Hoàng Ngọc Nguyên, DÂN CHỦ MỸ TRƯỚC THỬ THÁCH THỜI CUỘC

Hoàng Ngọc Nguyên

DÂN CHỦ MỸ TRƯỚC

THỬ THÁCH THỜI CUỘC



Mitt Romney “một chính khách có đầu óc và con tim”


Mỗi người một vẻ (già), mười phân vẹn mười

Từ những gì có thể ghi nhận được trên sân khấu chính trị nước Mỹ trong tháng chín này, hầu như chúng ta có thể kết luận rằng chẳng thể hiểu được cuộc bầu cử tồng thống sang năm sẽ như thế nào và rồi nước Mỹ sẽ đi về đâu!

Chỉ còn hơn 13 tháng nữa cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa chắc cuối cùng, rổi đây ai sẽ là ứng cử viên được hai đảng chọn. Tuy nhiên, có thể chắc rằng, nếu bầu cử năm 2020 đạt được một con số cử tri kỷ lục bỏ phiếu hơn 160 triệu, thì bầu cử năm 2024, chưa chắc con số này sẽ vượt qua được 140 triệu. Lý do đơn giản: Trong năm 2020, cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều tung toàn lực vào một cuộc chiến có tính một mất một còn - bởi vậy người thua cuộc cho đến nay vẫn cứ lèm bèm như  Mộ Dung Phục “bầu cử gian lận”, “ta đây mới là người thắng cuộc”; trong khi đó, với bầu cử năm 2024, cử tri Cộng Hòa cũng như cử tri Dân Chủ đều có thể cảm thấy “lấn cấn” với ứng cử viên của mình vì không ai là người trong mộng: một người quá già, một người quá gian.

Hiện nay trong đảng Dân Chủ ứng cử viên tổng thống là người Joe Biden, bởi lẽ những nhân vật Dân Chủ có thể sáng giá ngại phải đụng chạm trực tiếp với người đương nhiệm - trừ “người hùng” (hay người khùng) Robert F. Kennedy Jr. (cháu của Tổng thống Kennedy) đã tuyên bố tranh cử. Chúng ta đang sống trong một thời buổi tâm thần. Đặc biệt trong chính giới, tỷ lệ người điên còn cao hơn ngoài xã hội. Thế nhưng chẳng phải vì thế mà có thể tin chắc rằng cuối cùng trong bầu cử 2024 Biden vẫn có tên trên lá phiếu.

Trong khi đó, mặc dù hiện nay có ít nhất là mười “cao thủ võ lâm” trong đảng Cộng Hòa ra tranh cử, hoặc để thử thời vận hoặc để được hư danh, khó thấy có người nào, trừ chính ông Trump, qua mặt được ông Trump. Trong thăm dò, đến 60% cử tri Cộng Hòa ủng hộ Trump, trong khi Thống đốc Florida Ron DeSanris chỉ được 15%, doanh nhân gốc Ấn Vivek Rasmaswamy 8%, Phó Tổng thống Mike Pence 6%, và bà cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikky Haley 5% (cũng gốc Ấn). Lý do là rõ rệt: ông Trump là người của quần chúng MAGA; ngoài ra, cử tri Cộng Hòa không-MAGA cũng thấy chỉ có ông Trump mới thắng được Biden cho nên dồn sự ủng hộ cho ông. Thế nhưng trước bao nhiêu vụ án đầy “uẩn khúc”, Trump chưa chắc gì thoát được để mong đợi “hoàng thiên vô nhãn” (trời cao không mắt)  sẽ đưa ông ta trở lại Tòa Bạch Ốc!

Như vậy, phải chăng bầu cử năm 2024 sẽ là tái diễn cuộc giác đấu giữa Joe Biden và Donald Trump? Cả hai đều xấp xỉ 80 (một người 82, một người 78). Và đương nhiên người ta phải hỏi: Phải chăng nước Mỹ hết người? Phải chăng cả hai đều là những người “không thể thay thế được”?

Tình hình rất rõ ràng là phía đảng Cộng Hòa nay đang phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.  Lần đầu tiên trong đời, đảng này có một ứng cử viên tổng thống ghê gớm đến thế, một cựu tổng thống từng hai lần bị “luận tội” (impeachment)  phản nghịch và tổ chức bạo loạn khi còn trong Nhà Trắng và nay bốn lần bị “truy tố” (indictment) về các tội trạng khác nhau và phải theo thủ tục bị câu lưu: đầu thú, lăn tay, chụp hình… Tuy nhiên, quần chúng Cộng Hòa đang bị MAGA hóa, những nhà dân cử Cộng Hòa tại lưỡng viện cũng phần nào bị tha hóa, mà MAGA hóa hay tha hóa là đi theo phong trào “da trắng thượng đẳng” (white supremacism) tôn thờ “chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc bạch chủng” (white Chrtistian nationalism) nguy hiểm có tiếng. Bởi thế cho nên chẳng ai muốn, hay dám, đụng đến Trump, và các ứng cử viên Cộng Hòa khác “thấp cổ bé miệng” cho nên cũng không dám phản kháng Trump. Ngay cả ông chủ tịch phe Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, Mitch McConnell, 81 tuổi, tuy đã cắt chiếu từ Trump sau ngày 6-1-2021 nhưng có dám lên tiếng đâu.

Trường hợp của ứng cử viên Joe Biden có khác. Mặc dù là một tổng thống đương nhiệm và trong gần ba năm qua đã không ngừng hành động trên các mặt ích nước lợi nhà để cho cử tri yên lòng với một người lãnh đạo ngày càng già nhưng “càng dẻo, càng dai”, để tiếp tục ủng hộ việc ông ra tái tranh cử, đó là một mục đích không dễ đạt bởi vì đảng Dân Chủ là một chính đảng rất phức tạp. Phức tạp về chính trị (bảo thủ, trung dung, cấp tiến), về chủng tộc (trắng, đen, nâu, vàng, đỏ), về tôn giáo (không kể hết), về thế hệ, về nguồn gốc, về kinh tế… Cho nên rất khó ở câu hỏi “Ở sao cho vừa lòng người”. Tuy nhiên, phải nói rằng tuy đã 80, ông vẫn có tác phong “háo thắng” của một người muốn hơn người (ông đã ra tranh cử tổng thống từ năm 40 tuổi, nhưng mộng không thành cho đến năm 78). Và không phải ông không được việc. Hãy xem kỹ những gì ông làm trên các mặt đối ngoại (tái dựng NATO, ủng hộ Ukraine, chống Nga, chống Tàu, xây dựng liên minh Biển Đông…), đối nội (thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, chống lạm phát, kềm chế nạn thất nghiệp, mở rộng chính sách phúc lợi cho nhiều thành phần, giảm giá thuốc cho người già…), mặc dù với người dân bình thường, nhìn kỹ không phải là việc dễ dàng!

Tại sao Joe Biden lại ra tranh cử một lần nữa mà không rút về Delaware để an hưởng tuổi già mặc dù đã muộn đối với một người đã quá bát tuần? Ông muốn đi vào lịch sử! Ông có thể nói vì sự nghiệp dở dang (nhiều chính sách đang còn dang dở), vì muốn bảo đảm chiến thắng cho đảng Dân Chủ trước một đối thủ nguy hiểm, vì muốn cho Trump một bài học thứ hai, vì hiểm họa của chủ nghĩa cực đoan của Cộng Hòa… Tuy nhiên, sự thực là chính khách Mỹ, Dân Chủ hay Cộng Hòa, phần lớn chỉ nghĩ đến “Me First”, “quyền tự do cá nhân” của mình để hành động theo sự lựa chọn của mình hơn là vì lợi ích tập thể. Người Mỹ bạch chủng xem “civil liberties” còn quan trọng hơn “civil rights” Cụ thể là Đệ nhất Tu chánh án về tự do ngôn luận (muốn nói gì thì nói, kể cả việc xúi giục bạo loạn) hay Đệ nhị Tu chánh án (ai cũng có quyền có súng, mang súng ra đường, cho dù sự lạm dụng đã gây bao chết chóc bi thảm trong xã hội, gia đình, nhà trường).

Tuy nhiên, chẳng phải trong quần chúng theo đảng Dân Chủ, ai cũng ủng hộ người lãnh đạo hiện nay của mình. Đó là điều người ta có thể thấy rõ trong cuộc vận động hiện nay qua hai doanh nghiệp truyền thông CNN và nhật báo The New York Times của những người Dân Chủ cấp tiến từng ủng hộ ông Biden trước đây nhưng nay nghĩ lại, đang cho rằng ông không còn thích hợp nữa. Một biểu hiện là cuộc thăm dò dư luận mà CNN đưa ra vào đầu tháng chín này.

Ngày thứ năm, 7-9, CNN đã gây chấn động dư luận khi công bố kết quả một thăm dò cho thấy cử tri Dân Chủ thất vọng vì tình hình kinh tế lạm phát dưới sự lãnh đạo của ông Biden, cùng bày tỏ sự lo ngại về tuổi tác của ông trong bầu cử tổng thống sang năm. Thăm dò cho thấy không có ai dẫn đầu rõ ràng nếu tranh cử tay đôi giữa Biden và Trump. Tuy nhiên, gần một nửa số cử tri của cả hai đảng (46%) nói rằng họ sẽ bầu cho bất kỳ ứng cử viên Cộng Hòa nào thay vì Biden. Các giả định về bầu cử cũng cho thấy ông Biden ngang ngửa với bất cứ người Cộng Hòa nào - thế nhưng oái ăm thay ông lại thua bà Nikki Haley, là người duy nhất kêu gọi những người lớn tuổi cần phải được trắc nghiệm tâm thần!

Theo CNN, kể từ khi Biden tuyên bố tái tranh cử vào đầu năm nay, tỷ lệ người dân ủng hộ ông vẫn ở mức dưới 40% - tương tự như Trump vào năm 2019 và thua xa Ronald Reagan, Barack Obama và Bill Clinton vào thời điểm họ tái tranh cử. Tuy nhiên, 44% cử tri cho rằng bất kỳ ứng cử viên Dân Chủ nào cũng là lựa chọn tốt hơn Trump (dĩ nhiên đây phải là người Dân Chủ). Trong công chúng, tỷ lệ ủng hộ  Biden và Trump chỉ ở mức 35%. Riêng đối với Biden, người Mỹ không còn thấy Biden truyền cảm hứng chính trị cho họ. Người ta đang có cái nhìn tiêu cực về thành tích lãnh đạo của Biden tại chức và vị thế của đất nước trong thăm dò mới này. Tỷ lệ cử tri tán thành công việc của ông chỉ ở mức 39%, trong khi đến 58% nói rằng các chính sách của ông đã khiến cho kinh tế Mỹ trở nên tồi tệ hơn (tăng 8 điểm kể từ mùa thu năm ngoái), và 70% nói rằng mọi chuyện trong nước  trở nên xấu hơn, “một sự tiêu cực dai dẳng” tồn tại trong phần lớn thời gian Biden nắm quyền.

Vấn đề thử thách nhất cho chính quyển Biden chính là tình hình kinh tế, cho dù ông đã đạt được một số chiến thắng về mặt lập pháp và mức độ tạo việc làm cao. Tổng thống đã đi khắp đất nước trong vài tuần qua để ca ngợi những lợi ích từ tầm nhìn kinh tế của ông với các thông báo về thiết lập nhà máy và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng các cuộc khảo sát dư luận cho thấy thông điệp đó vẫn chưa thấm vào lòng công chúng, người ta vẫn còn hoài nghi về “Kinh tế học Biden” (Bidenomics).

Nền kinh tế đã phục hồi, qua nhiều số liệu trong các báo cáo của chính phủ, khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử, hàng triệu việc làm được tạo ra và một cuộc suy thoái được dự báo thường xuyên vẫn chưa xuất hiện, nhưng người Mỹ không cảm thấy lạc quan về tình hình tài chính hoặc tương lai của họ. Lạm phát cũng đã giảm từ mức cao 9,2% xuống còn khoảng 3% trong các báo cáo gần đây, nhưng giá cả vẫn cao hơn so với thời điểm bước vào đại dịch khiến  tiền túi của người dân bị sụt giảm. Tiền lương cũng tăng theo giá cả, nhưng chỉ gần đây mới bắt đầu vượt xa lạm phát, khiến nhiều người cảm thấy vẫn còn bị  vật giá  đè nặng lên cuộc sống.

Kết quả là mức độ tán thành thấp đối với cách xử lý nền kinh tế của Biden bất chấp những thành tựu như chip, khí hậu và các dự luật cơ sở hạ tầng đã tạo ra tăng trưởng mới cho sản xuất và xây dựng ở các khu vực trên khắp đất nước. Đến 58% cử tri trong cuộc khảo sát của tờ báo cực hữu WSJ (Wall Street Journal) cho rằng nền kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn trong hai năm qua, so với 28% nói rằng kinh tế đã trở nên tốt hơn. Gần 75% cho biết lạm phát đang đi sai hướng bất chấp những tiến bộ đạt được trong nỗ lực đưa tỷ lệ này trở lại mức 2% của Cục Dự trữ Liên bang.

Đánh giá về cá nhân ông Biden cũng khá tiêu cực, đến 58% có ấn tượng không tốt về ông. Chưa đến một nửa (45%) nói ông Biden quan tâm đến người dân như họ. Chỉ khoảng 28% nói rằng ông Biden đem đến cho người dân sự lạc quan, tin tưởng. Chính những người Dân Chủ và độc lập đã có chuyển biến xấu trong cái nhìn về Biden. Bởi thế, theo thăm dò này, khoảng 3/4 người Mỹ nói họ thực sự lo ngại tuổi tác của Biden có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ, năng lực, thể chất và tinh thần hiện tại của ông, cũng như khả năng ông có thể phục vụ hết nhiệm kỳ nếu tái đắc cử (76%). Cho nên, ý kiến của ít nhất 2/3 cử tri Dân Chủ, theo thăm dò này, là đảng của họ phải đề cử một nhân vât nào khác hơn ông Biden cho bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, dường như người ta chưa nghĩ đến nếu như thế thì ai đây xứng đáng thay thế ông Biden.

Đồng thời với thăm dò của CNN là một thăm dò của tờ NYT, với kết luận là người da đen và Hispanic (Mỹ La-tinh) đang suy giảm sự ủng hộ dành cho ông Biden. Chúng ta đều biết rằng chính sự ủng hộ của ngưòi da đen và người Mỹ La-tinh là một mấu chốt trong thành công của các ứng cử viên Dân Chủ. Sự ủng hộ này là đương nhiên, nhưng sự sụt giảm trong tỷ lệ ủng hộ là rất đáng quan ngại, bởi vì ứng cử viên Dân Chủ phải đạt tối đa số phiếu này để bù lại những mất mát từ cử tri da trắng ủng hộ Cộng Hòa. Theo thăm dò, Biden chỉ hơn Trump 53%-28% về số cử tri không phải da trắng. Như vậy, Biden đã mất ít nhất 19% số phiếu của cử tri không phải da trắng. Năm 2020, Biden được đến 70% số phiếu của thành phần cử tri này.

Sự ủng hộ sụt giảm của thành phần cử tri da đen và Latino dành cho Biden có thể không liên quan gì đến tuổi tác của ông. Cũng có thể người ta bất mãn vì tình hình lạm phát kéo dài khiến đời sống của họ vốn khó khăn nay lại càng thêm túng thiếu. Theo thăm dò của NYT, có ba nguyên nhân chủ yếu: (i) Người Hispanic cho rằng ông đã không mạnh dạn trong chính sách đối với di dân tại biên giới Mexico qua cách ông hành động “bên cầu biên giới”; (ii) Người da đen cảm thấy ông Biden không đoái hoài gì đến sư yếu kém kinh tế của họ trong thời suy thoái cùng sự bất động của ông trước nạn dịch “da trắng thượng đẳng” đang dùng bạo lực súng đạn cùng uy thế chính trị để trấn áp người da đen; (iii) Người da đen và Hispanic vốn bảo thủ, không ưa những chính sách cấp tiến về giới tính và tôn giáo của ông Biden.

Cách đặt câu hỏi có tính cách “mớm” cho những thăm dò dư luận có chủ ý theo kiểu này rất dễ dẫn đến những trả lời, phản ứng theo “dự đoán”. Người được hỏi không được nhắc nhở đến bức tranh toàn diện cùng bối cảnh thực tế mà người dân bình thường có thể không nắm được hay quên lửng. Khi hỏi về khả năng lãnh đạo của Biden, ít ra cũng cần nhắc người được hỏi về bối cảnh lịch sử và chính trị của sự lãnh đạo của ông. Không nhắc nhở bối cảnh này, câu trả lời không chính xác và chẳng có giá trị khi ông Biden còn có thời gian trước mắt để cho người dân thấy được những gì ông đã làm được trong bối cảnh chuyển tiếp từ thời Trump qua thời Biden.

Chúng ta có thể hình dung được cách đáp trả chẳng phải vô lý của phía ông Biden.
Còn quá sớm để nói chuyện cuối cùng người dân sẽ bỏ phiếu cho ai.
Sẽ không lâu người dân sẽ thấy hiệu quả tích cực của kinh tế học Biden, một chủ thuyết kinh tế nhằm vào lợi ích của tầng lớp trung lưu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khi xét về thành quả của Biden, cần nhớ đến một quá khứ không xa đầy nhiễu nhương từ trong ra ngoài trong những năm 2020-21.
Biden “tuy già mà còn mạnh khỏe”, nhưng Trump cũng chẳng trẻ hơn bao nhiêu.
Chỉ có Biden mới trị được Trump.

Tuy chỉ còn 13 tháng ngắn ngủi nữa là đến ngày bầu cử, vẫn còn quá sớm để kết luận nhị vị lại sẽ tái đấu cho dù ai thắng thì người thua vẫn là người dân Mỹ.

Chẳng thể tưởng được một người như Trump với hàng loạt tội trạng chồng chất như núi lại có thể thoát được ngục tù và vẫn được tranh cử. Vào giữa tháng chín, báo chí đưa tin Trump đã liên tục điện thoại cho Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ Viện, để thúc giục ông này mở cuộc điều tra để kết án (impeachment inquiry) ông Biden. Ai cũng biết đây chỉ là “chuyện ruồi bu”, nhưng Trump chỉ cần không để yên cho  Biden cho đến ngay bầu cử sang năm. Vấn đề không chỉ là cử tri Cộng Hòa quá MAGA hay đảng Cộng Hòa quá bất lực mà chủ yếu là cơ chế chính trị và pháp lý của Mỹ thực sự suy đồi, hư hỏng.

Cũng chẳng thể tưởng được Tổng thống Biden có thể vượt qua được sự lãnh đạo của đảng Dân Chủ để đại diện cho đảng trong bầu cử năm tới, dù cho người dân có thể thấy bất an vì ông. Trong đảng hiện nay đang có phong trào cố thuyết phục ông Biden nghĩ lại, và chúng ta chờ xem vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ người ta sẽ nói gì.

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, một chính khách lỗi lạc của đảng Cộng Hòa, từng là thống đốc của tiểu bang Massachusetts (2003-07), ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa (2012), năm nay 76, vửa thông báo sẽ không tái tranh cử để mở đường cho thế hệ tương lai. Ông cũng ngõ ý hai ông Biden và Trump nên rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống cho dân  nhờ. Trước đó, ông đã khuyến cáo đảng Cộng Hòa không nên ra tranh vòng sơ bộ đông quá, vì càng đông Trump càng dễ thắng.

Lời khuyên của Romney chắc chắn phải vào đầu những chính khách cao niên khác như Mitch McConnell (chủ tịch Cộng Hòa Thượng Viện) 81, bà Thượng nghị sĩ Diane Feinstein (Dân Chủ) 90 tuổi, và cựu chủ tịch đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Nancy Pelosi (83)…

Hoàng Ngọc Nguyên
 


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top