Hoàng Ngọc Nguyên: DONALD TRUMP, MỘT TỔNG THỐNG  LỊCH SỬ CHƯA TỪNG CÓ

Hoàng Ngọc Nguyên

DONALD TRUMP,

MỘT TỔNG THỐNG  LỊCH SỬ CHƯA TỪNG CÓ



Ảnh chụp “can phạm”  (mugshot)  Donald Trump bởi cảnh sát quận Fulton, tiểu bang Georgia
   

Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21, Tòa Bạch Ốc đã đón tiếp những người tạm trú đặc biệt. George W. Bush (2001-08) là tổng thống đầu tiên có cha cũng từng cư ngụ ở nơi này trong bốn năm và chỉ mới dọn nhà tám năm trước đó. Barack Obama (2009-16) là người gốc Phi đầu tiên vào Tòa Bạch Ốc với tư cách là chủ nhà, không phải là nô lệ. Còn tổng thống thứ 45, Donald Trump, là tổng thống đầu tiên không hề qua một “trường lớp” chính trị nào, ngẫu nhiên đã 70 mà còn lạc bước vào Nhà Trắng nhờ nhãn hiệu MAGA (Make America Great Again). Nhờ ông mà nay chúng ta thấy quần chúng “America First”, theo chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc (White Christian nationalism), còn được gọi là khối bạch chủng siêu đẳng (white supremacists) khủng khiếp đến thế nào. Đúng là định mệnh đã an bài! Manifest destiny!

Ông Trump tưởng rằng sẽ ở trong Nhà Trắng cho đến khi răng long tóc bạc, nhưng may thay cho ngưòi dân Mỹ, ông chỉ được một nhiệm kỳ bốn năm. Tuy thế, ông đạt kỷ lục trong nhiều chuyện. Cho đến giữa năm 2023, tức hai năm rưỡi sau khi ông đã rời Tòa Bạch Ốc, Trump vẫn cứ lập luận nếu “cuộc bầu cử không bị đánh cắp” vào tháng 11-2020 thì ông đã vẫn còn ở trong Nhà Trắng, thay vì phải rút về “căn cứ địa” Mar-a-Lago hơn hai năm qua. Bởi vậy, ông phải tiếp tục tranh đấu, dù một mình một ngựa, để bảo vệ nền dân chủ của nước Mỹ. Tuy nhiên, vào giữa năm 2023, ông đang phải bận rộn chuẩn bị ra tòa trong nhiều cáo trạng - mặc dù ông ta đã ra tranh cử trở lại cho bầu cử tổng thống năm 2024, chủ yếu là nhằm mục đích tránh ngồi tù. Trong những cáo trạng đó, có vụ án ở Georgia ông âm mưu “đảo ngược kết quả” bầu cử ở tiểu bang này bằng cách tìm kiếm hơn 11.000 “phiếu ma” hay “cử tri đoàn ma”. Một vụ án khác mà người ta cũng nôn nóng theo dõi, đó là tổ chức bạo loạn ngày 6-1-2021 tại tòa nhà Quốc Hội ở Washington D.C. khiến cho bao nhiêu dân biểu, thượng nghị sĩ phải bỏ phòng họp, trốn chui trốn nhũi. Trump âm mưu ngăn chận sự loan báo chính thức kết quả bầu cử tổng thống mà ông Joe Biden là người đắc cử. Một vụ án nữa là ông bị khép vào tội cố tình phạm pháp khi tìm cách chiếm hữu, che dấu những hồ sơ mật của Tổng thống sau khi đã rời Tòa Bạch Ốc. Chưa kể những vụ làm ăn gian lận, khai man trốn thuế, lạm dụng phụ nữ…

Bởi thế, người ta gọi ông là “người thứ 45” theo hai nghĩa: thứ nhất, ông là tổng thống thứ 45 trong lịch sử của nước Mỹ (Joe Biden 46, Obama 44…); thứ hai, trong thứ hạng những tổng thống Mỹ, từ những người lãnh đạo giỏi dẫn đầu như George Washington, Abraham Lincoln, Ted Roosevelt, Franklin Roosevelt… đến những ngưòi kém nhất, tệ hại nhất, thì ông Trump may ra đứng hạng 45, nếu không phải là 46.
 

Hai câu hỏi then chốt

Khi lịch sử viết về Donald Trump, đưong nhiên người chép sử phải trả lời ít nhất hai câu hỏi: tại sao Trump đắc cử năm 2016 và tại sao ông ta thất cử năm 2020. Và giữa hai câu hỏi đó đương nhiên là một câu hỏi lớn: trong nhiệm kỳ của ông, ông ta đã làm được gì? Còn với hai câu hỏi then chốt vừa được nêu ra, câu trả lời có thể đơn giản và giống nhau: ít nhiều tại vì ông là tổng thống MAGA (Make America Great Again). Người ta bỏ phiếu cho ông năm 2016 bởi vì họ nghĩ ông có năng lực làm cho Hoa Kỳ “vĩ đại trở lại” khi đặt quyền lợi của người da trắng là ưu tiên trong những quyết định chính sách và hành động của ông. Ngưòi ta không bỏ phiếu cho ông năm 2020 vì nước Mỹ trở nên thê thảm dưới thời ông!

Donald Trump là một trong những tổng thống đặc biệt nhất nước Mỹ. Ông ra tranh cử năm ông đã thất thập, không hề có kinh nghiệm chính trị hay kinh nghiệm làm việc trong chính quyền, chẳng những chưa hề đi lính mà còn chế diễu những người phải thi hành nghĩa vụ quân sự là dại, những người bị giặc bắt như John McCain là dở… Người ta biết Trump đi lên nhờ thừa hưởng gia sản kinh doanh của cha nhờ sang đoạt từ anh chị em trong nhà (bởi thế cô cháu gái Mary Trump mới có cuốn sách “Too Much And Never Enough – How My Family Created The World’s Most Dangerous Man” – Quá nhiều nhưng không bao giờ đủ - Như thế nào gia đình tôi đã tạo nên con người nguy hiểm nhất thế giới). Ông là con thứ tư trong gia đình – cha ông là di dân gốc Đức, mẹ ông đến từ Scotland. Donald Trump có được bằng cử nhân về kinh tế học vào năm 1968 tại Wharton School of the Univeristy of Pennsylvania - mặc dù những người từng là cố vấn của ông nói trong đầu ông chẳng có kiến thức gì cả. Người ta cũng tò mò về học bạ của ông ta sau khi có tin Trump đã thuê người ta học giùm. Tuy nhiên, năm 2015, Michael Cohen, từng là luật sư riêng của Trump rất đắc lực, đã đe dọa các trường này, từ trung học lên college và university,  không được công bố thành tích học tập của Trump nếu không muốn bị thưa kiện vì công bố chuyện riêng tư. Nhờ chuyện học hành này, Trump xin hoãn dịch được bốn lần. Sau khi ra trường, Trump lại được cha xin cho miễn dịch vĩnh viễn vì lý do “gót chân bị sưng”. Cohen sau này xem Trump như là kẻ tử thù vì ông bị tù cả hai năm vì từng lo cho Trump và gái chơi mà mang tội làm ăn gian giảo!

Năm 1977, Trump 31 tuổi, kết hôn với một người mẫu gốc Tiệp  tên là Ivana Zelnickova. Họ có ba người con: Donald Jr. (1977), Ivanka (1981), và Eric (1984). Ivana được nhập tịch Mỹ vào năm 1988. Hai năm sau đó, Trump và vợ ly dị, sau khi có vụ Trump ngoại tình với nữ diễn viên Marla Maples. Trump và Maples kết hôn năm 1993, nhưng sáu năm sau Trump lại ly dị. Hai người có một con gái là Tiffany (1993), nhưng chính Marla đã nuôi dưỡng cô Tiffany này tại California. Năm 2005, chưa thỏa chí bình sinh, Trump lại lập gia đình nữa, lần thứ ba với Melania Knauss, vốn là một “người mẫu” không cần trang phục đến từ Slovenia. Nhờ thế Melania được quốc tịch Mỹ năm 2006 và 10 năm sau trở thành Đệ nhất Phu nhân. Trump cũng có thêm một con trai, Barron (2006).

Trump trở thành chủ tịch của công ty kinh doanh bất động sản của cha ông vào năm 1971 (Trump mới 25 tuổi) và đặt lại tên công ty này là Trump Organization. Ông ta sau đó bành trướng hoạt động xây dựng và tân trang các tòa nhà cao tầng, khách sạn, sòng bạc, sân golf và  tìm cách bán bảng hiệu Trump trong làm ăn… Từ 2004 đến 2015, ông cũng sản xuất và làm chủ một chương trình truyền hình đời thực (reality shows), nhờ đó ông càng mở rộng quen biết với những thiếu nữ nhẹ dạ. Trong làm ăn, ông và các hoạt động kinh doanh của ông đã dính líu đến hơn 4.000 vụ án tranh tụng liên bang và tiểu bang – trong đó có sáu vụ phá sản. Bởi vậy ông rất quen thuộc với chuyện kiện tụng, mướn luật sư, ra tòa, tranh cãi tới cùng. Sau này những kinh nghiệm này tỏ ra hữu ích khi ông rời khỏi Tòa Bạch Ốc và bị truy tố đến không biết bao nhiêu vụ án chính trị.

 Trump có ba đời vợ nhưng ông vẫn thấy chưa đủ cho nên thường lui tới với những cô gái chốn giang hồ, đến độ sau này ông phải nhờ Cohen trả tiền bịt miệng cho một “nữ diễn viên điện ảnh” chuyên đóng “phim người lớn”… . Trưóc ngày bầu cử, người ta đưa ra một băng thu âm ông lớn lối: “khi ta là một ngôi sao, ta có thể ngủ với bất cứ phụ nữ nào” để giải thích cố tật của ông, gặp phụ nữ là chôm, chộp, tìm cách hiếp người ta. Bởi vậy mà vào năm 2023, ông đã 77 tuổi nhưng phải ra tòa về tội chụp giựt một nhà báo, bà Jean Carroll, hơn 20 năm trước đây (1996), và nay phải trả một khoản tiền bồi thường 5 triệu đô-la cho bà.

Tuy nhiên, nhân vật phụ nữ độc đáo nhất đối với Trump không phải là bà vợ Melania Trump hay cô gái chơi Stormy Daniels hay người mẫu Playboy Karen McDougal. Thần tượng đối với Trump chính là cô con gái Ivanka Trump mà khi cô đã lớn Trump vẫn thích cho ngồi trong lòng để nâng niu và khi cô đã là một thiếu nữ, thậm chí đã có chồng, Trump vẫn tìm cách hôn môi mỗi khi gặp – ngay cả giữa công chúng hay trên sân khấu hay có mặt của chồng cô!



Miles Taylor, một viên chức từng làm trong chính quyền Trump, đã viết trong một hồi ký  xuất bản năm 2022, là Donald Trump thích bình luận về sự hấp dẫn của Ivanka Trump, “về nhũ hoa của cô, eo của cô, về chuyện làm tình được với cô sẽ như thế nào”. Tác giả nói những cách ăn nói này của Trump làm cho phụ nữ làm việc cho Trump cảm thấy không thoải mái tí nào. Taylor là chánh văn phòng của bà Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen dưới thời Trump. Những thố lộ này được ghi trong cuốn sách “Blowback, A Warning to Save Democracy from the Next Trump”. Những phát biểu của Trump đã làm cho chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc thời đó là John Kelly phải nhắc nhở Trump “Ivanka là con gái của ông”. “Sau đó, Kelly kể lại cho tôi với vẻ ghê tởm. Ông nói Trump là một người tồi tệ, rất tồi t”. Riêng Taylor có ý kiến: “Trump là người rất bệnh hoạn.” Người ta cũng còn nhớ Trump từng ca tụng “Ivanka có một thân hình hết sẩy” và “nếu nó không phải là con tôi, chắc tôi phải cặp bồ với nó”. Một lần khác, Trump nói “Nếu tôi sống không hạnh phúc, nếu tôi không phải là cha nó, chắc tôi phải…”. Trump cũng từng xác nhận “con gái tôi chưa hề sửa vú” và “tôi hôn nó vào bất cứ lúc nào”.

Trump cũng từng nổi tiếng với phát biểu “Tôi có thể đứng giữa Fifth Avenue (New York) và bắn người nào đó, nhưng tôi chẳng mất cử tri nào, đúng không?” để nhấn mạnh những người ủng hộ ông bao giờ cũng một lòng một dạ với ông. Điều nguy hiểm cho nước Mỹ chính là ông thực sự tin như thế, ông có thể làm bất cứ điều gì phạm pháp nhưng luật pháp vẫn không đụng được đến ông. Bởi thế mới có những câu chuyện tai tiếng sau khi ông ta thất cử năm 2020 và cứ kêu gọi quần chúng của ông hành động để lật ngược thế cờ!

Trong bầu cử tổng thống năm 2016, Trump từng phải đối đầu với hàng loạt chính khách chuyên nghiệp hạng nặng trong đảng Cộng Hòa trong vòng sơ bộ như Jeb Bush, Ben Carson, Chris Christie, Ted Cruz, Mike Huckabee, John Kasich, Rand Paul, Marco Rubio, Scott Walker. Như thế mà ông đã vượt qua tất cả, là điều chẳng ai ngờ được. Trong vòng chính thức, Trump đối đầu với bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ. Có một điều ít người thắc mắc là ông bà Clinton năm 2005 từng được mời tham dự lễ cưới của Trump với Melania. Số là Trump thay đảng tịch như thay áo. Trong những năm 80 trước đó, Trump chạy theo Reagan và theo đảng Cộng Hòa. Sau đó, Trump theo đảng độc lập. Đầu thế kỷ, Trump chạy sang Dân Chủ, và tìm cách ve vãn Clinton. Nhưng rồi, Trump lại chạy trở lại đảng Cộng Hòa vào năm 2010.  Cửa của đảng mà như cửa nhà chùa!

Đảng Dân Chủ phạm một sai lầm là nể mặt cựu Tổng thống Clinton nên để bà Clinton ra tranh cử, và bà Clinton lại phạm hai sai lầm là chọn ông Tim Kaine, một thượng nghị sĩ Virginia không tiếng tăm, đứng phó, và xem thường Donald Trump cho nên bà thua ở một số tiểu bang tranh chấp (swing states). Bà Clinton hơn gần 3 triệu phiếu phổ thông (65.8 triệu so với 62.9 triệu), nhưng lại thua 77 phiếu cử tri đoàn (227/304). Ngay từ thời đó, Trump đã cho rằng có bầu cử gian lận cho nên ông ta thua số phiếu phổ thông, nhưng vì ông ta dù sao cũng đã thắng cho nên rộng lượng không thưa kiện gì! Giới phân tích chính trị đã nêu nhựng lý do chính sau đây để giải thích sự thất bại của bà Clinton: cuộc “điều tra” ác ý của Giám đốc FBI James Comey; nước Nga phá bà đồng thời với vụ tai tiếng Wikileaks; bà Clinton không vận động đủ tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania - những nơi lẽ ra bà có thể thắng; bà thua ở những tiểu bang “chao đảo” (swing states) như Ohio, Florida và North Carolina; người gốc Phi không tấp nập đi bỏ phiếu cho bà như trước đây họ đã bỏ phiếu cho Obama; và Trump thu hút mạnh mẽ quần chúng lao động da trắng tại các tiểu bang thuộc “Vành Đai Rỉ Sét” (Rust Belt states): Illinois, Indiana, Michigan, Missouri, New York, Ohio, Pennsylvania, West Virginia, và Wisconsin.

Như chúng ta đã thấy, cử tri nói chung, và đặc biệt cử tri Cộng Hòa, nói riêng, đã chán ngán các chính khách chuyên nghiệp, thường chỉ nói (khi tranh cử) mà không làm (khi đã đắc cử). Trường hợp thất bại của Jeb Bush, thống đốc Florida, con nhà Bush, là một dẫn chứng rõ rệt. Hơn thế nữa, Trump tranh cử với những chiêu bài cực kỳ hấp dẫn với cử tri Cộng Hòa, thường là da trắng, theo đạo Tin Lành, có một tinh thần “bài chủng tộc” nặng nề, nhất là vào một thời thế giới toàn cầu hóa, và những nước châu Âu đang bị di dân tràn ngập và ngay cả Hoa Kỳ cũng bị đe dọa nghiêm trọng bởi di dân vào Mỹ qua biên giới Mexico. Tôn chỉ của Trump là MAGA, tức là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng cách hồi phục một nước Mỹ của người da trắng như thuở xa xưa, và đóng cửa nước Mỹ với di dân da màu, da nâu… Trong chiến dịch đó, quan điểm chính trị của Trump được mô tả là theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc. Trong khi đó, những dấu hiệu của sự hình thành và lớn mạnh của phong trào thượng tôn da trắng dân tộc chủ nghĩa đã có từ thời Obama, nhất là sau khi chương trình Obamacare thịnh hành. Một con số không nhỏ những người da trắng xem sự thành công của Obama là một “đe doa chủng tộc”. Ngay từ năm 2010, họ dấy lên phong trào Trà Hội (tea party) của người da trắng trở lại đường phố. Chính quần chúng da trắng này đã tìm thấy ở Trump là người lãnh tụ họ đang tìm kiếm.

Tuy không có người vợ nào là người Mỹ, Trump nổi tiếng về kỳ thị chủng tộc. Tuy có đến ba đời vợ và thích phụ nữ cả loại hạ cám, Trump ni tiếng là người khinh thị phái yếu. Nhiều hành động và lời nói của Trump thể hiện tất cả hai điều này.

Theo mt thăm dò quốc gia, khoảng một nửa số người được hỏi nói rằng Trump là người phân biệt chủng tộc; một tỷ lệ lớn hơn tin rằng ông ng hộ những kẻ phân biệt chủng tộc. Thái độ phân biệt chủng tộc của Trump đã thúc đẩy sự thăng tiến chính trị của ông ta và giúp xác định lòng trung thành của cử tri của Trump. Đặc biệt là thái độ bài Hồi giáo của Trump đã củng cố sự ủng hộ của khối quần chúng MAGA dành cho ông ta.

Vào tháng 7-2019, Trump đã tweet rằng bốn nữ dân biểu Dân Chủ—tất cả đều thuộc nhóm thiểu số, có ba người là dân Mỹ bản địa—nên "quay trở lại" nước mà họ "xuất thân". Các ấn phẩm theo chủ nghĩa dân tộc của người da trắng và các trang mạng xã hội ca ngợi nhận xét của ông. Trump tiếp tục đưa ra những nhận xét tương tự trong chiến dịch tranh cử năm 2020.

Trump vốn là người ưa xúc phạm và coi thường phụ nữ khi phát biểu trước truyền thông và mạng xã hội. Ông đưa ra những bình luận thô bỉ, hạ thấp ngoại hình của phụ nữ và gọi họ bằng những cái tên như "chó", "điên", "đồ hạ đẳng đang khóc", "mặt lợn" hay "mặt ngựa". Ít nhất 26 phụ nữ đã công khai cáo buộc Trump cưỡng hiếp, hôn và sờ soạng mà không có sự đồng ý; nhìn dưới váy phụ nữ; và bước vào các thí sinh khỏa thân trong cuộc thi sắc đẹp tuổi trẻ.

Năm 1975, ông giải quyết vụ kiện năm 1973 của Bộ Tư pháp cáo buộc phân biệt đối xử về nhà ở đối với những người thuê nhà da đen. Ông cũng bị buộc tội phân biệt chủng tộc vì khẳng định một nhóm thanh thiếu niên da đen và La-tinh phạm tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng trong vụ án người chạy bộ ở Công viên Trung tâm năm 1989, ngay cả sau khi họ được minh oan bằng bằng chứng DNA vào năm 2002. Đến nay, ông vẫn giữ nguyên quan điểm này .

Theo một phân tích trên tạp chí Khoa học chính trị, Trump đã đưa ra "lời kêu gọi rõ ràng mang tính phân biệt chủng tộc" trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình. Đặc biệt, bài phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử của ông đã bị chỉ trích rộng rãi vì cho rằng những người nhập cư Mexico "mang theo ma túy, họ đang phạm tội, họ là những kẻ hiếp dâm". Những bình luận sau đó của ông về một thẩm phán người Mỹ gốc Mexico chủ trì vụ kiện dân sự liên quan đến Đại học Trump cũng bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc. Trong cuộc họp vào tháng 1-2018 để thảo luận về luật nhập cư, Trump đã gọi El Salvador, Haiti, Honduras và các quốc gia châu Phi là "các nước hố phân".

Những bình luận của Trump về cuộc biểu tình cực hữu năm 2017 ở Charlottesville, Virginia, lên án "sự thể hiện quá mức của sự thù hận, cố chấp và bạo lực ở nhiều phía" và tuyên bố rằng có "những người rất tốt ở cả hai bên", đã bị chỉ trích rộng rãi là ngụy đạo đức khi xem như nhau những người biểu tình theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và những người phản đối.
 

Thành tích của Trump

Nổi bật là chính sách đối với di dân. Với tư cách là tổng thống, Trump ra lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số nước có đa số người theo đạo Hồi (Iran, Iraq, Somalia, Libya, Sudan, Syria và Yemen) trong thời gian ít nhất là 90 ngày, cho dù họ có thể có chiếu khán phi ngoại giao hợp lệ. Lệnh này ảnh hưởng đến 218 triệu công dân của những nước này. Trump đặc biệt mạnh tay đối với di dân bất hợp pháp băng qua biên giới Mexico. Ông ta chuyển hướng tài trợ quân sự sang việc xây dựng bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico và thực hiện chính sách chia cắt gia đình đối với những người di cư bị bắt. Ông ra lệnh cho tách rời trẻ em khỏi cha mẹ của chúng để răn đe di dân bất hợp pháp, khiến cho sau này việc hội nhập gia đình trở lại muôn vàn khó khăn.  

Trump cũng chủ trương cứng rắn tối đa với người da đen trong những vụ họ xuống đường đòi hỏi “Black Lives Matter” (Sinh mạng của người da đen cần được xem trọng) sau khi xảy ra những vụ cảnh sát sát hại vô cớ một số người da đen. Nại lý do những cuộc biểu tình này gây hỗn loạn và cướp bóc trên đường phố, Trump chủ trương phải trưng tập quân đội trong nhiệm vụ đàn áp. May mà những người lãnh đạo quân đội bác bỏ yêu cầu đó! Ông cũng từng tính chuyện xuống hầm trú ẩn vì sợ người da đen tràn vào Tòa Bạch Ốc!

Trong những biện pháp quốc nội, Ông đã làm suy yếu các biện pháp bảo vệ môi trường, hủy bỏ hơn 100 chính sách và quy định về môi trường, nại lý do “hâm nóng toàn cầu” (global warming) là thuyết âm mưu, giả tạo của những người Dân Chủ. Ông cũng gọi những người Dân Chủ là “cộng sản” và “xã hội chủ nghĩa” khi ông tấn công những cuộc tranh đấu cho phúc lợi xã hội của họ, hay cho quyền của nhũng người đồng giới (LGBT), hay quyền phá thai!

Nhằm củng cố sự ủng hộ của giới doanh nghiệp và lợi tức cao trong xã hội dành cho ông, Trump đã ký Đạo luật cắt giảm thuế và tạo việc làm (Tax Cut and Jobs Act) năm 2017, cắt giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp. Tuy không thành công trong âm mưu hủy bỏ Obamacare của người tiền nhiệm, Trump cũng vận động đồng thời hủy bỏ hình phạt đối với người không có bảo hiểm y tế theo luật Obamacare.

Quan trọng hơn cả, ông đã bổ nhiệm ba thành viên mới cho Tối cao Pháp viện là Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett. Chính là nhờ Trump mà phía Cộng Hòa bảo thủ, hữu khuynh nay có đến 6/9 thẩm phán tại Tòa án Tối cao này, một ưu thế hiếm có xác định hướng đi của tòa án này trong thời gian lâu dài ít nhất hai thập niên tới.

Về mặt đối ngoại, Donald Trump không che dấu sự ưu ái không khó hiểu lắm đối với lãnh tụ Putin của nước Nga. Chẳng những Putin đã tạo điều kiện cho Trump làm ăn ở Moscow, Trump còn được cống hiến những cơ hội “giải trí thoải mái” khi nào ông ta đến thủ đô Nga. Putin và KGB của ông ta đã “đầu tư” vào Trump từ lâu. Tuy không mời được Putin đến Washington D.C., Trump đã gặp Putin tại nước Phần Lan chỉ để nói cho Putin biết giới tình báo Mỹ nói xấu Putin nhưng Trump vẫn tin tưởng ông ta vô cùng, cho dù trước đó đã có một cuộc điều tra của công tố đặc biệt Robert Mueller trong thời gian 2017-2019 xác định rằng người Nga đã can dự vào cuộc bầu cử năm 2016 để ủng hộ Trump và làm suy giảm niềm tin của người dân vào dân chủ nước Mỹ. Nhưng Mueller để ngõ kết luận phía Trump đã thông đồng với Nga trong sự can dự này.

Ông cũng không che dấu sự lạnh nhạt dễ hiểu đối với khối Liên Âu và tổ chức NATO, là đồng minh chiến lược lâu đời của nước Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh sau Đệ nhị Thế chiến đến nay. Có nguồn tin ông đã hứa với Putin Mỹ sẽ từ từ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để cho Nga rãnh tay hành động tại các nước Đông Âu, nhất là tại Ukraine, là nước có nền độc lập đang bị Nga đe dọa trong bao lâu nay. Bà Angela Merkel, Thủ tướng nước Đức, đã phải cảnh báo các đồng minh trong khối NATO rằng tổ chức này không thể tin cậy được nước Mỹ nữa. Một bằng chứng cụ thể: Hoa Kỳ dưới thời Trump đã bác bỏ thuyết thay đổi khí hậu và hiện tượng toàn cầu hâm nóng (global warming) của châu Âu; Trump nói  nước Mỹ có không khí và nước sạch nhất thế giới.

Trong chinh sách biến bạn thành thù, biến thù thành bạn, Trump và Melania từng thăm viếng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2017. Trump khoe ông ta được Tập tiếp đón nồng nhiệt, bài bác Tổng thống Obama trước đó tháng 9 năm 2016 đến Bắc Kinh không có cầu thang thảm đỏ dành cho ông. Tại đây, Trump nhìn tư thế của Tập và bày tỏ sự ao ước Mỹ có một chế độ chinh trị trong đó ông có thể cầm quyền lâu dài, không hạn định như Tập.  

Thế nhưng, Trump lại khoái hành động để gây ấn tượng nơi người dân, chứng tỏ ông ta là lãnh đạo có bản lĩnh. Cho nên, ông đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và rút Mỹ khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương được đề xuất, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông đánh thuế trên hàng nhập từ Trung Quốc, dù chính người Mỹ tiêu thụ hàng Trung Quốc phải chịu gánh nặng này. Ông cho rằng làm như vậy để cho người ta thấy chẳng dễ gì lợi dụng Hoa Kỳ, cho dù ông ta biết người duy nhất vỗ tay là Putin. Và đó chính là điều ông ta muốn!

Trump cũng đã duy trì những quan hệ bệnh hoạn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- Ủn (con Kim Jong-Ỉn), trong ảo tưởng ông có thể làm lịch sử khi biến Bắc Triều Tiên thành đồng minh của Mỹ và do đó Mỹ có thể vẽ lai bản đồ Đông Á và sẽ không cần đóng quân ở Nam Triều Tiên nữa. Trump đã ba lần bay đi gặp Ủn (Singapore, VN và Bàn Môn Điếm) nhưng không đạt được tiến triển nào trong việc phi hạt nhân hóa. Bỗng nhiên, ông chỉ làm cho hai nưc đồng minh trụ cột của Mỹ ở Thái Bình Dương là Nhật và Nam Triều Tiên thấy rằng nước Mỹ ngày nay không có đầu, không chơi được.

Trump bị Hạ Viện lun tội (impeach) hai lần trong nhiệm kỳ của ông. Lần đầu vào cuối năm 2019, sau khi ông ta làm áp lực với Tổng thống Vlodymir Zellinsky của Ukraine, vào khoảng giữa năm 2019, buộc ông này phải điều tra và cung cấp cho Trump những tin tức về chuyện làm ăn của con ông Joe Biden tại Ukraine; đáp lại, Trump sẽ để cho Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine. Trump bị Hạ Viện luận tội vào tháng 12 vì lạm quyền và cản trở Quốc Hội, nhưng được Thượng Viện, với đa số là Cộng Hòa, tuyên trắng án vào tháng 2-2020.

Từ năm 2019, Trump đã nôn nóng trong việc tái tranh cử. Ông ta còn nói lẽ ra ông ta phải có thêm hai nhiệm kỳ nữa vì trong nhiệm kỳ đầu, ông đã quá mất thì giờ đối phó với những hành động “phá hoại” của đảng Dân Chủ nhắm vào ông. Bởi vậy, ông cũng rất nổi giận khi giới báo chí cứ trích dẫn ý kiến của những nhà y khoa tâm thần để nói coi chừng ông là người “mát dây”. Ông đã viết trên mạng (tweet) rằng ông là một “thiên tài rất ổn định.” “Thực ra, trong cả đời tôi, hai ưu thế lớn nhất của tôi là ổn định tâm thần và thực sự khôn ngoan. Hillary Clinton nham hiểm cũng chơi những lá bài này tận đáy, và như mọi người biết, chúng đều bị cháy. Tôi đã đi từ một nhà kinh doanh cực kỳ thành công cho đến Ngôi sao Truyền hình hàng đầu… cho đến Tổng thống nước Mỹ (ngay từ thử thách đầu tiên). Tôi nghĩ điều này cho thấy chẳng phải là tôi khôn ngoan, mà tôi là thiên tài… một thiên tài rất ổn định như thế!”. Trump còn hùng hồn nói thêm: “Tôi đã theo học những trường cao đẳng hoặc đại học tốt nhất. Tôi đã là một sinh viên rất xuất sắc, ra trường kiếm được hàng tỷ, hàng tỷ đô la, trở thành một trong những doanh nhân hàng đầu, lên truyền hình và trong 10 năm là một thành công vang dội, ra tranh cử Tổng thống một lần đã giành chiến thắng”. Ông vẫn thường so sánh ông với những tồng thống hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là Abraham Lincoln, và cứ gợi ý: Tại sao trên đinh núi Mount Rushmore chỉ có bốn tổng thống, trong khi ông là người thứ năm đã sẵn sàng.

Ông Trump tính rằng vào năm 2020, ông chỉ có thể thắng một nhiệm kỳ nữa nếu kinh tế bình ổn. Cử tri Hoa Kỳ vào năm 2019 đương nhiên đã thấy rõ ông Trump hơn so với 2-3 năm trước đó, cho nên ông khó giữ được sự ủng hộ trong bầu cử năm 2020 trừ phi kinh tế giữ được múc tăng trưởng đương thời.  
 

COVID là số trời đã định

Tuy nhiên, trời chẳng chìu người. Hay thiên bất dung gian. COVID đã đi rất nhanh từ Trung Quốc đến nước Mỹ.  Xut phát tử Vũ Hán vào khoảng tháng 9-10 năm 2019, COVID 19 được xác nhận nhập vào nước Mỹ vào tháng giêng năm 2020. Vì muốn kinh tế tăng trưởng, ông Trump tuy thừa biết sự nguy hiểm của đại dịch nhưng đã ngó lơ để cho COVID xâm nhập, rồi hoành hành.

Và rồi tiền mất tật mạng. COVID phản ứng trước thái độ vô lương tâm của lãnh đạo đất nước, chỉ trong ba tháng đầu tiên đi vào nước Mỹ, khoảng 125.000 người đã nằm xuống. Trong mùa hè đỏ lửa năm 2020, thêm 80.000 người là nạn nhân của đại dịch. Từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2021, COVID mặc sức hoành hành, tổng số người thiệt mạng trong bảy tháng là 370.000. Tính đến tháng 8-2023, thời điểm mà đại dịch được xem như đã chấm dứt, số trường hợp nhiễm COVID đã xấp xỉ 100 triệu, tương đương với 1/3 dân số nước Mỹ; số người thiệt mạng khoảng 1.1 triệu.

Mãi đến ngày 2-2-2020, chính quyền Trump mới ra lệnh hạn chế du lịch đi và đến từ Trung Quốc. Ngày 11-3, tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố COVID-19 là một đại dịch. Trong cả tháng ba và đầu tháng tư, nhiều chính quyền tiểu bang, thành phố và quận hạt phải áp đặt lệnh ngăn cách “ở nhà” đôi với người bị nhiễm để chận vi khuẩn lây lan và giảm áp lực lên các bệnh viện đang tràn ngập người nhiễm bệnh. Ngày 26-3, tờ New York Times công bố số liệu cho thấy Hoa Kỳ đạt những con số cao nhất thế giới về trường hợp nhiễm bệnh. Ngày 27-3, cả nước báo cáo có hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh chỉ trong một ngày. Ngày 2-4, theo chi thị của Tổng thống Trump, Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid và Trung tâm Kiểm và Phòng dịch CDC ban hành những hướng dẫn ngăn ngừa bổ túc. Đến ngày 11- 4, số người chết ở Mỹ đạt kỷ lục thế giới: 20.000 nạn nhân. Ngày 19-4, các cơ sở dưỡng lão báo động về sự bộc phát của đại dịch tại những nơi này. Đến ngày 28-4, số người nhiễm COVID trên cả nước đến mức 1 triệu.

Ngày 21-4, Tổng thống Trump lên tiếng để chứng tỏ là người biết lo cho dân. Trong một cuộc họp báo, ông ân cần đề nghị "chích" chất khử trùng (disinfectant) hay tẩy rửa gì đó vào người bị nhiễm coronavirus như một biện pháp ngăn chặn. Trump cũng đề nghị tìm cách đưa “ánh sáng” hay chất cực tím vào soi trong phổi để “tiêu diệt vi khuẩn”. Bác sĩ Vin Gupta, một chuyên gia chính sách y tế toàn cầu chuyên khoa đường phổi, đã phản ứng tức thì trước phát biểu này. Gupta nói: “Quan điểm tiêm hoặc uống bất kỳ loại sản phẩm tẩy rửa nào vào cơ thể là vô trách nhiệm và rất nguy hiểm. Đó là một phương pháp phổ biến mà mọi người sử dụng khi họ muốn tự sát”. Thấy phản ứng bất lợi trong dư luân, Trump quyết định chấm dứt việc thông báo hàng ngày tính hình COVID-19.

Nhà báo kỳ cựu của Washington Post, Bob Woodward đã gọi cách xử lý đại dịch COVID-19 của cựu Tổng thống Trump là một “tội ác” vì ông đã im lặng che đậy mối hiểm họa này thay vì cảnh báo sớm về cuộc khủng hoảng sức khỏe cho người dân Mỹ. “Đại dịch này chính là sự kiểm tra khả năng lãnh đạo đối với tổng thống. Đó là một cuộc khủng hoảng về y tế đại chúng và chính trị mà chúng ta chưa từng thấy ở đất nước này… Tôi gọi đó là một tội ác khi ông không nói với mọi người rằng ông đã hiểu được sự nghiêm trọng nhưng không nói ra”.
Trump đã biết COVID đang đến từ tháng giêng năm 2020, ông phát điên vì lo sợ ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế, đến cuộc bầu cử tổng thống cuối năm, không phải lo sợ vì sinh mạng người dân bị đe dọa. Cho nên ông không hành động và cũng không cảnh báo người dân – cấm hay hạn chế những người đến Mỹ từ Trung Quốc chẳng hạn. Hay gấp rút tổ chức chích ngừa và khuyến khích người dân đeo mạng và hạn chế chuyện đi ra ngoài trong một thời gian. Ông phản ứng chậm chạp với đại dịch COVID-19, phớt lờ hoặc mâu thuẫn với nhiều khuyến nghị từ các quan chức y tế, sử dụng áp lực chính trị để can thiệp vào các nỗ lực xét nghiệm và lan truyền thông tin sai lệch về các phương pháp điều trị chưa được chứng minh.

Đại dịch bùng phát với hậu quả tất nhiên: hoạt động kinh tế phải chậm lại, suy giảm, và suy thoái nhanh chóng, bất thường là chuyện không tránh được.

Tính đến tháng 5-2022, Hoa Kỳ đã có nhiều ca tử vong do COVID-19 hơn bất kỳ nước nào khác với số người chết là 1 triệu người, với số người chết ở Hoa Kỳ đã vượt qua số ca tử vong ở Hoa Kỳ trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, mặc dù Cúm Tây Ban Nha giết chết 1 trên 150 người Mỹ so với COVID-19 giết chết 1 trên 500 người Mỹ. Do hậu quả của đại dịch COVID-19, tuổi thọ của Hoa Kỳ đã giảm hơn một năm vào năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp lên mức tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái. Vào năm 2021, tuổi thọ của người Mỹ giảm khoảng nửa năm.

Suy thoái do đại dịch gây ra kéo dài chỉ trong tháng ba và tháng tư năm 2020, nhưng ảnh hưởng và hậu quả trên nền kinh tế (tồng sản lượng quốc gia) và lao động (khan hiếm người làm nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên cao quá mức) lại tồi tệ chưa từng có. Sự sụt giảm đột ngột và nghiêm trọng được chấm dứt khi qua tháng năm, nhưng không phục hồi nhanh chóng được. Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội phải có những biện pháp hỗ trợ cấp bách và rất tốn kém để cho các xí nghiệp có thể cầm cự và các gia đình sống còn. Nhu cầu cứu trợ dẫn đến giải pháp “cash first” – cung cấp tiền mặt cho người dân chi tiêu ngày qua ngày 1.400 đô la trên đầu người.

Trong khi chính phủ vẫn chưa biết nên bắt người dân đeo mạng hay đóng cửa các nhà máy, khoảng 2.8 triệu người trở lại làm việc vào tháng 5 giữa khi tỷ lệ thất nghiệp là 13.6%. Năm sau, đến 15 triệu việc làm nữa mới được phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 6.1%, trong khi hơn 7 triệu việc làm vẫn còn bị để trống!

Năm 2020 cũng được đánh dấu bằng sự gia tăng các mối đe dọa khủng bố trong nước và các thuyết âm mưu phổ biến xung quanh việc bỏ phiếu qua thư và COVID-19. Thuyết âm mưu QAnon, một phong trào chính trị cực hữu của những người bảo thủ cực đoan, đã được công chúng cảnh giác. Nhiều thành phố lớn đã bị tấn công bởi bạo loạn và ẩu đả giữa các nhóm cực tả chống phát xít và các nhóm cực hữu như Proud Boys. Vụ sát hại George Floyd vào tháng 5-2020 đã gây ra các cuộc biểu tình và bạo loạn quy mô lớn ở nhiều thành phố lớn phản đối sự tàn bạo của cảnh sát; nhiều bang đã phải huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đại diện đảng Dân Chủ là cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris từ California. Người bạn tranh cử của Biden, Harris là ứng cử viên phó tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên (Ấn Độ) và là người nữ thứ ba (sau Geraldine Ferraro 1984 và Sarah Palin 2008) trong liên danh của một đảng lớn. Các vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử bao gồm tác động kinh tế và sức khỏe cộng đồng từ đại dịch COVID-19 đang diễn ra; tình trạng bất ổn dân sự trước vụ cảnh sát sát hại George Floyd và những người khác; Tòa án Tối cao sau cái chết của Ruth Bader Ginsburg và xác nhận của Amy Coney Barrett; và tương lai của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.

Cuộc bầu cử, với số lượng lớn bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm do nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các phòng bỏ phiếu truyền thống, đã có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao trong lịch sử. Người Dân Chủ đã đăng ký bỏ phiếu qua thư nhiều hơn người Cộng Hòa đã đăng ký. Do có một số lượng lớn các lá phiếu gửi qua thư, một số bang dao động đã gặp phải sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu và báo cáo; điều này dẫn đến việc các hãng tin lớn trì hoãn dự đoán Biden và Harris đắc cử cho đến sáng ngày 7-11, ba ngày rưỡi sau bầu cử. Cuộc bầu cử có ​​tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất kể từ năm 1900, mỗi ứng cử viên nhận được hơn 74 triệu phiếu bầu, vượt qua kỷ lục 69,5 triệu phiếu của Barack Obama từ năm 2008. Biden được hơn 81 triệu phiếu bầu, số phiếu bầu nhiều nhất cho một ứng cử viên trong bầu cử tổng thống.

Cuối cùng, Biden đã giành được đa số trong Đại cử tri đoàn với 306 phiếu, trong khi Trump được 232. Chiến thắng của Biden đến từ các bang thuộc Vành đai (Rust Belt) nghiêng về đảng Dân Chủ gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, mà Trump giành được vào năm 2016; tổng cộng 46 phiếu đại cử tri ở những nơi này đủ để xoay chuyển cuộc bầu cử. Biden cũng trở thành ứng cử viên Dân Chủ đầu tiên giành chiến thắng ở Georgia kể từ năm 1992, ở Arizona từ năm 1996 và ở khu vực bầu cử số 2 của Nebraska từ năm 2008.

Trước, trong và sau ngày bầu cử, Trump và nhiều người Cộng Hòa khác đã tham gia vào một nỗ lực quyết liệt chưa từng có nhằm lật đổ cuộc bầu cử và lật ngược kết quả, cáo buộc sai sự thật về gian lận cử tri, âm mưu dựng cử tri đoàn giả và cố gắng tác động đến quá trình kiểm phiếu ở các bang dao động, trong hành động được nhiều người mô tả là âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và các viên chức ở nhiều bang có tranh tụng không tìm thấy bằng chứng nào về gian lận phổ biến hoặc có bất thường trong bầu cử. Chính ông Barr đã từ chức sau bầu cử để nói lên rằng việc kiểm phiếu đã hoàn thành. Các cơ quan liên bang giám sát an ninh bầu cử cho biết đây là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ban vận động tranh cử của Trump vẫn gây áp lực với các quan chức bầu cử của các bang thuộc đảng Cộng Hòa (đáng chú ý là Bộ trưởng bang vụ Georgia, Brad Raffensperger, trong một cuộc gọi điện thoại sau này được công bố rộng rãi) và các nhà lập pháp để thay đổi kết quả; gây sức ép với Bộ Tư pháp để cho bộ tuyên bố cuộc bầu cử là "không hợp l"; và can thiệp, phản đối chứng nhận Cử tri đoàn tại Quốc Hội, và từ chối hợp tác với quá trình chuyển giao tổng thống của Joe Biden.

Sau khi Trump thề rằng ông sẽ không bao giờ nhượng bộ và hô hào những người ủng hộ ông "chiến đấu quyết liệt", một đám đông những người ủng hộ Trump đã tấn công Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6-1-2021, giữa lúc có phiên họp của Quốc hội được tổ chức để xác nhận kết quả số phiếu Đại cử tri đoàn. Vào ngày 7-1, Trump thừa nhận chính quyền sắp tới mà không nhắc đến tên của Biden. Biden và Harris nhậm chức vào ngày 20-1-2021. Hạ Viện đã luận tội ông vào ngày 13-1-2021 vì kích động bạo loạn qua bài phát biểu ngày 6-1 trước Tòa Bach Ốc dẫn đến vụ bạo loạn lịch sử. Đây là vụ luận tội thứ tư trong lịch sử nước Mỹ, và là vụ thứ hai đối với Trump. Tuy nhiên, Thượng Viện đã cho ông ta trắng án vào tháng sau vì chỉ có 57 thượng nghị sĩ đồng ý Trump có tội (trong đó có sáu thượng nghị sĩ Cộng Hòa), chưa đủ 2/3 số phiếu (66) cần có.

Tuy thế, giới học giả vẫn xếp Trump là một trong những tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Rõ ràng nhất, Trump là một người nổi tiếng về nói dối. Theo thống kê của nhật báo The Washington Post, Trump đã đưa ra những thuyết âm mưu và có những phát biểu sai lầm và xuyên tạc trong cuộc vận động tranh cử cũng như trong nhim kỳ, ở mc chưa tng có trong chinh trị nước Mỹ. Donald Trump đã có hơn 31.000 phát biểu được xem là dối trá trong bốn năm làm tổng thống nước Mỹ. Trung bình một ngày ông nói dối 21 lần.

Tuy nhiên, ông ta nguy hiểm không chỉ ở chỗ điên rồ đến mc ngu dại và ngoan cố. Ông nguy hiểm ở chỗ thâm độc như người ta thấy trong những năm sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ông không ngừng “rêu rao” “cuộc bầu cử bị đánh cắp”, quyết liệt cãi là những việc phi pháp ông đã làm (gây bạo loạn 6-1, bịa đặt kết quả bầu cử ở Georgia, tước đoạt hồ sơ Tòa Bạch Ốc của nhà nước…) là “hoàn toàn hợp pháp”, ông “chẳng làm gì sai” vì “đã tham khảo với nhiều luật sư” (như Rudy Giuliani chẳng hạn), và tòa án không được làm gì đụng tới ông ta vì làm như thế là “phá hoại đất nước thêm nữa” (sau lưng ông ta còn cả khối người sẵn sàng bạo động vì ông ta).

Vào tháng 11 năm 2022, ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống trở lại năm 2024 để “Make America Great Again” - làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Chính yếu là để bó tay giới tư pháp đang điều tra ông nhiều chuyện. Đảng Cộng Hoà đang bận tâm về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, và trong vòng sơ bộ có cả chục người ra tranh cử, trước mắt để hạ bệ Trump, Đó là chuyện chẳng có gì khôn ngoan cả và cho thấy đảng chẳng có lãnh đạo, vì lãnh đao là phải có mắt, có đầu. Người ta đang tranh nhau ra để hạ Trump, nhưng ra càng nhiều, thì càng trúng kế của Trump, và Trump càng mừng. Phần của Trump trong cái bánh vẫn còn nguyên vẹn, nhưng phần còn lại của cái bánh, càng chia cho nhiều người, thì phần của mỗi người càng nhỏ!
Hoàng Ngọc Nguyên




 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top