Hoàng Ngọc Nguyên, DÂN CHỦ MỸ ĐANG THIẾU LÃNH ĐẠO

Hoàng Ngọc Nguyên

DÂN CHỦ MỸ ĐANG THIẾU LÃNH ĐẠO




Chủ tịch Cộng Hòa tại Hạ Viện – cũ và mới

Chúng ta đang sống vào một thời buổi chính trị nước Mỹ suy đồi nhất, tồi tệ chưa từng có, vào một thời chính trị quốc tế cũng náo loạn nhất, không phải kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt (1991) mà từ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu (1948). Bởi thế mà người ta đang phải mất ăn mất ngủ trước những câu hỏi không có giải đáp chắc chắn: liệu nền dân chủ lưỡng đảng truyền thống của nước Mỹ có thể tồn tại được hay chăng, và trước tình hình xem chừng quá phức tạp đến như bế tắc hiện nay, nước Mỹ có tìm ra được giải pháp thay thế chăng?

       Câu chuyện có những nguồn gốc sâu xa từ bao đời trong cơ chế chính trị liên bang-tiểu bang của nước Mỹ cũng như trong những khác biệt có tính chia rẽ, phân hóa về chính trị, đảng phái, tôn giáo, chủng tộc, kinh tế… của một quần chúng đa văn hóa cho nên không dễ gì hợp chủng. Hãy xem đi. Nước Mỹ bao nhiêu đời vẫn là một đất nước của di dân (a nation of immigrants – như thông điệp của Tổng thống Kennedy từng gởi đi trong những năm 50) thế nhưng đời nào cũng có tranh cãi về vấn đề di dân, chuyện mở hay đóng biên giới. Thế nhưng, nhiều tác giả vẫn nhấn mạnh nền dân chủ của nước Mỹ mạnh đến nỗi bao giờ cũng lướt qua được những xung đột và khủng hoảng chính trị, và cuối cùng vẫn tồn tại một cách vững mạnh.     

Bởi thế, chúng ta cần nhìn đến những nguồn gốc gần gũi nhất nhưng có tác động mạnh mẽ nhất đến chuyện thế sự ngày nay, khi đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã phế truất ông chủ tịch Hạ Viện của mình (Kevin McCarthy) mặc dù chỉ có tám phiếu Cộng Hòa chống lại ông! Câu chuyện chẳng phải là dễ hiểu! Cận kề ngày bầu cử chủ tịch mới, (thứ tư 11/10) người ta vẫn chưa thấy có được khuôn mặt nào sáng giá trên sân khấu. Để hiểu những nguồn gốc gần gũi và tác động mạnh mẽ này, chúng ta cần lược thuật về sự khủng hoảng hiện nay của đảng Cộng Hòa, hay của chính trị nước Mỹ!

Phải nói rằng vào tuần lễ cuối của tháng 9 vừa qua, chính trị nước Mỹ đã thể hiện một tinh thần thỏa hiệp hợp tác hiếm có, dù còn lâu mới có thể nói là đoàn kết vì giữa hai đảng vẫn còn cả một bể khổ ngăn cách.

Vào đầu tháng sáu, Tổng thống Biden đã ký ban hành một luật đã được lưỡng viện thông qua, đình hoãn mức nợ liên bang, nay đã đạt mức trần 34.000 tỷ đô la, so với Tổng sản lượng Quốc nội (GDP) của Mỹ là 23.320 tỷ (với dân số khoảng 332 triệu người, lợi tức trên đầu người của Hoa Kỳ vào khoảng 70.3 ngàn đô la), cho đến ngày 1-1-2025 để tránh chuyện chính phủ lần đầu tiên bị vỡ nợ. Theo thỏa thuận lưỡng đảng, thỏa thuận ngân sách cũng nhằm giảm thiếu hụt, bảo vệ chế độ An sinh Xã hội, Medicare và Medicaid, cùng vời phúc lợi cho cựu chiến binh. Ngoài ra, luât này còn hạn chế những chi phí không phải quốc phòng, đồng thời mở rộng những đòi hỏi về lao động cho những người nhận tem phiếu, cùng với cắt giảm nhiều quỹ đối phó với nạn Covid-19… Khi ban hành luật, Tổng thống Biden đã phát biểu rằng: “Nay chúng ta tiếp tục xây dựng nền kinh tế mạnh nhất thế giới”.

Nhưng chưa hết! Trong tháng chín lại có mối đe dọa chính phủ phải đóng cửa vì Hạ Viện bác bỏ những khoản chi cho một số chương trình trong ngân sách. Cho đến ngày thứ sáu 29-9, nhiều quan sát viên chính trị tại Washington D.C. vẫn nghĩ đến một viễn tượng u ám khi nhiều công nhân liên bang tuần tới phải nghĩ việc hay đi làm không lương. Nhưng may thay cho nước Mỹ, cuộc khủng hoảng đã được tạm dẹp qua một bên vào tối thứ bảy 30-9 khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành một sắc luật tài trợ tạm thời cho các cơ quan nhà nước tiếp tục hoạt động trong thời gian ít nhất là 45 ngày (tức tới ngày 17-11). Trước đó, Quốc Hội đã vội vã thông qua ngân sách tạm thời này được lưỡng đảng thỏa thuận, thể hiện sự nhượng bộ của đôi bên để tránh một cuộc khủng hoảng khiến cho lạm phát thêm trầm trọng, đe dọa tăng trưởng kinh tế cũng như công ăn việc làm của người dân.

Sau những ngày chao đảo tại Hạ Viện vì sự bài bác của đảng Cộng Hòa nhằm vào ngân sách của Biden, Chủ tich McCarthy đã đột ngột chấm dứt những đòi hỏi của nhóm dân biểu hữu khuynh MAGA theo Trump muốn cắt giảm ngân sách triệt để. Thay vào đó, ông dựa vào dân biểu Dân Chủ để có đủ phiếu thông qua dự luật ngân sách, dù rằng thừa biết những nguy cơ nhóm MAGA sẽ hỏi tội ông. Ngân sách này phản ảnh sự nhượng bộ của đôi bên: phía Biden miễn cưỡng chấp nhận không đòi hỏi viện trợ cho Ukraine, và phía Cộng Hòa chịu cho liên bang nhận trợ cấp cho thiên tai lên 16 tỷ đô-la. Biết rằng phía dân biểu MAGA sẽ chống đối, ông nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận hậu quả, bởi vì “chúng ta là người lớn” (We’re going to do our job. We’re going to be adults in the room. And we’re going to keep government open), có trách nhiệm phải thông qua ngân sách cho guồng máy chính phủ không trì trệ. Tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ tại Hạ Viện là 335-91; sau đó Thượng Viện cũng vui vẻ nhanh chóng thông qua với tỷ lệ 88-9.

Phải nói quyết định của McCarthy là can đảm. Mặc dù những người đối nghịch trong đảng gọi ông là “cơ hội chủ nghĩa”, “thực dụng”, “vô nguyên tắc”, nhưng có lẽ ông là người “vô thường” (nói theo Phật giáo), tin rằng trên đời này chẳng có gì là bất biến. Người ta còn nhớ trong vụ bạo loạn tai tòa nhà Quốc Hội ngày 6-1-2021, ông cũng bị mắc kẹt như bao nhà dân cử khác; sau khi thoát chết, ông tức thì lên án “Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm trong vụ bạo loan này. Lẽ ra ông phải lên án đám bạo loạn ngay sau khi thấy những chuyện  đang diễn ra”. Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau đó (ngày 28-1), ông đi triều kiến Donald Trump tại Mar-a-Lago để mong được Trump ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử của Cộng Hòa trong bầu cử Hạ Viện năm 2022. Ông thẳng thắn nói rõ: Không có Trump, Cộng Hòa không giành được thế đa số.

Cuối cùng, hiện nay đảng Cộng Hòa nắm được đa số, dù rất mong manh (chỉ hơn Dân Chủ vài ghế), nhưng McCarthy đầu năm nay có dịp lên làm chủ tịch Hạ Viện nhờ là người “có chí”. Ông ta đã thắng cử sau 15 lần bỏ phiếu lui tới trong suốt năm ngày gian khổ, tích cực chạy chọt và thỏa hiệp với nhóm dân biểu MAGA với những lời hứa cắt giảm ngân sách, không thỏa hiệp với chính quyền Biden, và quan trọng nhất là điều luật cho phép bất cứ dân biểu nào cũng có thể đề nghị truất bãi chủ tịch Hạ Viện. Số phiếu McCarthy giành được là 216 so với 212 từ Dân Chủ, cộng với 6 phiếu “có mặt” – trong đó có phiếu của hai kẻ thù của McCarthy là Matt Gaetz và Lauren Boebert.

Chính Gaetz là người đã hạ bệ McCarthy sau khi ông ta thông qua ngân sách và nói: “Nếu có ai muốn bứng tôi vì tôi muốn làm một người trưởng thành ở đây, xin cứ việc. Nhưng tôi nghĩ rằng đất nước này quá quan trọng”. Ngày 30-9, Biden ban hành ngân sách tạm thời. Ngày thứ hai, 2-10, Matt Gaetz, dân biểu thuộc tiểu bang Florida, hành động ngay. Sau khi thấy McCarthy không nhượng bộ, Matt Gaetz đưa ra đề nghị bỏ phiếu truất phế McCarthy ngày 3-10. Ông này ngay tức thì rớt đài với số phiếu 216/210. Toàn thể 208 dân biểu Dân Chủ cộng với tám thành viên Cộng Hòa MAGA bỏ phiếu loại bỏ McCarthy, trong khi 210 dân biểu Cộng Hòa bảo thủ muốn giữ ông lại. Như thế mới đau cho ông!

Tám phiếu của MAGA cho chúng ta thấy thế lực của Trump, tuy chỉ nắm một phần rất nhỏ trong Hạ Viện nhưng vẫn đủ sức làm những “quyết định lịch sử”. Nhóm Hội nghị Tự do (Freedom Caucus) của Trump có chưa đến 25 người tại Hạ Viện, nhưng có thế lực chi phối đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện một cách mạnh mẽ. Và sự chia rẽ trong số phiếu của Cộng Hòa cũng nói lên sự phân hóa ngang trái và bất lực trong lãnh đạo của đảng Cộng Hòa tại viện dưới.

 Lạ lùng là sự lãnh đạo của đảng Dân Chủ tại Hạ Viện qua lá phiếu này cũng biểu lộ sự không có lãnh đạo, mặc dù chủ tịch là dân biểu da đen Hakeem Jeffries đến từ New York. Ông không đủ thực tiễn để thấy McCarthy hiện nay là chủ tịch Cộng Hòa tốt nhất cho đảng Dân Chủ? Ông không thấy được nhóm Dân Chủ của ông cần kết thân với McCarthy trước bao vấn đề trước mắt của đảng cũng như của Tổng thống Biden cần có mẫu số chung? Ông không cảm nhận được mối đe doa của nhóm MAGA tại Hạ Viện sẽ phá phía Dân Chủ nói riêng và đất nước nói chung  đến kỳ cùng? Chỉ cần bốn thành viên Dân Chủ bỏ phiếu cho McCarthy là ông này có thể giữ được ghế, thế nhưng khi giải thích tại sao người Dân Chủ không  bỏ phiếu cho McCarthy, người ta nói không bỏ phiếu cho người Cộng Hòa và cũng không tin được ông này!!! Đảng Dân Chủ vẫn được tiếng là đa dạng và phóng khoáng (liberal), thế nhưng họ chỉ đa dạng hay phóng khoáng theo con đường của họ mà không mở rộng tầm mắt để thấy được thế giới chung quanh!

Phải một tuần sau mới nổi lên hai ứng cử viên cho chức chủ tịch Hạ Viện phía Cộng Hòa (đảng Dân Chủ đã có sẵn ứng cử viên Jeffries) là Jim Jordan, nay là chủ tịch ủy ban tư pháp của Hạ Viện, và Steve Scalise, chủ tịch phe đa số (Cộng Hòa) tại viện dưới này. Chủ tịch Hạ Viện đương nhiên là một nhân vât quan trọng, đứng hàng thứ ba trong chính phủ, chỉ dưới tổng thống và phó tổng thống (Tổng thống Gerald Ford trước đây vốn là chủ tịch Hạ Viện, lên làm người đứng đầu hành pháp sau khi Phó tổng thống Spiro Agnew phải từ chức và Tổng thống Nixon cũng rút lui vì vụ Watergate 1973-74).

Trong cả tuần có bầu cử, chính trị trong đảng Cộng Hòa càng thêm hỗn loạn. Đảng Cộng Hòa thêm phân vân, lưỡng lự vì không biết phải chọn ai, đến mức McCarthy lên tiếng, nói rằng sẵn sàng trở lại ghế chủ tịch để cứu nước. Nhân vật Donald Trump cũng nhảy vào, gợi ý sẵn sàng làm chủ tịch Hạ Viện nếu được yêu cầu. Ai cũng biết ông nghĩ tới bầu cử tổng thống sang năm thì đúng hơn. Rồi Trump cũng chính thức ngõ ý để bạt Jim Jordan làm chủ tịch Hạ Viện, ông viết trên mạng Truth Social của ông: “Dân biểu Jim Jordan đã là một NGÔI SAO từ lâu trước khi ông thực hiện cuộc hành trình rất thành công đến Washington, D.C., đại diện Ohio. Ông sẽ là một Chủ tịch Quốc Hội V Ĩ ĐẠI & ông được tôi ủng hộ toàn diện&hết mình”.

Vì thế, đảng Cộng Hòa phải đối mặt với hai lựa chọn rất khác nhau, có thể chỉ ra hai con đường khác nhau của đảng và của chính Quốc hội. Steve Scalise và Jim Jordan là hai ứng cử viên quan điểm chính sách tương tự nhau (cả hai đều là người bảo thủ trung thành, phản đối việc phá thai và hạn chế sử dụng súng, ủng hộ các chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn, muốn cắt giảm chi tiêu chính phủ và ủng hộ Donald Trump) nhưng có phong cách cực kỳ khác nhau có thể quyết định cách thức vận hành của Cộng Hòa tại Hạ Viện trong tương lai gần. Ông Scalise đã thăng tiến trong hàng ngũ các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện nhờ sự vận động khôn ngoan và khả năng thu hút phiếu bầu một cách hiệu quả của một người trong cuộc. Tuy nhiên, ông Jordan còn là một người gây tranh luận hơn nhiều và đã trở thành một nhân vật được ưa chuộng trong số những người ủng hộ đảng Cộng Hòa vì ông không tin tưởng vào chính phủ liên bang và thể hiện lòng trung thành công khai với Donald Trump. Kết quả là ông ngày càng gắn bó hơn với Donald Trump và phong trào "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (Make America Great Again). Sự tương phản giữa hai người là Steve Scalise có tư tưởng chính trị hơn, còn Jim Jordan thì chống chính quyền hơn, theo chủ nghĩa dân túy hơn.

Cuộc bầu cử của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện vào ngày 11-10 cuối cùng đã làm rõ vài chuyện quan trọng. Jim Jordan được 99 phiếu, Scalise trở thành ứng cử viên chủ tịch Hạ Viện của đảng Cộng Hòa với 113 phiếu. Ông Trump mạnh, nhưng chưa đủ mạnh. Ngược lại, những người bỏ phiếu cho Scalise rõ rệt sợ ông Trump sẽ thao túng Hạ Viện trong thời gian tới qua tay Jim Jordan. Scalise cũng là người bảo thủ nhưng có tiếng là ôn hòa, qui củ. Ông bị ung thư máu, lại từng bị bắn vào mông giữa khi đang chơi baseball vào tháng tư năm 2017 bởi một tên khuynh tả thù ghét chính giới. Bởi vậy ông cũng giành được tình cảm của một số người xót xa vì số phận của ông.  

Đến gần giữa tháng 10, một số câu hỏi vẫn chưa được sáng tỏ lắm trong câu trả lời. Khi nào đây sẽ có cuộc bầu cử của toàn Hạ Viện để viện dưới có được một chủ tịch mới? Liệu ông Scalise có đủ thời gian và điều kiện để thuyết phục toàn thể dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu cho ông để bảo đảm vận may của mình? Nếu ông Scalise không đủ được số phiếu cần thiết, ông sẽ phải thỏa hiệp đến mức nào với cánh MAGA cầm chuông trong đảng?

Những câu hỏi đó đã được giải đáp vào ngày thứ năm 12-10, khi ông Scalise quyết định không tranh cử chức chủ tịch Hạ Viện nữa trước dã tâm phá hoại của một số dân biểu MAGA, trong đó có Marjorie Taylor Greene và Lauren Boebert… Trong phát biểu rút lui, ông cảnh báo:  “Vẫn có một số người có ý đồ riêng tư của họ, và tôi đã nói rất rõ rằng chúng ta phải yêu cầu mọi người đặt ý đồ cá nhân của mình sang một bên để tập trung vào những gì đất nước này cần. Đất nước này đang trông cậy vào chúng ta để cùng nhau tiến lên phía trước. Hạ Viện này cần một chủ tịch  và chúng ta cần mở cửa lại Hạ Viện, nhưng rõ ràng là không phải tất cả mọi người nghĩ như thế và vẫn còn những mâu thuẫn cần được giải quyết.” Tình hình đương nhiên càng thêm hỗn loạn và bế tắc tại Hạ Viện.

Tuy nhiên, điều rõ rệt nhất là đảng Cộng Hòa vẫn còn đó tại Hạ Viện, và mối quan tâm trước mắt và duy nhất của Hạ Viện dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Hòa là mở rộng thế đa số của đảng tại viện dưới không bằng cách tập trung tìm giải đáp cho những vấn đề nhức nhối của đất nước mà tìm cách gây trở ngại cho những chính sách, biện pháp của chính quyền Joe Biden. Ngày 17-11 tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến đảng Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo mới sẽ giải quyết như thế nào về ngân sách của chính phủ khi hạn 45 ngày đã đến! Và trước mắt, Hạ Viện sẽ hành động gấp rút thế nào để cho nước Mỹ hành động kịp thời trước những biến động đảo điên tại Do Thái và Ukraine – chưa nói đến bao nhiêu chuyện khác.

Một điều cũng rõ rệt là đảng Dân Chủ tại Ha Viện có lẽ cũng chỉ nghĩ đến chuyện bầu cử sang năm và điên đầu về câu hỏi làm sao tái đắc cử, không mất ghế, và may mắn có thêm được vài ghế. Là một đảng thiểu số, lẽ ra ít nhất họ cũng phải có vai trò nhắc nhở - nhắc nhở đảng đối lập và nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, chúng ta chỉ thấy nổi lên một khẩu hiệu “Im lặng là vàng”.

Cho nên, mặc cho đất nước nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trên bờ vực của những vấn đề sống còn trong nước cũng như quốc tế, người ta có cảm tưởng rằng những người đại diện dân có lẽ để ngoài tai những chuyện “không thực tế” đó mà chỉ dồn sức vào duy trì một cái xác dân chủ đã rệu rã trước sự khắc nghiệt của một thời đại đầy thách đố.

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top