Hoàng Ngọc Nguyên, CẢNH SÁT ĐỪNG ĐEO SÚNG NỮA!

CẢNH SÁT ĐỪNG ĐEO SÚNG NỮA!

Hoàng Ngọc Nguyên


 
Làm sao có thể nhầm được giữa súng dọa và súng thật?

Viên cảnh sát “anh hùng!”

Vụ án một nữ cảnh sát (Kim Potter) 48 tuổi, dày dạn kinh nghiệm 26 năm trong nghề, “lỡ tay” bắn chết một thanh niên da đen 20 tuổi (Daunte Wright) ở Brooklyn Center, ngoại ô thành phố Minneapolis, Min., vào ngày chủ nhật 1-4 sau khi cảnh sát chận xe của anh ta vì bảng số hết hạn, hẳn phải làm cho nhiều người suy nghĩ phải nhức đầu.

      Trưóc hết, người ta đã đủ nhức đầu về chuyện cảnh sát da trắng vẫn có thành kiến với người da đen và vẫn ưa dùng bạo lực với những người Mỹ gốc Phi mà họ quen chận hỏi, và người da đen nay lại xuống đưòng ào ạt phản kháng, và để cho trà trộn những phần tử bất hảo, bất lương, lợi dụng chuyện xuống đường để đập phá một số cửa hàng để hôi đồ, cướp của.

      Tháng tư này, cả nước Mỹ đã theo dõi một phiên tòa tại thủ phủ Minneapolis này đang xử tội một viên cảnh sát 45 tuổi, da trắng, to lớn, vạm vỡ, dùng đầu gối chẹn họng một người da đen đã bị đè nằm dưới mặt đường. George Floyd, 46 tuổi, kêu lên:“Tôi không thở được”, nhưng Derek Chauvin, viên cảnh sát, vẫn bình thản thọc tay vào túi và tiếp tục chẹn họng nạn nhân. Sau 9 phút 20 giây, Floyd tắt thở. Vụ án xảy ra vào tháng năm năm ngoái.

Phiên tòa kéo dài cả hai tuần đưa ra không biết bao nhiêu nhân chứng và chuyên viên giám định y khoa, cho ta thấy một điều: Chauvin lạm dụng quyển lực, làm chuyện chẳng những không cần thiết mà còn bất hợp pháp nhằm thị uy sức mạnh của một cảnh sát da trắng đối với một người da đen mà anh ta thực sự có biết. Anh ta có muốn giết Floyd hay không vì tư thù lại là chuyện khác nữa, nhưng người ta không nêu ra. Chauvin và Floyd từng làm bảo vệ tại câu lạc bộ El Nuevo Rodeo ở quận ba của Minneapolis. Báo chí từng nói hai người hẳn phải “biết nhau quá”, và có lẽ không ưa nhau! Chauvin đã làm cho club này đến 17 năm. Floyd chỉ làm bán thời gian vào mỗi tối thứ ba.

Floyd đang bị bắt giữ bên ngoài một cửa tiệm vì bị tố giác vừa dùng một giấy bạc giả trong tiệm đó. Bây giờ chúng ta không thể biết gì thêm về chuyện đó chỉ vì Chauvin “cạn nghĩ”. Ông ta có thể còng tay Floyd dễ dàng, và cảnh sát có thể mở cuộc điều tra, ít nhất về chuyện xài bạc giả này. Nhưng có lẽ “máu sát thủ” của ông ta nổi lên. Ông ta tên Chauvin, nên có thể có huyết thống “chauvinism” (độc tôn) trong người. Phía ông ta cũng có những người đứng ra bào chữa, họ nói chuyện dùng sức mạnh theo kiểu Chauvin là trong quyền hạn của cảnh sát, và Floyd có thể chết bất đắc kỳ tử mà lý do “không xác định được” (undetermined), hoặc bệnh tim mạch, hoặc vì ông ta nằm ngay chỗ khói xe thải ra.

Floyd đang được xem là một tượng đài “anh hùng”, cái chết của ông đã thúc đẩy phong trào tranh đấu của người da đen “Black Lives Matter”.

Duờng như nhiều người ở Mỹ vẫn không thấy cái chết là điều bất đắc dĩ cuối cùng mà người ta phải chịu vì không sao tránh được!

      Nạn bạo lực súng đạn (gun violence), không phải nơi thường dân mà ngay chính từ cảnh sát, đang được nói đến “rôm rả” hơn qua câu chuyện của Wright. Câu chuyện của Floyd xảy ra ở Minneapolis. Câu chuyện của Wright cũng xảy ra gần đó. Có huông chăng? Cảnh sát khu vực đó chẳng thắp hương, cũng chẳng rút ra được bài học gì cả để thận trọng hơn?

Wright, 20 tuổi, có con 2 tuổi, lái xe có bạn gái ngồi kế bên, bị cảnh sát thổi vì bảng số xe đã hết hạn. Cảnh sát cũng “khám phá” trong xe của anh ta, ở tấm kính chiếu hậu, có treo một tấm lọc khí (air freshener) - là một vi phạm luật giao thông ở tiểu bang Minnesota. Wright nhận được điện thoại của mẹ, và nói cho bà biết mình đang bị cảnh sát chận xe lại vì cái tấm lọc khí này. Trên các tờ New York Times, Wasghington Post... người ta nói rằng trong dư luận quần chúng da đen, có ý kiến một số tiểu bang “dựng” lên luật cấm đeo cái “air freshener” ở kính chiếu hậu vì lý do an toàn, nhưng thực sự chỉ là cái cớ để chận xe người ta lại. Vì sao Wright bị ngừng xe lại, đó là điều chưa mấy rõ ràng. Tuy nhiên, sau đó cảnh sát kiểm tra bằng lái của anh và biết anh ta đang bị truy nã vì đã không ra tòa năm ngoái vào tội có súng bất hợp pháp. Bởi thế cảnh sát mới tính còng tay bắt giữ anh ta. Thực sự, chúng ta cũng chưa hiểu tại sao khi anh ta không ra tòa, thì cảnh sát lại không làm ngay công việc truy bắt! Wright hẳn phải biết không ra tòa là phạm luật, nhưng tại sao anh ta cứ nhởn nhơ như thế?

Câu chuyện căng thẳng khi Wright không chịu để cho cảnh sát bắt. Anh ta bước trở lại xe và ngồi vào tay lái. Bà Kim Potter, một trong hai cảnh sát có mặt lúc đó, bèn rút súng ra - người kia là tân binh, đang học việc. Về sau bà nói bà tưởng bà rút cây Taser, là súng bắn để uy hiếp, cây súng theo qui luật để phía bên trái hông. Nhưng bà rút nhầm cây súng thật bên phải, vừa nặng hơn, vừa lớn hơn, bình thường cầm có thể biết ngay. Người ta còn nghe bà la: Taser! Taser! Taser! Nhưng sự thật bà đã rút cây súng thật. Bà chỉ bắn một phát, và la lên, “Chết thật. Tôi nhầm rồi”. Nạn nhân lái xe được một khúc, xe đâm vào đường, Wright đi đời trên tay lái.

Câu hỏi đặt ra là sự thực thực sự như thế nào. Làm sao một người có kinh nghiệm nghề nghiệp như bà Potter lại có thể không phân biệt được cây súng trong tay là “súng dọa” hay “súng thật”. Và bà có hiểu là Wright không có vũ khí trong người hay chăng? Bà có chủ ý hay không, hay hành động có cần thiết hay không? Bởi thế, bà Potter đã bị bắt vào ngày thứ tư 14-4, một ngày sau khi bà từ chức, và ông “xếp” của bà cũng rút lui. Bà bị truy tố vào tội ngộ sát cấp 2. Trong khi đó, người ta tức thì xuống đường hàng đêm, phần lớn là người đồng chủng với Wright, đòi thực hiện công lý. Bà mẹ của Wright nói không tin được câu chuyện bà Potter rút nhầm súng. Trong khi nói con trai mình là một thanh niên “gương mẫu” được bạn bè kính nể, bà không có lời giải thích về chuyện con trai mình phải ra tòa.

Ngày 16-4, dư luận lần nữa lại lắc đầu theo dõi một vụ cảnh sát bạo hành mới: một cảnh sát ở Chicago bắn chết một thiếu niên 13 tuổi ở một hẻm nhỏ tối tăm. Adam Toledo, đang còn học lớp 7, còn thích chơi Lego, hot wheels... Cậu ta chẳng có cây súng nào trên tay khi bị bắn. Có lẽ cậu bị Ruben Roman, một người lớn khoảng 21 tuổi, cũng lá dân Latino như cậu, rủ rê cầm súng đi dạo để làm cho hàng xóm sợ chơi. Trong khi viên cảnh sát chạy đuổi theo Toledo, cậu đã liệng cây súng qua hàng rào. Sau đó cậu ngừng lại như muốn đầu hàng, cảnh sát hô “thả xuống” (drop it) trong khi cậu đưa tay lên để cho thấy mình chẳng có vũ khí nào trên tay cả. Nhưng viên cảnh sát này bắn tức thì, một phát ngay ngực, với lý do sau này ông ta khai “để tự vệ”. Cậu chết tức thì.

Vấn đề là vụ án xảy ra ngày 29-3, đến hai ngày sau cảnh sát mới báo tin cho gia đình, và ngày 16-4 người ta mới công bố tất cả các đoạn phim ghi nhận đưọc, cho thấy Toledo đang đi với Roman trong mot xóm khá tối, bên ngoài một nhà thờ. Roman rút súng bắn vào môt cái đích  nào đó. Cảnh sát nghe tiếng súng nên chạy đến. Một người rượt theo Toledo và kết quả là cậu bị bắn chết. Sau đó, cảnh sat quay trở lại tìm Roman và bắt được anh ta.

Thực ra, bạo lực súng đạn ở Mỹ xảy ra như cơm bữa, người ta phải nói đó là “chuyện dài nhân dân tự vệ” (cho những ai còn nhớ đến Saigon của chúng ta trước năm 1975). Chúng ta cần phân biệt giữa hai chuyện, chuyện nào cũng có những uẩn khúc chính trị-xã hội phức tạp. Đó là bạo lực cảnh sát da trắng thường quen thuộc dành cho người da đen, và bạo lực bắn giết bừa bãi vào đám đông, người Mỹ gọi là “mass shooting”. Trường hợp “mass shooting”, thủ phạm thường là kẻ điên, kẻ ác, bất mãn, tuyệt vọng – và da trắng. Trường hợp cảnh sát da trắng mạnh tay dùng bạo lực với ngưòi da đen thì sao?

Trong tháng tư, sau vụ Adam Toledo, còn có câu chuyện cô Ma’Khia Bryant, 16 tuổi, bị cảnh sát Columbus, Ohio, bắn chết ngày 20-4, mặc dù chính cô là người gọi 911.  Khi cảnh sát đến, cô gái da đen này đang cầm dao xỉa xói với hai người trong cùng một nhà nuôi trẻ mồ côi, cãi nhau về chuyện không làm việc nhà. Cô không bỏ dao xuống mà còn lao vào một phụ nữ, bà này ngã xuống mặt đất. Một cảnh sát tức thì nổ súng, và Ma’Khia chết ngay tức thì. Cành sát đã tuúc thì công bố những thước phim tứ bodycam (body camera) cua cành sát để  giai rthich đây là chuyện “chẳng đặng đứng”, nhưng người ta nói là cô Brytant này không tiến đến phía cảnh sát, và canh sat có thể bắn cô vào tay, vào chân hay nổ súng chỉ để thị uy.

Ngày 21-4 lại có một vụ khác ở Elizabeth City, North Carolina. Cảnh sát đã bắn chết  Andrew Brown Jr., 42 tuổi, khi họ đến nhà ông với một lệnh khám xét liên quan đến chuyện tàng trữ ma túy (search warrant). Tuy nhiên, lại có tin đây là một lệnh bắt giữ nghi can (arrest warrant). Toán cảnh sát này có đến cả chục người. Câu chuyện kết thúc khi Brown lên xe bỏ chạy, và cả đám cảnh sát bắn theo. Một cảnh sát đã nhắm thẳng vào ông bắn nhiều phát, Brown chết trên tay lái và xe tông vào một cây ở hàng rào. Cảnh sát đến cuối trưa thứ hai 26-4 mới cho gia đình xem một đoạn phim bodycam (body camera, máy thu hình đặt trên người) vỏn vẹn 20 giây, và phía gia đình nạn nhân đã nói giống như một vụ xử bắn (execution) và cách công bố đoạn phim này thật thiếu văn hóa. Brown đã bị bắn ở phía sau đầu. Luật sư của Brown ngày 27-4 đã họp báo để nêu câu hỏi: tại sao bao nhiêu cảnh sát lại đồng loạt bắn tới tấp vào nghi can thay vì nhắm vào xe - bánh xe chẳng hạn...  Nhưng có điều chắc là Brown không có vũ khí và cảnh sát đã không tìm ra ma túy nào được cất dấu, tàng trữ trong nhà. Chẳng phải vô cớ mà bày cảnh sát dính líu trong vụ này bị ngưng công tác, và hai người đã xin thôi việc. 

Ngày 21-4, bồi thẩm đoàn trong vụ án “chèn cổ” đã đưa ra phán quyết cuối cúng: trong cái chết của George Floyd, cảnh sát viên Derek Chauvin đã có tội trong ba cáo buộc ngộ sát và mưu sát cấp 3. Người ta thở phào không chỉ vì sự đúng đắn và can đảm trong phán quyết của bồi thẩm đoán 12 người, mà còn vì nhờ thế đưòng phố mới im lặng, không còn những cuộc xuống đường “Black Lives Matter” vì cái chết của Floyd nữa. Xem bức hình Chauvin đè cỗ Floyd, chúng ta phải để ý đến sự khác lạ trong ánh mắt của cảnh sát viên này, không chỉ có sự thù ghét mà cả vẻ đắc thắng hiện rõ. Tổng thống Biden cuối cùng cũng đã lên tiếng: “Đây là một vụ giết người công khai giữa thanh thiên bạch nhật, đúng như lời Phó Tổng thống vừa nói, phán quyết đã giật tung tất cả những màn che để cho cả thế gìới nhìn thấy nạn kỳ thị chủng tộc có tính hệ thống - vốn là một vết nhơ trong linh hồn đất nước chúng ta; đầu gối lên cổ của công lý cho người Mỹ da đen; sự sợ hãi và tổn thương sâu sắc, sự đau đớn, vô vọng mà người Mỹ da đen và da nâu đã chịu đựng mỗi một ngày”.

Ông Biden đã xem phán quyết này là một bước vĩ đại (giant step) tiến đến công lý cho người da màu ở Mỹ.

Đó là phát biểu can đảm nhất từ một tổng thống Mỹ. Hợp thời chính trị nhất hiện nay!

Nhưng vấn đề đương nhiên không đơn giản!

Nhiều người da đen vẫn nghĩ rằng cảnh sát da trắng chỉ là một khí giới, một công cụ cho khối quần chúng da trắng kỳ thị và thù nghịch!

Nhiều người da trắng vẫn xem người da đen như thuở xưa: không thể tự lập, quen kiếp nô lệ và có nhiều tật xấu chôm chỉa nhỏ, gia đạo thì không bình yên, do đó cần phải kềm kẹp và canh chừng (Cảnh sát hễ thấy người da đen lái xe là thổi còi, lỗi gì tinh sau!).

 Để giải quyết mối quan hệ xấu giữa hai bên, chúng ta cần nhiều thời gian cho hai bên có thể tìm cách đối thoại và thỏa hiệp.

Nhưng ở nước Mỹ người ta không có thời giờ cho việc lâu dài - người ta vừa hoang phí thời gian vừa không đù ý thức về sự hoang phí này.

Chưa kể thời gian là điều kiện ắt có nhưng không đủ.

Đủ là con tim và khối óc!

Hoàng Ngoc Nguyên

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top