Hoàng Ngọc Nguyên, CHỈ CÓ ​​​​​​​MỘT CON ĐƯỜNG SỐNG CÒN

Hoàng Ngọc Nguyên

CHỈ CÓ
MỘT CON ĐƯỜNG SỐNG CÒN




Loài người đã qua hai cuộc thế chiến vì tham vọng đế chế điên cuồng của những nhà lãnh đạo quốc gia độc tài. Vũ khí chiến tranh thời đó, cách đây hơn trăm năm hay ít nhất cũng tám thập niên, dĩ nhiên không tinh vi như ngày nay, như thế mà trong cuộc chiến nào cũng hàng triệu người phải bỏ mạng. Bởi thế mà từ lâu rôi, không ai dám nghĩ đến một thế chiến khác.

Ngay trong bốn thập niên chiến tranh lạnh sau Đệ nhị Thế chiến, chúng ta thực sự không hề cảm nhận có một mối đe dọa của một thế chiến mới (Đệ tam Thế chiến) giữa Thế giới Tự do và Thế giới Cộng sản cho dù có một số khủng hoảng đã xảy ra trong thời kỳ đầu những năm 50. Chúng ta còn có thể nhớ lãnh đạo Nikita Khruschev của Liên Xô với chủ trương “Sống chung hòa bình” trong những năm thời hậu-Stalin, Tổng thống Mỹ Richard Nixon với hai chuyến thăm viếng Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh vào tháng hai năm 1972 và Tổng bí thư Leonid Brezhnev tại Điện Cẩm Linh ba tháng sau đó, thể hiện chủ trương “détente” (hòa dịu) với khối cộng sản. Cả hai bên thực sự muốn duy trì trật tự thế giới đã có để thi đua xem thực sự “ai thắng ai”. Cuối cùng thì thế giới cộng sàn đã sụp đổ không kèn không trống vào năm 1990 vì sự lạc hậu của nó.

Ít nhất từ 25 năm qua, trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh đã trở nên cực kỳ mong manh, bởi vì thế giới ngày nay đang biến chuyển cực kỳ phức tạp. Ít nhất có ba điều phải ghi nhận trong sự lo ngại: (1) Trung Cộng và Liên bang Nga đang tràn đầy tham vọng đế quốc với sự lớn mạnh của chế độ độc tài bên trong và mở rộng ảnh hưởng với bên ngoài; (2) Trái với dự đoán lạc quan vào cuối thế kỷ 20, thề kỷ 21 này không khuyến khích sự hưng thịnh của cao trào dân chủ trên thế giới; ngược lại, các nước đang thi đua chạy theo chế độ độc tài, với sự dẫn đạo có tính cách chủ nghĩa bành trướng ngày càng nguy hiểm của Trung Cộng và Liên bang Nga (và làm sao Việt Nam ngày nay đã như thế cả 50 năm qua, có thể khác đi được); (3) Các nước Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi đang trở thành một thế lực nguy hiểm trên nhiều mặt, đe dọa hòa bình và thách đố ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở vùng lãnh địa Hồi giáo này.

Cứ nhìn cuộc chiến tranh xâm lược đã kéo dài hơn hai năm (kể từ 24-2-2022) của Nga đánh vào nước láng giềng lâu đời Ukraine cũng cho chúng ta hiểu Vladimir Putin, trùm bạo chúa của Điện Cẩm Linh 24 năm qua, có tham vọng nguy hiểm thế nào tái lập đế quốc Nga đang tìm đường bành trướng ngay tại cả Trung Đông và châu Phi vì tin rằng cái thời của “đế quốc Mỹ” đã hết (vì Donald Trump đã nói thế với ông ta) cho nên phải thiết lập một trật tự thế giới mới, dẹp bỏ khối Liên Âu qua một bên (đúng như ý nguyện của Trump). Putin nguy hiểm vì ông ta đang lôi cuốn cả Bắc Triều Tiên (nước của Kim Jong Ủn) và Iran (với một giáo chủ đang muốn thống nhất hai nhánh của Hồi giáo) vào cuộc chơi. Tập Cận Bình cũng tràn đầy tham vọng, nhưng có lẽ khôn hơn nên không liều lĩnh như Putin. Bằng chứng là ông ta đã gặp Tổng thống Biden tại Hoa Kỳ và có phản ứng tự chế trước thái độ quyết liệt của Đài Loan bảo vệ sự độc lập, chủ quyền của mình – có một khối các nước Tự do trên Biển Đông đàng sau: Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc… Dù sao, Tập cũng phải nghĩ đến những quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, củng như đến cộng đồng người Hoia có vài triệu người nay đang tràn ngập nước Mỹ.

Trường hợp của Liên bang Nga có khác. Thứ nhất, Putin có tham vọng trị vì Điện Cẩm Linh cũng lâu đời - 2-3 thập niên – như các bạo chúa Nga trước đây. Trưóc mắt Putin chính là ”tấm gương” của Stalin. Chưa nói đến bao nhiêu Nga hoàng trưóc khi có Cách mạng tháng Mười 1917. Thứ hai, Putin muốn làm lịch sử bằng cách theo đuổi một chủ trương bành trướng để tái lập đế quốc Nga rộng lớn như thời còn Liên bang Xô Viết (trước 1990) để, như Putin vẫn nói, “sửa chữa những sai lầm của Gorbachev– thậm chí còn có thể lớn hơn nếu ông ta sống đến trăm tuổi (tức 30 năm nữa) hay lâu hơn  nữa. Cuộc xâm lăng Ukraine là nằm trong ý đồ đó. Dĩ nhiên, Putin phải tính đến phản ứng của Mỹ, nhưng ông ta cũng tin là đã nắm được Donald Trump khi ông ta còn là tổng thống (chẳng phải nhờ Putin “cất nhắc”, “vận động” cách này hay cách khác, Trump mới vào được Nhà Trắng hay sao?), và “nhờ trời”, nếu Trump tái đắc cử năm nay thì “hoàng thiên vô nhãn”, trời cao không có mắt, cho nên vẫn độ cho Putin và Nga trong chiến lược xâm lược này.

Tuy gần bốn năm qua, Trump không còn ở trong Nhà Trắng, và Tổng thống Biden đương nhiệm cho đến gần đây đã hỗ trợ triệt để cho Ukraine cầm cự quyết liệt trước ý đồ “giết dân, lấn đất” của lính Nga, nhưng sự thực thì tình thế bỗng dưng hiểm nghèo cho Ukraine. BBC đã tường trình phát biểu của một chuyên gia quân sự của Tây Âu (cựu chỉ huy Lực lượng Hỗn hợp của Anh quốc (Tướng Richard Barrons) đã cảnh báo Ukraine có thể bị Nga đánh bại trong năm 2024. Lý do có một “bất trắc nghiêm trọng Ukraine có thể thua trận năm nay là “bởi vì Ukraine có thể đến lúc cảm thấy không thể thắng được”. “Và khi tình hình đã đến thời điểm đó, tại sao người ta lại muốn chiến đấu chỉ để chết thêm nữa, chỉ vì muốn bảo vệ một đất nước không thể bảo vệ được”. Bởi thế mà Putin cũng luôn miệng ngỏ ý sẵn sàng thương thuyết để hợp thức hóa những vùng đất của Ukraine mà Nga đã chiếm đóng.

Sự thực có thể đơn giản hơn thế: Ukraine đang nhận quân viện ngày càng ít ỏi, ngày càng thiếu thốn của Hoa Kỳ - giống như Miền Nam của người Việt chúng ta ngày trước. Không có máy bay oanh tạc, trọng pháo, xe tăng, thiết giáp… sau khi Mỹ rút thì chỉ có nước mất nước nhà tan. Mỹ không viện trợ cho Ukraine được như trước là vì người Cộng Hòa tại Hạ Viện dở chứng ngoảnh mặt làm ngơ, bỗng dưng ngăn chận quân viện cho Ukraine, nói rằng nước này ở xa quá, việc gì phải sợ họ mất nước. Người ta làm ngơ. chận quân viện làm như Ukraine cứ thong thả chờ cho Trump trở lại Tòa Bạch Ốc hãy hay, như ý Trump muốn, vì sau lưng của họ là Trump (Trump không muốn Biden lấy điểm), và sau lưng Trump là Putin. Điều nguy hiểm chết người cho nước Mỹ là một phần của giới chính trị của Mỹ, cụ thể là nhóm Cộng Hòa MAGA theo Trump “nước Mỹ trên hết”, không thấy được sự nguy hiểm cho trật tự thế giới, cho liên minh châu Âu bảo vệ giá trị độc lập dân chủ của thế giới, một khi liên minh NATO/Liên Âu này mất Ukraine.  Một điều rất đáng ngạc nhiên, sững sờ khi không có người Cộng Hòa nào mạnh dạn phản bác với ý đồ của Trump là nếu ông ta lên làm tổng thống thay Biden năm nay, ông sẽ rút nước Mỹ ra khỏi khối NATO để cho Putin có thể yên tâm trong ý đồ xâm lược những nước châu Âu “phản bội” đi theo khối các nước Liên Âu độc lập dân chủ này. Những người chống Trump nay hành động như thời xưa: rũ áo từ quan!

Sự nguy hiểm này càng lộ rõ khi cuộc chiến của Do Thái tại Dãi Gaza chống “phiến quân Hamas” từ ngày 7-10-2023 cho đến nay đã được hơn nửa năm và như thể dồn nước Mỹ đến chỗ tuyệt vọng. Sự bế tắc của ông Biden là ở chỗ ông thừa biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một nhà lãnh đạo độc tài trong nước và hiếu chiến, đa sát với bên ngoài - người Palestine và lực lượng Hamas ở Dãi Gaza. Hamas đã tình cờ cho ông ta cuộc chiến này, sức mấy ông bỏ. Thay vì kết thúc cuộc chiến nhanh chóng và trả lại cuộc sống bình thường cho người Palestine ở Dãi Gaza, Netanyahu lợi dụng cơ hội này để tiêu diệt Hamas “đến người cuối cùng” (không cho địch cởi giáp qui hàng) và xóa bỏ giống dân Palestine trên vùng đất này. Khi ủng hộ Netanyahu, Biden đương nhiên sẽ mất phiếu của ngưòi Hồi giáo và cả của người Dân Chủ “cấp tiến”. Nhưng không ủng hộ Netanyahu thì những thế lực Do Thái tại New York và Washington D.C. sẽ bỏ rơi ông trong bầu cử sắp đến. Một bên, cử tri là hạ tầng cơ sở; một bên, thế lực Do Thái trong chính trị Mỹ là thượng tầng kiến trúc. Cái hạ tầng và thượng tầng này xem chừng không khớp nhau. Cái nhà của nước Mỹ đang gặp cảnh ngộ éo le như thế. Hơn nữa, nếu cứ dồn sức vào cho Do Thái, cho Netanyahu, thì hơi sức đâu cho Biden để lo cho Ukraine!

Netanyahu có một sách lược thấy rõ: gài cho Biden và nước Mỹ kẹt vào cuộc tranh chấp ở Dãi Gaza bằng những hành động vô đạo, tàn sát và mở rộng chiến tranh của ông ta. Ý đồ của Netanyahu mượn dịp này tiêu diệt người Palestine là rõ ràng khi ông gây ra những vụ chết chóc cho hang trăm thường dân đổ xô giành giật hàng cứu trợ cũng như giết chết bảy nhân viên tình nguyện trong xe chở viện trợ vào vùng phía nam Dãi Gaza người dân Palestine đang chen chúc.  Ý đồ mở rộng chiến tranh cũng lộ rõ khi ông ta cho máy bay không người lái thả bom vào sứ quán Iran tại Damacus thủ đô Syria giết chết vài ông tướng lãnh đạo quân đội “cách mạng” của Iran.
 
Iran đã tức thì tuyên bố sẽ trả đũa. Sáng ngày 13-4, Iran đã cho trực thăng quân đội ngăn chận và đánh lấy một chiếc tàu chở hàng của Do Thái đang băng qua Eo biển Hormuz thuộc hải phận quốc tế. Cũng trong tối ngày hôm đó, lần đầu tiên, Iran thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.  Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel,  Theo BBC: “Vào giữa đêm thứ Bảy, cảnh báo không kích đã vang lên ở Israel. Người dân được kêu gọi tìm nơi trú ẩn, trong khi tiếng nổ vang lên khi lực lượng phòng không được kích hoạt.  Các cuộc đánh chặn thắp sáng bầu trời đêm ở một số nơi trên khắp đất nước, với nhiều máy bay không người lái và tên lửa bị Israel và các đồng minh bắn hạ trước khi tới lãnh thổ Israel. Thậm chí còn được cho là có ít nhất một trường hợp tên lửa đạn đạo bị bắn hạ bên ngoài bầu khí quyển Trái đất. Ít nhất chín quốc gia đã tham gia vào việc leo thang quân sự - với các tên lửa được bắn từ Iran, Iraq, Syria và Yemen và bị Israel, Mỹ, Anh và Jordan bắn hạ quân đội Israel cho biết hôm Chủ nhật. Người phát ngôn quân đội, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình rằng cuộc tấn công bao gồm 170 máy bay không người lái và 30 tên lửa hành trình, không có tên lửa nào xâm nhập vào lãnh thổ Israel và ít nhất 110 tên lửa đạn đạo, trong đó một số lượng nhỏ đã tới Israel. Khoảng cách ngắn nhất từ ​​Iran đến Israel là khoảng 1.000km (620 dặm) qua Iraq, Syria và Jordan”.

Ngay tức thì, cả thế giới rùng mình trước một viễn cảnh ám ảnh: Phải chăng thế chiến thứ ba sắp bùng nổ. Thế chiến thực sự có thể bùng nổ nếu Israel, với sự ủng hộ của Mỹ và các nước Tây Âu, sẽ tức thì đáp trả. Iran cũng sẽ tức thì huy động các nước Hồi giáo “huynh đệ” (giáo phái Shiite) tập họp để đáp trả. Ít nhất những nước Hồi giáo này biết rằng sau lưng họ, nếu không phài trước mặt họ, là một “đồng minh vĩ đại” đang chờ cơ hội để xâm nhập vào vùng Trung Đông cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ… Đó chính là Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đang muốn kết thúc cuộc chiến xâm lăng Ukraine trong hương khói vẻ vang.

May thay, cái “đoạn kết” này trước mắt không diễn ra, hay chưa diễn ra. Giới quân sự và chính trị phương Tây đã phát biểu: thứ nhất, cuộc tân công của Iran thực sự là thất bại, chẳng gây mấy hề hấn cho Israel, nhờ vào sự can thiệp hiện đại hiệu quả của quân sự Mỹ; thứ nhì, Iran đã thất bại thì Israel cũng không cần trả đũa (có lấy đâu mà trả); thứ ba, nếu Israel có làm gì thì nên nhớ rằng phải làm một mình, Mỹ không muốn dây dưa dính vào (nhất là vì bầu cử chỉ còn sáu tháng nữa). Cả thế giới đều đang lo sợ cả Israel và Iran sẽ leo thang chiến tranh. Trong ngày thứ hai 15-4, Iran gợi ý chiến tranh như thế đã đủ. Israel thì chưa quyết định sẽ làm gì.

Tình hình còn phức tạp, nhưng chỉ có một con đường sống còn.

Hoàng Ngọc Nguyên




 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top