 41% số cử tri được hỏi ý kiến ủng hộ, trong khi Trump được 37%. Nhưng 22% chưa có ý kiến là một con số nguy hiểm.

 Cần hiểu rằng đó không phải là quan điểm của giới trí thức nói chung. Khoảng 154 nhà nghiên cứu sử học và chính trị trong một thăm dò được công bố vào ngày 20-2-2024 đã xếp hạng ông Biden trong số 1/3 tổng thống đầu đàn trong lịch sử 45 tổng thống Mỹ, trong khi Trump đứng chót (ông 45 hạng 45). Cách đây hai năm, cũng cuộc thăm dò này, Biden được xếp hạng 18, Trump 43. Có lẽ hơn ba năm sau khi Trump rời khỏi Tòa Bạch Cung, người ta đã nhìn thấy Trump rõ hơn! Tổ chức Thăm dò Chuyên gia trong Đề án Đánh giá Sự Vĩ đại của Tổng thống Mỹ (Presidential Greatness Project Expert Survey) sắp Biden đứng còn trên cả Woodrow Wilson và Ronald Reagan, trong khi Trump còn sau cả Andrew Johnson và James Buchanan (Năm 1963, nước Mỹ còn có thêm một Tổng thống Johnson nữa, là Lyndon B. Johnson, người quyết định từ giã chính trị năm 1968 sau cuộc chiến Tết Mậu Thân tại Việt Nam).

Wilson (1913-1920) là tổng thống đã đưa nước Mỹ vào chính trường quốc tế qua Đệ nhất Thế chiến với chiến thắng vang dội nhưng lại không thuyết phục được Quốc Hội Mỹ để cho Mỹ tham gia vào Hội Quốc Liên. Reagan (1981-1988) là tài tử điện ảnh duy nhất đã trở thành tổng thống Mỹ, và nổi tiếng về chính sách đối ngoại có tính cách thách đố đối với Liên bang Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Leonid Gorbachev cho dù năm 1990, Liên Xô tan rã, chủ yếu là nhờ Gorbachev hơn là Reagan.
Trong khi đó, Buchanan (1857-1861) và Johnson (1865-1869) là tổng thống trước và sau Abraham Lincoln. Sự lãnh đạo bất cẩn, vô trách nhiệm, vô ý thức của Buchanan đã dẫn đến hậu quả là cuộc Nội Chiến Bắc-Nam (1861-65). Còn Johnson vốn là người Miền Nam, được Lincoln cất nhắc làm phó tồng thống trong thời Nội Chiến để gởi đi thông điệp đoàn kết giữa hai miền, nhưng sau khi Lincoln bị ám sát, Johnson lên thay, âm mưu trở mặt, phản bội lý tưởng dân quyền của người tiền nhiệm. Nếu còn sống, Buchanan và Johnson chỉ có một niềm an ủi là họ không đứng chót bảng.

Kết quả không may, không hay cho người đội sổ, cựu Tổng thống Donald Trump, giải thích tại sao ông vẫn có một mối thâm thù với giới truyền thông, trí thức “cộng sản”, “khuynh tả” xã hội chủ nghĩa” (như ông quen gọi những người thuộc đảng Dân Chủ) ông gọi là “kẻ thù của nhân dân”.  Lẽ ra, ông phải bình tĩnh để thấy cái tội của mình khiến cho những giám khảo lịch sử không thể có chọn lựa nào khác. Trong lịch sử nước Mỹ, cho đến nay, không biết sau này sẽ ra sao nếu ông đắc cử thêm một lần nữa năm nay, Trump là tổng thống duy nhất đạt kỷ lục có đến hai lần bị Hạ Viện luận tội truất bãi (impeachment) về tội tìm cách thông đồng với nước ngoài (Nga và Ukraine) – may mà ông có đảng Cộng Hòa vào lúc đó đang còn giữ thế đa số tại Thượng Viện dưới sự lãnh đạo của ông già ma đầu Mitch McConnell chủ tịch viện trên. Bàn tay của Trump còn đẫm máu của ít nhất là 300.000 người Mỹ chết trong năm 2020 vì COVID do sự tắc trách vô đạo của Trump – không nói đến chuyện ông đã để cho lính Mỹ tại Afghanistan chết trong tay quân Taliban do Nga xúi giục! Trump còn nổi bật với thành tích làm cho kinh tế nước Mỹ đang hưng thịnh đột nhiên suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 12% và kinh tế xuống dốc cả 4% trong một quí. Trong một câu hỏi khác, những người được hỏi đã bầu chọn Trump là tổng thống phân cực nhất từ ​​​​trước đến nay.

Về thứ hạng của Tổng thống Joe Biden, các giáo sư khoa học chính trị Justin Vaughn của Đại học Coastal Carolina và Brandon Rottinghaus của Đại học Houston lưu ý rằng “Khó đánh giá chính xác một tổng thống đương nhiệm, nhưng các nhà sử học thích Biden vì tính chính trực, khả năng thỏa hiệp cũng như các cuộc bổ nhiệm điều hành và tòa án của ông. Tuy nhiên, ông đạt điểm thấp hơn trong mối quan hệ với Quốc Hội và khả năng giao tiếp.  Quả thực xếp thứ hạng 14 cho Tổng thống Biden là hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ ủng hộ ông Biden giành được trong quần chúng là 41%, mức thấp nhất vào thời điểm này của bất kỳ tổng thống nào kể từ khi Gallup bắt đầu tổ chức thăm dò dưới thời Tổng thống Eisenhower vào những năm 1950.

Trong một bài xã luận trên tờ Los Angeles Times nhân dịp công bố kết quả cuộc khảo sát, các tổng thống theo truyền thống được coi là vĩ đại nếu họ lãnh đạo đất nước vượt qua những thời điểm nhiều thử thách cho đất nước hoặc các cuộc khủng hoảng lớn đòi hỏi bản lĩnh, đảm lược đặc biệt của người lãnh đạo quốc gia. Những nhà sử học lưu ý rằng các chiến thắng quân sự, tăng trưởng kinh tế, cũng như các vụ bê bối cũng ảnh hưởng đến ý kiến ​​về hoạt động của tổng thống. Chẳng hạn như Reagan trong cuộc đối đầu với Nga, và Nixon trước vụ Watergate. Biden đã đối đầu một cách xuất sắc hai cuộc khủng hoảng đồng thời: COVID và suy thoái. Ông đã ký một số đạo luật quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình – phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đại tu cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư lớn vào y tế công cộng và các hành động về khí hậu trong số đó. Hai tác giả này nhấn mạnh: “Thành tựu quan trọng nhất của Biden có thể là việc ông ấy đã cứu được chế độ tổng thống khỏi tay Trump, nối lại phong cách lãnh đạo truyền thống hơn và đang ra sức gìn  giữ chức vụ này khỏi rơi vào tay người tiền nhiệm vào mùa thu này”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên những gì Biden đã làm để đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, hòa hợp với hai nước láng giềng phía bắc (Canada) và nam (Mexico), trở lại vai trò lãnh đạo khối châu Âu chống sự bành trướng của những thế lực độc tài thời nay đang muốn dựng lên một trật tự thế giới mới bằng bất cứ giá nào… Chính Biden đã tập họp được khối Liên Âu để tăng cường quân viện cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lăng cửa Putin nham hiểm. Và cũng chính Biden đã tập họp được Nhật, Đài Loan, Phillippines, Úctrên mặt trận chống bá quyền Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Biden, Kevin Munoz, cho biết trong một tuyên bố: “Phải là người rất phi thường mới giành được vị trí tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Donald Trump đã làm được điều đó và lý do khá rõ ràng. Donald Trump đã dành bốn năm cầm quyền chỉ nhằm phục vụ một đối tượng duy nhất: chính bản thân ông. Trong khi đó, Tổng thống Biden thức dậy mỗi ngày để đấu tranh cho người dân Mỹ, giúp tạo ra nhiều việc làm trong ba năm hơn bất kỳ tổng thống nào đã tạo ra trong bốn năm, và đầu tư vào Mỹ ở mức kỷ lục.”

Thực ra, ông Biden đang phải thức khuya dậy sớm, mất ăn mất ngủ chẳng phải chỉ vì tuổi già mà còn vì những mối lo nghĩ chằng chịt trong đầu. Một số cử tri Dân Chủ vẫn phàn nàn ông già quá cho nên ở đâu ông cũng phải đi như chạy để cho người ta thấy mình còn “sung”. Đầu tuần lễ thứ nhì của tháng tư, thông báo từ Bộ Lao động của chính phủ cho biết trong tháng ba, con số người kiếm được việc làm lên đến mức 303.000, nhờ thế tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 3.8%, với 6.4 triệu người không có việc làm. Tổng số người thất nghiệp dài hạn (trên 27 tuần) là 1.2 triệu người – không mấy thay đổi so với tháng trước đó. Lạm phát có tăng nhẹ 0.4% so với tháng hai, vì giá nhà và giá xăng tăng mạnh. Nhưng lạm phát trong 12 tháng làm cho người ta lo ngại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng ba tăng 3.8% so với 12 tháng trước đó, khiến cho cơ quan Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) lúng túng vì tan vỡ giấc mộng hạ thấp lãi suất căn bản trong năm nay. Đó chính là điều phương hại đáng kể đến uy tín của Bidenomics.

Ông Biden cũng loan báo một chính sách mới xóa nợ cho các cựu sinh viên, lên đến cả 300 tỷ cho khoảng 30 triệu cựu sinh viên, mặc dù một “sáng kiến” trước đây đã bị Tối cao Pháp viện bác bỏ. Ông cũng nhanh chóng đến thăm cây cầu ở Baltimore bị đổ… Nhưng nói chung, cử tri Dân Chủ đang lo ngại nhìn tình hình rối ren ở biên giới Mỹ Mễ. Họ cũng đang bất mãn vì sự ngang ngược của Netanyahu trong cuộc chiến Gaza nhờ sự viện trợ vô hạn của Mỹ. Ông Biden có vẻ như đang lớn tiếng với Netanyahu, nhưng cũng có vẻ như chiếu lệ vì Mỹ đang bán cho Israel 50 chiến đấu cơ F-15 rất hiện đại. Cử tri Dân Chủ cũng đang lo sợ với sự phá thối của khối dân biểu Cộng Hòa MAGA tại Hạ Viện, Mỹ không yểm trợ thỏa đáng cho Ukraine và để cho Putin lộng hành toàn cầu… Không nói gì đến cử tri Cộng Hòa đang có cớ để rung đùi, cuộc bầu cử này sẽ thử thách ý thức của cử tri Dân Chủ và độc lập. Một số cử tri này đang đe dọa họ sẽ ngồi nhà, không hiểu được sự nguy hiểm trong thái độ tiêu cực của họ.
Cũng có thể nói ngoài ông Biden, thực sự người Mỹ không có sự chọn lựa nào khác. Ông Trump nổi tiếng là chính khách đầu tiên quảng bá về sự vô lại trong ngôn ngữ chính trị để kích động quần chúng, chẳng hạn như ông luôn miệng gọi Tổng thống Biden là “Sleepy Joe”, “Crooked Joe”, “Slow Joe”, “Stupid Joe”, “Basement Biden”... Trump ngày càng thể hiện là một ứng cử viên xuất sắc không thể thay thế được của “chủ nghĩa dân tộc Ki-tô giáo bạch chủng”  (white Christian nationalism) - chính là nền tảng “dân túy” (populist) của những thế lực MAGA “da trắng siêu đẳng” (white supremacists) của Trump (Phải là người da trắng, phải theo đạo Cơ Đốc, phải theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Bởi thế mà Trump vốn chuyên nghề buôn bán thượng vàng hạ cám nay đang rêu rao chiêu mãi Thánh Kinh có phụ bản Tuyên ngôn Độc lâp với giá $60 một cuốn (Nên thông cảm ông rất cần tiền để thanh toán cho các vụ án làm ăn gian lận và xúc phạm phụ nữ (bà Jean Carroll) - tất cả không dưới 500 triệu đô-la. Trong giấc ngủ hiện nay, ông chỉ nằm mơ thấy có những phụ nữ quen thuộc trong y phục quen thuộc: Stormy Daniels và Karen McDougal: ngày 15-4 này ông phải ra tòa về tội tiền bịt miệng. Trump vẫn nói mình là “con Trời” (God’s son), nay đang vác thánh giá, chịu tội thay cho người dân. Điều chẳng hiểu nổi là các mục sư quanh Trump tin là thật, cho rằng Trump là người có tín ngưỡng hơn là Biden “vô đạo”. Trump vẫn tiếp tục tấn công “di dân bất hợp pháp”, gọi họ là “súc vật”, tội phạm, băng đảng. Ông ta còn nói “ước gì có người da trắng trong số những di dân này”. Ông tiếp tục đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi khối NATO Liên Âu, tăng cường quan hệ với những nhà độc tài như Putin, Tập Cận Bình (cứ xem cách ông đón tiếp Thủ tướng Hungary vừa qua thì biết). Trump cũng nói việc đầu tiên ông ta sẽ làm trong ngày đầu tiên khi đắc cử là ân xá những người bị tù vì tội tham gia bạo động ngày 6-1, và sau đó sẽ tính đến những người đang truy bức ông ta vào các vụ án. Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với ông là tự ân xá cho mình.

Bởi thế, người dân Mỹ đang theo dõi cuộc vận động tranh cử của ông chỉ có một cách: đứng trước bốn vụ án, từ nay đến ngày bầu cử ông sẽ xử lý ra sao? Chẳng thể tưởng tượng được nước Mỹ có một ông cựu tổng thống và nay là ứng cử viên tổng thống lại bị bốn vụ án không sạch sẽ chút nào: làm ăn gian trá và dùng tiền bịt miệng một “nữ diễn viên” phim người lớn; âm mưu gian lận bầu cử tại tiểu bang Georgia; âm mưu gây bạo loạn tại Tòa nhà Quốc Hội để hủy bỏ kết quả bầu cử dân chủ, và; chiếm đoạt các hồ sơ tổng thống sau khi rời Nhà Trắng. Bao nhiêu tiền Trump lạc quyên được ông đang đổ vào chi phí cho các luật sư đang ngày đêm tìm cach đình hoãn vụ án này đến vụ án khác. Trump đang tìm cách phá hoại, đình trệ diễn trình công lý tiến hành. Hệ thống tư pháp cua Mỹ đang cho thấy tắc tị trước sự lạm dụng dân chủ.

      Nghĩ mà thương! Người dân Mỹ ở chỗ nào cũng mất ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên vì trò chơi dân chủ lạc hướng của mình.

Hoàng Ngọc Nguyên
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top